“Ngược dòng thời gian 100 năm về trước, vào ngày 16 Tháng Mười Một, 1917, tại nhà hát Tây Sài Gòn đã tưng bừng công diễn tuồng ‘Gia Long Tẩu Quốc,’ đánh dấu ngày đầu phôi thai của sân khấu cải lương ra đời,
Các nghệ sĩ cùng ban nhạc trong chương trình. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – “Hành Trình 100 Năm Cải Lương” là chương trình kỷ niệm 100 năm phát triển sân khấu cải lương, do Đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang và chương trình cổ nhạc Văn Lang của đài Little Saigon TV đồng tổ chức, vừa diễn ra chiều Thứ Sáu, 24 Tháng Mười Một, tại Saigon Performing Arts Center, Fountain Valley.
“Ngược dòng thời gian 100 năm về trước, vào ngày 16 Tháng Mười Một, 1917, tại nhà hát Tây Sài Gòn đã tưng bừng công diễn tuồng ‘Gia Long Tẩu Quốc,’ đánh dấu ngày đầu phôi thai của sân khấu cải lương ra đời, gồm hội họa, âm thanh, ánh sáng, đạo cụ, âm nhạc gồm cổ nhạc và tân nhạc, tất cả liên đới hỗ trợ nhau với nhiều công sức sáng tạo của cha ông, được sự ủng hộ đông đảo của công chúng, gây tiếng vang sâu rộng khắp nơi và cải lương cũng theo đà phát triển từ đây,” nghệ sĩ Mai Chân, trưởng ban tổ chức, cho biết.
Mở đầu chương trình là lễ tưởng niệm các vị thánh tổ, các nghệ sĩ tiền bối có công gầy dựng nền văn hóa cổ truyền qua bộ môn nghệ thuật cải lương.
Ba hồi trống tổ nổi lên, cung nghinh các vị thánh tổ ngành sân khấu, với phần nhạc lễ của Hội Phát Triển Nghệ Thuật Truyền Thống Lạc Hồng.
Để khán giả hiểu rõ thêm về ý nghĩa của ngày giỗ thứ 100 ngành sân khấu cải lương, Giáo Sư Trần Văn Chi có phần diễn giải về lịch sử hình thành sân khấu cải lương, bắt đầu từ đâu, biến đổi thế nào.
Ông cho hay, ai cũng biết cải lương biến cải từ nhạc lễ mà tại sao nó không ở Thăng Long, Bắc Hà, mà lại ở đồng bằng sông Cửu Long, cái nôi của cải lương. Những dẫn giải gây ngạc nhiên cho người nghe làm tăng thêm thích thú khi thưởng thức.
Theo ông, cải lương theo những di dân chối bỏ Chúa Trịnh từ đất Bắc vào miền Trung ở, tiếp tục đi về miệt đồng bằng sông Cửu Long trù phú, được người trong Nam cưu mang, và cải lương phát triển mang hơi hướng của nhạc lễ cung đình Huế chứ không ảnh hưởng của nhạc lễ miền Bắc. Với cung cách biến đổi để phát triển của người miền Nam, cải lương luôn đổi mới để phát triển được cho tới ngày hôm nay, như biến đổi về nhạc cụ, tuồng tích, cũng như về xã hội.
“Hôm nay gần 500 người đến đây không phải là để xem hát, mà là dự một buổi văn hóa rất cao, bởi vì cải lương không phải bình dân như người ta nghĩ, mà là từ trí thức đưa xuống dân dã, nên ai nói cải lương bình dân là không đúng,” ông nhấn mạnh.
Trích đoạn “Bùi Kiệm Thi Rớt” do hai nghệ sĩ trẻ Phượng Hồng, Quỳnh Hoa trình diễn. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Liên khúc “Kỷ Niệm 100 Năm Cải Lương” do nhóm Văn Lang và vũ đoàn Việt Cầm trong tiết mục mở màn đã chiếm trọn cảm tình khán giả bằng những tràng pháo tay nồng nhiệt.
Các nghệ sĩ tài danh hải ngoại như Phượng Liên, Vũ Luân, Kim Tiểu Long, Tuấn Châu, Cẩm Thu, Lê Tín, Minh Cảnh Em, Thanh Kim Mỹ, Hữu Thọ, và các nghệ sĩ trẻ Đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang, vũ đoàn Việt Cầm, cùng các nhạc sĩ Hoàng Phúc (guitar phím lõm), Lê Khiêm (đờn cò), Kim Đồng (đờn bầu), Thanh Tùng (sến), đã làm nên một đêm diễn tuyệt vời.
