Home Văn Học THƠ Các thi sĩ Về bài thơ “Khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển”

Về bài thơ “Khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển” PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Ba, 17 Tháng 5 Năm 2011 08:30

khi tôi chết hãy đem tôi ra biển ... đời lưu vong không cả một ngôi mồ

 

Về bài thơ “Khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển”

(trích từ trang nhà thi sĩ Du Tử Lê)

 Nếu tôi nhớ không lầm thì, cuối năm 1977, khi tôi còn ở một căn apartment đường Harbor, thành phố Costa Mesa, ở miền nam Cali, làm tờ báo tên Quê Hương với một vài bạn trẻ thất lạc gia đình… Vào một buổi tối, anh Nguyễn Anh Tuấn, một người trong nhóm; khi đó làm công cho một tiệm bánh Donut ở vùng Los Angeles; dẫn một người tên thanh niên đen đúa tên là Trần Cao Sáng đến gặp chúng tôi. Anh Sáng kể cho chúng tôi nghe cuộc vượt biển của anh từ Việt Nam. Khi đó chúng ta chưa có danh từ “thuyền nhân/boat people.” Anh TCS là người vượt biển đầu tiên, cách đây 31 năm mà chúng tôi được gặp.

 Hành trình, sự liều lĩnh, những thảm kịch trên biển, được nghe từ anh Sáng khiến tôi bàng hoàng, choáng váng. Câu chuyện của anh Sáng ám ảnh tôi nhiều tháng. Cuối cùng, để giải tỏa và, cũng do sự gợi hứng từ câu chuyện của Trần Cao Sáng, tôi viết bài “Khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển.”

 Bài thơ đi ra trong mặc cảm đã bỏ lại vợ, con, mẹ già ở quê nhà.

 Thời điểm này, số người Việt tỵ nạn bị phân tán mỏng khắp nơi. Chưa ai ra khỏi cơn địa chấn đau thương của biến cố 30 tháng 4.

 Ở thời điểm đó chúng tôi ra đường, đi làm, rất khó tìm được một người đồng hương! Không một ai trong những năm đầu tỵ nạn kia, dám mơ tưởng rằng, tương lai, có ngày người Việt tụ tập lại và, hình thành những sinh hoạt hội đoàn, cộng đồng như đã, vào cuối thập niên 1980 - - Khoan nói tới việc có thể về thăm quê hương, đầu thập niên 1990, khi Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam.

 Tôi muốn nói, những câu thơ như: “khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển/và trên đường hãy nhớ hát quốc ca…” ra đời trong tâm cảm hoàn toàn tuyệt vọng đó.

 khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

 khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi, sao trở lại quê nhà

 
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì


khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi


khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
những năm trước bao người ngon miệng cá
thì sá gì thêm một xác cong queo

 
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
cho tôi về gặp lại các con tôi
cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
từ những mắt đã buồn hơn bóng tối


khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
ôi lâu quá không còn ai hát nữa
(bài hát giờ cũng như một hồn ma)


khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận huyệt với linh hồn.


Cựu trung tá Nguyễn Văn Phán có làm một bài thơ họa lại:


Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển


Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Lao Bảo, Khe Sanh
Để đêm nghe vang dội khúc quân hành
Ôi ! Lính chiến một thời kiêu hãnh quá.


Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Ben-Hét, Đắc-Tô
Nơi bạn bè tôi, xây mộng sông hồ
Nguyện trấn giữ dãy Trường Sơn yêu quý.


Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Bình Giả, Chiến Khu Đ
Cho hồn tôi siêu thoát với lời thề
Thân chiến sĩ, nguyện xin đền nợ nước.


Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Cái Nước, Đầm Dơi
Đêm U Minh, nghe tiếng thét vang trời
Mừng chiến thắng để dâng về tổ quốc.


Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
Trả tôi về với dân tộc Việt Nam
Gói thân tôi ba sọc đỏ màu vàng
Xin liệm kín với hồn thiêng sông núi.