*Cha: Mỗi tháng chu cấp $250 . *Mẹ: Chấm dứt tung tin lên mạng
WESTMINSTER (NV) - Ngay sau khi bài báo “Phụ nữ lên mạng truy tìm cha Việt kiều Mỹ cho con” được đăng trên nhật báo Người Việt và Người Việt Online ngày Thứ Năm, 17 Tháng Mười, chúng tôi đã nhận được email phản hồi từ cô Trần Kim Tốt, người phụ nữ đi tìm cha cho con.
Trong email, cô Tốt phủ nhận những điều ông Nguyễn Trần Đạt, người được cho là cha của con trai cô, nêu ra. Đặc biệt, cô Tốt khẳng định chứng từ gửi tiền mà ông Đạt cung cấp cho nhật báo Người Việt là hoàn toàn giả mạo.
Cũng trong chiều ngày Thứ Năm, theo lời đề nghị của phóng viên Người Việt, ông Đạt có mặt tại tòa soạn với mong muốn tìm một giải pháp “làm sao chấm dứt câu chuyện này.”
Tại đây diễn ra một cuộc trao đổi thẳng thắn qua điện thoại giữa ông Đạt và cô Tốt, mà theo như lời của cả hai người, thì đây là lần đầu tiên họ nói chuyện trực tiếp với nhau, sau khi xảy ra những mâu thuẫn từ hơn một năm trước.
Giải pháp tạm thời của cô Tốt và ông Đạt cùng những gì mà phóng viên nhật báo Người Việt tìm hiểu thêm, hy vọng sẽ là điều để tất cả mọi người cùng suy nghĩ.
“Cứ đưa lên báo hoài thì chuyện này bao giờ mới chấm dứt?”
Đó là lời đầu tiên của ông Nguyễn Trần Đạt nói. Tuy nhiên, do tất cả thông tin cá nhân “bị tung lên mạng” nên ông Đạt “liên tục nhận được những email hăm dọa cùng những cú điện thoại chửi mắng thậm tệ.” Vì thế, ông mong muốn làm thế nào để có thể chấm dứt những điều phiền toái này.
Ông Nguyễn Trần Đạt tại tòa soạn báo Người Việt chiều Thứ Năm, 17 Tháng Mười. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Người đàn ông 54 tuổi, hiện đang là cư dân thành phố Fullerton, cho biết ông kết hôn với cô Trần Kim Tốt, 26 tuổi, ở Đồng Tháp, là vì ông “thật sự muốn có con, lớn tuổi quá rồi mà chưa hề có đứa con nào hết.” Thế nên, “khi nghe báo tin cô có thai tôi rất vui. Tôi làm thủ tục bảo lãnh cô, có số hồ sơ hẳn hoi.”
Tuy nhiên, “Mọi chuyện với cô Tốt đều tốt đẹp êm xuôi cho đến khi phát sinh vụ đòi tiền. Lần đầu $300, sau đó tôi gửi thêm $2,300, rồi đến $2,000 nữa thì dứt luôn.”
Ông Đạt giải thích lý do “chấm dứt” mối quan hệ với cô Tốt là vì “cô nói nếu không gửi 100 triệu thì cô không giữ đứa bé. Tôi giận là vì câu đó.”
Đồng thời, ông Đạt “quyết định hủy bỏ hồ sơ bảo lãnh từ lúc cô Tốt bắt đầu tung lên mạng, gửi email chửi tôi. Mà trước đó cô nói cô không đi Mỹ.”
Bằng một sự cởi mở, và sẵn sàng trả lời các câu hỏi được nêu ra, ông Đạt khẳng định “dù chưa thử DNA nhưng tôi tin chắc đứa bé trong hình là con tôi, bởi vì nó giống tôi quá!” Và “đứa bé này là đứa con đầu tiên trong đời của tôi.”
Tuy vậy, ông Đạt cũng thừa nhận,“đến nay tôi vẫn không biết đứa bé sanh ngày nào và tên là gì luôn.”
“Nếu khẳng định đó là con ông, vậy ông có dự định làm gì cho con ông không?” Ông Đạt trả lời một cách rành rọt, “Tôi muốn sau khi thử DNA nếu chắc chắn là con tôi thì tôi sẽ bảo lãnh nó sang Mỹ. Nhưng nếu mẹ nó không đồng ý thì mỗi tháng tôi sẽ gửi về một số tiền vừa đủ để nuôi nó.”
