Buôn người là chiếm hữu nô lệ. Đây là một vấn đề vượt quá sự kinh khủng không chỉ của Việt Nam mà còn cả toàn thế giới.
Người đi tìm 'chất xúc tác' ngăn chặn nạn buôn người ở Việt Nam (P2)
Trong Câu chuyện Phụ nữ tuần trước, chúng ta đã có một cái nhìn sơ qua về tổ chức Catalyst Foundation do cô Caroline Nguyễn Ticarro-Parker điều hành và những hoạt động mà họ làm, để giúp đỡ trẻ em mồ côi cũng như những người có nguy cơ trở thành nạn nhân buôn bán người ở Việt Nam. Ngày hôm nay, quý vị sẽ được biết rõ hơn về vấn nạn buôn người tại Việt Nam qua những lời chia sẻ của cô Caroline với ban Việt ngữ VOA. Xin mời quý vị cùng theo dõi bài phỏng vấn cô Caroline do Hồng Hoa thực hiện.
VOA: Như chị đã nói từ trước thì nạn buôn người là vấn đề chính mà tổ chức Catalyst Foundation chọn lựa để chiến đấu chống lại, cho nên có lẽ chị cũng có một chút hiểu biết về tệ nạn này. Vậy xin chị cho biết tình hình buôn người hiện nay ở Việt Nam khác với tình hình lúc trước như thế nào?
Cô Caroline: Buôn người là chiếm hữu nô lệ. Đây là một vấn đề vượt quá sự kinh khủng không chỉ của Việt Nam mà còn cả toàn thế giới. Tình hình có thay đổi ở Việt Nam không? Thực sự chưa có nhiều dữ liệu về chuyện này bởi vì Việt Nam đã từng tách biệt với thế giới trong một thời gian dài. Cá nhân tôi nghĩ là vấn đề buôn người ở Việt Nam không khác với trên thế giới, thậm chí tình trạng buôn người còn ngày càng lan rộng với việc Việt Nam đang có xu hướng mở cửa hơn với các nước phương tây, cộng thêm việc sử dụng các công nghệ mới.
Trong thực tế thì đang có thêm nhiều thông tin hơn. Các vụ buôn người cuối cùng cũng đã được khai báo, và nhận thức về vấn đề này đang được nâng cao trong cả nước. Có vài bộ luật bảo vệ các nạn nhân, truy tố các kẻ buôn người nếu chúng bị bắt. Rất may mắn cho chúng tôi khi nhận được sự hỗ trợ từ cảnh sát và chính quyền địa phương, nhưng chúng tôi cũng đã phải mất nhiều thời gian để có được sự ủng hộ đó bởi vì chúng tôi phải giải thích cho họ biết buôn người là gì và các điều luật quốc tế là như thế nào.
Chúng tôi cũng sớm nhận ra một điều đó là chúng tôi sẽ không thể hoàn toàn diệt trừ vấn nạn này. Đây là một đại dịch trên toàn thế giới, thậm chí có thể ngay trong sân vườn nhà chúng ta. Vài tuần trước đây, tôi có nói chuyện với một bé gái người Việt bị đưa sang Mỹ nhưng đã được một cảnh sát làm tay trong cứu thoát. Chuyện này có thể xảy ra khắp mọi nơi. Không có một giải pháp đơn giản nào để chấm dứt nạn buôn người cả.
Tập trung vào phương pháp toàn diện, chúng tôi tin rằng việc giáo dục bắt đầu từ một đứa trẻ, sau đó là cha mẹ của chúng, rồi cả gia đình, và cộng đồng. Và cứ như vậy, thông qua việc giáo dục và truyền cho chúng năng lượng như thế này, chúng ta có thể ngăn chặn nạn buôn người, chúng ta có thể mang tới cho các gia đình nhiều sự lựa chọn hơn, thay vì việc dễ bị rơi vào những cái bẫy của những kẻ buôn người tạo ra. Chúng tôi muốn tạo ra một sự khác biệt. Chúng tôi muốn đem lại hi vọng cho các gia đình.
VOA: Chị biết về trường hợp cô bé bị bán sang Mỹ như thế nào?
