main billboard

“Chúng ta phải theo đúng luật thì cá mới không bị tuyệt chủng. Tôi năm nay 32 tuổi, và tôi muốn đời con cháu tôi vẫn được đi câu cá thể thao.”


  Đi câu cá 'Sportfishing' nơi lãnh hải Mỹ - Mexico (kỳ 1)
  
  'Sportfishing,' nghề chơi cũng lắm công phu (kỳ 2)


WESTMINSTER (NV) - Vẫn theo viên thuyền trưởng trẻ tuổi của tàu New Lo-An, mỗi tàu có một vận hành khác nhau, nhưng với kinh nghiệm của ông, trong trường hợp chim bay tản mát và màn hình máy tầm ngư cho thấy đàn cá “loãng,” không bơi sát vào nhau, thì ông cho tàu chạy chậm, ra lệnh “troll” để bắt thử vài con, xem đó là loại cá gì.

Chumming và Trolling

Tàu New Lo-An có 4 cần câu dùng cho trolling được buộc sát phía sau đuôi tàu, kéo mồi giả và được thả ở những độ sâu cũng như khoảng cách xa tàu khác nhau, vì thế khi một trong những cần này dính cá, các thủy thủ có thể đoán được đàn cá đang bơi gần hay xa và độ sâu của cá.

cauca sportfishing 81Nặng quá, nặng quá làm ơn giúp tôi với! (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Còn trong trường hợp cần trolling, đã có cá đớp mồi, hoặc màn hình cho thấy luồng cá dầy thì thuyền trưởng sẽ cho tàu chạy vòng vòng để bao vây và ra lệnh “chum.” Chumming là động tác dùng vợt bắt cá mồi sống ném xuống biển, với mục đích làm cho đàn cá bơi chậm lại vì mải mê táp mồi, tạo cơ hội cho mọi người trên tàu tung cần.

Sau trận “giáp chiến” đầu tiên, tàu đi khá xa mà chúng tôi vẫn chưa gặp thêm đàn cá lớn nào đáng kể, trời mưa lâm râm, mọi người vẫn xẻ bao rác ra làm áo mưa, và chăm chỉ quăng cần mỗi khi có cá đớp mồi của cần troll. Nghe nói số thu hoạch sau trận chiến thứ ba đã lên tới 85 con, toàn Yellow Fin Tuna cỡ trung bình khoảng 25 lbs.

“Hôm nay tàu mình câu hơi chậm. Ðiệu này không biết có đụng trần không đây, nhưng chắc là không có đủ giờ đi tìm Blue Fin Tuna rồi!” Ngư dân Phong Võ than.

“Có thể không tìm được Blue Fin, nhưng chắc chắc tàu mình đụng trần mà! Kỳ trước ông Tùng mang về 9 con đó, không nhớ sao?” Ngư dân Thế Cường trấn an.

Gần bữa ăn trưa, không khí trên boong sôi động hẳn lên khi “ngư dân” trẻ Tý Lê câu được con cá Dorado (Mahi Mahi) khá lớn đủ màu sặc sỡ. Trong khi người thủ thủy cầm sào giơ cao con cá lên cho mọi người chiêm ngưỡng thì Tý Lê đứng bên cạnh mặt ngời hãnh diện.

Khoảng 1 giờ trưa, chúng tôi vẫn còn đang vai đeo máy ảnh, chân la cà tìm những tay câu được nhiều cá để hỏi chuyện và học kinh nghiệm, thì giật bắn mình lên khi nghe thuyền trưởng kêu lớn: “Số 9, 10, 11, 12 đâu, ra troll đi!”

Tôi nhanh nhẩu chạy đến đuôi tàu nói “số 11 đây!” thì bị một thủy thủ bảo cất máy móc đi, “đeo lỉnh kỉnh như vậy làm sao câu được.”

Tôi được trao cho trách nhiệm canh cần troll số hai. Người thủy thủ dặn: “Chị cầm cần câu này nhé, khi nào thấy cá đớp mồi thì kéo cá vào rồi la lên Color ở đây nhá!”

“Làm sao biết khi nào cá đớp?”

“Ðừng lo, đến lúc đó sẽ biết!” Người thủy thủ nói xong bỏ đi giữa tiếng cười thú vị của những “ngư dân” đứng quanh.

cauca sportfishing 82Câu được nhiều quá rồi, thủy thủ trở tay không kịp. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Tôi còn đang lúng túng cầm chiếc cần câu màu xanh được treo lủng lẳng ở thành tàu, nhìn sâu xuống mặt biển mà chẳng thấy dây câu đâu, rồi bỡ ngỡ nhìn cái máy quay bên cạnh, thì bỗng thấy bị giật mạnh mấy cái, và cần câu nặng trĩu trên tay.

“Phải cá giật không? Phải cá giật không vậy?”

