main billboard

cô Thy Tứ Nguyễn, K3, viết trong Ðặc San SPQN 2013 về “Cô Giáo Làng” ngày đi nhận nhiệm sở: “Chúng tôi đến nhiệm sở bằng trực thăng... võ trang!


SANTA ANA, California (NV) - Trưa hôm Chủ Nhật 28 tháng 7, hơn 200 cựu giáo sinh Sư Phạm Qui Nhơn đã có một cuộc họp mặt tưng bừng tại nhà hàng Emerald Bay, Santa Ana.

supham quinhon 1Cựu giáo sinh Sư Phạm Qui Nhơn từ Houston, San Jose và Nam California trong đồng phục riêng tại lễ chào quốc kỳ Mỹ-Việt ngày hội ngộ lần thứ 22. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

“Ðiểm danh trước khi vào lớp”, ban tổ chức đã thấy có hầu hết anh chị em các khóa từ khóa 1 cho đến khóa 13, khóa dở dang sau cùng. Cựu giáo sinh Thu Hiền, khóa 5 SPQN, trong ban tổ chức, vui vẻ kể: “20 năm nay, năm nào tổ chức em cũng có mặt, thường lo phần văn nghệ cho buổi gặp gỡ. Có thể nói tinh thần văn nghệ của các cựu giáo sinh SPQN là truyền thống vì từ ngày đi học đến khi ra trường được bổ đi dậy khắp nơi, đối với các thầy cô giáo trẻ, văn nghệ không chỉ là giải trí thanh cao mà là một trong những phương cách giáo dục, nhất là giáo dục thực hành mà Sư Phạm Qui Nhơn rất chú trọng”.

Hỏi về nội dung ý nghĩa những buổi gặp gỡ hội ngộ trong suốt 22 năm qua, Thu Hiền cho biết: “Thuần túy trong tinh thần hội ngộ, tương trợ. Dù mỗi giáo sinh chỉ có 2 năm trong trường mẹ SPQN nhưng cuộc đời giáo chức chúng em trong thời gian đó đã gắn kết chúng em như keo sơn, nên mỗi lần gặp gỡ là lại được như sống lại thời tuổi trẻ của mình. Nó không hoa bướm mà đầy những gian truân theo cùng số phận người dân trong chiến tranh...”

Chưa kịp nói hết câu chuyện, Thu Hiền đã phải vội vã chạy lên sân khấu trong nhiệm vụ MC của chương trình hội ngộ. Nhưng rất may chúng tôi lại được gặp hai giáo sinh khác là Hà Viết Ðông, K6, và Lưu Thanh Trúc, K7, từ San Jose xuống, cho biết tiếp về chuyện “không hoa bướm mà đầy những gian truân” của cuộc đời giáo chức của các giáo sinh sau khi ra trường.

Cựu giáo sinh Hà Viết Ðông kể: “Ra trường em được bổ về dậy tại một trường ở quận Ðức Dục, thuộc tỉnh Quảng Nam, nơi thường bị Việt Cộng phá hoại nên sự giao thông đường bộ rất nguy hiểm. Do đó quận đã phải tổ chức cho các thầy cô giáo trong quận di chuyển bằng trực thăng để đến trường. Có khi đang dậy, thầy trò cũng phải rời lớp vì cộng sản pháo kích vào quận. Nhưng tất cả những chuyện đó không làm nản lòng cả thầy lẫn trò. Học trò thì phần lớn là con em nông dân trong vùng mà người nông dân nào cũng có mộng ước là mong cho con được ăn học để đổi được cuộc đời một nắng hai sương trên đồng ruộng...”

supham quinhon 2Hội trưởng Hội Ái Hữu Sư Phạm Qui Nhơn Nguyễn Thị Nghĩa chào mừng quan khách. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Một cựu giáo sinh khác, cô Thy Tứ Nguyễn, K3, viết trong Ðặc San SPQN 2013 về “Cô Giáo Làng” ngày đi nhận nhiệm sở: “Chúng tôi đến nhiệm sở bằng trực thăng... võ trang! Cho đến mãi bây giờ Thơ (Cô Giáo Làng) cũng không hiểu là vô tình hay cố ý tinh nghịch mà họ đã sắp xếp cho hai cô gái trẻ măng, 20 và 21 tuổi ấy, mỗi đứa ngồi bên một người xạ thủ Mỹ, ở hai bên cửa hông máy bay. Họ luôn ghìm súng, nhìn chăm chăm xuống mặt đất. Ghế VIP thì để trống, sao không thương giùm cho hai cô giáo về làng. Trực thăng đáp xuống lãnh vực Trung Ðoàn 40 Bộ Binh. Xe Jeep mui trần chở chúng tôi đi một vòng phố xá Bồng Sơn như để “trình diện” hai cô giáo mới ra trường...” (Trích trong bài viết Cô Giáo Làng của Thy Tứ Nguyễn đăng trong Ðặc San SPQN 2013)

