Đây là một việc làm rất quan trọng phát sinh từ lòng yêu nước.
Cùng nhau mừng sinh nhật thứ 20 của Thư Viện Việt Nam. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
GARDEN GROVE, California (NV) – “Sự có mặt của Thư Viện Việt Nam trong 20 năm qua đã gìn giữ được văn hóa của cộng đồng người Việt tị nạn.”
Đó là tinh thần lời khai mạc của ký giả Du Miên, một trong năm người sáng lập và điều hành Thư Viện Việt Nam trong buổi kỷ niệm 20 năm thành lập tổ chức vào sáng Thứ Bảy, 22 Tháng Chín, tại phòng hội của Thư Viện trên đường Westminster, thuộc thành phố Garden Grove.
Khách đến tham dự đông chật phòng hội gồm có nhiều nhân sĩ, trí thức, các nhà đấu tranh và đại diện của các hội đồng hương.
Phát biểu trong dịp này, ký giả Du Miên đã nhắc đến năm anh em cùng đứng ra hình thành thư viện cách đây 20 năm, nay nhìn lại chỉ còn ba mà vì sức khỏe cũng không thường xuyên coi sóc được “nên chỉ còn có mình ên cứ ráng cáng đáng công việc.”
Ký giả Du Miên cho biết tiếp, sở dĩ được như vậy là vì có sự trợ giúp của bà con thân hữu xa gần, mà sự có mặt đông đảo của mọi người nhân ngày kỷ niệm Thư Viện tròn 20 tuổi là một minh chứng rõ rệt.
Tiếp đó ký giả cho biết nhân ngày kỷ niệm này, Thư Viện có trình bày một số sách báo tài liệu quý hiếm hầu như không còn thấy ở đâu nữa. Đó là những số báo đầu tiên khi cộng đồng người Việt vừa bước chân đến miền đất tự do. Những số báo và những hình ảnh về lịch sử của Little Saigon mà trong đó có nhiều sự đánh phá để không hình thành được. Những tài liệu này sẽ giúp cho các thế hệ sau hiểu rõ thêm về cuộc di tản vĩ đại của dân tộc Việt đã không chấp nhận chế độ cộng sản như thế nào.
Tiếp đó, ký giả Du Miên có nhắc đến những câu hỏi của nhiều người, rằng, nay có thông tin mạng rộng khắp và tiện lợi nhanh chóng, có còn cần đến các thư viện nữa không, thì ký giả khẳng định ngay rằng: “Mạng lưới tin trên Internet chỉ là tin, không là tài liệu di vật cụ thể như sự lưu giữ, bảo trì những tài liệu hiếm quí, những di vật minh chứng cho những sự kiện lịch sử. Thế nên thư viện vẫn còn và sẽ còn mãi trong cuộc sống của nhân loại.”
Ký giả Du Miên, một trong năm người thành lập Thư Viện Việt Nam. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Trong dịp này ký giả Du Miên cũng giới thiệu một số những người đã đóng góp công sức vào việc hình thành nên Litte Saigon. Đồng thời ông cũng giới thiệu một số thân hữu thường đóng góp vào việc duy trì và phát triển Thư Viện Việt Nam như Mục sư Nguyễn Xuân Hồng, Giáo Sư Tiến Sĩ Bùi Xuân Tùng v.v…
Góp tiếng nói trong buổi kỷ niệm Thư Viện Việt Nam 20 tuổi, Mục Sư Nguyễn Xuân Hồng cho rằng: “Đây là một việc làm rất quan trọng phát sinh từ lòng yêu nước. Thư Viện là dấu tích cho các thế hệ sau biết về nguồn cội của mình, những lưu lạc, truân chuyên lịch sử. Dòng Việt tộc trong các xã hội khắp nơi từ đâu mà có, nó hiện diện và trường tồn như thế nào, nó đã phải tranh đấu để sống còn ra sao… xin cứ vào thư viện mà tìm hỏi.”
Theo Mục Sư Hồng thì người Việt khi ra đi đã mang theo cả quê hương đất nước và Thư Viện Việt Nam là nơi lưu giữ. Xin thành thật cám ơn những người đã thành lập thư viện này.
Buổi kỷ niệm được tiếp nối qua tiết mục cắt bánh sinh nhận Thư Viện Việt Nam tròn 20 tuổi và sau đó là một bữa ăn trưa nhẹ do các thân hữu tự nguyện mang đến.