“Ðúng rồi đó!” Ngư dân” Nguyễn Thế Cường ở gần đâu đó nói vọng qua, rồi la lớn: “Color” và thoắt một cái người thủy thủ lúc nãy trở lại, giục tôi quay cá lên.

Chiếc máy quay như bị kẹt một chỗ, và cần câu chúi mũi xuống biển trước sức vùng vẫy của con cá. Thấy vậy người thủy thủ nhào tới, nhấc cần câu cao lên, thả xuống rồi hét: “Lúc thả cần xuống thì quay máy, nhanh tay lên.”

Ngư dân Tùng Nguyễn khuyến khích: “Chị cứ chính tay mình kéo được một con cá lên đi rồi sẽ mê món thể thao này luôn!”

Trong lúc mọi người xung quanh vừa cổ võ vừa vui thú cười nhìn người phụ nữ duy nhất và suốt đời chưa bao giờ đi câu cá vật lộn với cần câu và máy quay, thì có tiếng thuyền trưởng: “Chumming!”

Rồi: “Chúng ta sắp gặp một luồng cá sâu khoảng 100 feet, nhưng đừng xài phí mồi quá nhé, để dành đi câu Blue Fin Tuna.”

Mọi tiếng cười im bặt, họ bu quanh lại hai chiếc bể dài chứa cá mồi, chăm chú móc những con cá bé giẫy giụa tìm cách thoát thân vào móc câu. Một thủy thủ nhẩy phóc lên nóc bồn cá mồi, dùng vợt vớt cá ném ra tứ phía.

Trận chiến thứ tư bắt đầu!

Hay, hên?

Ai đã từng phải giáp chiến với một con cá nặng gần 20 ký, giằng co với nó, nương theo nó khi nó kéo cần đi vòng vòng quanh tàu, rồi vừa thả vừa kéo để đưa được nó lên mặt nước thì mới hiểu thấm thía tại sao thú tiêu khiển này được gọi là “câu cá thể thao.”

cauca sportfishing 83Ngư dân Phong Võ khoe hai con cá vừa câu được. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Thể thao không chỉ vì cần phải chịu được hơn 12 tiếng dãi nắng dầm mưa trên boong tàu lúc nào cũng tròng trành, mà còn cần phải có sức để kéo cá, biết đừng “già néo đứt dây,” có phản ứng nhanh nhẹn để móc mồi, thả cần, và tránh cho dây của mình không vướng vào dây của cần khác, và nhất là cần phải... hên và có số “sát cá.”

Ngư dân Nguyễn Thế Cường bình luận: “Cái trò đi câu này lạ lắm, ngay cả nhiều dân câu kinh nghiệm mà nhiều khi cũng không câu được con cá nào, còn người tay mơ thì lại được cá đớp mồi liên tục.”

Rồi giải thích: “Vì thế người ta nói cái hên chiếm 50% và kỹ thuật chiếm 50%.”

Chẳng biết yếu tố “hên” thực sự chiếm bao nhiêu phần trăm trong việc bắt được cá, nhưng không thể phủ nhận tầm quan trọng của kỹ thuật, trong đó dụng cụ đóng vai trò không nhỏ.

Mà thật, “nghề chơi cũng lắm công phu,” cần câu cá giá từ $30 đến gần $300 một cây. Máy quay (reel) giá từ $55 đến hơn $600 một cái, chưa kể móc câu, dây câu, mà mỗi loại dây chỉ kéo được tối đa một trọng lượng nào đó, nên muốn câu nhiều loại cá thì phải có vài cái cần khác nhau. Mồi giả cũng thế, muốn câu mỗi loại cá phải mua một thứ mồi riêng thì mới “dụ” được loài cá mà mình muốn bắt.

Nói đến kỹ thuật, giới rành kinh nghiệm cho rằng cách “móc mồi” là yếu tố quan trọng nhất.

Ngư dân xưng tên Jack, người Phillipines, người bắt được nhiều cá nhất (hơn 20 con) cho biết bí quyết của ông là lựa con cá mồi khỏe nhất, và “móc lưỡi câu vào gáy để cá bơi thẳng và nhanh, vì các con cá lớn chỉ thích đớp mồi đang bơi nhanh.”

Em Jojo Phạm không móc mồi vào gáy, mà móc vào gần đuôi cá, không bắt được nhiều cá bằng Jack, nhưng lại bắt được cá to hơn. Theo em, đó là vì “móc vào đuôi khiến cá bơi sâu hơn.”

Em Tý Lê, có dụng cụ câu “xịn” nhất, bắt cá được số cá tương đương với Jojo, nói móc mồi vào đâu “còn tùy trường hợp” tùy theo “trực giác” của người câu lúc đó. Em cho biết mình sinh ra trong một gia đình chài lưới ở Louisiana, và đi câu từ hồi mới 10 tuổi.

