main billboard


“Giấy tờ tùy thân vẫn còn, nhưng tài sản mất hết. Tiền trong nhà không còn gì cả.”

‘Bảy ngày nay mới được ăn bữa cơm đầu tiên’

CEBU, Philippines (NV) - Hơn 30 người Việt Nam, tất cả đều gốc Tuy Hòa, Phú Yên, dồn về Cebu sống chung với nhau sau khi tài sản của họ, kể cả giấy tờ tùy thân, bị nước cuốn trôi khi cơn bão Haiyan quét qua các thành phố Tacloban và East Samar, Philippines.

“Bảy giờ sáng, nghe tin có bão, nhưng không nghĩ là bão lớn.” Chị Nguyễn Thị Thu Hương, một người buôn bán tại Tacloban, kể lại. Chị Thu Hương cùng chồng sang Philippines được khoảng hai năm. “Giấy tờ tùy thân vẫn còn, nhưng tài sản mất hết. Tiền trong nhà không còn gì cả.” Chị Hương nói, và bắt đầu khóc.

vn kettrong baophi 1Bảy người Việt Nam vừa từ Ormoc về đến Cebu lúc 4 giờ sáng ngày 20 Tháng Mười Một. Bảy ngày rồi họ mới được ăn bữa cơm đầu tiên. (Hình: VOICE cung cấp)


Với Thu Hương và gia đình, mất mát trong cơn bão Haiyan đồng nghĩa là mất tất cả. Ðể sang Philippines làm ăn, gia đình chị bán đi miếng đất ở Việt Nam, mang theo $20,000 làm vốn. Trong tính toán của chị, gia đình sang đây làm ăn, cố gắng tối đa, rồi đến một lúc sẽ quay về nước.

Hơn 30 người Việt Nam, từ các thành phố Tacloban, East Samar và vùng phụ cận đều làm nghề bán hàng dạo. Họ lấy hàng sỉ, rồi mang đi bán lẻ từng nhà ở các thành phố này. Cách làm ăn của họ là cho người dân Philippines mua trả góp, mỗi lần góp 10 peso. Hàng hóa họ bán thì toàn những thứ lặt vặt, nhưng lại cần thiết cho cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn cái chiếu, cái gối, chai dầu nóng, cái radio, và cả... cho vay.


Một người trong nhóm nói rằng, bán trả góp thì cũng phải chịu nạn “giật nợ.” “Cứ 10 người thì bốn người không trả. Tuy nhiên, vì trước sau gì khách cũng cần mua cái này, cái nọ, họ sẽ tìm cách trả nợ để được mua tiếp.”

Khi cơn bão đánh vào khu vực này, họ dạt hết về thành phố Ormoc cách Tacloban khoảng 3 giờ lái xe. Lúc đó, không một ai có tin tức của ai. Một người gốc Tuy Hòa, anh Trần Văn Mẫn, sống tại Cebu, biết tin đồng hương bị nạn, lên đường đi Ormoc để tìm tin tức. Họ gặp nhau tại đây, rồi anh và vợ, chị Lương Thị Phấn, đưa mọi người lên phà về nhà mình ở Cebu tạm trú.

Hai vợ chồng anh Mẫn và chị Phấn sang Philippines được 10 năm nay. Nói về hoàn cảnh đồng hương Phú Yên của mình, anh Mẫn cho biết tất cả đều “nợ trắng tay, mất hết, và muốn được về lại Việt Nam.”

vn kettrong baophi 2Anh Hoàng Văn (trái), đại diện VOICE, trao số tiền hỗ trợ lương thực cho anh chị Mẫn và Phấn, những người đang cưu mang hơn 30 đồng hương Tuy Hòa của mình tại Cebu. (Hình: Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt)

Nhiều người trong số này không có tài sản nên đã phải vay tiền làm vốn sang Philippines làm ăn. Nay cơn bão lấy hết tài sản của họ, tất cả phải bắt đầu lại từ đầu. Nhưng để bắt đầu từ đầu, họ phải trả được nợ, rồi tìm đường sang lại Philippines.

Trong nhóm người này, gia đình anh Mẫn và chị Phấn có vẻ “may mắn” nhất. Gia đình sống tại miền Trung Cebu, là nơi không bị bão tàn phá. Tuy nhiên, anh Mẫn lại có mặt ở Tacloban vào lúc thiên tai. Anh mất hết giấy tờ tùy thân, nhưng tài sản thì còn nguyên vẹn. Anh có thân nhân là người tị nạn trước đây từng sống ở Philippines và cũng làm nghề bán dạo. Khi được định cư ở nước thứ ba, họ trao lại mối làm ăn cho anh.

Anh Mẫn nói về nghề của mình: “Ði bán dạo. Bán những cái bán được, và không bán những cái không bán được.”
Mỗi tháng, hai vợ chồng kiếm lời được khoảng hơn $700, sau khi trừ mọi chi phí, ăn uống, tiền thuê nhà, họ để dành được từ $300 đến $400.

Anh Mẫn ước tính hiện có khoảng 2,000 người Việt Nam đi bán dạo ở Philippines. Anh cũng nói, không phải dễ để chuyển khu vực bán dạo ra khỏi vùng bị bão, vì “ở đâu cũng đã có người bán rồi.”

