“Người ca sĩ phải biết yêu tiếng Việt của nước mình”
– Thái Thanh
Lời Giới Thiệu: Năm chữ “Tiếng hát vượt thời gian” trước năm 75 đã được dùng để chỉ tiếng hát của Thái Thanh.
Bà là một ca sĩ được xem như tiêu biểu nhất của nền tân nhạc Việt Nam.
Ngày 25 tháng 6, đúng 100 ngày bà từ giã cõi đời để đi vào miền mênh mông,
Trẻ xin giới thiệu bài viết Thái Thanh vẫn hát tình ca của Lê Hữu như gửi một niềm nuối tiếc một tài danh đã không còn.
“Người ca sĩ phải biết yêu tiếng Việt của nước mình”
– Thái Thanh
“Bài này thì chỉ có Thái Thanh” hoặc “Bài này không ai hát qua được Thái Thanh”, thỉnh thoảng ta vẫn nghe như vậy. “Bài này” có thể là tên một nhạc phẩm của Phạm Duy hay Phạm Ðình Chương, Dương Thiệu Tước, Văn Cao…
Nhiều ca sĩ một đời ca hát chỉ mong tên mình gắn liền với tên bài hát nào, khi nhắc tên bài hát người ta cũng nhắc tên người ca sĩ, để tên tuổi không chìm vào lãng quên.
Riêng Thái Thanh thì không chỉ một mà có khá nhiều bài hát gắn liền với tên chị.
Hát như người kể chuyện quê mình
“Nếu được Thái Thanh hát cho nghe một bài thì ông sẽ chọn bài nào?”
Thỉnh thoảng tôi vẫn được hỏi như vậy. Thường thì tôi có hơi bối rối khi phải chọn ra bài mình yêu thích nhất qua giọng Thái Thanh, vì lắm khi bài mình thích chỉ là thích vào thời kỳ nào đó, vào lúc khác thì lại là một bài khác.
“Ông thử đoán xem?” tôi hỏi ngược lại.
Người bạn nói vài cái tên, tôi lắc đầu. Anh kể thêm ít bài nữa, tôi lắc đầu.
“Bài ‘Quê nghèo’,” tôi buột miệng.
“Quê nghèo” là một trong những bài tôi nghe mãi không chán, lại cũng vừa mới nghe khi nãy và lúc anh bạn hỏi thì dư âm tiếng hát Thái Thanh như vẫn còn quanh quẩn đâu đây.
Hơn thế nữa, “Quê nghèo” còn là bài hát đầu tiên tôi được làm quen với tiếng hát Thái Thanh và biết yêu tiếng hát chị từ đó.
“Quê nghèo” là bức tranh quê thật sinh động của những làng quê Việt Nam thời kháng chiến, nơi có những bà mẹ quê vui vì nồi cơm ngô đầy, có những cô thôn nữ nằm ngủ hay mơ, mơ thấy bên lề cuộc đời, áo dài đùa trong tiếng cười.
Bức họa đồng quê ấy được vẽ lên bằng tiếng hát Thái Thanh. Phải nghe chị hát những “tả tơi”, “thoi thóp”, “hiu hắt” trong câu hát có lũy tre còm tả tơi, trong chiều rơi thop thóp trên vài luống khoai và trong hiu hắt tiếng bà mẹ cười mới thấy quê mình nghèo đến như thế nào và mới thấy thương quê mình biết bao.
“Quê nghèo”, chứ không phải tên những bài hát mà người bạn tôi kể ra, những bài hát về quê người, về những kinh đô ánh sáng, những mùa Thu mùa Ðông ở Paris, ở Ðông Kinh, những dòng sông xanh, những sóng nước biếc tận những miền đất nào xa xăm.
Cũng không phải những “tuyệt phẩm” của những “dòng nhạc thính phòng”, nhạc cổ điển, bán cổ điển này nọ, những dạ khúc nguyệt cầm, chiều tà chiều tím, cỏ hồng cỏ hoang, nghìn trùng cách xa, đường chiều lá rơi lá rụng… và những bài bản nào được trình diễn trên những sân khấu tráng lệ với một dàn nhạc công, nhạc cụ lỉnh kỉnh.
Người ta nghe một bài hát là lắng nghe những cảm xúc đến từ một giọng hát hơn là nghe những phô diễn kỹ thuật.
Một giọng hát hay, hát một bài hát bình dị, đơn sơ nghe vẫn hay chứ không nhất thiết là những bài bản với giai điệu, khúc điệu cầu kỳ.
Xuân vừa về trên b…ãi cỏ non (“Hoa xuân”, Phạm Duy)
Chỉ đơn sơ là vậy. Nghe Thái Thanh, nghe câu hát ấy, người ta nghe mùa Xuân về đâu đó quanh đây, về trên thảm cỏ xanh mướt trước sân nhà, về trên những bông hoa dại dọc theo lối đi quen.
