Cuối cùng Xe Ðò Hoàng trở thành chuyến xe Việt Nam dành riêng cho người Việt trong vùng Nam-Bắc Cali.
Nước Mỹ, vùng đất của cơ hội và sáng kiến.
Có hai cộng đồng người Việt lớn nhất, nhì nước Mỹ hiện nay là cộng đồng vùng San José và Westminster, đều thuộc tiểu bang California. Theo thống kê dân số quốc gia năm 2010 người Việt đông nhất ở vùng Los Angeles, Long Beach, Santa Ana là 271,234 người, thứ đến là vùng San José, Sunnyvale, Santa Clara có 125,774 người. Là đồng bào với nhau, hai cộng đồng người Việt ở Nam, Bắc Cali này có những sinh hoạt, thân thiết gắn bó với nhau, cần sự giao tiếp, sinh hoạt, thăm viếng. Khoảng cách giữa hai vùng này là 375 miles, không quá xa xôi, nhưng cũng chẳng gần gũi cho việc đi lại. Từ những năm cộng đồng người Việt ở Mỹ chưa đông, việc qua lại giữa hai vùng đất này, người ta dùng các phương tiện xe đò Greyhound, máy bay hay lái xe.
Chuyến xe đầy khách khởi hành từ thành phố Westminster.
Một thanh niên Việt Nam trẻ tuổi, đến Mỹ năm 1990 khi mới 23 tuổi, đã có ý nghĩ là nối hai vùng đất này bằng một phương tiện di chuyển dành cho người Việt, đáp ứng nhu cầu đi lại của cộng đồng người Việt, nhất là vào thập niên 90 khi mà người Việt di dân đến Mỹ càng ngày càng đông, qua các đợt vượt biên, cựu tù nhân chính trị, con lai, bảo lãnh... Sau nhiều năm làm trong các hãng xưởng, lái xe truck đường xa, rồi dạy lái xe cho đồng hương mới đến Mỹ, Hoàng Linh, người chủ xe đò Hoàng hôm nay, làm một cuộc thử nghiệm, bắt đầu bằng một chiếc minivan 7 chỗ do anh tự lái, rước khách nhờ những quảng cáo nhỏ trên một hai tờ nhật báo tiếng Việt, đi San José và về trong hai ngày Thứ Tư và Chủ Nhật.
Nhu cầu đi lại giữa hai vùng đất Nam và Bắc Cali quả có thật, ba năm sau, chiếc minivan đổi thành chiếc minibus, và từ năm 2001, những chiếc xe bus lớn 57 chỗ ngồi bắt đầu rong ruổi trên xa lộ 5, nối liền hai vùng đất Nam-Bắc Cali, và cái tên “Xe Ðò Hoàng” nghiễm nhiên trở thành một thương hiệu quen thuộc của người Việt California.
Năm 2001 cũng là năm biến cố 9-11 xảy ra ở New York làm ai cũng sợ bước lên máy bay, nhất là trong thời gian này, việc kiểm soát an ninh rất chặt chẽ, phải mất thêm thời gian dành cho một chuyến đi. Những chuyến Greyhound từ Orange County đi San Francisco phải mất hơn 10 tiếng đồng hồ, ghé nhiều trạm để đổi xe, điều này không mấy thuận tiện cho người Việt mới định cư ở Mỹ.
Ngày nay những chuyến xe đò Westminster-San José đã trở thành quen thuộc. Mỗi ngày có hai chuyến đi về, Thứ Sáu Chủ Nhật tăng cường thêm chuyến chiều để tiện cho khách hàng còn phải kẹt công việc, cuối tuần có thể trở về thăm nhà hay đi chơi xa. Bây giờ khách đã có thể đi từ Westminster đến San Francisco, San Diego hay Arizona với giá rẻ mà khỏi phải chờ chực ở sân bay hay đổ xăng giá đắt.
Chuyến xe chở theo “văn hóa Việt Nam”
Cuối cùng Xe Ðò Hoàng trở thành chuyến xe Việt Nam dành riêng cho người Việt trong vùng Nam-Bắc Cali. Trong phần góp ý kiến, nhiều khách ngoại quốc đã chọn thử đi chuyến xe này nhưng hình như không thuận lợi và chút ít về văn hóa, không mấy phù hợp. Trước hết tuy trên online có phần đặt chỗ trước và ngay cả dặn chỗ qua điện thoại, nhưng khi đến địa điểm xe đậu thì rõ ràng là ai đến trước, lên trước. Ðôi lúc, khách đi xe, vì ai cũng muốn có chỗ ngồi tốt, nhất là ngại phải ngồi sau, xe xóc hay gần restroom, đôi lúc đã không biết nhường nhịn, làm mất trật tự, khách ngoại quốc nhìn vào thiếu thiện cảm.
Nhiều người lên xe rồi, bỏ hành lý lên ghế, dành mấy chỗ cho ông chồng đi vệ sinh hay bà chị chưa đến kịp như chúng ta vẫn thường gặp trong rạp chiếu phim ở những vùng đông người Việt. Ðó là cái “tật” của người Việt đã lỡ mang theo, không ngày một, ngày hai mà bỏ được, dù đã sống trên đất Mỹ hai, ba mươi năm.
Hành khách xuống xe và nhận hành lý tại bến xe San José.
