Nhưng đời thường này, qua góc nhìn, qua ống kính, qua bố cục, qua ánh sáng của những người cầm máy, nó bỗng trở nên lung linh, gợi tình, gợi cảm, và thăng hoa hơn rất nhiều.
Triển lãm của Hội Bạn Ảnh Việt Nam
WESTMINSTER, California (NV) - “Hình ảnh đời thường ít được chụp và cũng ít có triển lãm vì khi chụp ảnh ai cũng thích chụp thiên nhiên nhiều hơn, chứ ít khi để ý đến cảnh sinh hoạt hằng ngày. Nhưng những hình ảnh, nếu có, sẽ nói lên được cuộc sống của con người Việt Nam giữa hai bờ đại dương.”
Lời phát biểu trên của ông Trần Hữu Thành, hội trưởng Hội Bạn Ảnh Việt Nam, có thể được xem như vừa là nhận xét vừa là nội dung của cuộc triển lãm ảnh mang tên “Sinh hoạt đời thường của người Việt tại hải ngoại cũng như tại Việt Nam” do Hội Bạn Ảnh Việt Nam tổ chức, đang diễn ra tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt trong hai ngày cuối tuần này, 24 và 24 Tháng 11, 2013.
Dường như điều gì hiển nhiên là “đời thường” thì lại dễ khiến người ta lãng quên. Bởi lẽ, giống như là hơi thở, giống như là ăn uống, giống như là công việc làm hằng ngày, “đời thường,” có gì đáng chú ý!
Những bức ảnh đời thường qua ống kính nghệ thuật của người cầm máy tại triển lãm “Sinh hoạt đời thường của người Việt tại hải ngoại cũng như tại Việt Nam” do Hội Bạn Ảnh Việt Nam tổ chức. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Chính vì như vậy nên việc mở ra một cuộc triển lãm mang chủ đề “Sinh hoạt đời thường” lại bỗng trở nên là “thứ hàng hiếm, hàng quý” trong vô số cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật thường thấy.
Và cũng chính vì vậy, mà một số bức ảnh xuất hiện trong cuộc triển lãm này bỗng dưng gây nên một xúc động lạ.
Chỉ là hình ảnh bàn chân trần của hai vị thầy tu đang trên đường khất thực, gầy gò, xương xẩu, và hơn hết, đen thếch bụi đường của tác giả Vũ Benjamin, nhưng lại khiến người xem suy nghĩ. Câu chuyện gì nằm sau những bước chân trần - của những người tu hành - trên con đường đen bẩn đó?
Chỉ là hình ảnh cậu bé tung chân sáo, mặt rạng ngời, tay dắt chó đi dạo trong buổi sớm mai của tác giả Nguyễn Văn Sở, mà người xem thấy được điều mà người ta luôn mong muốn có trong cuộc đời này: đó là cả một khung trời bình an, không muộn phiền.
Chỉ là hình ảnh người đàn ông gò lưng trên chiếc xe ba gác chở hàng hay người phụ nữ đầu đội nón lá, bịt kín mặt, đẩy chiếc xe đạp mà trên đó như thể chứa cả một cửa hàng tạp hóa của tác giả Thành Trần. Hay hình ảnh những người đàn ông đứng ngồi trên hai chiếc xe bò đi ngang một xóm quê của tác giả Nguyễn Ngọc Mẫn. Hoặc chỉ là bức hình cậu bé hai tháng tuổi nhăn mũi, nhắm mắt, há miệng của tác giả Nguyễn Christine, bức ảnh “Chị và em” của tác giả Nguyễn Hiền... Tất cả rất giản dị, tự nhiên và nhìn hình, ai cũng thấy đâu đó có mình, mình đã chứng kiến. Bởi vì đó là đời thường.
Nhưng đời thường này, qua góc nhìn, qua ống kính, qua bố cục, qua ánh sáng của những người cầm máy, nó bỗng trở nên lung linh, gợi tình, gợi cảm, và thăng hoa hơn rất nhiều.
