Thoạt nghe chúng ta không thể nào tưởng tượng ra có một câu hô hào, một khẩu hiệu tệ hại đến mức như vậy.
Thương binh VNCH tại một buổi “Tri ân các ông thương binh” tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn. (Hình: chungnhan.org)
Thoạt nghe chúng ta không thể nào tưởng tượng ra có một câu hô hào, một khẩu hiệu tệ hại đến mức như vậy. Thương phế binh, dù ở phía nào, thì cũng khổ đau, bất hạnh như nhau. Chúng ta thường nghe, thường hiểu những khẩu hiệu đả đảo cường quyền, đả đảo xâm lược, đả đảo độc đảng,… nhưng chưa bao giờ ai nghe những lời đả đảo dành cho người què cụt, mù lòa đang sống ở những bước đường cùng trong những ngày cuối cùng.
Câu chuyện xảy ra tại Dòng Chúa Cứu Thế, 38 Kỳ Ðồng, Sài Gòn, tuần rồi, khi các lực lượng giấu mặt tung ra một truyền đơn kêu gọi dân chúng “phản đối Dòng Chúa Cứu Thế ở 38 Kỳ Ðồng, trong hoạt động tri ân thương phế binh VNCH,” và truyền đơn này được đọc trước sân nhà thờ.
Chúng ta cũng biết chương trình tri ân thương phế binh VNCH được tổ chức hàng năm tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, bắt đầu từ năm 2013. Số thương binh được giúp đỡ từ 5 năm nay đã lên đến con số 6-7 nghìn. Các thương binh được khám bệnh, phát thuốc, cấp xe lăn và có những món quà do các nhà hảo tâm giúp đỡ, với sự quan tâm săn sóc của các bác sĩ, linh mục tại đây.
Từ lâu nay, công an chế độ này làm khó khăn, ngăn cản, xét hỏi những nhà hảo tâm và các thương binh đến tham dự chương trình giúp đỡ này, nhưng đây là lần đầu, tại chỗ, có người công khai đọc bản văn truyền đơn, một truyền đơn kể tội thương phế binh VNCH, mà tệ hại nhất là truyền đơn không có xuất xứ, không ký tên, như một hành động loại ném đá giấu tay rất đáng xấu hổ.
Khởi đầu truyền đơn là một đoạn văn ca tụng sự đoàn kết dân tộc, chính sách hòa hợp, hòa giải của đảng Cộng Sản, lên án thái độ của một số linh mục và giám mục về những bất đồng với đường lối nhà nước trong thời gian qua. Nội dung chính của bản truyền đơn là công khai mạ lỵ và xúc phạm đến những người thương binh VNCH với loại ngôn ngữ “tụt quần, cởi áo,” “bán nước,” “lính đánh thuê,” và lên án họ là những người đã “cắt đầu, đóng đinh, bêu đầu” người khác. Câu văn này khiến người nghe không khỏi liên tưởng đến “danh ngôn đánh thuê,” “đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc” được khắc trên cổng chào đền thờ Lê Duẫn, và một thời quê hương đẫm máu với những cảnh “cắt cổ, mổ bụng, thả trôi sông” thời Việt Minh Cộng Sản!
Bản truyền đơn cũng thêm một điều vô lý khi cho rằng, Dòng Chúa Cứu Thế tổ chức tri ân thương phế binh VNCH chỉ sau một tuần ngày lễ kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ CSVN là một “xúc phạm đến anh hùng, liệt sĩ, bộ đội của Cộng Sản!”
Trong truyền đơn “đả đảo thương phế binh VNCH,” Cộng Sản cho rằng chương trình cứu trợ thương binh là ép buộc và dối trá. Ðã từng làm việc với một tổ chức từ thiện như Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH tại Hoa Kỳ, chúng tôi thấy các hồ sơ thương binh đều rõ ràng minh bạch, giấy trắng mực đen, từ tên tuổi, căn cước, hình ảnh, đơn vị đến thương tật đều có giấy tờ chứng minh, luôn có cả địa chỉ nơi cư ngụ, điện thoại để tiếp xúc điều tra hay minh xác. Thương binh tự động viết thư tường trình hoàn cảnh của mình để xin giúp đỡ, cũng không cần phải có cơ quan, đảng bộ giới thiệu như trong chế độ Cộng Sản.