Khoảng 5 giờ chiều, khi thủy thủ đoàn cho biết vẫn còn thiếu khoảng 15 con Yellow Fin Tuna nữa mới “đụng trần,” cả tàu không còn ai hy vọng là hôm nay sẽ còn thì giờ đi tìm Blue Fin Tuna, những con cá chỉ tìm thấy ở những nơi biển rất sâu.

Trận giáp chiến cuối cùng trong ngày, tàu gặp một luồng cá Yellow Fin Tuna rất đông, thuyền trưởng ra lệnh cho xài mồi xả láng, mọi người móc mồi, quăng cần lia lịa, tiếng gọi “Color” huyên náo khắp nơi, nhưng thủy thủ đoàn chậm rãi dùng hào móc lên từng con để đếm vì không muốn vượt số cá đụng trần là 155 con Yellow Fin Tuna.

Theo luật đánh cá thể thao của Hoa Kỳ, khi câu cá tại lãnh hải Mỹ và Mexico, mỗi người đi câu, không cần biết câu được bao nhiêu con, chỉ được mang về tối đa 5 Yellow Fin Tuna, 5 Blue Fin Tuna, những loại cá nhỏ hơn cũng thế, riêng cá Dorado (Mahi Mahi) thì mỗi người chỉ được mang về tối đa 2 con.

Giải thích về luật đụng trần, một thủy thủ nói: “Chúng ta phải theo đúng luật thì cá mới không bị tuyệt chủng. Tôi năm nay 32 tuổi, và tôi muốn đời con cháu tôi vẫn được đi câu cá thể thao.”

Câu chẳng được bao lâu, một thủy thủ hô lên tàu đã đụng trần 155 con (31 người, mỗi người 5 con). Thế là những con cá đớp mồi về sau được xem xét kỹ xem có to đủ để trúng Jackpot không, nếu không, thủy thủ cắt dây thả cho về với biển khơi. Cả tàu vừa vui vừa tiếc hùi hụi, vui vì như vậy ai cũng có 5 con Yellow Fin Tuna mang về, tiếc vì những con cá sau này còn lớn hơn những con cá câu buổi sáng sớm. Tổng cộng tàu thả gần 30 con cá đã đớp mồi trở lại biển.

Em Jojo Phạm, bắt được thêm 4 con lớn trong vòng 20 phút, hớn hở khoe thành tích, dù 3 trong 4 con của em được trả về đại dương.




Hẹn mùa sau

Gần đến giờ phút chót, Jason Stevens, một ngư dân trẻ, cũng gốc chài lưới giống như Tý Lê, bắt được một con Yellow Fin Tuna gần 60 lbs, to nhất trong ngày, được cho phép móc lên tàu. Jason được tuyên bố là người trúng Jackpot.

Sau đợt câu cuối cùng, các ngư dân và thủy thủ đoàn mới cảm thấy thoải mái, kéo nhau vào galley uống ly bia để thư giãn sau một ngày vất vả. Mọi người cụng ly chúc mừng nhau, cùng ca ngợi thuyền trưởng và thủy thủ đoàn, rằng “thuyền trưởng phải giỏi và có kinh nghiệm câu lắm mới tạo điều kiện cho mình câu được 4 con trong một đợt.”

Không thể không ghi nhận vai trò quan trọng và tinh thần phục vụ của thủy thủ đoàn. Không có họ thì không thể có hiện tượng cả người không biết câu cũng có cá mang về. Họ làm việc hầu như 24/24 trong suốt chuyến đi để mọi người đạt được thắng lợi cao nhất và có cuộc hải hành thích thú, thoải mái. Tìm cá, trolling, chumming, móc cá, đánh số, gỡ dây rối, giúp đỡ những người mới đi câu lần đầu, xịt nước rửa tàu cho sạch sau mỗi đợt câu, sự hăng say làm việc chỉ có thể có được trong một tinh thần thể thao và yêu nghề cao độ.

Ðêm khuya, khi những ngư dân mệt mỏi lục tục kéo về lòng tàu để ngủ, thì thủy thủ đoàn còn phải thức đến hai, ba giờ sáng, chia và làm cá theo yêu cầu của từng người.

Ðúng 7 giờ sáng, tàu trả chúng tôi về Point Loma Sportingfishing, chuẩn bị đón đoàn người đi câu mới.

Trong khi chờ nhận và chất cá lên xe, ngư dân gốc Việt mới quen trao đổi số điện thoại, email, và hẹn nhau đến mùa sau sẽ “charter” (thuê bao) nguyên một chiếc thuyền chở toàn người đánh cá thể thao gốc Việt.

“Ði nguyên một đám người Việt mình cho đã!”

Nhưng phải đợi đến mùa sau mới được câu nữa thì lâu quá!

–-