Ra là, nếu chú ý và quan sát, đời thường này có nhiều điều thật hay và thú vị, chứ không phải chỉ có thiên nhiên, cây cỏ, núi non, mới đủ sức hớp hồn người ta.
Một số bức ảnh của sinh hoạt đời thường tại Mỹ và Việt Nam được trưng bày tại triển lãm “Sinh hoạt đời thường của người Việt tại hải ngoại cũng như tại Việt Nam” do Hội Bạn Ảnh Việt Nam tổ chức. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Ông Nguyễn Văn Sở, cựu giáo sư dạy tiếng Anh của trường Orange Coast College, cho rằng, “Nhiếp ảnh là ngành nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo mà không phải người nào cũng có. Kỹ thuật thì có thể nắm nhưng sáng tác được một tác phẩm như ý thì không dễ.”
Anh Vũ Benjamin, hội phó Hội Bạn Ảnh Việt Nam, cũng cùng chung suy nghĩ đó. “Làm sao để nhìn ra, thấy được sự mới lạ, độc đáo trong cảnh vật đời thường không phải là điều người nào cũng làm được.”
“Hình triển lãm về đời thường không nhiều, vì từ trước tới giờ triển lãm tranh cảnh nhiều hơn. Nên chủ đề triển lãm kỳ này là để cho nó khác đi. Thứ nhì là để cho giới thưởng ngoại biết cuộc sống của người Việt ở Việt Nam ra sao và ở Mỹ ra sao.” Người hội trưởng của Hội Bạn Ảnh Việt Nam nói thêm.
Chia sẻ thêm về sở thích chụp ảnh, ông Sở cho biết, “Khi mình có học, có để tâm, chú ý đến kỹ thuật chụp hình, thì sẽ thấy cảnh vật khác đi rất nhiều. Trước đây mình tham, cứ thấy cảnh là lồng người vào trong cảnh, và người là chính. Giờ thì muốn chụp cảnh thiên nhiên tự nhiên thì mình lại không muốn có người vướng người vào trong đó, trừ khi có mục đích gì nhưng người vẫn là cái bóng, cái chính là cảnh thiên nhiên.”
“Chụp hình chung qui lại là vấn đề ánh sáng và cái duyên 'right place right time' thì mình có tấm hình ưng ý, chứ còn không thì khổ tâm cả tháng cũng không có bức hình mình muốn. Nhưng mình phải có sự sẵn sàng, máy phải sẵn sàng và biết mình muốn cái gì thì khi thời cơ đến mình chụp liền thì may ra chứ nói chụp cả 1000 tấm rồi về lựa thì khó lắm, nhiều khi không ra.” Có vẻ như khi nói về thú đam mê thì người ta nói hoài không dứt, và nói một cách say sưa. Ông Sở cũng vậy.
Theo ông Trần Hữu Thành, Hội Bạn Việt Ảnh được thành lập năm 2009, hiện nay có khoảng 200 thành viên, trong đó lớn nhất là hơn 80, nhỏ nhất mới 20 tuổi. Hội sinh hoạt và gặp nhau hai tháng một lần, trao đổi kỹ thuật chụp ảnh hay kể cho nhau nghe về những chuyến đi săn ảnh, sưu tầm ảnh.
“Mục đích của Hội Bạn Ảnh Việt Nam là tạo nên những tác phẩm thân quen với đời sống hàng ngày, dù ở không gian nào, cũng muốn người thưởng ngoạn thấy được nếp sống hay nét văn hóa bàng bạc đâu đó của người Việt Nam.” Anh Benjamin nói.
Cuộc triển lãm “Sinh hoạt đời thường của người Việt tại hải ngoại cũng như tại Việt Nam” do Hội Bạn Ảnh Việt Nam tổ chức, còn tiếp tục đến 6 giờ chiều ngày Chủ Nhật, 24 Tháng 11, 2013.