main billboard

Mỗi ngày, có hàng ngàn bó rau được người dân nơi đây rửa bằng nguồn nước hôi thối, tanh tưởi của phân, những đám bọ gậy, ruồi muỗi với nhiều nguồn bệnh nguy hiểm.


HÀ NỘI (NV) - Những bó rau cải ở vựa rau Hưng Yên trước khi được mang ra chợ bán mỗi ngày được người bán rửa từ dòng nước cống đen ngòm, bốc mùi hôi thối cùng với nước phân, nước thải sinh hoạt.

ruarau nuoccong
Rau mang bán được rửa từ rãnh nước cống đầy phân heo, rác thải. (Hình: Báo Công An Việt Nam)

Theo báo Công An Việt Nam, ngày 13 Tháng Ba, mô tả, hai bên con rạch nhỏ dẫn thải từ các cống rãnh ở xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ, luôn có người làm nơi rửa rau sau mỗi lần thu hoạch, mà nếu như không tận mắt chứng kiến, người tiêu thụ sẽ không biết những bó rau mơn mởn, trắng trẻo đã rửa ở một con rạch bẩn hơn sông Tô Lịch.

Tại một con rãnh nhỏ này, nhiều phụ nữ ở xã Yên Hòa, nơi được xem là vựa rau lớn nhất miền Bắc, cung cấp rau cho rất nhiều chợ đầu mối lớn ở Hà Nội đang bịt kín khẩu trang, tay cầm những bó hành rửa dưới dòng nước đen ngòm, xung quanh là những đống rác thải, phân lợn, phân bò chảy trực tiếp xuống nguồn nước này.

Không chỉ có phân heo, rác thải, gà chết ném xuống, những người đi làm đồng hay đi phun thuốc trừ sâu cũng tranh thủ xuống con kênh chết này để rửa vật dụng, những lọ thuốc trừ sâu được ném vương vãi trên mặt nước. Một phía là rác thải, phía còn lại là người đang rửa rau, rửa đồ làm đồng.

Mỗi ngày, có hàng ngàn bó rau được người dân nơi đây rửa bằng nguồn nước hôi thối, tanh tưởi của phân, những đám bọ gậy, ruồi muỗi với nhiều nguồn bệnh nguy hiểm. Dù có cống to ở rãnh nhỏ nhưng nguồn nước ở đây luôn tích tụ lại và nếu có chảy, nguồn phân này cũng đổ ra dòng kênh lớn ở bên ngoài và lưu lại, không có chỗ thoát.

Theo nhiều người rửa rau ở nguồn kênh này cho biết, tuy nước bẩn nhưng thoải mái, nhanh gọn, tiện lợi hơn so với việc lấy từng chậu nước ở nhà rửa, vừa không sạch đất mà tốn và lâu hơn rất nhiều.

“Rau trồng gần đây nên tôi mang xuống đây rửa cho đỡ nặng, chứ đất nhiều như thế mang về nhà rửa không biết khi nào mới hết, vừa mệt lại mất sức. Tuy nước có bẩn, nhưng rửa rồi mang về xối lại tý nước giếng là sạch,” bà Lê Thị Liễu (52 tuổi), sống ở xã Yên Hòa, nói.

Cứ như vậy, nước bẩn từ cống nhỏ đổ ra kênh lớn, người người rửa rau mà không cần biết đến vệ sinh, an toàn sức khỏe. Những người tiêu dùng hàng ngày vẫn mua rau mà không hề biết bản thân đang rước mầm bệnh vào người. (Tr.N)