main billboard

Tài liệu từ tổ chức Groundspark cho biết cho biết mỗi năm có hàng ngàn học sinh trung học bị bắt nạt vì tôn giáo và cách hành xử khác với người Mỹ bản xứ, trong đó có nhiều em đến từ Việt Nam.

WESTMINSTER (NV)- Tháng Mười là tháng Quốc Gia Chống Nạn Bắt Nạt tại Hoa Kỳ. Tài liệu từ tổ chức Groundspark cho biết cho biết mỗi năm có hàng ngàn học sinh trung học bị bắt nạt vì tôn giáo và cách hành xử khác với người Mỹ bản xứ, trong đó có nhiều em đến từ Việt Nam.

“Hồi đó mới qua đâu có biết tụi nó kỳ thị, đi học một thời gian thấy nhiều chuyện lạ lạ rồi mới biết tại mình người Á Châu”. Duy Khánh Ngô, 27 tuổi, kể lại khoảng thời gian khi anh mới qua Mỹ lúc 15 tuổi, vào học lớp 9 tại trường Nogales ở La Puente trước khi chuyển tới sống tại Westminster.

“Mỗi lần xếp hàng ăn trưa là Khánh đứng mỏi chân luôn. Mấy thằng bự con nó đẩy mình ra dành chỗ nên mình cứ bị dồn phía cuối hàng.” Khánh kể.

Thống Kê Học Sinh California (2002 California Student Survey) cho biết các bậc cha mẹ di dân mang con em đến đất nước nhiều cơ hội, ít mấy ai thực sự hiểu được điều mà các em đối diện hàng ngày tại trường. Cứ bốn em học trung học sẽ có một em là nạn nhân của nạn bắt nạt vì các lý do khác nhau, như “màu da, văn hóa, giới tính, tôn giáo, hay dị tật”.

“Cũng có nhiều lý do, nhưng nói chung tại mấy học sinh đó hành xử khác với mọi người,” Mike Gussif, một cựu học sinh của trường trung học Mission Viejo, nói khi được hỏi em nghĩ gì về các bạn dân nhập cư bị bắt nạt.

Mike nói thêm “Mấy tên hung hăng thường nhắm vào những bạn đặc biệt, như người đồng tính chẳng hạn, chứ không nhắm vào số đông. Mà người nhập cư nhiều khi cư xử khác người lắm. Có lần mình thấy hai bạn nam người Việt không phải gay mà vừa đi vừa nắm tay nhau, thế là bị chọc ghẹo thôi.”

“Bây giờ nhiều người Việt nên đỡ rồi, hồi xưa học sinh Việt bị kỳ thị dữ hơn nhiều,” Anh V. Nguyễn, 49 tuổi, nói.

Những năm 1980, khi đi học trung học bị bạn bè bắt nạt, anh tin mình bị kỳ thị chủng tộc. Sau cuộc xô xát với bạn, anh bị đuổi học dù đang là một học sinh giỏi Toán của trường. Anh hiện là chủ một tiệm sửa xe lớn tại Long Beach và con gái anh đang học tại Ðại Học Berkeley.

Thế hệ trẻ tị nạn tại Hoa Kỳ sau biến cố 1975 tuy nay đã ổn định với sự nghiệp, từ thợ sửa xe đến bác sĩ kỹ sư, nhưng những khó khăn họ đối mặt hàng chục năm trước khi còn đi học vẫn còn được các học sinh ngày nay chia sẻ. Ví dụ, những em bị bạn bè bắt nạt tìm thấy sự đồng cảm trong câu chuyện thời đi học của cô Thanhha Lai, kể lại trong cuốn sách nổi tiếng Inside Out and Back Again.

Tôi trốn cái nhìn của cô giáo

của bạn bè

trong lớp học

Tôi ngắm nền gạch lớp


Tôi trốn giờ ăn trưa

núp trong nhà vệ sinh

ăn cơm nắm đã khô

Chuẩn bị từ tối qua.


Tôi trốn lũ ăn hiếp bạn bè

cho tới khi

xe đạp của anh Ba tới

Tôi hẹn anh trong góc đường

(Inside Out and Back Again, Thanhha Lai)

sach inside out and back again                                                                        Bìa cuốn sách 'Inside Out and Back Again 'của Thanhha Lai

Ðoạn thơ trên được trích trong cuốn sách Inside Out and Back Again, tác giả Thanhha Lai kể về thời thơ ấu khi cô rời Sài Gòn năm 1975 lúc 10 tuổi và đến sống tại Alabama. Niềm oan ức cô Hà trải qua khi bị các bạn ức hiếp, hơn ba mươi năm trước, nay được hàng chục ngàn độc giả chia sẻ.

Inside Out and Back Again được Harper Collins, một nhà xuất bản hàng đầu của Mỹ, mang đến cho người đọc. Ngay sau khi được phân phối trên thị trường năm 2011, cuốn sách nhanh chóng trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất, đoạt các giải thưởng lớn như National Book Award, Newbery Honor, và New York Times Bestsellers.

Nhân vật Hà trong cuốn sách Inside Out and Back Again có một kết thúc có hậu. Hà chứng tỏ mình là một học sinh giỏi và đứng lên cho “lũ ăn hiếp bạn bè” một bài học. Có thể vì lẽ đó mà cuốn sách được các em học sinh ngày nay tìm đọc và yêu thích “Con bắt đầu đọc ngày Sáu Tháng Mười, con đọc xong vào ngày Bảy” - bé Julia Ðỗ, 9 tuổi, nói về cuốn sách của Thanhha Lai.

“Trong một lớp tập thể dục, ông huấn luyện viên đội đá banh kêu Khánh vào đá banh cho trường. Khánh mê đá banh từ lúc 5 tuổi rồi, nên đá cũng khá. Mới đầu tụi nó cũng không chuyền banh cho mình, nhưng sau đó thấy mình đá hay nên tụi nó cũng nể. Ði học cũng thấy vui hơn” - Duy Khánh kể tiếp về khoảng thời gian tại trường trung học. Anh không giấu được niềm tự hào khi nhắc lại thành tích của học sinh gốc Việt tại trường trung học Nogales “Khóa học 2002, nguyên trường có mấy trăm đứa chỉ có 24 học sinh gốc Việt. Ba trong số đó giữ ba số điểm GPA cao nhất của trường”.

Nạn bắt nạt nơi học đường là một trong các vấn đề mà học sinh gốc Việt phải đối mặt tại đất Hoa Kỳ. Những người trẻ tị nạn năm 1975 đã vượt qua những khó khăn lúc bấy giờ để có được nhiều thành công không chỉ cho cộng đồng người Việt, mà còn đóng góp cho sự phát triển của Hoa Kỳ. Bằng sự siêng năng và một tinh thần mạnh mẽ, các học sinh sẽ vượt qua được nạn bắt nạt để giành lấy thành công cho riêng mình.

Tôi vẫn mặc nó đi học

cái áo chúng gọi là “áo ngủ”

Mẹ thắc mắc, tôi trả lời

Con giả bộ mặc kệ chúng

rồi chúng cũng mặc kệ con


Mẹ cười. Chắc Mẹ biết trước mọi thứ.

(Inside Out and Back Again, Thanhha Lai)