main billboard

Các chủ tiệm giặt ủi nay phải móc túi tiền thêm 5 đến 9 cent cho mỗi móc áo. Ðây là chuyện không nhỏ, vì theo ước tính (CNN Money), một tiệm giặt sấy (dry cleaner) sử dụng hàng ngàn móc áo mỗi tháng.


WESTMINSTER (NV) - Tháng Bảy, 2012, Hoa Kỳ cho rằng các công ty sản xuất móc áo ở Việt Nam bán phá giá, và quyết định phạt bằng cách tăng 187% thuế nhập khẩu lên mặt hàng này.moc ao 1

Cô Diane Ðoàn, tiệm To Dryclean, cho biết: “Giá mỗi thùng móc áo lên mấy chục phần trăm.” (Hình: Thiên An/Người Việt)

Mức phạt có hiệu lực 6 tháng, trước khi Bộ Thương Mại Hoa Kỳ ra quyết định có nên chấm dứt hay vẫn giữ nguyên mức thuế trên.

Quyết định của Hoa Kỳ ảnh hưởng ngay lập tức lên các tiệm giặt ủi tại Quận Cam, trong đó có rất nhiều tiệm do người gốc Việt làm chủ.

“Giá mỗi thùng móc áo lên mấy chục phần trăm, khách hàng đâu có chịu cho mình lên giá. Chưa kể giá cả các vật liệu khác nữa, tiệm phải nai lưng ra gồng,” cô Diane Ðoàn, gia đình có tiệm giặt sấy mang tên “To Dryclean” ở Westminster, chia sẻ. Móc quần áo là một trong những thứ không thể thiếu cho việc kinh doanh trong ngành giặt ủi.

Theo số liệu của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ, sau khi Trung Quốc bị phạt nặng trước đó, cũng vì tội bán phá giá, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu móc quần áo chính cho Hoa Kỳ. Các công ty làm móc áo của Việt Nam thu về $29 triệu năm 2010 nhờ xuất khẩu hàng sang Mỹ, $31 triệu năm 2011, và dự tính trong năm 2012 sẽ thu rất ít vì giảm mạnh lượng hàng sau khi bị phạt hồi Tháng Bảy.

Việc phạt các công ty sản xuất từ Việt Nam có ảnh hưởng lớn, theo hướng tích cực, đến những công ty cùng ngành tại Hoa Kỳ. Ngược lại, không chỉ các công ty móc áo tại Việt Nam, những người sống bằng nghề giặt ủi tại Quận Cam, hiện gặp nhiều khó khăn do sự thay đổi trên.moc ao 2

Cô Lynn Trương, chủ tiệm Lynn's Cleaner Tailor & Alteration, ráng không tăng giá sản phẩm dù giá vật liệu tăng cao. (Hình: Thiên An/Người Việt)

Nhiều dân nhập cư, trong đó có người gốc Việt, sống bằng nghề giặt ủi.

Theo cô Lynn Trương, chủ tiệm Lynn's Cleaner Tailor & Alteration ở Fountain Valley, “việc này không cần nhiều tiếng Anh. Chỉ cần siêng năng và biết một số từ chuyên dùng là được.” Cô Lynn cũng chia sẻ về nhiều khó khăn mà tiệm của cô, cũng như các tiệm giặt ủi khác, hiện đối mặt.

Các chủ tiệm giặt ủi nay phải móc túi tiền thêm 5 đến 9 cent cho mỗi móc áo. Ðây là chuyện không nhỏ, vì theo ước tính (CNN Money), một tiệm giặt sấy (dry cleaner) sử dụng hàng ngàn móc áo mỗi tháng.

Cô Diane Ðoàn than: “Trời ơi. Người Việt Nam thích bền, rẻ, đẹp, mà đâu có biết giá vật liệu, như móc quần áo, hay nhiều thứ khác nữa, lên dữ lắm, mấy chục phần trăm luôn. Hồi lên giá thêm 25 cent là tiệm chỉ dám lên bao nhiêu đó thôi.”

“Vì giá cả thị trường,” cô nói, “bây giờ làm nhiều mà không dám thu nhiều.”

Cô Lynn Trương cũng có những suy nghĩ tương tự: “Nhiều tiệm lớn trong khu vực này dạo gần đây phải đóng cửa. Mình phải có quyết tâm giữ tiệm mới vượt qua được các thử thách.”

Các tiệm giặt ủi vốn gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh từ một vài năm trước đây vì kinh tế đi xuống, khách hàng bớt giặt sấy tại tiệm, làm giảm thu nhập. Theo hiệp hội ngành giặt sấy (The Dry Cleaning and Laundry Institute), hơn 4,000 tiệm phải đóng cửa trong năm ngoái.

Việc tăng giá móc quần áo, hay các vật liệu khác, sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho ngành, vốn dĩ đã lao đao sau cuộc suy thoái kinh tế.

Ông Sam Monempour, phó giám đốc công ty chuyên cung cấp vật liệu cho ngành giặt sấy 3Hanger Supply Company, nói với NBC: “Giá móc quần áo tăng 10% đến 15%.” Thay vì mua mặt hàng này từ Việt Nam như trước đây, công ty trên hiện mua từ Cambodia và Mexico.

“Chúng tôi buộc phải tăng 2% giá mỗi thùng hàng của công ty, nếu không sẽ lỗ,” ông Monempour cho biết.

Những công ty sản xuất móc quần áo Hoa Kỳ, phe thắng kiện, vẫn chưa cho biết phản ứng sau quyết định của Bộ Thương Mại. Một trong nhóm này là công ty U.S. Hanger Co. of Gardena, có trụ sở tại California. Xưởng móc quần áo của hãng cung cấp việc làm cho hàng trăm cư dân Los Angleles.

Tăng thuế lên hàng nhập khẩu là một cách bảo vệ ngành sản xuất trong nước, cũng như giúp người dân giữ việc. Ngược lại, giá cả thị trường tăng khiến người tiêu dùng... tốn thêm tiền. Trong tình hình giá móc quần áo tăng cao, các chủ tiệm giặt ủi là một trong những người đầu tiên bị ảnh hưởng.

“Lúc này không như hồi xưa, hồi xưa giặt ủi có ăn lắm. Nếu trước đây lời $2 thì bây giờ lời chưa tới 50 cent, cho mỗi bộ, nhưng cũng phải làm thôi, chứ tăng giá thì không có khách hàng.” cô Lynn Trương cho biết.

Làm đủ thứ nghề sau khi qua Mỹ, cô Lynn cuối cùng mở tiệm giặt ủi và sửa quần áo để được tiếp tục công việc may vá ở Việt Nam. Cô quyết duy trì cửa tiệm, “vì yêu nghề,” dù thu nhập có ít đi vì bất kỳ lý do nào.

“Một con én cũng làm nên mùa Xuân. Mình cứ cố gắng từng chút một. Với đam mê, mình sẽ vượt qua mọi thử thách,” cô Lynn chia sẻ.

Về việc giá móc áo dự đoán sẽ tăng vào Tháng Giêng nếu Bộ Thương Mại biến mức thuế phạt của mặt hàng này thành mức thuế cố định, cô Lynn nói “Hy vọng giá vật liệu đừng tăng nữa, để cho những tiệm nhỏ như mình bớt khó khăn.”