Giới phân tích chính trị không biết, đã đành. Ngay cả giới làm chính trị, đặc biệt những người đang nắm quyền ở các quốc gia lớn, với đầy tin tức tình báo trong tay, cũng không thể biết được.
Mỗi lần gặp bạn bè hay người quen, trong các cuộc nói chuyện gẫu, đề tài tôi thường nghe nhất là chuyện chính trị Việt Nam; và trong đề tài ấy, câu hỏi tôi thường nghe nhất là: Bao giờ thì chế độ toàn trị sụp đổ và/ hoặc bao giờ thì Việt Nam có dân chủ? Nếu câu hỏi trực tiếp nhắm vào tôi, không thể im lặng được, câu trả lời của tôi bao giờ cũng là: Không biết.
Mà thật ra thì không ai biết cả. Giới phân tích chính trị không biết, đã đành. Ngay cả giới làm chính trị, đặc biệt những người đang nắm quyền ở các quốc gia lớn, với đầy tin tức tình báo trong tay, cũng không thể biết được. Nếu chính trị là một nghệ thuật của cái khả dĩ (politics is an art of the possible) như Otto von Bismarck đã nói, việc tiên đoán một cách chính xác các diễn biến chính trị gần như là một điều bất khả.
Liên quan đến Việt Nam, có mấy điều chúng ta có thể biết chắc chắn là:
Thứ nhất, thế nào Việt Nam cũng có dân chủ. Vấn đề chỉ là thời gian. Dân chủ là xu hướng chung của cả nhân loại. Trong vòng bốn mươi năm vừa qua, đã có trên 80 quốc gia từ toàn trị tiến dần đến dân chủ, hoặc hoàn toàn dân chủ hoặc chỉ một phần dân chủ. Lý do cũng rất dễ hiểu.
Một, chế độ toàn trị, chuyên chế và độc tài nào cũng sớm già cỗi và mục nát. Ở các chế độ dân chủ, việc tuyển chọn giới lãnh đạo thay đổi theo nhiệm kỳ, do đó, giống như cơ thể thường xuyên được thay máu, hết người này đến người khác; hơn nữa, họ được dân chúng chọn lựa qua các cuộc bầu cử tự do nên ít nhiều đều xứng đáng: Nếu họ không phải là lãnh tụ giỏi nhất trong lịch sử thì ít nhất cũng là người giỏi nhất trong những người cùng chạy đua với họ, nghĩa là những người thuộc thế hệ của họ. Ở các nước độc tài thì khác: Họ được chọn lựa chủ yếu theo tiêu chuẩn hoặc dòng tộc hoặc phe nhóm. Không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy, dưới các chế độ độc tài, giới lãnh đạo càng lúc càng yếu kém. Nhìn vào đảng Cộng sản Việt Nam thì thấy ngay. Trong giới lãnh đạo, những người thuộc thế hệ đầu tiên, từ Hồ Chí Minh đến Lê Duẩn và Trường Chinh đều ít nhiều có khả năng; từ Nguyễn Văn Linh trở đi, càng ngày họ càng kém. Đỗ Mười kém. Lê Khả Phiêu càng kém. Nông Đức Mạnh lại càng kém. Nguyễn Phú Trọng không hề chứng tỏ là khá hơn Nông Đức Mạnh. Giới lãnh đạo già cỗi không phải vì càng ngày càng kém tài mà còn vì họ rất dễ sa vào tham nhũng. Và vì cả hai lý do ấy, càng ngày họ càng xa rời quần chúng. Càng xa rời quần chúng, họ lại càng trở thành yếu ớt. Thời hiện đại, tuổi thọ cao nhất của các chế độ độc tài và chuyên chế là 74 năm (chế độ cộng sản ở Liên Xô, 1917-1991). Hai, chế độ chuyên chế và độc tài sớm sụp đổ còn vì những thay đổi trong xã hội. Trình độ dân trí cao, thu nhập cao và xu hướng thành thị hoá là những kẻ thù của chuyên chế. Trừ những quốc gia giàu có vì dầu khí, không có quốc gia giàu có nào là hoàn toàn chuyên chế cả. Với hai lý do vừa nêu, việc Việt Nam, một ngày nào đó, được dân chủ hoá gần như là một điều tất yếu.