Trong một xã hội tự do như Hoa Kỳ việc bác ái là do lòng tốt và tự nguyện của người giúp đỡ, hoàn toàn không có ai bắt buộc, dọa nạt ai như chuyện phường khóm hay công an khu phố đi gõ cửa, thu góp từng nhà, nửa dọa nạt, nửa xin xỏ, không có không được! Xin đừng như con ếch nhìn bầu trời qua miệng giếng, lấy cung cách hoạt động của xã hội qua con mắt hạn hẹp của mình mà chụp mũ, đánh giá sai lầm chuyện của người khác.
Chế độ Cộng Sản trong nước luôn luôn đưa ra chiêu bài hòa hợp, hòa giải, quên đi quá khứ, xóa bỏ hận thù để chiêu dụ người Việt nước ngoài, nhưng thực tâm, lòng chưa nguôi ngoai thù hận, nhất là về sau, càng ngày hình ảnh người lính VNCH càng sáng tỏ trong ý nghĩ và tâm tưởng của người Việt Nam, cả bên thua cũng như bên thắng.
Do vậy, những chương trình cứu giúp thương phế binh VNCH từ trước đến nay tại hải ngoại, nhất là những chương trình ca nhạc ngoài trời “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH” do Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH, đài truyền hình SBTN, và Trung Tâm Asia tổ chức, đều không tránh khỏi sự xuyên tạc, đánh phá của những thành phần tay sai Cộng Sản trên đất Mỹ. Sự đánh phá, mạ lỵ nhiều lúc phải làm cho những người tổ chức phải có lần nản lòng, bật khóc như trường hợp của bà Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, chủ tịch hội, mà nay không còn nữa.
Tuy là một chương trình từ thiện, nhưng việc gây quỹ giúp thương phế binh VNCH có tác động chính trị. Một chiếc vé vào cửa, một tờ giấy bạc giúp thương binh được xem như là một lá phiếu vinh danh người lính VNCH, cũng có nghĩa là vinh danh chế độ VNCH, một chế độ mà hiện nay những người thắng cuộc luôn luôn muốn tẩy xóa, bôi bẩn hình ảnh. Càng ngày người ta càng có sự so sánh giữa hai chế độ, giữa hai người lính và giữa hai lối hành xử với hạnh phúc của người dân.
Chế độ Cộng Sản trong nước không thể làm gì với được với thái độ người Việt ở hải ngoại, nhưng ở trong nước chính quyền sao chịu để yên với những chuyện như cây gai nhọn đâm vào mắt, khi quần chúng còn muốn vinh danh, tri ân người lính VNCH qua các hoạt động của các cơ sở tôn giáo như chùa Liên Trì hay nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn.
Những hoạt động này cũng đánh động đến mối cảm xúc của thương binh của xã hội chủ nghĩa. Trong chiến tranh, VNCH có 300,000 người lính tử trận mà có đến 1,170,000 thương binh (1 tử trận /6 thương binh), trong khi miền Bắc có 1.1 triệu bộ đội chết mà chỉ có 600,000 thương binh (1 tử trận/2 thương binh).
Quân sử đã ghi nhận Bắc Việt không có phương tiện di tản thương binh, xa hậu cần và hầu hết thương binh đều phải bỏ lại chiến trường, để giữ chiến thuật đánh mạnh, rút nhanh. Ngày nay, trong khi đảng và chính phủ giàu sang tột đỉnh, thương binh Cộng Sản cũng sống trong những điều kiện thiếu thốn cơ cực, có chăng như những bà “Mẹ Liệt Sĩ” được đảng vinh danh, tặng ảnh chân dung “bác Hồ” để mẹ ngồi ngắm cho qua cơn đói!
Nhưng đánh đến cùng với những con người, dù ở bên kia chiến tuyến, mà ngày nay chỉ còn cây nạng gỗ, chiếc xe lăn, không còn tay, mà chẳng còn chân, cũng có khi không còn đôi mắt, là một thái độ hạ tiện, khốn nạn của những kẻ đã từng rêu rao một thời là những con người của lương tri, trí tuệ có đời sống “nhân văn,” “sống với nhau có nghĩa có tình…”
Rõ ràng là các anh đang sợ, nhưng biết sợ cũng là một thái độ tri thức.