“Ðược thoát ra hải ngoại, điều làm chúng tôi vui mừng biết bao khi thấy một số sách của miền Nam trước 1975 được in lại, dù chỉ là một số ít ỏi...."
WESTMINSTER, California (NV) - Sáng hôm Chủ Nhật, 3 tháng 11, Viện Việt Học, Westminster, đã tổ chức một buổi bán sách (booksale) ngay tại khuôn viên của viện.
Số sách được bán là của một số tác giả và mạnh thường quân mang đến biếu viện để tùy nghi. Sau khi chọn ra cho thư viện của Viện Việt Học, có một số sách dư, viện thảo luận cùng các tác giả và các mạnh thường quân biếu sách để tổ chức một buổi bán sách dư, vừa là để phổ biến cũng vừa là thêm được chút tài chánh cho viện.
Sách được trưng bày khắp phòng triển lãm trong ngày bán sách của Viện Việt Học. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Ðược nghe nói đến việc này, nhiều đồng hương đã gọi đến thăm dò số sách được bán, khi được biết có nhiều sách quí và nay hầu như rất khó tìm, thì số người đến tìm sách đã tới khá đông suốt từ 10 giờ sáng cho tới 4 giờ chiều lúc phòng bán sách đóng cửa.
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Kỳ, một trong những “khách hàng” đến sớm nhất, cho biết: “Tôi vốn mê sách, đọc sách từ ngày còn nhỏ. Thời trước 1975, ở Sài Gòn, có cơ man nào là tiệm sách, đến tha hồ xem ngắm, lục tìm. Sách Việt thì ở nhà sách Khai Trí. Sách Pháp, sách tiếng Anh thì ở Xuân Thu trên đường Tự Do. Ngày ấy văn hóa Việt Nam như được mùa nên rộ nở. Sách thuộc nhiều loại thi nhau xuất bản đề cập đến đủ mọi vấn đề. Nhiều nhà xuất bản cũng thi nhau mọc ra như nấm, góp tay không nhỏ vào việc phát triển văn hóa Việt Nam và đã tạo được uy tín lớn đối với độc giả.”
“Nhưng rất tiếc, biến cố 30 Tháng Tư, 1975 xảy tới rồi tới việc nhà cầm quyền mới thực hiện kế hoạch 'đốt sạch, phá sạch nền văn hóa Mỹ Ngụy đồi trụy' thì biết bao nhiêu sách quí đã bị tiêu hủy trong kế hoạch cuồng điên này của cộng sản.
Lớp người yêu sách chúng tôi như những kẻ vỡ mộng, nhìn từng đống sách quí như bộ tap chí Quê Hương, bộ Tự Ðiển Bách Khoa Toàn Thư của Anh, bộ Nam Phong Tạp Chí, những sách giáo dục của nhà xuất bản Nam Cường, Tân Việt mà lòng tôi đau xót vô cùng,” ông Kỳ nói tiếp.
Và ông thêm: “Ðược thoát ra hải ngoại, điều làm chúng tôi vui mừng biết bao khi thấy một số sách của miền Nam trước 1975 được in lại, dù chỉ là một số ít ỏi. Nay nghe nói Viện Việt Học tổ chức bán một số sách quí, chúng tôi mừng lắm, hẹn nhau đến đây để hy vọng mua được một vài cuốn sách quí ngày trước. Nhưng buồn thay, các sách quí mà chúng tôi mong được mua lại thì viện lại không bán, chỉ triển lãm cho những người ham sách thèm thuồng mà thôi.”
Nhà thơ Viên Linh cũng là một “khách hàng” sớm nhất. Với nhà thơ, chủ nhiệm của tờ báo sống “dai dẳng” nhất trong làng báo Việt ngữ từ trong nước ra đến hải ngoại, tạp chí Khởi Hành, thì nhiều lần ông khẳng định: “Văn học đích thực Việt Nam chính là dòng văn học hải ngoại.”
Ðiều khẳng định của nhà thơ Viên Linh khiến chúng tôi phải nhìn lại. Nhìn lại thì thấy dòng văn học ấy quả thật nó tuôn chảy từ những nguồn Hán Nôm Việt Nam qua thời “quốc ngữ” với những người viết nổi tiếng trong giao thời chữ nghĩa để rồi được những Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim ở ngoài Bắc, Ðông Hồ, Hồ Biểu Chánh... ở trong Nam và được nối tiếp với Tự Lực Văn Ðoàn cho đến hết giai đoạn thường gọi là “tiền chiến.”
Chấm dứt giai đoạn này là những “phản tỉnh” của các nhà văn nhà thơ từng nổi danh trước đó, “thành khẩn” thú nhận trước đảng rằng “tất cả các tác phẩm sáng tác trước đó của mình khi chưa được đảng soi sáng, nay đều lả những sản phẩm độc hại cho dân tộc, vậy xin tuyên bố từ bỏ chúng.”