Cô Caroline: Một nhân viên của sở an ninh nội vụ đã gọi cho tôi. Trước đó tôi có diễn thuyết tại trường đại học Buffalo và ông ấy tình cờ nghe được một trong những bài nói của tôi về tổ chức Catalyst và những gì mà chúng tôi làm. Do đó, ông ấy đã liên lạc với tôi bởi vì họ đã không có ai làm thông dịch viên cho cô bé. Vì thế tôi đã trở thành thông dịch viên cho cô bé. Cô bé chỉ muốn về nhà và chúng tôi đã cố gắng hết sức để thực hiện điều đó. Nhưng chúng tôi cũng đồng thời bảo đảm một chỗ ở và hỗ trợ tư vấn về tâm lý khi cô bé quay trở lại Việt Nam. Hiện tại cô bé vừa trở về Việt Nam và hiện cũng đã có một chỗ ở.
VOA: Ngoài câu chuyện về cô bé bị bán sang Mỹ mà chị vừa nói ở trên thì chị có thể chia sẻ thêm một câu chuyện nào khác về nạn buôn người mà chị đang nghĩ tới được không?
Cô Caroline: Tháng 12 năm 2008, một đối tượng buôn người đến khu cộng đồng của chúng tôi vào một buổi sáng, trong khi những đứa trẻ còn đang ở trường. Đối tượng này nói chuyện với những người cha mẹ rằng họ sắp mở một nhà hàng mới trong thành phố gần đó và họ đang tìm kiếm nhân viên là các em gái trẻ. Họ nói với các gia đình là họ sẽ trả 100 đô la tiền mặt, tương đương với hai triệu đồng, là lương tháng đầu tiên cho các gia đình. Đây là một khoản tiền lớn bởi vì các gia đình trong khu cộng đồng mà chúng tôi phục vụ chỉ kiếm được 35 cents một ngày, tương đương 7000 đồng một ngày. Do đó, hai triệu đồng tiền mặt quả thực rất hấp dẫn. Chỉ trong một giờ đồng hồ, các phụ huynh ngay lập tức đồng ý với lời đề nghị và bảo họ đến trường đón các em gái này.
Sau khi tan học, tám em gái bị ép lên một chiếc xe mà không cần một lời giải thích hay ít nhất có cơ hội nói chuyện với bố mẹ của mình. Các đối tượng buôn người vội vã lái xe khỏi khu vực, nhưng thay vì đưa các em vào thành phố nơi mà họ nói mở một nhà hàng, thì họ lại đưa các em về phía ngược lại, sang Campuchia.
Theo cô Caroline, việc biết chữ có thể giúp các em tự cứu mình trong nhiều trường hợp nguy hiểmTheo cô Caroline, việc biết chữ có thể giúp các em tự cứu mình trong nhiều trường hợp nguy hiểm
Họ lái xe được khoảng gần một giờ đồng hồ; may thay, một em trong số các em bị bắt có điện thoại di động và đã gọi cho nhân viên xã hội của chúng tôi. Các em đã rất sợ hãi. Ngay lập tức, chúng tôi đã huy động mọi người trong cộng đồng và xin sự giúp đỡ của cảnh sát.
Rất may là chúng tôi đã tìm được các em khi các em chỉ còn cách biên giới Campuchia khoảng chục cây. Chúng tôi chắc chắn một điều là cha mẹ của các em đã không hiểu rõ công việc mới đó là gì, nhưng chúng tôi biết rằng nếu những em gái này sang Campuchia thì chúng tôi sẽ mất các em mãi mãi.
Và đây cũng là lí do để chúng tôi có thể giáo dục cho các em một cách chân thực hơn nữa về sự nguy hiểm của nạn buôn người.
VOA: Vậy ở Việt Nam, tỉnh thành nào có tỉ lệ các vụ buôn bán người xảy ra nhiều nhất, theo chị?
Cô Caroline: Tôi nghĩ là nó xảy ra ở khắp mọi nơi. Tôi không nghĩ là có một tỉnh nào đó có tỉ lệ buôn người cao hơn một tỉnh nào khác. Tôi nghĩ nạn buôn người xảy ra xuyên khắp cả nước và thậm chí là cả toàn thế giới. Thật đáng buồn khi điều đó lại là sự thật.