Ðến nay người ta vẫn chưa quên những bài nhạc thể điệu rumba, boléro từng được yêu thích qua tiếng hát Thái Thanh như “Xóm đêm” (Phạm Đình Chương), “Ðường xưa lối cũ” (Hoàng Thi Thơ), “Chiều biên khu” (Tuấn Khanh & Châu Ngân), “Chuyện đêm mưa” (Nguyễn Hiền & Hoài Linh), “Gửi về anh” (Đỗ Thu), “Ngày hạnh phúc”, “Ngày tạm biệt” (Lam Phương)…
Nghe Thái Thanh hát “Ðường xưa lối cũ” không ai mà không ứa nước mắt.
Khi tôi về, nghẹn ngào trong nắng
tưởng gặp mẹ tôi rưng rưng đứng đón con về
nào ngờ mẹ tôi… ra đi bên kia cuộc đời…
Tôi nhớ xem được trong một video clip, Thái Thanh hát trong một tu viện ở San Diego, CA, nơi chị tu tập vào những năm cuối đời.
Mấy trăm đạo hữu ngồi quanh im lặng nghe chị hát “Giọt mưa trên lá”, “Ngậm ngùi”, “Tôi ước mơ”… Chỉ có tiếng hát, không có tiếng nhạc dạo, tiếng đệm đàn nào và người nghe thật im lặng đến không cả tiếng vỗ tay, chỉ thấy những cánh tay đưa lên lắc lắc tỏ dấu tán thưởng. Cũng là một cách hát, một cách thưởng thức.
Thái Thanh hát thật tự nhiên như nói chuyện, kể chuyện, đôi lúc có chút điệu đàng nhưng là cái điệu làm duyên trong giọng hát chị.
Sức truyền cảm của giọng hát Thái Thanh trên hết vẫn là ở giọng hát trời cho. Người yêu nhạc yêu tiếng hát chị từ những năm đầu 1950s, và càng về sau tiếng hát ấy càng thêm cuốn hút tựa như trái cây ngon đến độ chín muồi qua cách chị phả hơi thở đầy cảm xúc vào từng lời, từng chữ, từng nốt nhạc.
Liệu những cảm xúc ấy có là cảm xúc thật? Có thể kể ra được những bài chị hát với cảm xúc thực lòng như “Người về”, “Nhớ người ra đi”, “Quê nghèo”, “Tình ca”, “Tình hoài hương”, “Kỷ niệm”, “Xuân tha hương”, “Tiếng sông Hương”, “Về miền Trung”… hầu hết là những bài dân ca mới hay tình ca quê hương.
Chị hát như người kể chuyện quê mình, và những bài ấy nghe “Thái Thanh” hơn hết.
Thế những bài khác thì sao?
Nếu không phải cảm xúc thật thì cũng không là cảm xúc giả tạo. Như một diễn viên xuất sắc trong một vở diễn, chị nhập vai diễn, sống thực với tâm trạng, nỗi niềm của nhân vật. Có thể kể ra được những “Áo anh sứt chỉ đường tà”, “Bà mẹ Gio Linh”, “Kỷ vật cho em”, “Kiếp nào có yêu nhau”, “Ngày xưa Hoàng Thị”, “Ngàn thu áo tím”, “Quán bên đường”, “Tuổi 13”… với giọng hát chị thật diễn cảm.
Nghe Thái Thanh hát “Ngàn thu áo tím” (Hoàng Trọng & Vĩnh Phúc) ngỡ như nghe giọng cô bé mới biết yêu lần đầu, rưng rưng kể câu chuyện tình buồn, nghe một nỗi gì xót xa, tội tình.
Từ khi xa anh em vẫn yêu…và nhớ
mà sao anh đi…đi mãi không về nữa
Nghe những bài hát như thế mới thấy ở Thái Thanh một giọng điêu luyện và đầy kịch tính.
Khi chùng xuống thấp như thấm vào hồn, khi rướn lên cao như xoáy vào tim.
Khi mềm mại, dịu dàng như nhịp chân êm êm thánh thót, khi nghẹn ngào, rưng rức như nước mắt rơi cho tình ra đời.
Giọng hát ấy, cất lên từ trái tim nhạy bén và giàu cảm xúc, thể hiện được trọn vẹn tình ý của bài nhạc và truyền được những rung cảm đến người nghe, dẫn đến nhận xét của nhiều người là “Thái Thanh hát bài nào cũng hay”.
Không hẳn là vậy, vẫn có những bài chị hát không hay lắm, là những bài không phù hợp giọng chị hoặc những bài… không hay. Một bài hát không hay thì giọng hát có hay đến đâu cũng không làm cho hay được.