Trong tâm trạng rối bời, mỗi người trong nhóm đối diện với hoàn cảnh khác nhau, và có những dự định khác nhau. Ai cũng muốn quay về Việt Nam ngay, nhưng không phải ai cũng có ý định trở lại Philippines. Trong số này có anh Nguyễn Tấn Hoàng.

Nguyễn Tấn Hoàng người phường Phú Ðông, Tuy Hòa, Phú Yên, cùng người em họ là Ðinh Văn Gìn và người cháu Ðinh Văn Dũng sang Philippines hồi Tháng Mười Hai, 2012. Họ chọn “địa bàn” hoạt động là thành phố East Samar. Thành phố này nằm gần Tacloban và cũng bị bão tàn phá toàn bộ. Trong suốt bốn ngày sau cơn bão, cả ba người, Hoàng, Gìn và Dũng, ăn dừa, cả tươi lẫn khô, để sống còn.

vn kettrong baophi 3Phụ nữ và trẻ em của nhóm hơn 30 người Tuy Hòa kẹt trong cơn bão Haiyan. (Hình: Thiện Giao/Người Việt)

“Bây giờ thì mất hết rồi. Chỉ còn lại giấy tờ tùy thân.” Anh Hoàng cho biết. “Nhiều người muốn về một thời gian rồi sang lại. Riêng mình thì muốn về luôn.” Anh Hoàng nói trong sự mỏi mệt. Người anh em bà con của anh mất khoảng $10,000, con số tổng cộng vừa tiền để dành vừa tiền người mua hàng nợ trước đây.

“Cả tiền nợ cũng coi như mất. Tình hình này thì không nghĩ đến việc đòi nợ vì không ai có thể trả nợ cả.” Anh Gìn ngao ngán nói.

Mà thật sự là như vậy, cả thành phố Tacloban bây giờ không còn căn nhà nào nguyên vẹn. Con số chính thức, cho đến thời điểm này: Ðã có gần 5,000 người chết. Con số ước lượng thì lên trên 10,000, trong khi có nhiều người tin rằng sẽ không bao giờ có thể tìm ra con số chính xác về thiệt hại nhân mạng. Thoát chết trong cơn bão Haiyan đã là điều may mắn, và chẳng ai có thể nghĩ rằng có thể đòi lại nợ. Hai trong số những người này thoát chết trong tình huống hi hữu. Họ kể lại, nước tràn vào nhà, dâng lên, các thi thể cũng bị tạt vào bên trong. Hai người này đã dùng những tấm tôn đặt lên trên người xấu số, rồi đứng lên, cơi trần nhà, thoát ra bên ngoài.

vn kettrong baophi 4Từ trái, Nguyễn Văn Gìn, Trần Văn Mẫn, và Nguyễn Tấn Hoàng, tại nhà anh Mẫn ngày 19 Tháng Mười Một. (Hình: Thiện Giao/Người Việt)


Nhóm đầu tiên theo anh Mẫn về Cebu vào khoảng hơn 20 người. Lúc 4 giờ sáng ngày 20 Tháng Mười Một, một nhóm bảy người nữa cũng vừa từ Ormoc về đây, sẽ lại tấp vào nhà anh Mẫn. Họ cho biết đại diện Tòa Ðại Sứ Việt Nam tại Philippines có tìm gặp, “giúp đỡ đôi chút,” hứa sẽ giúp làm lại sổ thông hành bị mất. “Họ chỉ hứa thủ tục pháp lý nhưng không hứa hỗ trợ tài chánh.”

Có mặt tại Cebu, anh Hoàng Văn, đại diện tổ chức VOICE, cho biết, “ngày 19, VOICE tìm ra hơn 20 người. Sáng nay, lại tìm được thêm bảy người, cũng đưa về nhà anh Mẫn.”

Khi đón nhóm thứ hai vào lúc 4 giờ sáng tại bến phà Cebu, anh Hoàng đưa cả nhóm đi ăn sáng. Họ nói: “Bảy ngày rồi, chúng tôi mới được ăn bữa cơm đầu tiên.”


VOICE cũng đã liên lạc được một số người khác, còn kẹt lại Ormoc, Samar, và đang tìm phương tiện đưa họ về Cebu như hai nhóm trước.

Tất cả đều lâm vào tình trạng tương tự. Trong số này có vợ chồng anh Trần Công Thành, gia đình chị Phạm Thị Lưu Ly, chị Trần Thị Minh, gia đình anh Khá, anh Bảy Ðức, gia đình anh Nguyễn Hùng, Nguyễn Ngọc Sang, gia đình Trần Hữu Hiên, anh Nguyễn Phước, anh Trần Minh...

Những người muốn quay lại Việt Nam sẽ phải gặp một, trong nhiều, khó khăn: Họ không có tiền đóng tiền thuế, một thứ tiền phạt, cho chính phủ Philippines, vì ở quá hạn visa.

Không có số tiền này, và nếu không trả được nợ, khó lòng họ có thể vay được nợ mới. Con đường quay lại Philippines làm ăn, kiếm một cuộc sống tốt hơn, có vẻ khó trở thành sự thật.