Dòng văn học Việt Nam đến đó là đứt quãng, thay thế vào đó là dòng văn học được chỉ đạo rằng “bao nhiêu năm đời ta có đảng,” “Với sức người sỏi đá cũng thành cơm.” Dù có nhen nhóm lên bằng “Tôi bước đi không thấy phố thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ” là bị tiêu diệt ngay qua vụ án Nhân Văn Giai Phẩm mà các người viết trong nước bây giờ đang muốn thử nghiệm trở lại.
Từ trái, cựu Ðại Tá Trần Ngọc Thống, cô Kim Ngân và Giáo Sư Nguyễn Ngọc Kỳ tại ngày bán sách. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Nhưng dòng văn học đích thực ấy đã không thể bị chặn lại vì nó đã rẽ vào dòng chảy miền Nam sau lần đất nước chia đôi năm 1954. Như vừa qua những thác ghềnh, dòng chảy văn học miền Nam đã tích tụ được phù sa khi bị chặn ở miền Bắc, trào dâng vào chín nhánh sông miền Nam mở ra những phong trào văn học thật đa dạng, tô điểm cho bộ mặt văn hóa miền Nam những truyền thống tốt đẹp của người dân Việt.
Như một cuộc cách mạng văn hóa, người dân miền Nam đã đắp xây được một nền văn học tự do, khai phóng và nhân bản trong suốt 20 năm trời vừa chống “giặc miền Bắc vô đây, bàn tay nhuốm máu đồng bào” vừa xây dựng cho đất nước được đứng vững. Những tác phẩm tuy chưa được coi là lớn của thời đại, nhưng cũng đã là những tác phẩm ghi dấu được cả một giai đoạn lịch sử thương đau của một đất nước, của một dân tộc bị đế quốc đỏ chọn làm một tên lính xung kích đi nhuộm đỏ toàn cõi Ðông Nam Á. Nên cộng sản không phải là thứ ngu dốt mà đi đốt sách lập lại tàn tích Tần Thủy Hoàng xưa để bị muôn đời sau nguyền rủa, mà chỉ vì cộng sản muốn che lấp dấu tích bán nước cho đế quốc đỏ, đã mượn cái lớp áo ái quốc kháng chiến của dân tộc để nướng hết hơn hai thế hệ tuổi trẻ vào công tác xâm lăng, được cộng sản gọi là kháng chiến, cứu nước. Văn học miền Nam không bị nhà nước hay chính quyền chỉ đạo nhưng đã thể hiện ra rõ cái phi chính nghĩa của cộng sản đối với dân tộc Việt Nam, nên nền văn học ấy phải bị hủy diệt khi họ cưỡng chiếm được miền Nam.
Nhưng cộng sản vẫn không hủy diệt được vì giới làm văn học nghệ thuật hải ngoại đã không chỉ cùng nhau “gìn vàng giữ ngọc” mà còn tìm mọi cách phát triển nó, phổ biến nó với hết khả năng của mình.
Cựu Ðại Tá Trần Ngọc Thống, nhà biên khảo và là đồng tác giả cuốn “Lược Sử QLVNCH,” trong buổi đi tìm sách quí này, nói với chúng tôi: “Có một số bạn trẻ nói rằng hiện nay ở trong nước, sách của Tự Lực Văn Ðoàn và một số của các nhà văn miền Nam trước đây cũng đã được cho in lại. Tôi xin quí bạn trẻ và các độc giả lưu ý ngay cho rằng, cộng sản họ khôn lắm biết không đi được ngược dòng nước chảy nên họ đành phải cho in lại một số tác phẩm của Tự Lực Văn Ðoàn và một số nhà văn ngoan ngoãn để xả một chút sú bắp, nhưng cứ xem lại đi, những bản in lại đó đã bị cắt xén và viết lại nhiều chỗ nếu như ta đem so với chính bản ở hải ngoại còn giữ được.”
Trở lại với buổi bán sách thì trong hội trường khiêm nhường của viện, ba dẫy bàn dài trên đó la liệt là những sách vở. Dẫy chính giữa là những sách quí hiếm, nhiều cuốn là “độc bản,” không thể tìm đâu ra nữa như cuốn “Một Cơn Gió Bụi” của Trần Trọng Kim hay tập “Ngục Trung Thư“của nhà cách mạng Phan Bội Châu, được nhà xuất bản Tân Việt in năm 1950.
Nơi những dẫy bàn khác cũng thấy một số sách của các nhà văn chống chế độ như Dương Thu Hương và Nguyễn Huy Thiệp.
Về sách giáo dục, cũng có loáng thoáng một số sách của Dương Quảng Hàm, của Ðào Duy Anh mà thế hệ 70 ngày nay không có ai là không biết vì đó là những sách được Bộ Quốc Gia Giáo Dục chọn làm sách giáo khoa cho các lớp trung học.
Theo cô Kim Ngân trong ban điều hành Viện Việt Học, “Thư viện của Viện Việt Học đang trên đường phân loại và sắp xếp còn trên 10 ngàn cuốn sách nữa. Hy vọng khi hoàn tất, thư viện mở cửa, chúng ta sẽ có nhiều dịp để tra cứu tìm lại dòng văn học đích thức của dân tộc Việt Nam.”