main billboard

Cho đến hôm nay tôi kính trọng ông Thiệu như là một gương hào hùng của một kẻ dám chiến đấu cho nền tự do dân tộc của ông"

 nhanvat kissinger Thieu

 

  "Cho đến hôm nay tôi kính trọng ông Thiệu như là một gương hào hùng của một kẻ dám chiến đấu cho nền tự do dân tộc của ông"
    Kissinger.

    Trích sách “Giải Mã Những Bí Ẩn của Chiến Tranh Việt Nam”

    Sự tức giận của Tổng thống Thiệu là có lý

    Nguyễn Văn Thiệu là một con người tự ái rất lớn.  Sự thực ông không phải là người có nhiều tham vọng theo như tiêu chuẩn đánh giá của CIA ( Người được CIA hỗ trợ bắt buộc phải là người có tham vọng ), ông cũng không phải là tay cơ hội chủ nghĩa như Nguyễn Khánh hay Nguyễn Cao Kỳ, cũng không phải là cục bột để người ta đặt đâu ngồi đấy như Dương Văn Minh.

    Hồi ký của Westmoreland cho thấy Thiệu không hề có ý định ra tranh cử chức Tổng thống vào năm 1967, khiến cho Westmoreland đã hết lời khuyên ông với lý do nếu để chức Tổng thống rơi vào tay Kỳ thì mọi sự hỏng hết…  Và rồi sau khi nhận chức Tổng thống thì ông Thiệu đương nhiên mang lấy trách nhiệm tối hậu về sinh mạng của binh lính và về lợi ích của dân tộc.

    Giờ đây ông không cho phép ông buông tay, bởi vì hễ Cọng sản chiến thắng thì một cuộc tắm máu sẽ đổ ra mà ông phải là người chịu hết trách nhiệm.  Tài liệu của cựu Đại sứ Bunker do giáo sư Stephen Young phổ biến cho biết Trần Thiện Khiêm đã gởi tới Tòa đại sứ một cuộn băng ghi âm (lén) cuộc nói chuyện riêng giữa Tướng Thiệu và Tướng Khiêm, trong đó có đoạn Thiệu nói với Khiêm rằng nếu đại cuộc thất bại ông sẽ chọn cách giải quyết như Phan Thanh Giản, nghĩa là tự xử lấy bản thân mình một khi trách nhiệm không hoàn thành ( Stephen Young, Victory Lost, bản dịch của Nguyễn Vạn Hùng trang 509 ).

    Vì tự cho rằng mình phải mang trên vai một gánh trách nhiệm quá lớn cho nên Tổng thống Thiệu không cho phép ai khinh thường ông.  Không may là Kissinger lại rơi vào trường hợp đó.  Hành động đánh lừa Thiệu trong suốt thời gian mật đàm là một bằng chứng cho thấy Kissinger coi thường ông.  Rồi thái độ thiếu thành thật của Kissinger trước mặt ông và chính phủ của ông đã khiến cho ông quyết định phải cho Kissinger biết tay cho dù không cần biết Kissinger phải hay quấy, đúng hay sai.

    Vì thế mà ông bác tất cả những biện bạch của Kissinger với những lý do rất có lý ở ngoài mặt nhưng xét cho cùng thì cái lý của ông không đủ sức thuyết phục.  Nghĩa là ông thừa biết Kissinger đã đem lại điều lợi cho ông, và đúng như Kissinger đã nói, nếu ông ta muốn bán đứng VNCH thì không thiếu gì cách hay hơn nhiều.

    Kissinger nể phục Tổng thống Thiệu

    Năm 1981, Kissinger ghi lại trong hồi ký nhận xét của ông về cá nhân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong thời gian ông Thiệu viếng thăm Hoa Kỳ vào tháng 4 năm 1973 :

    …Cái ông ta cần là tiếp tục chiến đấu cho đến khi kẻ xâm lăng cuối cùng ra khỏi lãnh thổ. Đây không phải là điều sai của ông nhưng công luận Hoa kỳ thì lại không chấp nhận….