Có thể nói không ai yêu nhạc Việt mà không giữ riêng cho mình bài hát nào yêu thích với tiếng hát Thái Thanh.
Có Thái Thanh như một dĩ vãng đẹp
“Thái Thanh là giọng ca duy nhất hát nổi hai cao độ chạy dài tới hai bát âm trong nhạc của tôi,” nhạc sĩ Phạm Duy có lần nói.
Ngoài âm vực trải rộng từ những nốt thật trầm lên tới những nốt thật cao, người ta còn nghe được những luyến láy, nhấn nhá và uốn lượn đầy ngẫu hứng.
Vì yêu, yêu n…ước yêu nòi
Ngày xuân tôi h…át nên bài… bài tình ca (“Tình ca”, Phạm Duy)
Những uốn lượn mềm mại ở nốt nhạc “nước” và “hát” ấy vẽ lên một nét nhạc đẹp, làm dậy lên tình cảm thương quê dạt dào và cũng mang đậm dấu ấn Thái Thanh cho “Tình ca”.
Ai l…ướt đi ngoài sương gió (“Buồn tàn thu”, Văn Cao)
Không ai “lướt” được như Thái Thanh. Chị hát mà như “vẽ”. Chị không chỉ láy mà còn lượn.
Nước sông miên man trôi đi
Há ha hà ha hà há ha ha hà ha há…
Chỉ có giọng ngân nga Thái Thanh với chuỗi láy lượn há ha hà ha…rập rờn ấy mới nghe ra tiếng sóng vỗ “miên man” và nhịp điệu luân vũ dìu dặt của dòng sông cuồn cuộn sóng trôi xa.
Không ít ca sĩ muốn thử sức với “Dòng sông xanh”, nhưng chỉ làm người nghe thêm nhớ giọng hát gắn liền bài nhạc ấy.
Một bài nhạc khác đã mang tiếng hát này đến với lớp người trẻ sau chiến tranh.
Ca khúc “Kiếp nào có yêu nhau” (Phạm Duy & Minh Đức Hoài Trinh) và giọng hát Thái Thanh đã mê hoặc và truyền cảm hứng cho một đạo diễn điện ảnh trẻ người Mỹ gốc Việt, Dustin Nguyễn, để thực hiện một phim tình cảm lãng mạn ở trong nước.
Nhạc phim, bài hát và giọng hát đầy ma lực ấy, đã “hớp hồn” khán giả trẻ để tìm đến cuốn phim Bao giờ có yêu nhau.
Một giọng hát hay, trong một nghĩa nào đó, còn là giọng hát tạo được mối dây tình cảm thật gần gũi giữa người nghe và người hát.
Giọng Thái Thanh là giọng hát như thế. Tôi hiểu được vì sao nhiều người thích nghe chị, chính là vì nghe ra mối đồng cảm trong tiếng hát chị.
Ðiều này cũng khiến người ta không chỉ yêu tiếng hát chị mà còn yêu cả những bài hát chị từng hát, những bài hát chan chứa những tình tự dân tộc cất lên từ trái tim nặng trĩu tình yêu quê hương.
Có những bài hát mỗi lần nghe chị hát là mỗi lần nhớ nhà, nhớ quê hương đến chảy nước mắt.
Tôi nhớ, những giọt nước mắt của Thái Thanh khi chị hát đến câu hát cuối bài “Tình hoài hương” trong lần trình diễn đầu tiên sau ngày chị đặt chân lên miền đất tự do này. Những giọt nước mắt còn đọng lại rất lâu trong lòng người.
Xa quê hương… yêu quê hương…
Những nốt ngân rưng rưng, rạn vỡ, như một giấc mơ rạn vỡ.
Có Thái Thanh như một dĩ vãng đẹp, tôi muốn mượn câu trong bài hồi ký Người Bác của nhà văn Thế Uyên, “Có Nhất Linh như một dĩ vãng đẹp”, để nói câu tương tự về một tiếng hát.
Dĩ vãng nào thì cũng có buồn vui, có đắng cay ngọt ngào, thế nhưng nhớ về tiếng hát Thái Thanh là vẫn nhớ những ngày xưa êm đềm, nghe lại giọng hát Thái Thanh là vẫn nghe lòng dịu êm như một dòng suối mát.
Thái Thanh, chị là dòng suối tơ vương, là bông hoa đời thơm ngát, là giọng ướp men thơ… trong những câu hát thính giả từng nghe chị qua làn sóng đài phát thanh Sài Gòn một thuở nào.
Bông hoa đời ngàn xưa tới nay
Rung nhạc đó đây, cho đời ngất ngây… (“Ngọc Lan”, Dương Thiệu Tước)
Tiếng hát ấy luôn đánh thức trong tôi những tháng năm tươi đẹp nhất của một thời tuổi trẻ.
