Home Lịch Sử VN Thời Lập Quốc Sĩ tử xưa và chuyện cầu may trước kỳ thi

Sĩ tử xưa và chuyện cầu may trước kỳ thi PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Thái Dũng   
Thứ Bảy, 10 Tháng 7 Năm 2010 18:20

Cứ đến trước mỗi kỳ thi, người ta lại bắt gặp các sĩ tử lên chùa, đền thắp hương xin lộc hay đến Văn Miếu sờ đầu rùa, lạy bia tiến sĩ...

 Thực ra dù có những điểm khác nhau theo sự biến đổi của đời sống xã hội nhưng điều đó chỉ là sự tiếp nối những gì đã có từ xa xưa - những sĩ tử xưa cũng cầu may trước mỗi kỳ thi.

 Cúng bái tại các nơi thờ phụng Thánh Nho
 Nơi thờ phụng Thánh Nho là những đền, miếu thờ Khổng Tử và các bậc tiền hiền Nho gia khác, chẳng hạn như Chu Văn An; sĩ tử đến đây lễ bái để tỏ lòng thành kính, ngưỡng mộ. Trong những nơi thờ phụng, Văn Miếu ở kinh đô là nơi thờ chính, có tính chất quốc gia nên được nhiều sĩ tử tìm đến.

 Sau khi làm lễ tại Văn Miếu, sĩ tử sẽ ra chiêm bái hàng bia Tiến sĩ, nơi ghi tên những người đỗ đạt qua các kỳ thi trước đó và đọc những dòng chữ trong nội dung văn bia với những lời nhắc nhở, động viên, khuyến khích. Trái ngược với những cách “cầu may” bằng cách xoa đầu rùa đá, xoa mặt bia như suy nghĩ lệch lạc của các sĩ tử thời nay, sĩ tử xưa chỉ đứng xem đọc các tấm bia Tiến sĩ để cảm nhận, suy ngẫm ý nghĩa, thông điệp tinh thần mà người xưa gửi gắm, từ đó nỗ lực vươn lên noi theo gương các bậc tiền nhân.

 Đúng như nội dung tấm bia Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1604) có đoạn viết: “Bia đá nguy nga, trường Giám sừng sững bảng đề, chính để nêu gương cho sĩ tử, làm trụ đá vững chắc cho nền danh giáo”.
 Nếu thi ở Thăng Long, ngoài Văn Miếu, sĩ tử còn đến đền Ngọc Sơn nơi thờ phụng nhiều bậc thánh thần, trong đó có Văn Xương đế quân vị thần coi sóc về văn chương khoa bảng. Dân gian quan niệm rằng nếu ai được ông cầm bút chấm vào tên thì học hành tấn tới, thi cử thành đạt đỗ cao, chính vì quan niệm đây là nơi biểu tượng cho văn học mà sau này đến đời Nguyễn, một đại quan và là nhà trí thức đất Thăng Long là Nguyễn Văn Siêu đã cho dựng “đài nghiên, tháp bút” trước cổng đền làm phong phú thêm cho nơi biểu trưng văn học này.

Hội đồng giám khảo xưa.

 Điều thú vị là ngay trước cổng vào đền Ngọc Sơn còn đắp nổi hai bên hình rồng, hổ gửi gắm hàm ý mong người học sẽ có ngày được đề tên trên bảng Long, bảng Hổ (hay còn gọi chung là bảng Long hổ).

 Đây là một cách gọi khác của bảng vàng đề tên những người đỗ Tiến sĩ theo cách gọi có từ thời Đường ở Trung Quốc nên trong nội dung nhiều bia Tiến sĩ đều nhắc tới, ví dụ: “Lấy khoa Tiến sĩ làm bảng Long hổ, mà sự nghiệp các danh nho đều bắt đầu từ khoa cử, khiến cho nhân tài dùng mãi không hết” (Bia Tiến sĩ khoa Giáp Thìn-1604) hoặc câu: “Kẻ sĩ ở chốn nhà tranh vách đất, một khi được ghi tên ở bảng Long hổ, thân được dự vào hạng khoa danh thì phải làm thế nào để không hổ thẹn với tấm đá này” (Bia Tiến sĩ khoa Bính Dần -1746).

 Đi cầu mộng
 Các sĩ tử thời xưa trước khi đi thi thường đến những đền, miếu được cho là rất linh thiêng để cầu mộng.