Ông Đạt đồng ý để phóng viên nhật báo Người Việt gọi điện thoại về Đồng Tháp cho cô Trần Kim Tốt để ông nói trực tiếp điều đó với người được cho là mẹ của con trai ông.
Cuộc nói chuyện đầu tiên sau khi xảy ra mâu thuẫn
Để độc giả có thể tự mình rút ra ít nhiều điều từ “bài học rất đời” này, chúng tôi xin phép được đăng hầu như nguyên vẹn cuộc trò chuyện của người chồng Việt kiều và người vợ Việt Nam này.
Ông Đạt: Hi Tốt
Cô Tốt: Em chào anh Đạt
Ông Đạt (giọng nhẹ nhàng nhưng dứt khoát): Ok, cũng giống như mấy tháng trước đã nói với Tốt thay vì cứ tung lên mạng rồi làm rùm beng, thì ngồi xuống chọn lựa một trong hai đề nghị. Một là mỗi tháng tôi sẽ gửi về cho Tốt một số tiền nhất định và mỗi tháng đều sẽ gửi về số tiền đó, ví dụ như mỗi tháng $200 thì tháng nào cũng đúng ngày đó tháng đó sẽ gửi $200 để mà giúp Tốt nuôi con. Còn nếu Tốt đồng ý để tôi bảo lãnh đứa nhỏ qua đây ở với tôi, nhưng mà Tốt không đồng ý thì tôi sẽ gửi tiền về cho Tốt mỗi tháng phụ giúp nuôi con. Kể từ giờ phút này, nếu mình thống nhất với nhau đề nghị này, cùng lo cho đứa con thì chấm dứt ngay tất cả mọi chuyện làm rùm beng lùm xùm, không công kích nhau, không đưa lên Internet, không đưa lên mạng nữa và nhất là không gửi email cho người này người kia nữa. Tốt đồng ý không?
Cô Tốt (nói chuyện rất nhẹ nhàng): Chuyện anh Đạt nói là điều em không muốn để đăng lên báo để như hiện tại bây giờ, để trả lời qua trả lời lại là chuyện em không muốn ngay từ đầu. Anh Đạt nghĩ đúng không? Bao lâu nay em đã mang bầu như thế, rồi anh Đạt nói với những người khác làm sao? Rồi em yêu cầu anh Đạt có trách nhiệm với đứa bé, năn nỉ hết lời làm sao, để bây giờ đăng lên báo thì anh Đạt không thể nào trách được em, đúng không? Bây giờ sự việc như vậy, anh Đạt muốn có trách nhiệm, như vậy là tại vì giống như bị dư luận bắt buộc. Thì bây giờ nếu anh Đạt đã có ý muốn lo cho con tiếp em, thì anh Đạt ghi một tờ giấy cam kết hay gì đó. Vì lời nói của anh bây giờ em không còn tin tưởng được nữa. Anh Đạt nghĩ đúng không? Bây giờ anh Đạt gửi một tháng để phụ cho con, rồi tháng thứ hai anh Đạt không gửi, thì không lẽ em phải lên báo em nói nữa sao. Rất là phiền người khác. Lên báo cũng làm phiền nhà báo nữa. Bây giờ anh Đạt phải làm cái gì đó để bên tờ báo người ta có sự tin tưởng…
Ông Đạt: Ba mặt một lời. Tất cả những điều nãy giờ đang nói chuyện đều được thu lại, không phải là nói suông. Tất cả những điều này đang được thu hình và thu âm lại, thành ra không thể nói gửi một tháng hai tháng rồi ngưng, nhất là chuyện đó lại là chuyện tình cảm nữa, tình cảm của một người cha đối với một người con thì không thể nào mà nói vì dư luận công kích mà phải làm như vậy.
Cô Tốt: Đồng ý là anh nói tình cảm làm cha…(ông Đạt cắt ngang: Thôi bây giờ mình không có tranh cãi chuyện này nữa). Để em nói anh Đạt nghe nè. Nếu anh nói anh có tình cảm của một người cha đối với một người con thì em xin nói thêm tại sao từ lúc em có bầu đến giờ anh không liên lạc bằng cách này đi, rồi bây giờ anh tới tòa soạn báo anh nói vấn đề này ra, anh nói anh dùng tình cảm của một người cha đối với một người con là không có đúng. (Ông Đạt cắt ngang: Thôi bây giờ mình không có tranh cãi chuyện này nữa). Em không cãi nhưng mà để em nói cho anh hiểu là bao lâu nay anh đã thiếu trách nhiệm như vậy.
