Bà Kính, mẹ ông, kể: “Mất vợ, tinh thần ‘nó’ bị suy sụp rất nhiều, không chịu ở đâu lâu. Cứ thích bỏ đi lang thang, không ai cản nổi.”
Ông Thanh Phạm, một người vô gia cư tại Little Sagon. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Thân nhân của ông Thanh Phạm, nhân vật trong bài viết “Lễ Tạ Ơn của một người vô gia cư ở Little Saigon” đăng trên nhật báo Người Việt vào đúng ngày lễ Thanksgiving, đã liên lạc được với ông ngay sau khi đọc bài viết này. Họ muốn đưa ông về Texas sống, nhưng lại gặp phải nhiều khó khăn chưa thể giải quyết.
Theo lời người dì ông, bà Phạm Thị Mến, ông đã nhiều lần bỏ nhà ra đi khắp nơi.
Ông Thanh sống lang thang trên vỉa hè khu Bolsa từ hơn một năm nay.
Không mảnh giấy phòng thân trong người, nhưng ông luôn luôn giữ thẻ căn cước của người vợ quá cố.
Tài sản” duy nhất của ông Thanh Phạm. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Rõ ràng, qua cách nói chuyện của ông, ai cũng thấy rằng đầu óc ông Thanh không được bình thường và nhiều người có thể cho rằng ông có bệnh tâm thần và bị nghiện rượu.
Đây chính là lý do khiến ông quyết định sống vô gia cư, lăn lóc ngoài đường trong thời gian qua.
Theo lời mẹ ông, bà Phạm Thị Kính, ông sinh năm 1970 tại Sài Gòn, Việt Nam.
Năm 1972, bà theo chồng qua Mỹ. Theo lời yêu cầu của mẹ, bà buộc lòng phải để con lại cho bà ngoại nuôi.
Đến năm 1986, khi lên 16 tuổi, ông được bảo lãnh qua Mỹ để đoàn tụ với gia đình.
“Thời gian này, tôi có nhà hàng Dragon Phoenix ở Oklahoma, ‘nó’ ra phụ tôi ở đó.
Một thời gian sau, ông Thanh lập gia đình với bà Bùi Thu Tâm và mở nhà hàng riêng, cũng ở Oklahoma, tên Golden Palace Restaurant.
Tháng Năm, 1999, trên đường về, một cơn bão ập xuống, ông lái xe đưa gia đình nấp dưới gầm cầu.
Ông Thanh ôm chặt hai con còn bé, một trai, một gái, bé Kiều và bé Vàng, trong lúc vợ ông bị bão cuốn đi.
Bà là một trong 49 người thiệt mạng vì trận bão này, theo báo News OK (http://newsok.com/article/1080275).
Câu chuyện thương tâm của gia đình ông Thanh được viết lại trong cuốn sách “Storm Warning: The Story of a Killer Tornado”, trang 139.
Hai con ông, được bà Mến, dì ông, đưa về nuôi.
Phần ông, ông không thể duy trì sự ổn định tinh thần để tự lo lắng cho con mình vì ông phải tìm quên trong hơi men.
Ông Sơn Nguyễn, chú ông Thanh, nói: “Tôi không vui, nhưng không thể trách ‘nó’ vì nghiện rượu là một sự di truyền.”
Bà Kính, mẹ ông, kể: “Mất vợ, tinh thần ‘nó’ bị suy sụp rất nhiều, không chịu ở đâu lâu. Cứ thích bỏ đi lang thang, không ai cản nổi.”
Dĩ nhiên, một khi đã có rượu vào người, ông không còn tỉnh táo và đã gây khá nhiều phiền toái cho gia đình.
Liên lạc được với ông Thanh là chuyện vui, nhưng cũng là một bận tâm không nhỏ đối với cho gia đình ông.
Bà Mến cho biết sẵn sàng đưa ông Thanh về, nhưng ở tuổi gần 70, bà không thể từ Texas bay qua California rồi đưa ông về bằng xe buýt. Lý do? “’Nó’ làm mất hết giấy tờ rồi, không đi máy bay được,” bà nói.
Ông Sơn than: “Thấy cháu mình thân tàn, ma dại như vậy, tôi rất đau lòng, nhưng tôi bó tay, không biết làm gì để giúp. Đưa ‘nó’ về nhà, tôi không dám vì tôi không biết cách chăm sóc một người vừa tâm thần, vừa nghiện rượu.”
Mẹ ông Thanh buồn rầu: “Dĩ nhiên tôi muốn con tôi về đây, nhưng tôi không thể nào giữ ‘nó’ lại khi ‘nó’ muốn đi.”
Hai người con mà ông tưởng rằng đã mất cùng lúc với vợ ông, nay vẫn còn sống. Vàng, con trai ông, nay đang học đại học năm thứ ba và có ý định sẽ gia nhập Không Quân sau khi tốt nghiệp đại học.
Cũng như mọi người trong gia đình, Vàng muốn cha mình quay về, cai rượu và làm lại cuộc đời nhưng anh biết những lời khuyên của mọi người không có giá trị. Phải chính ông Thanh tự tìm nghị lực và sự quyết tâm thì mới có thể từ bỏ kiếp sống vô gia cư.
Hiện thời, gia đình ông Thanh đang bàn tính, tìm phương cách hữu hiệu nhất để đưa ông về Texas và giúp ông cai nghiện. (Đằng-Giao)