    …Chúng ta biết rằng Băc Việt sẽ gia tăng sức ép, nhưng chúng ta đã không gia tăng lực lượng chống trả và quốc hội chúng ta sẽ bỏ phiếu bắt buộc chúng ta bước ra khỏi cuộc chiến này vô điều kiện nếu chúng ta vượt quá giới hạn…

    …Ông Thiệu luôn nhìn vào chuyện trước mắt là quan trọng nhất. Cái gần nhất với ông không phải là hòa bình sau cùng mà là địch quân trước mắt…

    … Sau khi ngưng bắn, quân đội chúng ta sẽ rút về bên kia bán cầu, còn dân tộc của ông vẫn còn cảnh một đội quân tiếp tục hi sinh cho những hy vọng mong manh của nền độc lập tại Đông Dương. Chúng ta đã chắc rằng biện pháp của chúng ta sẽ kềm hãm tham vọng của Hà Nội. Nhưng mắt của ông Thiệu chỉ quan ngại vào những điều mong manh về sau này…

    …Ông Thiệu càng lúc càng ghét cay ghét đắng tôi vì vai trò kiến trúc sư của tôi về thỏa ước hòa bình này. Trong lúc này tôi chỉ biết thông cảm sâu xa về nỗi bực tức của ông, nhưng chúng ta không có chọn lựa nào khác. Hoa Kỳ không thể phủ quyết khi Hà nội đã chấp thuận, những điều khoản rất hòa bình chúng ta đã đề ra với sự chấp thuận của ông Thiệu cho thời hạn ba năm.

    Cho đến hôm nay tôi kính trọng ông Thiệu như là một gương hào hùng của một kẻ dám chiến đấu cho nền tự do dân tộc của ông, một kẻ sau này đã chiến bại bởi những hoàn cảnh ngoài tầm tay cá nhân ông, đất nước ông và ngay cả ngoài vòng quyết định của chúng ta…

    …Rõ ràng hàng triệu bàn chân trốn chạy về vùng ông Thiệu kiểm soát tránh xa vùng đất CS chiếm đóng tức đã bầu cho ông ta rồi. Thói thường hay đổ tội cho việc dội bom của chúng ta nhưng sau này chắc hẳn một điều là đó là phản ứng đối với tính bạo tàn của chế độ CS…

    …Làn sóng di dân ào ạt vào thời đại chúng ta luôn luôn phát xuất từ các nước CS chứ không hề theo chiều ngược lại. Thê mà vẩn còn những thói khinh mạng, xúc phạm cùng đối xử bất xứng để dành cho cho bạn bè Tây phương chúng ta như trường hợp ông Thiệu năm 1973…

    …Như là một phép lạ phát xuất từ lòng dũng cảm, ông Thiệu đã cố gắng lèo lái quốc gia trong giai đoạn cam go này, chiến đấu chống lại quân thù cố tâm xâm lấn và làm an tâm đồng minh nào chưa thông hiểu ông. Ông nổi bật với thỏa ứớc 1973 trong đó Hà Nội phải từ bỏ những đòi hỏi về chính trị từ bao lâu nay mà quay lại cho vấn đề ngưng bắn còn tốt hơn chúng ta mong đợi, tuy còn bấp bênh theo kỳ vọng của ông…

    … Về riêng tư tuy tôi dành ít cảm tình về ông Thiệu nhưng tôi rất kính nể ông vì ông là một người kiên tâm chiến đấu trong nỗi cô đơn ghê gớm ( nguyên văn: terrible loneliness ) sau cuộc rút quân của Hoa kỳ. Ông chấp nhận những cảm tình và thông hiểu ít ỏi dành cho ông. Chuyện đó không làm phẩm chất của ông hao mòn đi…

    … Thực sự, chẳng còn gì nhiều để bàn thảo thêm nữa . Ông chẳng hề kêu van về công chuyện chúng ta bỏ lại cho ông và ngay cả cái dã tâm từ phía Hà Nội. Nhưng ông đưa ra một một sự kiện thưc tế trước mắt chúng ta là vi phạm từ phía Bắc Việt. Về riêng tư TT Nixon có bảo đảm với ông-cũng như TT đã từng công bố vào hôm 15 tháng Ba và vài nơi khác – rằng TT sẽ chống lại những vi phạm trắng trợn đó bằng vũ lực nếu thấy cần thiết. Cùng một lúc TT(tức Nixon) vừa năn nỉ vừa dọa dẫm ông Thiệu bắt miền Nam phải thi hành những điều khoản của hiệp định đề ra. ..