Ông Đạt: Cái gì cũng phải có nguyên nhân mới có hậu quả này, chứ không phải tự dưng mà có. Bây giờ mà mình có tranh cãi đến ngày mai ngày mốt thì… Mình không tranh cãi nữa. Mình kết thúc câu chuyện ở đây, là tôi giữ cam kết của tôi, mỗi tháng tôi gửi tiền về để mà giúp Tốt nuôi đứa bé. Đồng ý chưa? Và mình cũng có một cam kết ngược lại: Tốt chấm dứt không có gửi email hay làm rùm beng trên Internet nữa. Tôi đã gửi email nhắc Tốt ít nhất là 3 lần rồi mà không thấy Tốt có phản ứng gì hết, mà Tốt cứ tiếp tục gửi hết trang mạng này qua trang mạng khác. Thôi như vầy chuyện đó mình không nói nữa.
Từ trái: Phóng viên Phụng Linh, phóng viên Ngọc Lan và ông Nguyễn Trần Đạt đang trò chuyện qua điện thoại với cô Trần Kim Tốt ở Đồng Tháp. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Cô Tốt: Em nói anh Đạt nghe nè, nói tờ báo Người Việt nghe luôn, là em không hề đem những thông tin đó đưa lên những tờ báo khác, em chỉ đăng duy nhất một tờ Việt Media và tờ báo đó đã gỡ xuống rồi. Em không hề đăng những tờ báo khác. Anh có thể đến những tờ báo đó để kiểm chứng.
Khi nghe phóng viên Người Việt nhắc lại lời đề nghị của ông Đạt là “đúng từ ngày 1 đến ngày 3 mỗi tháng sẽ gửi về số tiền tối thiểu $100, tối đa $200 để phụ Tốt lo cho đứa bé” thì người phụ nữ bắt đầu nghẹn ngào:
“Bao lâu nay ảnh không có trách nhiệm mà bây giờ ảnh nói một câu như vậy, em đau lòng. Bây giờ con anh đó, ảnh phụ bao nhiêu anh phụ, em không bắt buộc. Nhưng mà anh làm sao cho đúng trách nhiệm người cha chứ em cũng không biết nói cái gì với anh nữa.”
Ông Đạt: Theo ý Tốt thì bây giờ Tốt muốn làm sao Tốt nói đi? Có mặt mọi người ở đây Tốt cứ nói đi. Thay vì mình nói sau lưng nhau thì mình nói thẳng trước mặt đi.
Cô Tốt (vừa khóc vừa nói): Em không bao giờ nói sau lưng anh Đạt. Anh Đạt đặt điều vu khống em nhiều chuyện nhưng mà anh Đạt đã có minh oan cho em chưa?
Ông Đạt: Giờ không tranh cãi nữa, không nói ai đúng ai sai nữa.
Cô Tốt: Em không nói ai đúng ai sai, em nói để anh Đạt và tất cả mọi người hiểu bao lâu nay anh Đạt nói xấu em như thế nào. Anh vu khống em như thế nào để miệng đời dư luận chà đạp em như thế nào. Rồi anh Đạt bỏ bê con, anh không trách nhiệm giờ anh nói mỗi tháng 1 tây đến 3 tây anh gửi về bao nhiêu tiền để phụ nuôi con, rồi phủi bỏ trách nhiệm vậy là xong. Đâu phải chỉ có tiền nuôi con là làm tròn trách nhiệm người cha đâu.
Ông Đạt: Giờ ý Tốt muốn làm sao?
Cô Tốt: Giờ anh muốn có trách nhiệm như vậy thì em cũng chấp nhận, cũng như em với anh đã không còn gì để nói nữa rồi. Anh cũng đừng nói em là tuyên truyền trên Internet, đó cũng là oan ức cho em nữa. Còn chuyện nói lên nhà em của anh để làm tiền, có không? Em ẵm con lên rồi em phải lủi thủi đi về, không cho em vô nhà rồi giờ nói em lên quậy làm tiền, nhục cho em, đau cho em không?
Bây giờ em không biết nói làm sao, em cũng không biết yêu cầu như thế nào ở anh. Bây giờ em nhờ những người chung quanh, như tờ báo Người Việt, lên tiếng dùm em, bây giờ phải làm như thế nào chứ em không thể nào biết được em phải làm như thế nào. Còn anh cấp dưỡng nuôi con hàng tháng, bây giờ một tháng hai tháng anh không gửi thì làm cái gì?