Tiếng hát ấy đã “vượt thời gian” để cùng đồng hành với tôi suốt trên con đường đời.
Và trên hết, cũng tiếng hát ấy đã dẫn đưa tôi vào khu vườn âm nhạc Việt, đã cho tôi biết vui, biết buồn vào cái thuở ban đầu của tình yêu âm nhạc.
Giọng hát Thái Thanh đã bặt tiếng im hơi từ nhiều năm nay, tin chị từ biệt thế gian này vì vậy không gây bất ngờ lắm, thế nhưng người ta vẫn cảm thấy mất mát, hụt hẫng.
Nếu không phải cách ngăn vì dịch bệnh tràn lan thì đám tang chị hẳn là đông lắm, dài lắm những dòng người tiễn đưa.
Những dòng người thực sự không mang ý nghĩa gì nhiều lắm, cho dù không đi được với chị một đoạn đường, không phải là người ta đã cùng đi với chị biết bao năm trên con đường dài thật dài đó sao.
Hôm ấy người ta cho phát đi nhiều bài nhạc quen thuộc từng được yêu thích qua tiếng hát Thái Thanh, như cách người ta vẫn làm để tưởng nhớ người ca sĩ, nhạc sĩ nào vừa mới lìa đời.
Ðến lúc bài “Tình ca” cất lên, tôi ngồi lặng im nghe hết bài hát mà tôi từng nghe biết bao lần, và nhiều người hẳn cũng từng nghe biết bao lần như tôi.
Lạ một điều, mỗi lần nghe, vẫn là cảm xúc như nghe lần đầu chứ không vơi bớt đi chút nào.
“Nghe ‘Tình ca’ là phải nghe Thái Thanh,” nhiều người vẫn nói như thế, tưởng như khó mà tìm được giọng hát nào hay hơn, phù hợp hơn.
“Tình ca” gắn liền với Phạm Duy, tác giả bài hát, và cũng gắn liền với Thái Thanh.
“Nếu một trăm năm nữa người ta vẫn hát bài ‘Tình ca’,” nhạc sĩ Phạm Duy có lần nói, “thì 999 bài còn lại người ta có quên đi cũng được.”
Ðấy chỉ là cách nói, vì thế có thể nói câu tương tự, nếu nhiều năm sau nữa người ta có quên đi những bài hát nào từng nghe Thái Thanh hát thì người ta vẫn nhớ được bài “Tình ca”, bài hát người ta luôn luôn muốn được nghe chị hát.
Bài hát ấy là bản tình ca lớn nhất chị từng hát, bản tình ca của đất nước, của lòng yêu nước, yêu tiếng Việt và yêu lịch sử dân tộc Việt.
Bài hát ấy còn là lời ru của mẹ, là tiếng ru êm À à ơi… của những bà mẹ Việt Nam trong suốt chiều dài cuộc chiến tranh, trong đó có bà mẹ Thái Thanh.
Mẹ hiền ru những câu…xa vời
À à ơi…tiếng ru…muôn đời
Thái Thanh, chị là tiếng sáo chiều quê, là tiếng chim hót véo von, lảnh lót.
Chị đã tạt ngang qua cuộc đời này, đã mang chút hạnh phúc nhỏ nhoi đến cho bao người yêu tiếng hát chị.
Nhiều người vẫn nói rằng tiếng hát chị là “tiếng nước tôi”, là “tiếng lòng tôi”, vẫn gắn liền với định mệnh nghiệt ngã của người dân Việt.
Trong tiếng hát ấy có ngọt ngào và xót xa, có nụ cười và nước mắt, và cả máu xương nữa.
Trong tiếng hát ấy có tình yêu đất nước, có tình yêu lứa đôi, và cả tình yêu tiếng Việt nữa.
“Người ca sĩ phải biết yêu tiếng nói của nước mình, nếu không yêu thì cũng như là hát một bài hát ngoại quốc vậy,” không phải chị từng nói vậy sao? (*)
Thái Thanh, tôi không biết giờ này chị ở đâu nhưng tôi tin rằng linh hồn chị, như cụm mây trắng lững lờ, đã bay về lại chốn quê hương “nằm phơi phới bên bờ biển xanh”, về lại nơi có “bóng đa ôm đàn em bé”, có “tiếng ru nỗi niềm thơ ấu”, có những “đêm trăng ướt lá dừa”, có những mảnh “vườn thơm ngát hương cau”… trong những câu hát nào mỗi lần chị hát là mỗi lần nước mắt rưng rưng.
Người hát bài “Tình ca” ấy đã đi xa, tiếng hát ấy vẫn còn ở lại.