    Khi máy bay của ông cất cánh khỏi California, ông đã khui rượu uống mừng ghi nhớ sự hài lòng cùng khuây nguôi của ông từ cuộc nói chuyện với ông Nixon. Dù tánh ông hay nghi ngại cùng các dấu hiệu khó khăn tương lai đang tới dần–gồm thái độ do dự của chúng ta đối với sự vi phạm hiệp định của Hà Nội và lưỡng lự viện trợ kinh tế cho miền Nam – thế mà lòng tin của ông không bao giờ thay đổi rằng Hoa kỳ sẽ đáp ứng viện trợ cho miền Nam trong trường hợp khẩn cấp.

    Đây cũng là niềm tin từng được các đồng minh khác của Hoa kỳ ấp ủ xưa nay, lòng trung thành từng tạo dựng nên một trong các giá trị căn bản của Hoa Kỳ chúng ta đối với thế giới thế nên chúng ta gắng làm sao đừng để nó vuột mất… ( Kissinger, Henry. Years of Upheaval. 1st ed. Boston: Little Brown, 1981. Từ trang 309 đến trang 315. Bản dịch của Xuân Khê ).

http://vietnamchinhluan.blogspot.com.au/2013/01/xuan-khe-vai-trang-nhat-ky-cua.html

    Sau này vào năm 1979, cựu Ngoại trưởng HK Kissinger viết cuốn hồi ký đầu tiên nhan đề là The White House Years, trong đó ông ta quy trách cho Tổng thống Thiệu nhiều điều không đúng với sự thực.  Buộc lòng cựu Tổng thống Thiệu đã thu xếp một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ báo Đức Der Spiegel.  Trong đó ông có giải thích vì sao ông từ chối bản dự thảo Hiệp định :

    (1)  Bản dự thảo Hiệp định chỉ có bản tiếng Anh, chứng tỏ nó “không được sửa soạn bởi VNCH và Hoa Kỳ, mà bởi Bắc Việt và Hoa Kỳ”.  Trong khi đó “ Chúng tôi cần một bản hiệp ước định đoạt số phận của dân tộc chúng tôi bằng ngôn ngữ của chúng tôi”

    (2)  Sau đó Kissinger đã đưa ra bản tiếng Việt , Tổng thống Thiệu hỏi ai viết bản tiếng Việt, Kissinger cho biết đó là một người Mỹ rất giỏi ngôn ngữ tiếng Việt cùng viết với Bắc Việt.  Cựu Tổng thống Thiệu nhận xét : “Không có một người Mỹ nào hiểu biết và viết tiếng Việt giỏi hơn người Việt Nam… Không có một người Mỹ nào có thể đối phó với những người Cọng sản Việt Nam bằng ngôn ngữ Việt Nam tốt hơn chính chúng tôi”.

    (3)  Cựu Tổng thống Thiệu cũng giải thích về việc ông đòi hỏi Hiệp định phải quy định Bắc Việt phải rút hết quân tại Miền Nam : “Nếu họ thực sự mong muốn tìm kiếm hòa bình thì tại sao họ lại cứ khăng khăng đòi lưu quân ở lại Miền Nam?”

    (4)  Nhận xét về giá trị của bản dự thảo Hiệp định : “Chúng tôi có quyền đòi hỏi một bản Hiệp ước đưa tới hòa bình thực sự và lâu dài chứ không phải là hòa bình trong hai ba tháng rồi lại tiếp tục chiến tranh”.

    (5)  Về việc Kissinger cáo buộc Tổng thống Thiệu từ chối bản dự thảo là cản trở hòa bình : “Cái hiệp ước đó có mang lại hòa bình không ?  Hậu quả của hòa bình tại Việt Nam như thế nào đã chứng minh cho sự từ chối của tôi”.

    Tựu chung Tổng thống Thiệu từ chối vì các câu chữ trong văn bản chứ không phải là vì những quy định trong văn bản.  Trước sau ông không thấy ra thành tâm thiện ý của Kissinger.  Ông đòi hỏi phải có một nên hòa bình thực sự và lâu dài, nhưng đòi hỏi này đồng nghĩa với đòi hỏi để cho ông chiến thắng.  Làm sao mà ông có thể chiến thắng được trong khi tất cả mọi người Mỹ đều cầu cho ông đừng chiến bại ?

    Bùi Anh Trinh