“Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi nó trở về già, cũng không hề bỏ nó.”
MIDWAY CITY, California (NV) - Trường Việt Ngữ Hội Thánh Tin Lành Midway City vừa khai giảng niên khóa (2013-2014) vào Thứ Bảy tuần qua tại 8141 Washington Ave., Midway City, California.
Cho dù các phụ huynh bận lo việc cho các con em trong mùa tựu trường của các trường Mỹ, họ cũng đưa con em của mình đến học thêm tiếng Việt. Lý do là họ muốn các em không quên tiếng Việt.
Thầy Văn Phú Trạch đánh đàn cho mọi người cùng hát nhân ngày khai giảng. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Ban điều hành của trường gồm có: Mục Sư Văn Ðài (quản nhiệm), Mục Sư Ðoàn Peter (phụ tá), thầy Martin Trần Mừng (ủy viên đặc trách tổng quát, chịu trách nhiệm mọi sinh hoạt của trường như cơ sở an toàn, học cụ, học liệu và chương trình dạy). Cô Lê Thị Thanh Hương (hiệu trưởng), cô Phạm Thị Tuyết Anh (thủ quỹ), bà Trần Nguyễn Thanh Trúc (giám thị và trưởng ban ẩm thực).
Ban điều hành và các thầy cô giáo tổng cộng được 25 thành viên để phục vụ cho công việc dạy dỗ cho các em đến học tiếng Việt. Và họ toàn là những thiện nguyện viên đến giúp cho trường.
Mục Sư Văn Ðài nói với nhật báo Người Việt: “Chúng tôi rất vui vì được dự phần trong cộng đồng của mình là giúp cho các em học tiếng Việt, vì còn tiếng Việt thì những người Việt của mình ở hải ngoại được gần gũi với nhau nhiều hơn, nhất là trong thế hệ trẻ. Cho nên chúng tôi luôn khích lệ các anh chị em đã có lòng tình nguyện giúp đỡ như các giáo viên; các ông bà tình nguyện; các phụ huynh đã đưa các con em đến học tiếng Việt. Tôi được biết ở trong Midway City có 40% cư dân ở đây là người Việt Nam. Và tôi ước mong là con em của chúng ta học được tiếng Việt cũng như sự ước mong của các trung tâm Việt Ngữ khác.”
Theo thầy Martin Trần Mừng, trường Việt Ngữ Hội Thánh Tin Lành Midway City được thành lập từ năm 1987, tại Santa Ana, lúc đó chỉ có các lớp 1, 2 và 3. Một thời gian sau, trường dời về hai địa điểm khác cũng trong thành phố này. Ðến năm 2002, trường được di chuyển về Midway City, khu vực này được rộng rãi hơn những trường cũ. Cho đến bây giờ, trường đã thực hiện được ba lớp mẫu giáo và bảy lớp từ lớp 1 đến lớp 7. Số học sinh năm rồi được trên 80 em, và năm nay vì còn chờ một số phụ huynh đưa con em của mình đến ghi danh nên chưa xác định được số học sinh là bao nhiêu.
Cũng theo thầy Martin Trần Mừng cho biết, khi các học sinh đến đây học, trường phải lo in sách vở và những dụng cụ cần thiết có liên quan đến học cụ, phần ăn cho các em và các chi phí khác, nên mỗi em đến đây học các phụ huynh ủng hộ cho trường số tiền là $120 một năm học, những gia đình nào có từ hai em trở lên đến học thì cứ bắt đầu từ em thứ nhì, các em được bớt $10 cho một niên khóa. Thời gian dạy, Thứ Bảy mỗi tuần, từ 10 giờ sáng đến 12 giờ 30 trưa.
Phụ huynh đến ghi danh cho con em nhập học. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Chương trình dạy gồm tập cho các em nói; viết và hát tiếng Việt, học cách lễ phép và biết vâng lời ông bà, cha mẹ, các em lớn con được học thêm lịch sử và địa lý của Việt Nam.
Ðến giờ khai giảng, Mục Sư Văn Ðài lên cầu nguyện và cám ơn những thành viên cũng như quý phụ huynh đã hỗ trợ cho trường. Sau đó là phần sinh hoạt văn nghệ do thầy dạy hát Văn Phú Trạch điều khiển cho các em hát. Tiếp theo, các thầy cô tổng kết số học sinh đến ghi danh và xếp lớp học cho các em.
Cô Lê Thị Thanh Hương cho biết: “Tôi làm hiệu trưởng trường này được năm năm. Tôi làm công việc này, vì lòng của tôi muốn cho các em biết tiếng Việt để giữ được nguồn gốc của ông bà tổ tiên của mình, tôi mong ước khi các em giữ được tiếng Việt để khi các em đi đến nơi nào cũng nói được tiếng Việt. Và chính ngôn ngữ đó do tổ tiên, ông bà, cha mẹ để lại cho mình.”