Cái đó có thể xảy ra, chứ không phải anh lên báo anh đứng nói như vậy nói anh giữ lời hứa rồi mỗi tháng anh gửi bao nhiêu. Bây giờ báo Người Việt xác nhận như vậy nhưng giá tiền cũng phải hợp lý để em nuôi được đứa bé chứ không phải anh thích gửi bao nhiêu thì gửi. Bây giờ em nhờ báo Người Việt nghĩ hộ em, nói hộ em đi chứ bây giờ em không biết nói làm sao nữa.
Giải pháp tạm thời
Kết thúc buổi nói chuyện, ông Đạt đồng ý bắt đầu từ Tháng Mười Một, mỗi tháng gửi về 5 triệu đồng VN phụ cô Tốt nuôi đứa bé. Đồng thời, ông Đạt cũng chấp nhận gửi cho cô Tốt $600 để giúp cô trả món nợ 12 triệu đồng VN mà cô đã vay mượn lúc đi sanh con.
Để chứng minh cho việc “nói là làm”, ông Đạt đi gửi ngay về cho cô Tốt số tiền $600 đã hứa cùng $250 “tiền cho Tháng Mười Một” và mang tờ biên nhận gửi tiền đến cho báo Người Việt xem “làm bằng chứng.”
Tại tòa soạn, ông Nguyễn Trần Đạt tỏ ra vui mừng vì “đã giải quyết được câu chuyện tưởng như không biết bao giờ mới chấm dứt” và cô Trần Kim Tốt cũng “cám ơn anh Đạt.”
Dù vậy, để có thể trả lời một cách rõ ràng điều mà cô Trần Kim Tốt nêu ra trong email gửi cho nhật báo Người Việt là biên nhận ông Đạt đưa đăng báo là "hoàn toàn giả mạo,” chúng tôi đã mang 3 bản copy số tiền $300 (gửi ngày 15 Tháng Giêng, 2012), $2,000 (gửi ngày 4 Tháng Hai, 2012) và $2,300 (gửi ngày 11 Tháng Hai, 2012) mà ông Đạt chuyển cho chúng tôi trước đó đến đại lý gửi tiền được nêu trong biên nhận, để hỏi về tính xác thực của nó.
Bởi vì, theo lời cô Tốt, cô chỉ nhận được tiền từ ông Đạt gửi về do công ty kiều hối Thiên Phú Việt Nam chuyển đến tổng cộng 4 lần: lần 1 là $1,000 (ngày 12 Tháng Giêng, 2012), lần 2 $300 (ngày 16 Tháng Giêng, 2012), lần 3 $200 (20 Tháng Giêng, 2012), lần 4 $300 (ngày 18 Tháng Ba, 2012) và một thùng quà ngày 7 Tháng Tư, 2012.
Khi bài báo này đang viết, chúng tôi lại được tin cô Tốt báo là đã nhận được số tiền $850 do ông Đạt vừa gửi.
Tại đại lý gửi tiền Home Entertainment trên đường Westminster, lần đầu tiên, trong vai trò là “người quen” nhờ ông Đạt gửi tiền cho cô Tốt nhưng cô Tốt không nhận được, chúng tôi hỏi, “Có cách nào để biết là số tiền như trong biên nhận có được gửi hay không?” thì nơi đây trả lời, “Hồ sơ chỉ giữ lại trong chừng 1 tháng, còn cái này hơn cả năm thì không có cách gì biết được.” Tuy nhiên, người phụ nữ làm việc tại đây phát hiện ra "chữ ký trên biên nhận không phải của chị."
Cũng trong ngày Thứ Bảy, 19 Tháng Mười, chúng tôi trở lại đại lý gửi tiền trên lần thứ hai với tư cách phóng viên nhờ giúp xác nhận xem các biên nhận do ông Đạt gửi tới tòa soạn có phải “hoàn toàn giả mạo” như lời cô Tốt khẳng định không, thì một nhân viên của tiệm, tên Lộc Trần, copy lại các biên nhận và bảo “Thứ Hai hay Thứ Ba sẽ gọi lên công ty hỏi.”
Chiều ngày Thứ Hai, qua điện thoại, ông Lộc Trần không trả lời trực tiếp câu hỏi của phóng viên là “biên nhận đó có đúng hay không và số tiền đó có được gửi hay không”, mà chỉ nói, “Đây là chuyện cá nhân của hai người đó thì để hai người tự giải quyết. Tiệm không có ý kiến về chuyện này.”