 Có thể hiểu cầu mộng là việc một người trước khi ngủ muốn mơ thấy một giấc chiêm bao để biết về điều gì đó mà họ đang dự định thực hiện. Theo các sách về thuật giải đoán mộng thì cầu mộng được chia làm hai trường hợp, muốn được giấc mộng lành gọi là “kỳ” (Kỳ mộng), không muốn thấy điềm hung trong giấc mộng gọi là “nhượng” (Nhượng mộng).

 Người ta cầu mộng bằng cách lễ bái trước khi đi ngủ và suy nghĩ luôn liên tưởng, chú tâm cầu khấn thần thánh báo cho mình gặp mộng lành tránh gặp mộng dữ. Theo các giai thoại về những vị Tiến sĩ Nho học, trước khi thi đỗ, nhiều người lúc về kinh đô Thăng Long dự thi đều tìm đến ngủ lại tại đền Trấn Vũ (tức Trấn Vũ quán) để cầu mộng.

Có những vị thì cầu mộng ở những nơi khác nhau như Nguyễn Khắc Tuy (đỗ Tiến sĩ khoa Qúy Mùi -1553) cầu mộng ở chùa Yên Tử (nay thuộc Quảng Ninh), Nguyễn Duy Thì (đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất -1598) cầu mộng ở am Xuân Lôi (nay thuộc Yên Phong, Vĩnh Phúc); Nguyễn Minh Triết (đỗ Thám hoa khoa Tân Mùi -1631) cầu mộng ở chùa Hương Hải (nay thuộc huyện Chí Linh, Hải Dương)…

 Dùng thực đơn dành cho sĩ tử
 Không chỉ đến ngày nay chúng ta mới quan tâm đến chuyện ăn uống khi thi cử mà từ xưa nó đã được áp dụng phổ biến. Theo quan niệm dân gian thì có một số đồ ăn vừa bổ, giữ được sức khỏe và thể trạng tốt nhất mà lại mang yếu tố tâm lý cầu may như các thức ăn làm từ đỗ, đậu, ngô hoặc món chè hạt sen.

Ngoài ra còn có các các loại quả như táo, quýt… và món ăn thường được dùng nếu sĩ tử có điều kiện, đó là món cá chép vì người xưa quan niệm rằng cá chép có thể vượt Vũ môn hóa rồng, nó biểu tượng cho sự thành công. Cha ông ta còn vận dụng các món ăn theo thuyết âm dương ngũ hành, tùy theo mệnh của từng người mà ăn các món phù hợp để thông minh, sáng suốt như đậu phụ, đầu cá, cháo tim gan lợn, thịt chó, rong biển, uống nước đậu, mật ong…

 Sử liệu chính thống của Việt Nam không cho biết cụ thể các sĩ tử thời xưa dùng những món ăn gì trước khi thi, nhưng xét theo sự ảnh hưởng từ tài liệu học tập, cách thức thi cử, nội dung thi… theo mô hình của phương Bắc thì việc các sĩ tử nước ta thời xưa không thể bỏ qua các món ăn trong kỳ thi giống như sĩ tử phương Bắc.

 Theo những ghi chép của thư tịch cổ Trung Quốc thì vào đời Đường (618 –907), các sĩ tử thường sử dụng một món gọi là “viên xương bổ ích trí”. Món ăn này gồm các vị: xương bồ, viễn chí, ngưu tất, cát cánh, nhân sâm, bách phục linh, chế phụ tử, nhục quế. Người ta đem các vị đó tán nhỏ, trộn với mật ong rồi vo thành viên tròn, ngày uống 2 lần có tác dụng ôn thận, tráng dương, khai tâm, tăng trí nhớ giúp học và làm bài thi rất tốt.

 Ngoài ra các sĩ tử xưa còn ăn nhiều một món gọi là hồ đào. Đây là món ăn vị thuốc có tác dụng ích trí, cường trí giúp minh mẫn, sáng suốt, khi học và thi không thấy mệt mỏi mà tinh thần minh mẫn, tỉnh táo.

