“Vua Hùng đâu cần mâm cao cỗ đầy, lễ phẩm ngập ngụa, Vua Hùng ưa tấm lòng lương thiện, thương dân yêu nước.
Chiếc bánh dày hơn 2 tấn dâng hương trong lễ hội cầu phúc ở đền Độc Cước, Thanh Hóa, dịp Tết năm ngoái. (Hình: Báo điện tử Dân Trí)
THANH HÓA, Việt Nam (NV) – Hôm 24 Tháng Hai, tin cho hay Ủy Ban Nhân Dân thành phố Sầm Sơn vừa gửi công văn đề xuất dâng bánh dày kỷ lục Sầm Sơn lên đền Hùng nhân dịp giỗ tổ Hùng Vương năm 2018. Dự kiến, chiếc bánh có trọng lượng hơn 3 tấn, làm từ gạo nếp, sẽ được rước lên đền Hùng vào đúng ngày giỗ tổ Hùng Vương, 25 Tháng Tư (10 Tháng Ba Âm lịch).
Báo điện tử Dân Trí tường thuật: “Thành Ủy Sầm Sơn đã đồng ý về việc dâng bánh dày kỷ lục Sầm Sơn lên đền Hùng nhân dịp giỗ tổ Hùng Vương. Ông Phạm Đăng Quyền, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất này.”
Dịp Tết Đinh Dậu năm 2017, thành phố Sầm Sơn từng làm một chiếc bánh dày nặng hơn 2 tấn “để dâng hương” trong lễ hội cầu phúc tại đền Độc Cước ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. Báo Dân Trí mô tả: “Đây là một hoạt động tâm linh nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an tại lễ hội cầu phúc đền Độc Cước.”
Đáng lưu ý, Thanh Hóa là một trong các địa phương được nhận gạo cứu đói dịp Tết Mậu Tuất vừa qua. Theo báo điện tử VNExpress, ngày 8 Tháng Hai, tức ngày 23 Tết, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành quyết định xuất cấp gần 12,000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để trợ giúp khoảng 790,000 người nghèo tại 18 tỉnh, trong đó Thanh Hóa được nhận khoảng 678 tấn gạo.
Trả lời Nhật báo Người Việt hôm 24 Tháng Hai, nhà hoạt động Lê Văn Sơn, cựu tù nhân lương tâm, nói: “Được biết, trong vòng 5 năm trở lại đây, năm nào Thanh Hóa cũng có văn bản gửi trung ương xin hỗ trợ gạo cứu đói trong dịp Tết Nguyên Đán. Năm 2015, Thanh Hóa xin trợ giúp tới 934,155 tấn gạo, năm 2014 xin hơn 500 tấn gạo.”
“Thanh Hóa là một tỉnh nghèo, đông dân nhất tại Việt Nam, năm nào cũng xin cứu đói. Thế nhưng, năm nào tỉnh này cũng có những bày vẽ những lễ hội lãng phí, trong khi người dân thì đói khổ.”
“Lẽ ra kinh phí để làm bánh chưng hay bánh dày thì nên để giúp dân nghèo khổ, tạo ra công việc cho người dân. điều đó chính là lễ phẩm quý giá nhất cung tiến cho vua Hùng.”
“Vua Hùng đâu cần mâm cao cỗ đầy, lễ phẩm ngập ngụa, Vua Hùng ưa tấm lòng lương thiện, thương dân yêu nước. Đã đến lúc người dân Việt Nam cần xem lại văn hóa lễ hội, đã đến lúc tư duy lãnh đạo cần phải thay đổi hoàn toàn để điều hành hệ thống cấu trúc quốc gia. Có như thế mới mong đất nước thay đổi, có như thế vua Hùng và các tiền nhân mới hài lòng.”
Trong một diễn biến khác, hôm 21 Tháng Hai, báo Tuổi Trẻ đưa tin, Hiệp Hội Du Lịch tỉnh Nghệ An chỉ dâng hương, hoa lên khu mộ bà Hoàng Thị Loan, mẹ của ông Hồ Chí Minh, vào sáng mùng 6 Tết, “chứ không làm lễ dâng bánh chưng nặng 7 tạ như các năm trước.” Tờ báo dẫn lời ông Nguyễn Đức Hiển, chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch tỉnh Nghệ An nói sự thay đổi này là do “tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Sở Văn Hóa – Thể Thao và ý kiến đóng góp của người dân.” (T.K.)