Tiếp theo là bài Tứ Đại Oán “Bùi Kiệm Thi Rớt,” sáng tác Trương Duy Tảng năm 1906, được ban nhạc tài tử Nguyễn Tống Triều lưu diễn tại các thuộc địa Pháp, và sân khấu Minh Tân ở Mỹ Tho năm 1910, và ca ra bộ tại Vĩnh Long năm 1916. Tiết mục này do ban nhạc Hội Phát Triển Nghệ Thuật Truyền Thống Lạc Hồng trong phần đệm nhạc, cùng hai nghệ sĩ Phượng Hồng, Quỳnh Hoa diễn thật dí dỏm.
Kế đến là điệu Khóc Hoàng Thiên bài “Mừng 100 Năm Cải Lương” của soạn giả Trần Văn Hương do hai nghệ sĩ Tuấn Phong và Giang Bích Phượng trình diễn.
Và, nghệ sĩ Cẩm Thu làm cả khán phòng rưng rưng, bồi hồi, da diết… khi hát bài “Dạ Cổ Hoài Lang,” một tâm sự của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu nói lên sự nhớ thương người tình của mình.
Càng về khuya, không khí càng thấm đẫm chất cải lương qua các màn trình diễn những trích đoạn cải lương, những bi trường kịch, những màn múa hào hùng chiến đấu chống ngoại xâm.
“Tuyệt Tình Ca” của hai soạn giả Ngọc Điệp và Hoa Phượng, một vở diễn kinh điển đã lấy nuớc mắt bao khán giả miền Nam Việt Nam thập niên 1960. Tuyệt phẩm này nói lên nỗi đoạn trường của cả một dân tộc trong hoàn cảnh chiến tranh chia ly loạn lạc, với diễn xuất của nghệ sĩ tài danh hải ngoại Phượng Liên, Tuấn Châu và Vũ Luân đã một lần nữa làm nhiều khán giả rơi lệ.
Cụ bà Nguyễn Chiệu nói: “Thiệt sao mà giống hoàn cảnh của tui quá vậy, chỉ có khác là trong tuồng thì hai vợ chồng còn có ngày sum hợp, còn tui thì… Bà cũng cảm ơn đêm nhạc hết sức, qua đó bà hiểu và mến phục bộ môn cải lương nhiều hơn.”
Các nghệ sĩ trẻ của Đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang và vũ đoàn Việt Cầm với liên khúc “Kỷ Niệm 100 Năm Cải Lương.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Trích đoạn “Sau Bức Màn Nhung” của soạn giả Lê Tín, nói lên tâm sự của cuộc đời nghệ sĩ và số phận của những người trót mang kiếp cầm ca qua trình diễn của Lê Tín và Thanh Vũ, nghe sao mà cay đắng.
Liên khúc “Mừng Đoàn Văn Lang” rộn ràng cất lên đã khép lại chương trình với toàn thể các nghệ sĩ ra chào tạm biệt khán giả.
Bà Thủy Tiên, cư dân Huntington Beach, cho biết bà rất yêu thích bộ môn cải lương và đã đi dự nhiều buổi diễn, nên bà mong rằng cần duy trì bộ môn này tại hải ngoại.
Nghĩ về lớp trẻ gốc Việt hải ngoại, bà cho biết: “Lớp trẻ biết cổ nhạc đấy chứ, nhưng mình có thiếu sót về việc truyền bá nhiều hơn nữa cho các em, trong trường học, cộng đồng, và gia đình. Nhất là nên quảng bá trong các chương trình văn nghệ của trường, như là một nét văn hóa đặc biệt của dân tộc. Từ chỗ hiểu được các em sẽ yêu thích hơn,” bà nói.
Nữ sĩ Nhất Phương, hồi nhỏ đi học ở Sài Gòn, cũng thích nghe cải lương nhưng chưa hiểu gì nhiều, khi lớn lên mới hiểu rằng cải lương là bộ môn quốc hồn quốc túy của đất nước.
Bà nói: “Cải lương nó thấm vô máu rồi, nhất là khi ra hải ngoại còn nhớ nhiều hơn nữa. Nếu một bộ môn nào mà ít trình diễn thì cũng sẽ dần dần mai một, làm sao còn nhớ những gì xưa cũ mà truyền lại cho thế hệ mai sau. Do vậy buổi kỷ niệm này sẽ là một dấu mốc để từ đó chúng ta có thể tiếp tục tổ chức nhiều buổi diễn như thế này.”
Anh Đặng Văn Phan, từ Fresno đi cùng gia đình đến dự, cho biết: “Tôi mê cải lương từ hồi nhỏ. Văn hóa dân tộc mình thật đáng mừng là lúc này được phổ biến khắp nơi trên thế giới, nhất là ở Orange County, nên làm sao phổ biến bộ môn cải lương ở nhiều nơi hơn để giới trẻ biết hướng về cội nguồn dân tộc.” (Văn Lan)