Với học sinh Bưởi-CVA thì “tếu” và “vui nhộn” nó còn mang một sắc thái đặc biệt khác khó mà diễn tả thành lời văn.
WESTMINSTER - Nhà hàng Seafood Palace trên đường Westminster vào tối hôm Chủ Nhật, 17 Tháng Hai, đã không còn một chỗ trống cho bất cứ một cựu học sinh Bưởi-CVA nào đến sau 6 PM, giờ khai mạc. Ước lượng có tới hơn 600 anh em cựu học sinh Bưởi-CVA đã kéo nhau đến để cùng thầy cô và bạn hữu đồng môn họp mặt đón một mùa Xuân mới.
Thầy trò Bưởi-CVA ríu rít bên nhau trong cuộc vui Mừng Xuân Quý Tỵ 2013.
Cái “không khí Chu Văn An” từ những năm xưa nay đã sống lại trong khoảng không gian của nhà hàng Seafood Palace. Ðó là không khí “tếu” và “vui nhộn” của tuổi học trò.
Với học sinh Bưởi-CVA thì “tếu” và “vui nhộn” nó còn mang một sắc thái đặc biệt khác khó mà diễn tả thành lời văn. Bởi Bưởi-CVA là một ngôi trường trung học có một lịch sử chạy dài trong một thời gian nước nhà nghiêng ngửa, lắm biến cố và đau thương. Ðó biến cố trường được đổi tên từ “Bảo Hộ” sang “Chu Văn An,” một danh sĩ trong lịch sử VN, biến cố Cách Mạng của toàn dân (sau đó cộng sản đã cưỡng đoạt), biến cố chiến tranh Việt-Pháp, biến cố di cư 1954, biến cố 1 Tháng Mười Một năm 1963 với những cuộc biểu tình liên tiếp, biến cố học nhờ trung học Petrus Ký, biến cố có trường sở mới khang trang và biến cố 30 Tháng Tư 1975.
Hội trưởng Bùi Ðức Uyên trong lời chào mừng thay Ban Tổ Chức đã nhắc đến một chi tiết mà nhiều người thắc mắc, đó là tại sao lại có chữ Bưởi-CVA thay vì CVA không thôi. Ông nói: “Năm 1908 khi người Pháp mở trường Bảo Hộ (Lyccee du Protectorat) để đào tạo nhân viên cho guồng máy cai trị. Cái tên Bảo Hộ không được học sinh thời đó chấp nhận. Họ bảo nhau, rồi truyền đến dân gian với một tên trường đậm tình dân tộc: Trường Bưởi. Ðến năm 1945, Bộ Trưởng Hoàng Xuân Hãn của chính phủ Trần Trọng Kim ký sắc lệnh đổi thành trường Chu Văn An. Năm 1954, khi đất nước chia đôi, trường di chuyển vào Saigon. Do đó trường Bưởi hay Chu Văn An là một. Không thể phân biệt. Cố tình phân biệt là chia rẽ, là phản bội tinh thần yêu nước của thế hệ Bưởi, là phản bội tinh thần Chu Văn An, tinh thần văn hóa nhân bản, tinh thần bất khuất trước bạo tàn.”
Nhiều thế hệ (xin được hiểu là một vài ba niên khóa) thanh niên đã bước qua ngưỡng cửa Bưởi-CVA để khi tốt nghiệp ra bốn phương trời vẫn giữ được tinh thần yêu nước, yêu dân tộc. Tinh thần ấy phát xuất từ thâm tình thầy trò, thâm tình đồng môn. Thế hệ di cư thì nhắc với nhau những ngày học tạm nơi các dãy nhà để xe của trường Petrus Ký mà chung quanh được quây tạm bằng những tấm phên để mỗi khi trời mưa, gió tạt vào lớp, thầy trò vẫn miệt mài với những “Sin,” những “Cos” để tìm cho ra một lời giải cho tương lai của mình... Thế hệ nơi trường sở mới thì kể đến những buổi “cúp cua” đi tham dự biểu tình chống “đàn áp Phật Giáo.” Và những thế hệ kế tiếp nữa nhắc lại một thời “hỏng tú tài anh đi trung sĩ, em ở nhà lấy Mỹ... nuôi thân.” Vì thế mà buổi hội ngộ cứ rộn rã, tưng bừng trong từng bàn, từng khu tiệc trong nhà hàng. Những tên gọi cũ một thời luyến nhớ lại được nhắc đến vang vang. Nào là “Th. nghệt”, “L. rám”, “D. vật”, Ðôn lò”... cứ được réo lên từng chặp trong tiếng cười vang bất kể các vị phu nhân theo chồng không bỏ cuộc chơi cũng đang cười vui phụ họa.