Nhận định về buổi kỷ niệm này, ông Trần Bạch Thu trong Hội Ái hữu Quốc Gia Hành Chánh/VNCH trả lời phóng viên Người Việt: “Tôi đồng ý với ký giả Du Miên rằng Thư Viện vẫn rất cần thiết. Chứng cớ là những thư viện của Mỹ vẫn hoạt động với rất đông người đến đọc sách, tham khảo, truy lục tài liệu. Thư Viện Việt Nam của chúng ta tuy nhỏ nhưng khá đầy đủ về những gì mà ai muốn tìm hiểu về cộng đồng chúng ta hình thành, tồn tại và sinh hoạt như thế nào. Nó đã đóng góp vào sư bảo tồn, lưu truyền nền văn hóa Việt Nam ở hải ngoại. Hội Ái Hữu Quốc Gia Hành Chánh chúng tôi sẽ là một trong những tổ chức, hội đoàn người Việt ‘support’ cho Thư Viện.”
Một số tài liệu về cộng đồng người Việt tị nạn chỉ còn có ở Thư Viện Việt Nam. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Bác Nguyễn Phước, nay đã 84 tuổi, khóa 14 Thủ Đức, cựu tù cải tạo tâm sự: “Những năm tháng trong tù, ngoài giờ lao động cực nhọc, khi có chút thời gian rảnh rỗi rất thèm được đọc sách nên trại có một phòng sách nhỏ cũng gọi là thư viện, có độ vài trăm cuốn rặt là sách tuyên truyền của Cộng Sản, thế mà anh em tù chúng tôi vẫn cứ đâm đầu vào đọc cho đỡ nhớ sách vở. Đến nay có được nhiều thời giờ thì lại đến lúc tuổi già mắt kém, trí lực trì trệ nên có muốn đọc sách tham khảo tài liệu cũng thấy lười biếng. Nhưng tôi nghĩ cho dù Internet có chiếm cứ thị phần người đọc nhưng thư viện thì vẫn còn cần thiết vì đó là nơi lưu giữ cụ thể tài liệu, di vật, di chỉ, di chứng… và còn được bảo tồn kỹ lưỡng. Nhưng theo tôi, ngoài thư viện ra, cộng đồng chúng ta cần nên đóng góp mà thành lập một ‘Culturelle Centre’ để lớp trẻ có thể đến vui chơi ca hát, học hỏi văn hóa, văn nghệ truyền thống dân tộc Việt Nam.”
Người tất bật phụ trách điều hành không khí buổi kỷ niệm là cô Xuân Mai vui vẻ kể: “Em đến giúp Thư Viện Việt Nam bất cứ lúc nào thư viện có các buổi sinh hoạt thường là về văn hóa để như một đóng góp của mình cho cộng đồng trong phạm vi văn hóa. Nhưng chỉ vào những ngày cuối tuần mới có những sinh hoạt, còn ngày thường chỉ có một vài người đến truy cứu sách vở tài liệu nhất là những cổ vật.”
Cho biết về sự hỗ trợ của cộng đồng vào thư viện, cô Xuân Mai, một trong những người thu nhận sự đóng góp trong buổi sinh hoạt này, vui vẻ nói: “Dù số tiền đóng góp mỗi người chỉ vài ba trăm trở lại nhưng số người đóng góp khá đông, lại còn có cả những mạnh thường quân thường nhận đóng tiền nhà chi tiêu cho Thư Viện trong một tháng hay nửa tháng nên em nghĩ thư viện không thể bị đóng cửa đâu.”
Một khách hiếm hoi đang trong thư viện là ông Nguyễn Hòa Khanh, hội trưởng Hội Cao Niên Pomona vui lòng nói: “Đừng lo thư viện phải đóng cửa vì Internet tràn ngập thị trường tin tức, tài liệu. Nhưng nên nhớ rằng tin trên Internet có khi thuộc nguồn có lợi, cũng có khi thuộc nguồn xấu, có hại. Tin tức tài liệu trong thư viện thì không, bởi nó đã được gạn lọc từ độc giả và Ban Giám Đốc khi nó được trở thành sách báo. Thư viện cũng là nơi lưu trữ giá trị các tài liệu, di vật khó có thể thay đổi.”
Tuy nhiên, ký giả Du Miên cũng cho biết: “Thư Viện đang cố gắng mang hết những tài liệu quí hiếm của thư viện đưa lên mạng để lưu trữ vì Thư Viện Việt Nam không đủ khả năng để lưu trữ cũng như bảo tồn được những tài liệu quý hiếm này.” (Nguyên Huy)