Thứ hai, mặc dù chúng ta không thể biết được lúc nào Việt Nam có dân chủ, chúng ta cũng có thể biết quá trình dân chủ hoá ở một quốc gia độc tài và nhỏ như Việt Nam thường xảy ra theo một trong ba trường hợp.
Một là do sức ép từ bên ngoài. Trong bài “Bao nhiêu ý dân thì đủ?”, nhà văn Phạm Thị Hoài kể bản Hiến pháp ở Đức năm 1949 được soạn thảo dưới sự giám sát ngặt nghèo của các Thống đốc Quân sự Anh, Pháp và Mỹ: “Bản hiến pháp được coi là hoàn hảo nhất trong lịch sử nước Đức ấy không do ý nguyện dân chủ từ dưới lên sinh ra, mà do ý chí chính trị từ trên xuống, thậm chí với áp đặt từ các thế lực ngoại bang.” Bản Hiến pháp năm 1946 (bổ sung năm 1947) của Nhật lại càng đặc biệt: Lúc ấy chiến tranh thế giới lần thứ hai vừa kết thúc, Nhật nằm dưới sự cai quản của Lực lượng Đồng minh. Tướng Douglas MacArthur, người chỉ huy lực lượng đồng minh, đã ra lệnh cho nhóm tuỳ viên của ông soạn thảo bản Hiến pháp cho Nhật thời hậu chiến. Hai mươi bốn người Mỹ, cả quân sự lẫn dân sự, chỉ trong vòng một tuần, đã hoàn tất bản thảo. Sau đó, nó được Quốc Hội Nhật thông qua với vài thay đổi nho nhỏ. Dù vậy, cho đến nay, Hiến pháp Nhật vẫn được xem là một trong những bản hiến pháp tiến bộ nhất thế giới.
Hơn nữa, nó còn là nền tảng vững chắc nhất của nền dân chủ tại Nhật. Có thể nói, ở cả Đức lẫn Nhật, sau đệ nhị thế chiến, dân chủ chủ yếu đến từ bên ngoài.
Hai là sự xuất hiện của một Gorbachev, nghĩa là một nhà lãnh đạo sáng suốt, can đảm, biết nghĩ đến tương lai của đất nước hơn là những quyền lợi trước mắt của bản thân hoặc của đảng phái mình. Các lý thuyết gia Mácxít hay nói đến sức mạnh của quần chúng, cho chỉ có quần chúng mới thay đổi được lịch sử, tuy nhiên, trong lịch sử chế độ Cộng sản, cả việc hình thành lẫn việc kết thúc đều nằm trong tay của một số cá nhân: Ở Nga, nó bắt đầu với Lenin và Stalin rồi kết thúc với Gorbachev và Yeltsin. Chúng ta có thể hy vọng, nếu ở Việt Nam xuất hiện một lãnh tụ giống Gorbachev, vận mệnh của Việt Nam chắc chắn sẽ đổi khác hẳn. Đó là sự thay đổi từ bên trong. Trong nội bộ đảng Cộng sản.
Và ba là sự xuất hiện của một cái gì tương tự như mùa xuân Ả Rập (Arab Spring), tức sự nổi dậy của quần chúng đã làm sụp đổ hàng loạt các chế độ độc tài kéo dài cả mấy chục năm ở Tunisia, Ai Cập, Libya và Yemen; và làm lung lay nhiều chế độ chuyên chế khác ở Syria, Algeria, Jordan, Kuwait và Sudan. Các cuộc nổi dậy này có mấy đặc điểm: hoàn toàn mang tính tự phát; do dân chúng tạo nên chứ không có bất cứ một tổ chức nào phía sau cả; thậm chí, chúng cũng không có cả người lãnh đạo; cuối cùng, chúng hoàn toàn bất ngờ: ngay cả giới lãnh đạo và tình báo Tây phương cũng đều không thể đoán trước được. Do tính chất tự phát và bất ngờ ấy, không ai có thể dám chắc là những gì đã xảy ra ở Trung Đông và Bắc Phi vào cuối năm 2010 và đầu năm 2011 sẽ hoặc sẽ không thể xảy ra ở Việt Nam. Ranh giới giữa cái sẽ và sẽ không ấy rất mong manh.
