main billboard

Trong chiến tranh, ngoài các chiến sĩ bị thương hoặc chết, còn rất nhiều thường dân cũng bi hại. Cuộc chiến tranh mậu dịch cũng sẽ tạo nên nhiều “nạn nhân chiến tranh” mà trong vài năm tới con số sẽ tăng lên. Nạn nhân sau cùng là người tiêu thụ.


trade war
Cuộc chiến tranh mậu dịch cả thế giới chờ đợi đã bắt đầu ngày Thứ Sáu, 6 Tháng Bảy, 2018, lúc nửa đêm ở Mỹ, tức 12 giờ trưa ở Bắc Kinh. Từ giờ phút đó, chính phủ Mỹ sẽ đánh thuế nhập cảng nặng 25% trên hơn 800 món hàng của Trung Quốc trị giá $34 tỷ, và Bắc Kinh cũng trả đũa trên một số hàng Mỹ tương đương.

Suốt buổi sáng Thứ Sáu, những công dân mạng ở nước Tàu chăm chú theo dõi tin về một chiếc tàu thủy đang từ Mỹ đi sang cảng Đại Liên ở phía Đông Bắc nước Tàu, không khác gì coi một cuộc chay đua đường trường. Chiếc tàu này chở đậu nành, một món hàng Mỹ xuất cảng sang Trung Quốc. Thuyền trưởng ra lệnh mở máy hết tốc lực, mong đến bến sớm; vì món đậu nành sẽ bị đánh Trung Quốc thuế nặng sau 12 giờ trưa. Sau cùng, chiếc tàu không đến kịp trước khi hai nước bắt đầu “nổ súng.”

“Cuộc chiến mậu dịch sẽ kéo dài,” cựu Bộ Trưởng Thương Mại Trung Cộng Ngụy Kiến Quốc tiên đoán.

Bình thường, trong một cuộc chiến tranh mậu dịch, nước này đánh thuế hàng nhập cảng từ nước kia, nước mua nhiều sẽ được lợi hơn nước bán nhiều. Nếu “đánh đến cùng,” mỗi bên đánh 25% thuế trên hàng hóa mua của bên kia, thì chính phủ Mỹ sẽ thu được 25% thuế trên khoảng $400 tỷ, trị giá tất cả các món mua từ bên Tàu. Trong khi đó Bắc Kinh chỉ đánh thuế được trên khoảng $150 tỷ hàng mua của Mỹ. Làm con tính, 25% của số chênh lệch $250 tỷ là $62.5 tỷ, ông Donald Trump sẽ thâu vô nhiều hơn ông Tập Cận Bình!

Trước viễn ảnh đó, trong mấy tuần trước khi chiến tranh phát động, giá trị đô la Mỹ đã tăng lên, giá trị đồng nguyên của Trung Cộng đi xuống.

Trên lý thuyết, ông Tập Cận Bình có thể thâu thêm $62.5 tỷ thuế cho khỏi bị lỗ, bằng cách đánh thuế nhập cảng cao hơn 25%; hoặc đánh thuế tiêu thụ trên những món hàng Mỹ chế tạo hay lắp ráp trong nước Tàu, thí dụ, iPhone của Apple hoặc xe hơi của GM. Nhưng những biện pháp này sẽ gây thiệt hại cho người tiêu thụ cũng như các công nhân đang làm việc cho Apple và GM, cho nên phải dè dặt!

Như vậy có thể kết luận rằng trong cuộc chiến tranh mậu dịch nước Mỹ chỉ được lợi và nước Tàu chắc chắn bị thiệt hại hay không? Nếu đúng như vậy thì tại sao ông Tập Cận Bình không tuyên bố đầu hàng trước để tránh tai họa?

Trong thực tế, chưa biết mèo nào cắn mỉu nào, cho nên có thể sẽ kéo dài như nhiều người tiên đoán.

Chiến tranh mậu dịch là một một thủ đoạn tranh hùng kinh tế của thế kỷ 19. Khi đó, hàng hóa của nước nào thì được chế tạo gần như hoàn toàn trong nước đó trước khi xuất cảng. Bây giờ cũng còn nhiều món như vậy, thí dụ đậu nành trồng tại Mỹ trước khi bán sang Tàu, hoặc cây chổi lông gà làm ở Tàu trước khi bán qua Mỹ.

Nhưng trong thế kỷ 21, có rất nhiều thứ hàng được sản xuất chính yếu tại một quốc gia nhưng lại chứa trong đó các bộ phận làm ở nhiều quốc gia khác.

Thí dụ như công ty Cree Inc.. Họ chuyên sản xuất diode cho các thứ đèn điện, làm những cái bóng đèn giá $5 cho tới những loại đèn đặc biệt đắt tiền dùng trong kỹ nghệ. Công ty Cree sử dụng 4,000 công nhân với các nhà máy ở ở North Carolina, Wisconsin và Arkansas. Kể từ ngày hôm qua, Cree sẽ phải đóng thuế 25% trên những thứ phụ tùng mua từ Trung Quốc, những món lặt vặt mà ở nước Mỹ không ai làm vì lương công nhân cao quá.