VOA: Trong một video phóng sự có sự tham gia của chị về câu chuyện những đứa trẻ sống tại các bãi rác ở Việt Nam, dường như tất cả những đứa trẻ này đều có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Tổ chức Catalyst Foundation của chị là một tổ chức lớn và chúng ta đều biết chị và các tình nguyện viên dĩ nhiên là những người tốt, nhưng còn cha mẹ những em bé này thì sao? Họ không có TV, internet và họ không biết gì về tổ chức của chị cả. Trong trường hợp như vậy thì chị và các nhân viên của chị phải nói gì, làm gì, để thuyết phục họ là tổ chức của chị đến đây thực sự là để giúp họ, chứ không phải đem con của họ đi bán?
Cô Caroline: Thực ra chúng tôi không phải là một tổ chức lớn. Nhiều người đã rất ngạc nhiên khi biết chúng tôi là một tổ chức rất nhỏ, so với những gì mà chúng tôi làm được. Chúng tôi cảm thấy rất tự hào khi chiếm được lòng tin từ chính những cộng đồng mà chúng tôi phục vụ.
Catalyst Foundation mở các lớp học cho người lớnCatalyst Foundation mở các lớp học cho người lớn
Trong những giai đoạn đầu tiên, chúng tôi làm việc với một số gia đình, trong khi những người khác thì chỉ đứng xem và quan sát. Những gia đình này có thể được coi như là các gia đình làm mẫu. Vài tuần trôi qua thì càng có thêm nhiều gia đình muốn tham gia vào cộng đồng của chúng tôi.
Những gì chúng tôi làm đó là dạy những gia đình và các bậc phụ huynh này qua các lớp mà chúng tôi gọi là các lớp giáo dục cộng đồng. Chúng tôi còn có một ngôi trường mà những đứa trẻ thực sự được đi học hàng ngày. Còn vào buổi tối thì chúng tôi mở các lớp cho các phụ huynh và cả gia đình.
Bình thường thì họ không tin người ngoài, và đại đa số những người sống trong cộng đồng của chúng tôi là những người dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Họ là những người bị lãng quên và bị lạm dụng hàng trăm năm nay.
Lí do những đứa trẻ ở đây có nguy cơ bị buôn bán là vì nghèo đói. Những điều mà chúng tôi dạy trong các lớp cho các bậc cha mẹ đó là những mối nguy hiểm thực sự đến từ những kẻ buôn bán người. Chúng tôi kể cho họ nghe sự thật về những sự lạm dụng mà các nạn nhân phải gánh chịu, chúng tôi kể cho họ về những lời nói dối mà những kẻ buôn người có thể nói cho họ, thậm chí chúng tôi còn nói cho họ về những điều luật chống lại nạn buôn người đó. Các nhân viên xã hội của chúng tôi đóng một vai trò quan trọng trong việc này và họ thực sự đã làm rất tốt công việc giáo dục các bậc cha mẹ về nạn buôn người.
VOA: Ban đầu thì việc tiếp cận với các phụ huynh và những đứa trẻ khó khăn như thế nào, thưa chị?
Cô Caroline: Tiếp cận họ thực sự không quá khó, cái chính là phải kiên nhẫn. Chúng tôi phải lặp đi lặp lại những điều mà chúng tôi nói với họ là chúng tôi sẽ quay lại. Chúng tôi phải khiến họ cảm thấy an tâm là chúng tôi đến đó để giúp họ, vì lợi ích của chính họ, chứ không phải vì lợi ích của chúng tôi. Họ không tin nhiều người lắm, và chắc chắn họ cũng sẽ không tin những người lạ đến nói với họ những điều này. Đặc biệt những hoạt động mà chúng tôi làm cho họ lại được điều hành bởi một người thậm chí không sống ở tại Việt Nam. Nhưng, một lần nữa tôi phải nói rằng các nhân viên xã hội của chúng tôi đã làm rất tốt việc khiến người dân ở đó cảm thấy có thể tin tưởng chúng tôi và họ có thể gặp chúng tôi bất cứ lúc nào.
VOA: Điều lớn nhất mà chị học được sau nhiều năm theo đuổi công việc này là gì?