Trở lại với buổi hội ngộ lần thứ 22, phần nghi thức khai mạc đã rộn rã hẳn lên với hơn 20 cựu nữ giáo sinh trong ba thứ đồng phục khác nhau. Ðồng phục trắng của SPQN Houston, Texas. Ðồng phục xanh non của SPQN San Jose. Ðồng phục tím nhạt của SPQN Nam California. Tất cả cùng cất cao tiếng hát quốc ca VNCH mà chắc chắn hầu hết đều không khỏi tưởng nhớ đến những buổi chào cờ sáng thứ hai tại các sân trường ngày nào trên quê hương xa cũ.

Hội trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trong dịp này đã gửi lời chào mừng đến tất cả anh chị em cựu giáo sinh cùng một trường mẹ là Sư Phạm Qui Nhơn, đặc biệt là một phái đoàn gần 10 anh chị em từ Việt Nam đến. Hội trưởng Nghĩa, trong niềm vui không cất giấu được, thổ lộ: “Chưa bao giờ có được một cuộc hội ngộ đông đảo như lần thứ 22 này. Ðiều đó đã nói lên cho chúng ta hiểu rằng tình người Sư Phạm Qui Nhơn là bất diệt, cho dù có xa đến nửa vòng trái đất cũng vẫn không xa mặt mà cách lòng”.

Nhiều thầy cô giáo cũ của SPQN cũng có mặt trong dịp này và đã được các học trò cũ trân trọng trao đến những bó hoa nặng nghĩa thầy trò. Giáo Sư Trần Văn Mẫn, trong không khí ân tình của các cựu giáo sinh SPQN, cũng lên tâm tình về những ngày thầy trò cùng dốc tâm thực hiện những khóa Sư Phạm Thực Hành thực hiện những lý thuyết trong trường lớp tại ngay các trường học trong thị xã Qui Nhơn cho các giáo sinh vừa học vừa hành, rút tỉa được ngay những kinh nghiệm quí báu trước khi được bổ đi dậy khắp nơi.

Nhắc đến Sư Phạm Qui Nhơn là nhắc đến những nỗ lực của người dân miền Nam, từ chính quyền cho đến dân chúng. Ngay sau khi thành hình được nền Ðệ I Cộng Hòa, chính phủ đã mở rộng ngay những chương trình phát triển giáo dục để đáp ứng cấp thời số học sinh gia tăng đột ngột sau khi hòa bình được vãn hồi sau Hiệp Ðịnh Geneva 1954. Và cho đến cả sau đó ít năm, CSBV tiến hành xâm lược miền Nam liên tục phá hoại, gây chiến tranh tàn phá khắp các tỉnh địa đầu miền Trung khiến cho cuộc sống của người dân miền Nam bị xáo trộn, nhưng vấn đề giáo dục thì cả chính phủ cũng như dân chúng đều hết lòng gìn giữ và phát triển.

Trường Sư Phạm Qui Nhơn là nơi đào tạo các thầy cô giáo cung ứng cho hàng ngàn trường tiểu học và sau đó là trung học cấp I cho khắp các tỉnh miền Trung, từ Quảng Tín cho đến Phú Yên, Phan Thiết và các tỉnh miền Cao Nguyên như Ðà Lạt... Trường được thành lập từ năm 1962 tại thành phố Qui Nhơn, có nội trú cho nam nữ giáo sinh. Mỗi khóa học là 2 năm và thường có khoảng 300 khóa sinh cho mỗi khóa. Cho đến Tháng Tư, 1975, trường đã đào tạo được trên 5,000 giáo viên phục vụ trong khắp các tỉnh quận thuộc miền Trung Việt Nam, kể cả những nơi lửa đạn thường xuyên như tại Quảng Tín, Bình Ðịnh, Quảng Ngãi...

Sau 30 Tháng Tư, 1975, trường bị giải tán và đổi thành Ðại Học Qui Nhơn trong hệ thống giáo dục của Cộng Sản.