Sức mạnh của Cree là nghiên cứu, sáng tạo hơn là sản xuất. Công ty đang nghiên cứu sáng chế những chip mới dùng sản xuất năng lượng mặt trời, và sẽ chế tạo xe hơi chạy bằng điện. Tháng Năm vừa qua, công ty đã cố gắng thuyết phục chính phủ Trump đừng đánh thuế trên hàng Trung Quốc, nhưng thất bại.

Cree mỗi năm sản xuất 5 tỷ rưỡi cái chip để làm đèn điện LED, tại nhà máy ở Durham, North Carolina. Nhiều bộ phận của đèn LED được chở từ Durham qua Huệ Châu, bên Tàu, được ráp nối tại đó rồi đưa ngược trở về nhà máy ở Racine, Wisconsin, nước Mỹ. Tại Racine, các bộ phận này sẽ dùng khi chế các thứ từ đèn bấm, màn ảnh tivi, đến hệ thống chiếu sáng sân vận động.

Bây giờ, tất cả những bộ phận đèn LED từ Mỹ qua Tàu sẽ bị đánh thuế 25%. Tiếp theo, những thứ lắp ráp ở bên Tàu khi quay trở về nước Mỹ cũng bị đánh thuế 25%. Muốn khỏi lỗ thì công ty phải tăng giá bán. Các khách hàng của Cree, khắp thế giới, sẽ không chịu trả giá cao hơn. Và họ có thể sẽ đi mua của các đối thủ cạnh tranh lâu nay, như Osram Licht AG của Đức hay Ninchia Corp của Nhật Bản.

Thí dụ trên đây tương đối giản dị, vì những cái chip làm đèn LED chỉ đi “một chuyến khứ hồi” tức là bị đánh thuế 25% hai lần thôi.

Có nhiều bộ phận làm các thứ máy móc đắt tiền hơn có thể phải đi hai chuyến khứ hồi mới sẵn sàng được sử dụng.

Thí dụ, những máy chụp MRI của công ty General Electric. Những máy MRI (magnetic resonance imaging) bán giá từ $500,000 đến $10 triệu, cho các bệnh viện khắp thế giới. Bộ phận đắt tiền nhất là cái cục nam châm, trong đó có nhiều bộ phận nhỏ hơn được chế tạo trong những nhà máy của chính General Electric nhưng lập ra bên nước Tàu cho rẻ. GE đem nhiều món sang Tàu để ráp, sẽ bị Bắc Kinh đánh thuế 25%, sau đó mang về Mỹ, bị đánh 25% nữa; nhưng chưa hết. Công ty sẽ còn phải đưa những món này đi một chuyến khứ hồi nữa rồi mới đưa về ráp ở các nhà máy tại Florence, South Carolina, và Waukesha, Wisconsin.

Ba phần tư các máy MRI do GE làm được bán trong nước Mỹ, số còn lại xuất cảng, nước Tàu là một khách hàng. Trong tương lai, GE sẽ phải bán máy giá cao hơn, sẽ khó canh tranh vì các công ty của Đức hay Nhật Bản không bị đánh thuế nhiều lần như họ!

Trong cuộc chiến tranh mậu dịch hiện nay, chính phủ Mỹ sẽ đánh thuế nhập cảng trên cả những món hàng mà các xí nghiệp Mỹ sẽ xuất cảng! Nhưng thuế quan chỉ là một khí cụ trong cuộc chiến tranh thương mại. Khi đã tận dụng món võ thuế quan rồi, hai bên sẽ giở ra những đòn khác. Nếu hơn một tỷ dân Trung Quốc được tuyên truyền chống Mỹ thì sẽ có ngày những cửa hàng McDonald, Starbucks cũng bị vạ; những món hàng như Coca-Cola cũng khó bán.

Kinh tế thế giới đã thay đổi từ thế kỷ 19 sang thế kỷ 21! Trong thế kỷ 19, người ta có thể nhìn thế giới với con mắt đơn sơ, như khi Tổng Thống Trump tuyên bố: “Chiến tranh mậu dịch dễ thắng lắm! Mình sẽ thắng.”

Nhưng trong 50, 60 năm qua nước Mỹ đã làm thay đổi kinh tế thế giới. Kinh tế toàn cầu hóa là một hậu quả của chính sách tự do mậu dịch do Mỹ đề xướng. Mạng lưới tiếp liệu chằng chịt khắp thế giới khi làm ra các sản phẩm cũng do các công ty Mỹ tạo ra. Nếu người Mỹ không đặt mua bộ phận từ nước Tàu, hoặc không đem việc sang để công nhân Tàu làm cho rẻ, thì mạng lưới này không thành hình. Mà những người Mỹ này đều hành động để kiếm lời, chứ không phả vì lòng từ thiện!

Trong chiến tranh, ngoài các chiến sĩ bị thương hoặc chết, còn rất nhiều thường dân cũng bi hại. Cuộc chiến tranh mậu dịch cũng sẽ tạo nên nhiều “nạn nhân chiến tranh” mà trong vài năm tới con số sẽ tăng lên. Nạn nhân sau cùng là người tiêu thụ. Ở Mỹ cũng như ở Tàu, giá hàng nhập cảng sẽ tăng lên. Ai cũng được học tập đức tính tiết kiệm!

Xin kính thúc quý vị may mắn. (Ngô Nhân Dụng)