Cô Caroline chụp cùng các em học sinhCô Caroline chụp cùng các em học sinh
Cô Caroline: Như tôi đã nói lúc trước, đó là sự kiên nhẫn. Phải rất kiên nhẫn khi làm việc ở Việt Nam bởi vì có rất nhiều sự khác biết về mặt văn hóa và cách giáo dục. Mặc dù tôi cũng là người Việt nhưng tôi lại không thông thạo tiếng Việt đủ để có thể hiểu hết tất cả mọi thứ. Tôi phải dựa vào thông dịch viên và các nhân viên của tôi ở Việt Nam rất nhiều.
Dĩ nhiên, chúng ta không thể trông đợi mọi thứ có thể thay đổi chỉ qua một đêm, do đó chúng tôi cam kết sẽ ở với cộng đồng mà chúng tôi đang làm việc từ 5 đến 10 năm. Chúng tôi muốn được trông thấy một đứa trẻ được giáo dục một cách toàn diện qua những năm học tiểu học. Chúng tôi muốn cha mẹ của những đứa trẻ ấy biết đọc biết viết. Chúng tôi muốn cả cộng đồng có khả năng chăm sóc lẫn nhau và có thể duy trì được sự bền vững, lâu dài như thế. Một khi mà họ có thể tự chăm sóc lẫn nhau, lúc đó sẽ là lúc chúng tôi tiếp tục đến với một cộng đồng khác.
VOA: Điều gì mà chị muốn thực hiện nhất nhưng chưa có cơ hội làm?
Cô Caroline: Có 2 điều, một là một mục tiêu ngắn hạn ngay trước mắt, và hai là một mục tiêu dài hạn.
Ngay bây giờ, Catalyst Foundation sẽ bắt đầu một dự án phát triển cộng đồng mới nhằm chiến đấu chống nạn buôn người ở một trong trong bốn tỉnh nghèo nhất Việt Nam, ngay dọc duyên hải Biển Đông. Chúng tôi sẽ làm việc với một cộng đồng ở tỉnh Ninh Thuận, nơi 80 phần trăm người dân là dân tộc thiểu số (Ra Glai và Chăm). Tại đó, có hơn 100 gia đình sống dưới mức nghèo đói, và hàng trăm đứa trẻ không được đi học, không có thức ăn, và không được sống một cách an toàn.
Chúng tôi hi vọng sẽ xây được một ngôi trường mới cho những đứa trẻ ở đây, một nơi an toàn cho chúng được đi học. Ngoài ra sẽ có một trung tâm dạy nghề và chúng tôi sẽ mở các lớp dạy chữ cho người lớn. Bên cạnh đó sẽ có một trung tâm tạm trú giải quyết khủng hoảng, nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Ngôi trường này sẽ là nền tảng cơ bản để đem lại hy vọng cho các thế hệ kế tiếp.
Cô Caroline hy vọng tất cả các em đều được đi học, một cách để chiến đấu chống nạn buôn ngườiCô Caroline hy vọng tất cả các em đều được đi học, một cách để chiến đấu chống nạn buôn người
Về mục tiêu dài hạn, tôi muốn thành lập một tổ chức lớn có thể duy trì được tổ chức Catalyst và các dự án của chúng tôi trong tương lai. Dĩ nhiên là tôi sẽ chẳng thể sống mãi được và thế hệ kế tiếp sẽ tiếp quản được những công việc mà tôi còn bỏ dở. Thật không may là những gì chúng tôi đóng góp được chỉ có thể đáp ứng được những nhu cầu rất căn bản như ăn uống, chỗ ở, tiền bạc mà thôi. Thực sự tôi sẽ cảm thấy rất thanh thản nếu những đứa trẻ này có được một sống tràn đầy hi vọng cho đến mãi sau này, sau khi tôi đã ra đi.
VOA: Gia đình của chị có cùng tham gia với chị trong những dự án này không?
Cô Caroline: Có, chồng tôi và các con gái của tôi luôn ủng hộ và hỗ trợ tôi thực hiện những công việc này. Cha mẹ tôi cũng luôn đảm bảo những dự án này sẽ được nhiều người biết tới hơn.
VOA: Xin cám ơn chị rất nhiều về cuộc phỏng vấn. VOA xin chúc chị và Catalyst Foundation sẽ ngày càng thành công trong tương lai.