Nhiều khi phải dùng kìm, kéo ... cắt mãi mới lôi ra được.
“User friendly” là những từ ngữ xuất hiện cách đây không lâu lắm. Hai chữ đó có nghĩa là dễ sử dụng, là ai cũng dùng được, không khúc mắc đòi hỏi những hiểu biết nhiều về kỹ thuật, nhất là các loại máy tính, hay các thứ sản phẩm sử dụng kỹ thuật cao. Các sản phẩm được xếp vào loại “user friendly” là chúng “thân thiện” với người dùng thay vì làm khó người dùng. Trong rất nhiều trường hợp, người dùng càng trẻ, thì các sản phẩm hi-tech này càng thân thiện thì phải. Không tin cứ nhìn lũ con cháu nhỏ trong nhà là thấy liền. Những bàn tay nhỏ thoăn thoắt lúc mổ, lúc gạt trên mặt những chiếc iPad, những chiếc iPhone, hay những bàn phím máy điện toán cũng phải đồng ý. Tuổi trẻ được ưu đãi rất nhiều, trong khi những thành phần cao tuổi thì đọc bao nhiêu lời chỉ dẫn rốt cuộc vẫn lại phải chịu thua chờ hỏi mấy đứa cháu nội ngoại.
Mới đây tôi còn nhận ra thêm một điều nữa, đó là có rất nhiều thứ không thân thiện với người cao niên chứ chẳng phải chỉ những cái máy điện toán, những cái iPhone hay iPad. Ngay cả những thứ không kỹ thuật cao chút nào cũng làm khó những người già.
Không còn là tuổi 17 bẻ gẫy sừng trâu nữa. Hai con số chỉ tuổi tác không nhất thiết phải là con số đảo ngược của 17 để thành 71 mới đụng đầu phải những khó khăn do những sản phẩm đó gây ra.
Mấy tuần trước, ngồi nói chuyện với một người bạn tôi mới biết chuyện của chàng cũng không khác gì chuyện của tôi: Bỗng nhiên không nhớ đích xác từ bao giờ, hai bàn tay trở nên vụng về, lúng túng kỳ lạ như việc cài mấy cái nút áo cũng khó khăn, lính quýnh, luôn cả việc cởi những cái nút áo ấy cũng trở thành không dễ dàng như mấy năm trước nữa. Rồi tới chuyện buộc dây giầy cũng làm khổ cái thân già này. Tôi chợt nhớ những đôi giầy dùng những miếng velcro để khỏi phải buộc dây mà vài năm trước tôi nghĩ là xấu không để đâu cho hết xấu. Bây giờ thì tôi thấy nó đẹp biết bao. Những đôi moccasin cũng không tiện như thế.
Tôi nghĩ nước Mỹ đang bỏ quên những người già nêu không nói nặng ra là người già đang bị đối xử không tốt lắm, hay nói phũ một chút là thế giới đang tuyên chiến với người già.
Thí dụ những lọ thuốc tôi phải uống hàng ngày chẳng hạn. Tất cả đều có những cái nắp “child proof” để tránh trẻ con tưởng là kẹo mở ra... ăn chơi. Mục đích thì hay lắm, đúng lắm. Nhưng một ông già ở một mình, không có con hay cháu nhỏ để phải cẩn thận thì tại sao phải làm khó cái thân già với đôi bàn tay không còn bẻ gẫy được sừng trâu nữa. Ai đời mỗi khi lấy thuốc về là phải lôi kìm búa ra hì hục mãi mới mở được mấy chai thuốc. Phải dặn cô dược sĩ mấy lần cô mới nhớ mấy đứa con đã lớn cả còn lũ cháu thì lâu lâu mới gặp, xin cô đoái thương đôi bàn tay của một người già lẩy bẩy ở một mình mà tha cho, không dùng hững cái nắp child proof nữa.
Nhưng đã hết đâu. Ngay cả những cái gói kẹo, những cái bao plastic bọc cái bóng đèn, cái kìm, cái bàn chải đánh răng, cái cắt móng tay, cái dao cạo râu... cũng được bọc lại một cách rất... kiên cố. Nhiều khi phải dùng kìm, kéo ... cắt mãi mới lôi ra được. Trẻ con có đứa nào... ăn những thứ đó không ? Chắc là không. Những cái bọc plastic quá chắc chắn đó chỉ làm cho chi phí gia tăng và làm khổ những người già. Và ngay cả chai nước cam mua ở Starbucks đem vào sở mỗi sáng cũng không mở được đành để ngó chơi cho đỡ buồn trên bàn chờ người mở hộ.
Tuy thế, những khó khăn đó cũng lại có những niềm vui nhỏ. Một đồng nghiệp thấy cảnh loay hoay không cài được cái nút cổ áo để thắt cái ca vát thì ghé lại cài cho. Mùi nước hoa, son phấn sao mà quyến rũ là thế!
Và sáng nay, một người bạn thương tình ghé qua, cho một cái mở chai bằng điện. Tuy mở chai rượu không kêu cái bốp một cái nhưng đỡ khổ hơn là loay hoay với cái tire bouchon từ mấy năm nay.
Già bỗng nhiên lại chân yếu tay mềm trở lại thế có khổ không...