Ban Tam Ca AVT với ba CVA Ðặng Quỳnh, Ðắc Trần và Hiền Nguyễn trong một tiết mục rất “tếu” và rất “nhộn” trong chương trình văn nghệ Mừng Xuân Bưởi-CVA 2013.
Nhưng vui nhất là khi Ban Tổ Chức kêu gọi “ai từng học Bưởi-CVA, dù chỉ dính qua một niên khóa hay vài tháng trời xin hãy lên chụp chung một bức hình với thầy cô.”
Không khí trong nhà hàng bỗng rộn rã hẳn lên. Hầu hết đều đứng cả dậy sẵn sàng bước lên sân khấu để ghi lại phút giây đằm thắm này. Hơn hai chục thầy cô trong đó có một vài thầy cô thuộc thế hệ di cư 54 như thầy Ðỉnh và hơn 600 người trên một sân khấu chỉ chứa được chừng ba chục người nên mọi người đã đứng tràn sang hai bên khiến không một nhiếp ảnh gia, báo chí nào dù có chuyên nghiệp đến mấy cũng không thể “focus” cho đủ mặt anh hào CVA được. Ðành phải thấy đâu thì sâu đó vậy.
Phút mừng vui hội ngộ sớm qua đi trong khi mọi người, cả thầy lẫn trò, vẫn còn bịn rịn thì chương trình văn nghệ giúp vui khởi diễn. Ca đoàn Áo Xanh với hai bản hành khúc “Chiến Sĩ Vô Danh” và “Ðại Phá Quân Thanh” dưới sự điều động lả lướt của CVA Dược Sĩ Lâm Tứ Hiệp đã làm cho mọi người thêm bừng bừng khí thế. Ngày Xuân của dân Việt mà không nhắc đến Quang Trung đại đế và chiến thắng Ðống Ða thì còn đâu là Xuân nữa.
Rồi chương trình văn nghệ tiếp nối với nhiều ca khúc lịch sử cùng là những ca khúc ngợi ca một miền Nam nắng đẹp đã mất để rồi bốn giọng ca Hồng Tước, Mai Phương, Ngô Vũ và Gia Ðại phải cất tiếng hỏi rằng “Em còn nhớ mùa Xuân” vào phút gần chót của chương trình.
Cũng như mọi năm, một đặc san Chu Văn An cũng đã được phát hành trong dịp này. Năm nay đặc san CVA vượt hẳn mọi năm về “bề dầy” và một nội dung phong phú. Bắt mắt nhất là hình bìa. Chỉ là một bức hình tượng trưng của Xuân với người chiến sĩ. Nhưng ở đây người chiến sĩ VNCH trước đây chính là những chàng trai CVA đã xếp bút nghiên theo việc đao cung và bây giờ cũng vẫn là những chiến sĩ còn nguyên lòng trung trinh với lý tưởng Quốc Gia Dân Tộc. Nội dung còn phong phú hơn với những tài liệu hình ảnh của các vị hiệu trưởng, giáo sư từ lúc còn là trường Bưởi cho đến Chu Văn An Hà Nội và Chu Văn An Saigon. Ðây quả là những tài liệu quí hiếm, 5 chục năm sau lại được nhìn lại thầy Hiệu Trưởng Vũ Ngô Sán, thầy Trần Văn Việt, thầy giám thị Nguyễn Văn Hổ... Các vị đã ra đi nhưng mãi mãi còn lại trong tâm trí nhiều lớp học trò cho dù những lớp này nay cũng đã “thất thập cổ lai hy” cả rồi.