 Ngày nay các nhà khoa học đã đem phân tích thành phần của hồ đào, kết quả cho thấy hàm lượng lipit cao, phần lớn là các chất axít béo chưa no. Đó là chất có quan hệ mật thiết đến cấu tạo sinh lý của não bộ (lipit chiếm đến 60% thành phần tế bào não trong tổng số 7 loại thành phần dinh dưỡng nằm trong não người). Đây là dạng lipit có tác dụng tốt tới tinh thần, nhất là đối với những người hoạt động trí óc cao.

 Chuẩn bị lều chõng
 Các sĩ tử phải tự chuẩn bị trước cho mình một chõng và một lều nhỏ được đan bằng tre để mang vào trường thi rồi chọn cho mình một chỗ để dựng lều đặt chõng. Trường thi là một khu đất được chọn sẵn được rào dậu xung quanh, có lầu canh và được chia làm 3 khu vực: Khu nội liêm dùng để cho khảo quan, khu ngoại liêm dùng cho các quan giám thị và khu vực dành cho sĩ tử. Hai khu vực kia được dựng nhà, lợp mái còn khu vực dành cho sĩ tử chỉ là khoảng đất trống, người dự thi phải mang lều chõng của mình vào, lấy đó làm nơi che chắn nắng mưa, đây cũng là nơi sĩ tử làm bài thi.

 Đây là điểm khác biệt so với thể thức khoa cử của Trung Quốc. Trong cuốn Kiến văn tiểu lục, nhà bác học Lê Qúy Đôn cho biết nhận xét của sĩ phu nước ngoài như sau: “Quy củ trường thi của ta khác với chế độ thi cử của Trung Quốc. Cho nên trong quyển Sứ giao kỷ sự của Chu Xán có nói: Trường thi của nước ấy không có nhà làm sẵn, sĩ tử ngồi trong các lều, phục xuống đất mà viết”.

 Mang bên mình những vật may mắn trong học hành, thi cử
 Một trong những cách tạo để tạo tâm lý an tâm, tự tin hơn, các sĩ tử tùy điều kiện khác nhau sẽ mang theo bên mình những vật biểu tượng cho sự may mắn như bùa chú, bùa hộ mệnh hoặc mang đồ vật, áo mũ có màu sắc hợp với mệnh của người đó. Đặc biệt, người ta mang những vật biểu tượng cho sự thông minh, học hành thi cử hanh thông như: Bút Văn Xương (bút có cán dài, ngòi nhọn. Vì cán bút làm bằng gỗ dài gọi là “trường mộc”, ứng với quẻ tốn, biểu tượng của sao Văn Xương, ngôi sao văn học); Ngọc hình con ve sầu hoặc thêu hình ve vào áo mũ (ve sầu gọi theo chữ Hán là “Thiền”, tiếng kêu liên tục, vang xa nên gọi là “thiền liên” thể hiện sự không ngừng để đạt mục đích vì thế còn gọi là “thiền liên quán quân” nên được coi như sự nỗ lực không ngừng sẽ đoạt được ngôi quán quân, đầu bảng); Thẻ khắc hình vịt bơi dưới lá sen (sen biểu tượng cho thanh cao, tinh khiết gọi theo chữ Hán là “liên” coi như sự liên tục, không ngừng. Còn vịt chữ Hán gọi là “áp” gần âm với “giáp”, tức tấm bảng do vua ban  danh hiệu cho người đỗ như Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân…)

 Học thuộc bảng chữ húy
 Trước khi thi, ôn luyện lại kiến thức là chuyện đương nhiên, nhưng việc quan trọng nhất trước khi bước vào kỳ thi là sĩ tử phải học thuộc bảng liệt kê các chữ húy cần tránh mà quan trường đã công bố từ trước. Điều này giúp khi làm bài biết mà tránh viết các chữ húy đó trong bài văn của mình, nếu không dù văn hay, chữ đẹp đến đâu cũng sẽ bị đánh trượt, thậm chí còn bị tội tùy theo mức độ, có thể bị phạt giam, truất quyền dự thi hai khóa hoặc cấm thi vĩnh viễn...

 Có hai dạng chữ húy là Trọng húy (húy nặng) gồm tên vua, hoàng hậu, hoàng tử, hiệu của vua… và Khinh húy (húy nhẹ) gồm tên họ hàng hoặc tiên tổ lâu đời của vua. Do đó trong trường hợp làm bài, đến những chữ húy thì sĩ tử phải dùng chữ khác thay thế, hoặc viết thiếu nét hoặc phải tách chữ đó ra.