... ra đến hải ngoại, đặc biệt ngay tại vùng Little Saigon, nơi người dân gốc Việt sinh sống đông nhất thì chuyện biếu Tết vẫn tiếp tục được duy trì, thay đổi hay hoàn toàn biến mất lại tùy thuộc vào suy nghĩ, lối sống của mỗi người.
Những giỏ quà bánh mứt trà được gói sẵn dành cho việc biếu Tết được bày bán trong các chợ Việt Nam ở Little Saigon (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Không biết từ khi nào, tập tục biếu quà Tết đã thành một nét văn hóa trong đời sống của người dân Việt Nam. Khoảng từ Rằm Tháng Chạp, là người người nhà nhà đã chuẩn bị mua quà biếu Tết. Dĩ nhiên quà Tết phải được biếu trước Tết để người ta… ăn. Không chỉ vậy, văn hóa Việt Nam là người nhỏ phải biếu Tết người lớn, cấp dưới phải biếu Tết cấp trên. Đôi khi lòng thành của người đi biếu Tết còn được đánh giá qua giá trị của món quà biếu.
Tuy nhiên, ra đến hải ngoại, đặc biệt ngay tại vùng Little Saigon, nơi người dân gốc Việt sinh sống đông nhất thì chuyện biếu Tết vẫn tiếp tục được duy trì, thay đổi hay hoàn toàn biến mất lại tùy thuộc vào suy nghĩ, lối sống của mỗi người.
Chị Quyên Trần hiện sống ở thành phố Anaheim, sang Mỹ tròn 20 năm cho rằng “biếu Tết giống như mình cho quà với nhau, chứ không xem đó là việc bắt buộc.”
“Ngày Tết đối với tôi quan trọng nhất là ngày Ba Mươi vì tôi dọn dẹp nhà cửa, chưng bông hoa xong rồi cúng mâm cơm cuối năm, thì đó là không khí Tết. Còn chuyện biếu quà Tết thì rất là nhẹ nhàng, có gì giống như mình cho với nhau chứ không coi trọng đó là việc bắt buộc phải có quà biếu qua biếu lại.”
Ông Jame Phạm, qua Mỹ năm 2000, hiện sống ở Reseda, cách Little Saigon hơn 1 tiếng lái xe, thì chỉ giữ tập tục họp mặt gia đình ngày cuối năm và mừng tuổi cha mẹ chứ không chú ý đến chuyện biếu quà Tết.
“Tôi qua đây năm 2000, qua đây thấy đời sống bên này khác hơn Việt Nam, đôi khi cũng bận rộn, rồi mấy ngày Tết nhằm vào ngày thường thành ra sau này cũng ít có đi biếu quà, chỉ có ngay ngày Ba Mươi Tết thì đi qua nhà ba má họp mặt gia đình, rồi Mùng Một Tết thì mừng tuổi cho ba má, vậy thôi à, chứ không có đi biếu quà cho người khác.”
Với chị Trầm Bội Phương, cư dân thành phố Irvine, sống ở Mỹ cũng gần 40 năm, thì hình ảnh các phụ huynh của các lớp học Việt ngữ mang giò chả, bánh mứt biếu Tết thầy cô giáo để tỏ lòng biết ơn khiến chị cảm thấy sự lao xao của không khí Tết.
“Tôi qua Mỹ cũng 40 năm rồi, tôi qua đây có gia đình, có chồng con, ở Mỹ cũng đi làm với người Mỹ nhiều… Bản thân tôi có sinh hoạt tại một trung tâm dạy tiếng Việt cũng hơn 20 năm. Tôi nhớ cứ mỗi lần Tết đến là nhà trường cũng tặng giò thủ, bánh chưng cho thầy cô ăn Tết. Tôi cũng thấy có phụ huynh, là những người còn trẻ sinh ra ở Mỹ, ngoài 30 tuổi, cũng đi biếu Tết cho thầy cô, họ cũng mua mứt, bánh, có khi họ đặt chả để biếu, cũng như một cách họ tỏ lòng biết ơn mình. Mình không muốn nhận nhưng mà thấy cũng vui. Nếu tôi không sinh hoạt trong trung tâm Việt ngữ, nếu tôi không trở lại sinh hoạt trong cộng đồng Việt thì không biết không khí Tết nhiều đâu.”
Hoa cũng là lựa chọn của nhiều người khi mang đi biếu Tết (Hình; Ngọc Lan/Người Việt)
Trong khi đó, Bác sĩ Phạm Đỗ Thiên Hương hiện sống ở Irvine, sang Mỹ cũng gần 4 thập niên nhưng vẫn cố gắng giữ những tập tục ngày Tết, trong đó có việc biếu quà Tết dưới hình thức đơn giản hơn.
