Mà công nhận xài túi đắt tiền, thấy ‘đã’, cảm giác như ai cũng nhìn mình. Từ đó em ‘nghiện’ túi hiệu luôn. Giờ em được 5 cái túi hiệu rồi, cái đắt nhất là túi Hermès $12,000, còn rẻ nhất là cái LV $1,600.”
Túi xách hàng hiệu ở shop Maxim Boutique. (Hình: Trúc Linh/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Người Việt có câu “chiếc áo không làm nên thầy tu,” ý nói hình thức bên ngoài không làm nên giá trị một con người, nhưng điều này hình như không còn đúng lắm trong thời buổi hiện tại.
Chính vì hay bị người khác “đánh giá” qua vẻ bề ngoài nên nhiều người phải “trang bị” cho mình những món đồ xịn, kể cả khi không có tiền, mà túi xách “hàng hiệu” là một trong những món được quý bà, quý cô để ý nhất.
Theo khảo sát của Công ty Niesel, Việt Nam đứng hàng thứ ba trên thế giới về chuyện “mê hàng hiệu,” chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tại Việt Nam, từ những “người đẹp nổi đình nổi đám,” “người đẹp vừa vừa” cho đến “người không đẹp lắm,” đều cố mua những chiếc túi “hàng hiệu” có giá từ vài ngàn cho đến cả trăm ngàn đô la. Không phải chỉ vài chiếc mà đến vài chục chiếc, đủ thứ các thương hiệu đắt tiền. Thậm chí đến “chiếc túi đắt nhất hành tinh” là Hermès Himalayan Crocodile Birkin mà người đẹp Ngọc Trinh, Á Hậu Phương Lê, diễn viên Sella Trương, ca sĩ Thu Minh, ca sĩ Lệ Quyên… cũng có.
Chiếc túi Hermès Himalayan Crocodile Birkin ra mắt hồi năm 2014 với giá $190,000. Nhưng không phải hễ ai có tiền là mua được. Số lượng sản xuất túi rất ít mà danh sách người chờ mua rất dài, đôi khi phải đến vài năm. Với những túi thuộc hàng “đắt nhất hành tinh” như Hermès Himalayan Crocodile Birkin, mỗi năm họ chỉ sản xuất 5 chiếc thì càng khó để mua. Bởi vậy nhiều người lắm tiền thừa của phải “sang tay” từ người khác với giá cao hơn hoặc mua quá đấu giá. Năm 2016, chiếc túi này được bán đến 300,000 qua một cuộc đấu giá ở Hồng Kông.
Người đẹp Ngọc Trinh và chiếc túi Hermès Himalayan Crocodile Birkin. (Hình từ Instagram của Ngọc Trinh)
Những chiếc túi trị giá bằng nửa căn nhà ở California này chỉ dành cho “super star,” bài viết này chỉ muốn đề cập đến những cái túi “rẻ” hơn, chỉ tầm… vài ngàn đến chục ngàn đô la.
Phóng viên nhật báo Người Việt hỏi chuyện những người Việt Nam có thu nhập cao ở Mỹ như bác sĩ, luật sư, chuyên viên bất động sản,… xem có bao giờ bỏ ra chục ngàn đô la để mua túi xách không? Tất cả đều nói rằng chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ bỏ ra chừng ấy tiền cho túi xách.
Chị Hằng Nguyễn, một luật sư sống ở Laguna Beach bày tỏ: “Mua nhà đẹp, xe đắt tiền, tôi hoàn toàn đồng ý nhưng riêng túi xách, tôi chưa bao giờ có cái nào quá $300. Nhà là nơi mọi người trong gia đình bên nhau, tận hưởng cuộc sống với nhau nên căn nhà rộng đẹp có ý nghĩa rất nhiều. Còn xe đắt tiền thì sự an toàn của nó cũng cao hơn. Tôi không phê phán những ai bỏ ra hàng chục ngàn đô la mua túi xách, tiền của họ, họ muốn gì là chuyện của họ nhưng cá nhân tôi, tôi thấy quá lãng phí.”
Cũng về chuyện túi “hàng hiệu,” Bác Sĩ Đông Xuyến cho biết chị chỉ có một cái túi “hàng hiệu” duy nhất là túi Louis Vuitton mua cách đây hơn 3 năm trong dịp được tăng lương.
