Sáng Thứ Năm, 31 Tháng Giêng 2013, Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện Liên Bang Hoa Kỳ nhóm họp để cứu xét lời đề cử của Tổng Thống Barack Obama chọn ông Cựu Thượng Nghị Sĩ Chuck Hagel làm tổng trưởng quốc phòng.
Cựu Thượng Nghị Sĩ Chuck Hagel tại buổi điều trần ở Ủy Ban Quân Lực Thượng Viện. (Hình: Alex Wong/Getty Images)
Từ chiều hôm trước các nhân viên làm việc trong ủy ban đã bảo nhau có thể đoán biết chuyện gì xảy ra ngày hôm sau: các vị nghị sĩ Dân Chủ sẽ hết lời ngợi khen ông Hagel trong lúc những ông bà thượng nghị sĩ Cộng Hòa sẽ nhìn ông chính trị gia cùng đảng “với cặp mắt đằng đằng sát khí” trước khi đặt những câu hỏi “hóc búa” nhất.
“Nói thế thì hơi quá,” một nhân viên của Văn Phòng Trưởng Khối Thiều Số chia sẻ với những nhà báo đứng ngóng tin, nhưng cũng bảo thêm “rõ ràng chẳng có vị nghị sĩ Cộng Hòa nào ưa ông ta cả.” Vẫn ông nhân viên này cho biết bên Cộng Hòa “lịch sự không muốn lên tiếng chê bai ông Hagel trước mặt mọi người, nhưng chắc chắn họ sẽ chống đối, không chấp nhận ông ta làm tổng trưởng quốc phòng.”
Chỉ bỏ ra chừng nửa giờ đồng hồ ở hành lang Thượng Viện thì thấy rõ chuyện ngay. Ông Hagel là người của đảng Cộng Hòa được vị tổng thống Dân Chủ chọn giữ một vai trò quan trọng trong chính phủ, nhưng phía Cộng Hòa không vui với sự chọn lựa này. Lý do thật dễ hiểu: các vị dân cử Cộng Hòa không xem ông Hagel là người của phe mình.
Ðiều họ chưa quên là trong khoảng thời gian từ 2006 đến 2008, ông thượng nghị sĩ đại diện cho tiểu bang Nebraska liên tục lên tiếng chỉ trích Tổng Thống George W. Bush, đã thế còn kết hợp với 3 thượng nghị sĩ Dân Chủ là các ông Joseph Biden, John Kerry và Barack Obama để chê bai chính sách ngoại giao lẫn quốc phòng ông Bush cho thực hiện. Tệ nhất là trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ The Washington Post, ông Hagel đưa ra phát biểu với nội dung cho rằng ông Bush là người tạo ra cuộc suy thoái kinh tế, ông Bush đẩy quốc gia đến chỗ nợ nần vì sai làm khi mở cuộc chiến Iraq. Trong cuộc phỏng vấn này ông Hagel so sánh ông Bush “còn tệ hơn ông Herbert Hoover,” người bị sử sách Hoa Kỳ chê trách là vị tổng thống kém cỏi nhất vì đẩy quốc gia đến chỗ lụn bại kinh tế.
Không cần phải đợi đến khi nghe những câu hỏi hóc búa của các nghị sĩ Cộng Hòa đặt ra với ông Hagel trong cuộc điều trần kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, mọi người đều đoán biết trước không khí sẽ rất căng thẳng, hay nói đúng hơn, thật nặng nề. Chẳng ai quên được chuyện giữa Tháng Giêng, Thượng Nghị Sĩ Roger Wicker của tiểu bang Mississippi và ông Hagel gặp nhau, sau đó ông Wicker cho nhân viên trong văn phòng biết “không thể chấp nhận những lời giải thích ông ta (Hagel) đưa ra với tôi về quan điểm của ông ta đối với Iran.” Ông Wicker giải thích “điều tôi lo âu nhất là chỉ trong vòng 1 tuần lễ, ông Hagel thay đổi quan điểm biết bao nhiêu lần, cứ thấy dư luận chỉ trích là ông ta thay đổi quan điểm ngay.”
