“Mỗi năm một lần, lễ tất niên giúp cho các em nhớ đến văn hóa truyền thống của người Việt mình vào ngày Tết.”
WESTMINSTER (NV) - Mỗi năm cứ đến dịp Tết, các em học sinh trường Việt ngữ, Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam lại xúng xính những chiếc áo dài nhỏ cùng ba mẹ đến tham gia buổi họp mặt mừng Xuân. Tại đây, quý phụ huynh được thấy con em mình trổ tài nói tiếng Việt qua những màn văn nghệ đặc sắc và cùng thi thố trong những cuộc thi đánh vần gay cấn.
Các em học sinh lớp Mẫu Giáo trình diễn tiết mục Chúc Tết. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Có em dạn dĩ múa hát, có em từ hàng ghế ngơ ngác nhìn theo bạn bè trên sân khấu, tất cả đều hân hoan trong không khí nhộn nhịp trong ngày lễ Xuân Quý Tỵ vào Chủ Nhật, 3 Tháng Hai, tại trường Việt ngữ, Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam, đặt cơ sở trường trung học Warner, Westminster vào mỗi Chủ Nhật hằng tuần.
Dù buổi lễ bắt đầu từ 9 giờ 30 sáng, các phụ huynh đã đến đông đủ từ sáng sớm, nhiều người cho con em mặc trang phục truyền thống như áo dài khăn đóng hay áo tứ thân. Một vài em gái còn cầm lủng lẳng chiếc nón quai thao be bé, trông chẳng khác một cô búp bê “Bắc kỳ nho nhỏ”. Các em cười nói rạng rỡ, cùng nhau ăn uống, nhận lì xì, và thay nhau trình diễn trên sân khấu.
Các em, dù nói tiếng Việt ít hay nhiều, được thầy cô sắp xếp để cùng tham gia thi đánh vần và trình diễn văn nghệ. Lớp mẫu giáo thì được ra đề thật dễ, lớp 1 thì khó hơn một chút, cứ thế cho đến lớp 6 và lớp đặc biệt. Về trình diễn văn nghệ, các bé giỏi tiếng Việt được hát, đọc lời thoại kịch, các bé nhỏ hơn hoặc không rành tiếng Việt lắm thì diễn phụ họa. Tập trung làm tốt vai của mình, gương mặt căng thẳng của nhiều em khiến khán giả phì cười, vỗ tay thật lớn để ủng hộ tinh thần các “diễn viên” nhỏ.
Chú “lân con” đi chúc Tết khán giả. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Thầy Huỳnh Phổ, người sáng lập và chủ tịch ban quản trị của trường, nói với phóng viên nhật báo Người Việt: “Mỗi năm một lần, lễ tất niên giúp cho các em nhớ đến văn hóa truyền thống của người Việt mình vào ngày Tết.”
Quả thật, chương trình không chỉ là một buổi văn nghệ giải trí mà còn mang lại nhiều bài học nhỏ về ngày Tết cho thiếu nhi. Ví dụ, học sinh lớp cô Hoàng Diệu cùng diễn hoạt cảnh “Sự tích bánh dầy bánh chưng,” hay tiết mục “Bé chúc Tết” kèm theo các câu hỏi về món ăn và phong tục trong ngày lễ này của người Việt. Những điều mà các em học được qua chương trình mừng Xuân thật nhẹ nhàng mà bổ ích, lý thú.
Các phụ huynh đến với buổi họp mặt mừng Tết không giấu được niềm vui và tự hào khi thấy con em mình biết nói được ngôn ngữ của quê hương Việt Nam. Bà Phạm Thị Yến, có hai cháu trai đóng vai Vua Hùng và Hoàng Tử Lang Liêu, cho biết: “Cháu nội và cháu ngoại của tôi học ở trường này, ở nhà thì hay coi băng đĩa Việt Nam, nên học tiếng Việt nhanh lắm.”
Một phụ huynh khác, cô Stephany Ngô, phụ huynh của một em tham gia trong tiết mục chúc Tết, chia sẻ: “Mình là người Việt Nam, bé phải biết tiếng Việt nên mình cho bé đi học. Mà bé thích học lắm.” Cô đưa bé Ivy đến trường mỗi Chủ Nhật, đã được 3 năm, và giờ bé đã nói tiếng Việt rất khá, đại diện bạn bè cùng lớp để trình diễn trên sân khấu.
Vua Hùng (em Albert Võ, trái) và Hoàng Tử Lang Liêu (em Nguyễn Hiếu Hugo) trong hoạt cảnh Sự Tích Bánh Dầy Bánh Chưng. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Trường Việt Ngữ-Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam đến năm 2013 là đã đào tạo các em nhỏ gốc Việt được 18 năm. Nhiều em nay đã thành đạt giờ trở về phụ giúp thầy cô, như một số sinh viên trường UCLA có mặt tại chương trình mừng Tết để giúp bày các trò chơi cho các em nhỏ.
Thầy Huỳnh Phổ cho biết: “Trường đề cao sự chuyên nghiệp, các thầy cô đều có bằng sư phạm và nhận lương khi dạy học tại đây. Ngày càng có nhiều cha mẹ mang con đến đây học hơn, hy vọng trường sẽ tiếp tục phát triển để góp phần gìn giữ văn hóa tốt đẹp của người Việt.”
Các em nhỏ tại trường nhờ sự dạy dỗ của thầy cô, có thể chưa nói hoàn hảo tiếng Việt hay đánh vần còn sai, nhưng học được không ít về ngày lễ Tết qua buổi họp mặt. Mở rộng hơn, các em học được những lễ nghi truyền thống, được dạy phải vâng lời cha mẹ, và khi đủ lớn sẽ biết hỏi phụ huynh về nước Việt Nam cách nửa vòng trái đất.
“Tiếng Việt còn, nước Việt còn.” Bảy trăm học sinh hiện học tại trường Việt ngữ, Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam có thể còn quá nhỏ để hiểu được câu nói trên, nhưng các em là niềm tin yêu mà cha mẹ và cộng đồng Việt Nam hải ngoại, qua các em, nuôi dưỡng văn hóa và tương lai Việt.