Lên xe, suốt mấy tiếng đồng hồ trên đường đi, khách được thưởng thức những chương trình ca nhạc của Thúy Nga, Asia hay Vân Sơn, nhưng đây cũng là một cực hình cho khách ngoại quốc. Có thói quen như người Tàu, lên xe, người Việt nói chuyện lớn tiếng, dai dẳng ngay cả khi qua điện thoại cầm tay. Có lần trong chuyến đi San José, ngồi sau hàng ghế của hai bà “đồng hương” tôi đã bị “tra tấn” bởi câu chuyện mở hết âm lượng, từ chuyện con cái thành đạt, mua nhà mới, chuyện đi du lịch Việt Nam. Những người khách này quả đã không biết, người ta chọn phương tiện di chuyển này là vì tiết kiệm, làm việc mệt nhọc, lại lười lái xe, nên trong thời gian xe chạy có thể nghỉ ngơi hay ngủ chập chờn một đôi chút.
Xe Ðò Hoàng trong cộng đồng Việt Nam
Ở hai vùng Nam-Bắc Cali, dân chúng không lạ gì với cái tên “Xe Ðò Hoàng,” nó xuất hiện trên các tờ báo tiếng Việt địa phương mỗi ngày, cũng như sự đóng góp của gia đình này trong sinh hoạt cộng đồng. Có việc biểu tình, tranh đấu trong cộng đồng, Xe Ðò Hoàng đã cung cấp những chuyến chuyên chở miễn phí hay giảm giá, kể cả những chuyến đi xa từ Orange County lên San Francisco qua đêm, để biểu tình trước Tòa Lãnh Sự Cộng Sản.
Tài xế của những chuyến xe Nam-Bắc Cali luôn luôn dành những chỗ ưu tiên trên mỗi xe cho những vị tu sĩ, chức sắc tôn giáo, những người khuyết tật mà không cần phải thông báo trước. Ðể đáp ứng với việc an toàn cho khách đi xe, khi xe bắt đầu di chuyển đã có những đoạn video căn dặn về an toàn bằng ba thứ tiếng Anh, Việt và Hoa. Mặc dầu trên xe, phần lớn đều là những vị có tuổi, không ai mang theo “laptop,” nhưng trên xe luôn có “Free Wifi”.
Ðối với khách hàng, ngay cả trong thời gian tháng 10 năm 2012, giá xăng tăng vượt bực, lên đến $4.65/gallon, cũng chỉ phải trả $40.00 cho một chuyến đi. Giá cả này từ 5 năm nay chưa thay đổi.
Ông Nguyễn Khải, ở thành phố Garden Grove, Nam Cali, một nhiếp ảnh gia cũng là người thường có dịch vụ chụp hình đám cưới tại San José, Bắc Cali vẫn thường đi về bằng Xe Ðò Hoàng. David Nguyễn, một kỹ sư có công việc ở Milpitas, nhưng chưa thể chuyển gia đình về San José, vì vợ còn đi làm, các con đều có trường tốt, nên cứ mỗi tuần, chiều Thứ Sáu là ông lên xe về Nam, chiều Chủ Nhật trở lại Bắc.
Ông bà Trần Quan An, ở thành phố Westminster, hầu như mỗi năm đều có việc phải đi San José năm bảy lượt, bà có hai em gái, hai em trai ở quanh vùng San José, ông thì có nhiều bạn bè, sinh hoạt với các hội đoàn ở Bắc Cali. Bà An nói với chúng tôi, không những giá vé rẻ, nhiều khi ở nhà đi, sợ trễ xe, không kịp ăn sáng, lên xe đã có thức ăn, nói chung là đúng giờ đi, giờ đến. Ngày ông bà sang Mỹ theo diện H.O. cũng là thời gian Xe Ðò Hoàng bắt đầu phát triển, nên gia đình này chưa bao giờ phải đi San José bằng máy bay. Một ổ bánh mì thịt hay một đĩa xôi, chay hay mặn, một chai nước lọc, khăn ăn, bao đựng rác, tuy đơn giản, nhưng quả là tiện nghi tối thiểu cho khách với 5 tiếng rưỡi đồng hồ ngồi trên xe.
Những vị khách từ miền Ðông sang Cali, có thân quyến, bạn bè ở cả hai vùng Nam Bắc thường dùng chỗ đến là Westminster, xong dùng phương tiện xe đò đi San José rồi trở lại. Những người ở xa về Little Saigon, sử dụng Xe Ðò Hoàng lần đầu đều ngạc nhiên về giá cả và tiện nghi của loại xe này. Washington D.C., Philadelphia và New York là ba thành phố tương đối gần nhau, có người Việt cư ngụ, nhưng số người chưa đủ đông để nơi đây có thể gầy dựng một công ty xe đò như ở Little Saigon.
Từ chuyện một mình tự lái chiếc minivan chạy mỗi tuần hai lần, chở năm ba người khách đến ngày nay công ty có 10 xe bus lớn, tiện nghi (bảo hiểm 1.5 triệu,) một người Việt Nam đã đi một bước dài trong kinh doanh, từ thử nghiệm đến thành công phải mất một thời gian 16 năm. Trong thời gian này, việc kinh doanh không phải là không gặp khó khăn, kể cả việc bị cạnh tranh nghề nghiệp, nhiều lúc đã đưa đến những tình huống khá nguy hiểm.
Không phải chỉ ở những quán cà phê, mà tại bến Xe Ðò Hoàng người ta cũng gặp nhiều người quen cũ, có khi là những ông bạn già trong quân ngũ, trong trại tù, ở tận miền Ðông sang đây, ngỡ ngàng nhận ra nhau, đến quận Cam, nhân tiện đi San José thăm bà con hay gặp gỡ bạn bè vài ngày.