Lý do nào anh nói những lời như thế, có bị đe dọa, tra tấn, “ép cung” không và lời anh nói nghe thấy trên truyền hình nhà nước CSVN có bị cắt xén, ghép nối gì không, để thay đổi ý nghĩ
Hình ảnh Will Nguyễn “nhận tội” trên truyền hình nhà nước CSVN tại Sài Gòn. (Hình cắt từ clip/facebook Lê Nguyễn Hương Trà)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Will Nguyễn, một thanh niên người Mỹ gốc Việt bị công an CSVN bắt giữ tại cuộc biểu tình ở Sài Gòn hôm 10 Tháng Sáu, 2018, được đưa lên truyền hình nhà nước với màn “nhận tội” và hứa “không tham gia biểu tình chống chế độ” nữa.
Hãng thông tấn AFP đưa tin tường thuật theo một video clip của công an cung cấp cho đài truyền hình nhà nước tại Sài Gòn, trong đó, người ta thấy anh Will Nguyễn, 32 tuổi, bày tỏ hối tiếc đã vi phạm luật lệ của CSVN.
“Tôi tiếc đã gây rắc rối cho những ai đi ra phi trường.” Anh Will Nguyễn nói bằng tiếng Việt trong clip trên truyền hình, hãng tin AFP dẫn lại. “Tôi đã gây kẹt xe và gây rắc rối cho gia đình tôi và bạn bè. Tôi sẽ không tham gia bất cứ hoạt động nào chống nhà cầm quyền (VN) nữa.”
Sáng Chủ Nhật, 10 Tháng Sáu, 2018, người ta thấy qua 2 video clip khác nhau lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội cho thấy Will Nguyễn bị nhóm công an chìm nắm tay nắm chân kéo lê trên đường phố, mặt bê bết máu vì bị đánh. Trong khi đang bị lôi đi như thế, một viên an ninh thường phục còn nhào tới đánh thêm.
Thanh niên Mỹ gốc Việt Will Nguyễn bị an ninh CSVN kéo kê trên đường trong cuộc biểu tình ngày 10/6/2018 tại Sài Gòn. (Hình: Facebook)
Lời “thú nhận tội lỗi” của nghi can hay bất cứ ai bị nhà cầm quyền bắt giữ thường được đưa ra để chứng minh hành động bắt giữ là “đúng người, đúng tội.” Tuy nhiên, hầu như các nhà đấu tranh, vận động dân chủ hóa Việt Nam, bị nhà cầm quyền đưa lên truyền hình biểu diễn màn “nhận tội,” sau khi ra tù, đều tố cáo ngược lại rằng lời nói của họ đã bị cắt xén, gán ghép theo nhu cầu tuyên truyền của chế độ, không phải nguyên văn đầy đủ.
Trường hợp Will Nguyễn, người ta sẽ biết rõ ràng hơn sau khi anh ra khỏi nhà tù CSVN và đi ra khỏi Việt Nam. Lý do nào anh nói những lời như thế, có bị đe dọa, tra tấn, “ép cung” không và lời anh nói nghe thấy trên truyền hình nhà nước CSVN có bị cắt xén, ghép nối gì không, để thay đổi ý nghĩa.
Will Nguyễn, sinh trưởng ở Mỹ nhưng rành rẽ cả tiếng Việt và Hoa ngữ. Anh tốt nghiệp cử nhân ngành nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại Học Yale và đang theo học cao học ngành Chính Sách Công Quyền tại đại học Singapore, tháng sau, anh sẽ nhận bằng tốt nghiệp.
Vào ngày Will Nguyễn bị bắt tại Sài Gòn khi có nhiều cuộc biểu tình nổ ra đồng loại tại nhiều khu vực khác nhau trong thành phố, từ khu vực Nhà Thờ Đức Bà và Tòa Đại Sứ Mỹ đến vòng xoay Lăng Cha Cả dẫn vào phi trường Tân Sơn Nhất. Hàng ngàn công nhân công ty PouYuen (đầu tư Trung Quốc) biểu tình tại khu công nghệ Tân Tạo huyện Bình Tân.
Nhiều người khác tham gia biểu tình ở Sài Gòn cũng đã bị an ninh CSVN đánh đập dã man và bắt giữ tuy người ta đi biểu tình ôn hòa và Hiến Pháp của chế độ công nhận các quyền tự do căn bản của công dân, trong đó có cả quyền biểu tình.
Khi Will Nguyễn bị bắt, gia đình anh phổ biến một bản tuyên bố nói rằng anh không đến Sài Gòn với một chủ đích chính trị nào nhưng ủng hộ người dân và các quyền tự do tụ họp.
Bản tuyên bố nói: “Anh tin sự phản kháng này là cuộc biểu tình ôn hòa của các công dân tham dự, nhưng trong cái sự hiểu sai như thế, anh đã bị đánh đập, bị lôi đi và bị bắt giam.”
Các cuộc biểu tình bùng nổ tại Việt Nam hôm 10 Tháng Sáu, 2018, chống lại dự luật “Đặc Khu Kinh Tế” và luật “An Ninh Mạng” mà người dân cho rằng luật trước thì “dâng” ba khu vực quan yếu về an ninh quốc phòng cho tư bản Trung Quốc tràn sang chiếm cứ. Luật sau thì tước đoạt quyền tự do phát biểu của công dân.
Khi đưa Will Nguyễn lên truyền hình biểu diễn màn “nhận tội,” các cuộc truy lùng, bắt giữ những người tham gia biểu tình tại Sài Gòn, Hà Nội, Bình Thuận và một số nơi khác vẫn được công an ráo riết thi hành.
Theo tin tức trên báo chí của chế độ Hà Nội, ngoài Will Nguyễn, 4 thanh niên tham gia biểu tình bị cáo buộc đập phá xe máy, xe buýt bị khởi tố. Họ bị vu cho là nhận mỗi người 300 ngàn hoặc 400 ngàn đồng từ người lạ mặt để biểu tình đập phá. Ba công nhân công ty Pouyuen cũng bị khởi tố. Nhà cầm quyền tỉnh Bình Thuận khởi tố thêm 2 người, nâng số người bị khổi tố tại đây sau các vụ bạo động ở Phan Rí Cửa lên 10 người.
Trong khi đó, báo điện tử của nhà cầm quyền tỉnh Thanh Hóa loan báo khởi tố một người “phát tán, tuyên truyền thông tin chống nhà nước,” Khúc đuôi của các vụ trả thù dân chúng biểu tình đến đây chưa dứt. (TN)