Theo cô Thanh Hương, khi các em biết nói tiếng Việt thì các em cũng có cơ hội giúp ích cho xã hội nữa, tại vì hiện nay trong các trường trung học và đại học, họ có dạy thêm tiếng Việt để giúp cho ngôn ngữ này những nước khác chú ý đến.
Hơn nữa, họ thấy các học sinh người Việt rất lễ phép, vì họ thấy các em học sinh Việt Nam đi thưa về trình với ông bà cha mẹ và biết lễ phép khi gặp những người lớn tuổi. Còn một điều tốt nữa là khi các em biết được tiếng Việt, các em có thể giúp cho đồng bào của mình tại hải ngoại này về phương diện thông dịch.
Có nhiều trở ngại khi các phụ huynh muốn đưa con em của mình đến đây học thêm tiếng Việt. Thứ nhất là các em không muốn đến đây học, tại vì ngôn ngữ này là ngôn ngữ thứ hai của các em nên trong những lần đầu tiên đưa các em đến đây học rất là khó khăn. Nên các thầy cô tìm đủ mọi cách để tạo những sinh hoạt vừa học, vừa chơi, thậm chí tạo cho các em những động tác dễ nhất để cho các em hiểu được tiếng Việt và chữ Việt.
Ban đầu mới vào rất là khó, sau đó các em cảm thấy vui thích khi đến đây gặp được thầy cô và bạn bè, ngoài ra, khi đến đây học các em được các thầy cô khuyến khích thưởng những cái bánh hoặc kẹo nho nhỏ, thì các em giữ được sự trung tín là các em đến đúng giờ và thường xuyên hơn. Trường cũng có đưa các em đi thi “Bé vui, bé học” để tranh tài với những trung tâm Việt Ngữ khác.
Có một số các em lớn đã học ở đây 10 năm trước. Bây giờ các em đó đã tốt nghiệp đại học và đang làm việc. Các em cho biết, tiếng Việt được xem là ngôn ngữ thứ hai của các em nên các em cũng có lương cao hơn. Ðiều này cũng bù đắp cho ban điều hành và các thầy cô cảm thấy hãnh diện khi đã giúp cho các em biết nói được tiếng Việt.
Mục Sư Văn Ðài (bìa trái) ngỏ lời cùng các phụ huynh và thầy cô. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Hai câu châm ngôn của trường là: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi nó trở về già, cũng không hề bỏ nó.” Hai câu này, theo cô hiệu trưởng, là vì khi mình dạy cho các em đã thông thạo tiếng Việt thì khi các em trở về già các em vẫn còn nhớ đến mình, và mình cũng không bỏ chúng nó.
Thầy Nguyễn Minh nói: “Trở ngại lớn nhất là khi các bậc phụ huynh đưa các em đến đây học tiếng Việt chỉ có hai tiếng trong tuần nên không có đủ để cho các em hội nhập được. Thứ hai nữa là đa số các em còn nhỏ, các em chưa thấy được sự quan trọng của tiếng Việt, vì ở bên ngoài, các em sử dụng tiếng Việt không nhiều nên nhiều khi chúng nó lười và không muốn đến học nữa. Ðó là những trở ngại hàng năm mà chúng tôi gặp phải.”
Có hai dạng các em đến đây học chữ Việt. Một dạng thường có ông bà nội, ngoại ở nhà thì các em đó đã nói tiếng Việt vỡ lòng từ còn bé cho nên việc dạy chữ tiếng Việt cho các em đó rất là dễ. Còn dạng các em đã lớn trên 10 tuổi mới bắt đầu học tiếng Việt thì rất khó khi dạy tiếng Việt cho những em này. Vì thế, âm giọng tiếng Việt của các em này thường có chút lơ lớ không đúng chính xác âm ngữ của tiếng Việt.
Cô Mai Hồng, trước là một phụ huynh đưa con đến đây học chữ Việt, sau này cũng tình nguyện vào đây để giúp cho trường. Cô chia sẻ: “Việc thu xếp cho con của tôi đi học ở trường Mỹ và học thêm chữ Việt cũng có hơi chật vật tại vì tôi có đến ba cháu nhỏ lận. Nhưng mình cũng cố gắng thu xếp thời giờ để cho con của chúng tôi học thêm tiếng Việt mỗi tuần chỉ có hai tiếng vào những Thứ Bảy.”
Cô nói thêm: “Tôi có nhiều người bạn lúc trước cũng đưa con của họ đến đây học thêm tiếng Việt. Nhưng một thời gian sau, vì bận lo công việc, nên họ đã không đưa con đến đây học nữa. Nhưng rồi, khi họ thấy trong đám bạn con nít, có nhiều đứa biết nói tiếng Việt mà con của họ không biết. Kể từ đó họ cố gắng đưa con của họ đến đây để tiếp tục học tiếng Việt.”