“Tôi sang đây từ năm 1980. Dĩ nhiên mình vẫn cố gắng giữ những tập tục của ngày Tết. Nói về thói quen có biếu quà Tết hay không thì ‘Yes,’ vẫn còn giữ thói quen đó nhưng mà có đơn giản lại. Như ở Việt Nam thì đi biếu Tết là phải đi ngày trước Tết để biếu cho người ta ăn Tết. Xong, đến ngày Tết mình lại đến nhà chúc Tết, tức là hai chuyến khác nhau. Nhưng qua qua đây thì mình giản tiện đi, vì ai cũng bận hết, chính người tiếp mình họ cũng không có thời gian tiếp mình hai lần thành ra mình đi biếu và chúc Tết trong cùng một ngày cho đơn giản lại. Và cũng chỉ giới hạn trong họ hàng thân thích thôi, chứ không có hàng xóm như ở Việt Nam.
Quà dùng để biếu Tết của chị Thiên Hương cũng thay đổi tùy năm.
“Có năm biếu hoa, có năm biếu trái cây, thật sự bây giờ mình không có biết bánh mứt như hồi xưa nữa tại vì người ta cũng không thích ăn, mình thấy cũng uổng, thành ra mức thì mình chỉ mua tí xíu tượng trưng thôi, bánh chưng, trà là những món có thể dùng để biếu Tết.”
Với anh Lộc Nguyễn ở Orange thì chuyện biếu Tết cho bạn bè, người quen sẽ vô tình mang lại cho người nhận một chút phiền phức bởi “người nhận cũng phải lo kiếm một món gì đó để biếu lại,” thế nên theo anh sau vài năm đầu mới qua Mỹ, người Việt Nam đa phần còn giữ tập tục biếu Tết cho người quen, tuy nhiên sau đó hình thức này sẽ từ từ bị bỏ đi.
Dẫu vậy, việc biếu quà Tết trong gia đình, đặc biệt là cho bố mẹ hai bên, với anh Lộc, là điều bắt buộc và phải được duy trì.
“Trong nhà chuyện biếu Tết là bắt buộc. Tại vì sao? Mình là một người con, khi Tết về, đó là dịp để mình tỏ lòng thành của mình với ông bà. Mình mua đồ để cúng, để mang về gia đình cho ba mẹ mình cúng mà ba mẹ thì thờ ông bà tổ tiên. Thứ hai việc mua quà đó là để tỏ tình cảm của mình với người thân. Đối với mình, không phải chỉ bây giờ, mà trước đây và sau này cũng vậy, cứ mỗi năm đến dịp Tết thì việc đầu tiên là mình phải lo đi mua đồ để cúng và mua quà về cho ba mẹ mình.”
Anh Lộc cho rằng không chỉ thế hệ anh duy trì tập tục này mà các con anh cũng được dạy dỗ để duy trì nét văn hóa Việt này.
“Tất nhiên, chắc chắn, ngay cả bây giờ cũng vậy, nó được gần 5 tuổi, nhưng mình đã dạy nó từ từ rồi. Tết, ngày Mùng Một là phải qua nhà ông bà. Còn chiều Ba Mưoi, làm gì làm, nếu nhà mình có cúng thì phải cúng trước đó một ngày, để ngày Ba Mươi là ngày cúng Tất Niên thì anh em dâu rể đều phải tụ hợp về để cúng ở nhà ông bà. Sau đó đến sáng Mùng Một, làm gì làm cũng phải về nhà ông bà trước khi đi bất cứ nơi đâu. Đó là điều mình đã làm và mình tập cho con mình làm, và hướng con cháu mình và thế hệ sau này cũng phải biết nét văn hóa của người Việt Nam là như vậy.”
Giò chả, bánh chưng, bánh tét, dưa món,… cũng là những món quà được dùng để biếu Tết cho người thân trong gia đình (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Cô Ngọc Nguyễn ở Santa Ana thì cho rằng, “Từ lúc có gia đình, ở riêng, thì cứ Tết đến tôi hay nhận được quà Tết từ các anh chị bên chồng, bên tôi, nào là bánh tét, bánh chưng, giò chả, có khi là chai rượu, hay hộp mứt, có lúc lại là cặp dưa, cặp bưởi. Tôi thì không có quà Tết đầy đủ cho mọi người như vậy, lúc có lúc không.”
“Qua Mỹ này cũng vậy, tôi thấy các anh chị tôi rất chu đáo trong việc tặng quà Tết cho các em út, cũng là giò chả, là bánh chưng bánh tét, có lúc là hộp mứt sen, mứt bí, không năm nào thiếu. Riêng tôi thì năm nào có rủng rỉnh tiền tôi mới đi mua hoa tặng mỗi người một chậu lan chưng Tết. Riêng năm nay thì tôi mua được thùng tôm hùm xứ Main rất ngon, nên tặng mỗi nhà vài con cũng gọi là quà Tết vậy. Tôi không câu nệ chuyện này,” cô cười cho biết.
Còn bạn, chuyện quà Tết có quan trọng đối với bạn nơi xứ người hay không trong thời khắc này?