Hỏi chị nghĩ gì về việc xài túi “hàng hiệu” có làm cho mình “sang trọng” hơn không? Bác Sĩ Đông Xuyến cho biết, trong hơn ba năm xài chiếc túi Louis Vuitton, điều chị cảm nhận được là phẩm chất bền và đẹp. Còn chuyện có “sang trọng” hơn không, chị không đánh giá được.
“Nhưng với tư cách một người bình thường, nếu thấy ai đó xài đồ hiệu đắt tiền từ đầu đến chân, trong lòng tôi nghĩ người đó ‘hình thức’ quá. Theo tôi, “nội lực” của một người quan trọng hơn hình thức. Nếu bạn đeo cái túi mấy chục ngàn đô la nhưng phong thái bạn không tự tin, bạn rụt rè, khúm núm, bạn dùng ngôn ngữ ‘đường phố’, bạn không biết phép lịch sự nơi công cộng thì bạn không thể nào ‘sang trọng’ được,” Bác Sĩ Đông Xuyến nhận xét.
Qua điện thoại, phóng viên Người Việt trò chuyện với chị Tina Huỳnh, sống ở Westminster nhưng đi làm nail mãi tận thành phố Whittier. Chị Tina cho biết về sở thích mua túi “hàng hiệu”: “Khoảng bốn năm trước em xài túi bình thường thôi, nhưng mấy người làm cùng với em, ngày nào cũng khoe, nào là túi Chanel, Louis Vuitton, Burberry, như chọc tức em, ngứa mắt lắm. Thế là em quyết định mua cái túi Channel lúc đó hơn $7,000 cho mấy người đó hết coi thường. Mà công nhận xài túi đắt tiền, thấy ‘đã’, cảm giác như ai cũng nhìn mình. Từ đó em ‘nghiện’ túi hiệu luôn. Giờ em được 5 cái túi hiệu rồi, cái đắt nhất là túi Hermès $12,000, còn rẻ nhất là cái LV $1,600.”
Được hỏi, mỗi ngày có mang túi “hàng hiệu” đi làm không, Tina cho biết: “Có mang vào tiệm vài lần, chủ yếu cho mấy người trong tiệm thấy em cũng có túi xịn thôi, chứ mang vào tiệm nail uổng lắm. Em thường mang túi đi chợ, đi nhà thờ, đi ăn tối với bạn bè.”
Chị Vương Trân, chủ một tiệm nail, sống ở thành phố Alhambra, cho rằng ngoài chất lượng, chiếc túi “hàng hiệu” còn làm nên “giá trị” của một người. Chị có nhiều túi xách của các nhãn hiệu như Louis Vuitton, Gucci, Prada.
Chị Vương Trân. (Hình do nhân vật cung cấp).
“Khi đi shopping, đặc biệt là đến những nơi mua sắm của người Việt, người ta dòm ngó bề ngoài mình dữ lắm. Nếu thấy mình mang túi ‘xịn’ người ta tiếp đón mình rất niềm nở. Ngược lại, thấy mình xài túi rẻ tiền, người ta chỉ tiếp đón mình một cách miễn cưỡng,” chị Vương Trân nói.
Chị Maxim Nguyễn, chủ shop Maxim Boutique trong Westminster Mall cho biết phần lớn khách của chị là những người làm nail. Trong shop này chỉ có ba nhãn hiệu là Hermès, Chanel và Louis Vuitton, tất cả đều đã qua sử dụng, giá từ vài trăm cho đến $14,000. “Khoảng 90% túi xách ở đây được chúng tôi mua từ một công ty của Mỹ, bởi họ có người thẩm định và ‘clean up’ túi. Khoảng 10% còn lại được mua trực tiếp từ người bán mang đến shop.”
Nếu một ngày… xấu trời nào đó, ai đó cần tiền nhưng không muốn bán đi những chiếc túi mắc tiền có giá trên $5,000, có thể mang đi cầm ở công ty Beverly Loan. Đây là một trong những công ty đầu tiên tại Mỹ có dịch vụ cầm đồ hàng túi xách xa xỉ. Trên website của họ có ghi rõ: “Nếu túi của bạn không phải là Hermes, Chanel và không có giá trên $5,000, chúng tôi sẽ không nhận.” Ngoài ra, họ còn yêu cầu túi xách phải còn tốt và trong một số trường hợp, họ còn cần cả hóa đơn mua hàng.