Thứ ba, phân tích ba trường hợp trên, chúng ta có thể đoán, dĩ nhiên một cách khá mơ hồ, quá trình dân chủ hoá tại Việt Nam.
Đầu tiên, chúng ta cần loại trừ ngay trường hợp thứ nhất. Việt Nam hiện nay không có chiến tranh và nếu có chiến tranh, có lẽ chỉ có chiến tranh với Trung Quốc. Dù thắng hay thua trận, cũng sẽ không có một siêu cường dân chủ nào giúp Việt Nam viết lại hiến pháp để thừa nhận chế độ dân chủ cả như những gì đã xảy ra tại Đức hoặc tại Nhật sau Đệ nhị Thế chiến.
Trường hợp thứ hai có thể sẽ xảy ra, nhưng nếu xảy ra, cũng không hy vọng gì thành công. Lý do chính: chắc chắn Trung Quốc sẽ can thiệp. Khi Trung Quốc chưa chấp nhận dân chủ trong nước họ, chắc chắn họ cũng sẽ không thể chấp nhận việc đảng Cộng sản Việt Nam tự giải thể hoặc cho phép sự xuất hiện của các đảng phái đối lập để dân chủ hoá trước Trung Quốc. Mà việc can thiệp của Trung Quốc đối với tình hình chính trị Việt Nam, hầu như ai cũng biết, rất dễ dàng. Bởi vậy, có thể nói, theo cách này, Việt Nam chỉ có thể dân chủ hoá nếu Trung Quốc đã được dân chủ hoá. Việt Nam lúc nào cũng là một kẻ đi sau đàn anh. Nhưng khả năng dân chủ hoá của Trung Quốc lại không có gì chắc chắn cả. Có thể năm năm. Có thể mười năm. Có thể mười lăm năm. Giới bình luận quốc tế tiên đoán: Có lẽ sẽ không quá mười lăm năm. Nhưng dù sao đó cũng là một quãng thời gian dài. Ít nhất so với một đời người.
Trường hợp thứ ba, sự nổi dậy của dân chúng, tránh được nguy cơ can thiệp của Trung Quốc. Trung Quốc có thể trấn áp một lãnh tụ muốn cải cách triệt để nhưng chắc chắn không thể và không dám can thiệp để trấn áp quần chúng Việt Nam đang xuống đường đòi dân chủ. Nhưng lúc nào ở Việt Nam mới có một cuộc nổi dậy dữ dội như ở Tunisia, Ai Cập, Yemen và Libya? Không ai có thể biết được. Nhưng tiền đề đã có: sự bất mãn của quần chúng. Sự bất mãn ấy vốn thường âm ỉ sôi sục dưới mọi chế độ độc tài, kể cả ở Việt Nam. Vấn đề là cần có một mồi lửa để làm cho sự bất mãn ấy bùng nổ. Mồi lửa ấy ở Ai Cập là việc cảnh sát đánh chết một thanh niên hiền lành và vô tội, hơn nữa, việc hình ảnh nạn nhân nhanh chóng được chuyền đi qua mạng lưới internet. Chúng ta có thể tưởng tượng: nếu việc tự thiêu của bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ của Tạ Phong Tần, vào ngày 30/7/2012, thay vì diễn ra ở Bạc Liêu lại diễn ra tại Sài Gòn, ngay trước toà án, nơi con gái bà bị xét xử một cách oan ức và tàn bạo, trước cả hàng chục ống kính của các phóng viên quốc tế và quốc nội, kể cả của các blogger độc lập, tình thế có thể sẽ đổi khác. Hoặc, trong tương lai, chỉ cần một công an thô bạo nào đó đánh quá tay một người biểu tình, ngay trước mắt giới truyền thông, ngọn lửa phẫn uất có thể sẽ bùng cháy mạnh mẽ. Tất cả những điều đó, không ai có thể đoán trước được.
Đối với trường hợp thứ hai, điều kiện của dân chủ ở Việt Nam là một nền dân chủ ở Trung Quốc; đối với trường hợp thứ ba, điều kiện của dân chủ là: một, cách suy nghĩ mang tính chiến lược của những người đấu tranh cho dân chủ; và hai, một tình huống bất ngờ, với những hình ảnh cụ thể, có thể gây phẫn nộ trong quần chúng. Như những mồi lửa.