Cũng vẫn ông Wicker nói về bạn đồng viện cùng đảng “tôi kính phục ông ta về những hành động dũng cảm khi phục vụ trong quân đội, nhưng tôi không thể chịu được cảnh ông ta thay đổi quan điểm thật nhanh, chỉ để hy vọng sẽ được Thượng Viện thông qua để làm tổng trưởng quốc phòng. Ðó là lối làm việc của người thiếu trách nhiệm, không phải là lối làm việc của người điều hành quân đội, chẳng ích lợi gì cho đất nước.”
Ðâu chỉ mỗi mình ông Wicker, ông John McCain cũng thẳng thừng lên tiếng chê bai người mà ông gọi là “ông bạn cũ.” Ông McCain thường xuyên kể lại cho mọi người chuyện ông từng ngồi “lặng người nghe ông Hagel đưa ra lời phát biểu kỳ quái.” Ông Hagel nói gì để chính trị gia từng đại diện đảng Cộng Hòa ra tranh cử tổng thống hồi 2008 phải lên tiếng chỉ trích nặng lời như thế? “Ông ta bảo quyết định đưa thêm quân vào Iraq mà Tổng Thống Goerge W. Bush mới loan báo là một trong những sai lầm lớn nhất trong quân sử của nước Mỹ.”
Không chỉ chê bai ngấm ngầm, một số nghị sĩ Cộng Hòa còn công khai lên tiếng chỉ trích ông Hagel. Trong bài viết đăng trên tờ The Wall Street hôm thứ Tư tuần này, Thượng Nghị Sĩ John Barrasso của tiểu bang Wyoming gọi ông Hagel “là người thích sinh sự,” thường đưa ra những lời phát biểu “sỉ nhục” người khác. Một thí dụ thường được các vị thượng nghị sĩ nói đến là chuyện ông gọi ủng hộ Israel là “bọn vận động hành lang lung lạc Quốc Hội.”
Thượng Nghị Sĩ Bob Corker của tiểu bang Tennessee đưa ra một vấn đề khác: ông Hagel là người nóng tính, “không thể điểu khiển một bộ, một cơ quan hay một cơ cấu quan trọng như Ngũ Giác Ðài với 24,000 nhân viên.” Trong cuộc phỏng vấn của đài truyền hình ABC, ông Corker cho hay “nhiều nhân viên cũ của ông Hagel đã lên tiếng nói về ông sếp cũ của họ, kể cho mọi người biết lối làm việc của ông ta và cách ông ta đối xử với họ.” Ðiều này được thể hiện rõ nhất hồi 2005, khi gần phân nửa nhân viên của ông Hagel lần lượt đua nhau xin nghỉ việc.
Nhưng điều đáng mừng cho ông Hagel là đảng Dân Chủ đang nắm khối đa số ở Thượng Viện, đến giờ chưa một nghị sĩ Dân Chủ nào lên tiếng nêu thắc mắc về người được Tổng Thống Barack Obama chọn. Từ lý do đó, hầu hết các nhà quan sát ở thủ đô Washington D.C. đều tin cuối cùng ông Hagel sẽ được Thượng Viện chuẩn thuận, cho dù “ông ta sẽ không được nhiều nghị sĩ Cộng Hòa ủng hộ” như dự báo Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham từng đưa ra ngay sau khi có tin nói ông Hagel sẽ được đề cử để điều khiển Bộ Quốc Phòng.
Mọi người cũng kể cho nhau nghe chuyện vài ngày trước đây ông Hagel tình cờ gặp bà Thượng Nghị Sĩ Susan Collins lúc bà mới từ phòng họp của đảng Cộng Hòa bước ra. Gặp nhau, bà Collins tươi cười bảo “tụi tôi mới nói chuyện về ông xong.” Ông Hagel trả lời “tôi có thể đoán biết thế nào quý ông bà cũng nói với nhau về tôi.”
Nói xong, hai người chia tay nhau đi về 2 ngã. Bà Collins rẽ phải trở lại văn phòng, ông Hagel rẽ trái bước ra cửa Thượng Viện.