Home Đời Sống Pháp Luật Garden Grove bồi thường gia đình nạn nhân gốc Việt bị cảnh sát bắn taser chết

Garden Grove bồi thường gia đình nạn nhân gốc Việt bị cảnh sát bắn taser chết PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Giang/Người Việt   
Thứ Sáu, 22 Tháng 6 Năm 2012 05:33

 

“Ðiểm chính không phải là tiền, mà là đưa sự thật ra ánh sáng và đòi công lý!”

   GARDEN GROVE - Tin tức về vụ ông Khoa Anh Lê, 36 tuổi, cư dân El Monte, bị thiệt mạng sau đụng độ với cảnh sát khiến cộng đồng người Mỹ gốc Việt xôn xao bàn tán, nhiều người viết thư vào tòa soạn nhật báo Người Việt bày tỏ sự quan tâm, cảm thương và cả bất bình.

Nhóm luật sư đại diện và bà Ðặng Kim Quyên. Từ trái: LS Ðỗ Hiếu Liêm,
bà Ðặng Kim Quyên, LS Sean Hennessey, phụ tá pháp lý Aileen Nguyễn,
LS Paul Phạm Minh, LS Douglas Ðỗ Tất Ðạt. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Trong số những người quan tâm, có lẽ bà Ðặng Kim Quyên có cái nhìn khác biệt nhất, vì kinh nghiệm cá nhân của chính bà.

Bà Kim Quyên là quả phụ của ông Andy Trần, cư dân Garden Grove, thiệt mạng ngay sau khi bị cảnh sát Garden Grove bắn súng Taser vào ngày 3 Tháng Chín, cách đây gần 4 năm!

 Công lý

Nói với Người Việt, bà Quyên cho biết “rất đau đớn” khi xem tin ông Khoa Lê bị chết, vì “hoàn cảnh hai người giống nhau quá.”

Sự giống nhau giữa hoàn cảnh ông Andy Trần và ông Khoa Anh Lê là: Cả hai đều bệnh tâm thần phân liệt, cùng thiệt mạng sau khi bị cảnh sát bắn súng Taser vào người.

Hai sự kiện khác nhau chỉ một chi tiết, là xảy ra cách nhau 4 năm.

“Tôi mong được an ủi và chia sẻ kinh nghiệm với gia đình nạn nhân. Tôi muốn nói với họ rằng, hãy tin là công lý tồn tại.” Bà Quyên nói.

Sau khi chồng qua đời, bà Quyên và gia đình nhờ hai Luật Sư Ðỗ Hiếu Liêm và Sean Hennessey đại diện kiện thành phố Garden Grove, cảnh sát trưởng thành phố Garden Grove, và hai cảnh sát viên trực tiếp liên quan đến cái chết của ông Andy Trần.

Sau gần 4 năm, vụ kiện dân sự cuối cùng được kết luận vào cuối Tháng Tư, 2012. Trong đó, thành phố Garden Grove bồi thường gia đình ông Andy Trần một “số tiền lớn,” mà theo thỏa thuận, hai bên “không được tiết lộ con số chính xác.”

Tuy nhiên, theo Luật Sư Sean Hennessey, thành phố Garden Grove viết “tổng cộng ba ngân phiếu” để bồi thường, và một trong ba ngân phiếu đó có “bảy con số.”

Ðề cập đến vấn đề này, Trung Úy Jeff Nightengale, thuộc Sở Cảnh Sát Garden Grove, nói với Người Việt qua điện thoại rằng, dù không thừa nhận cảnh sát Garden Grove làm điều gì sai trái, thành phố vẫn quyết định bồi thường vì nhận thấy “có vấn đề trong việc cảnh sát báo cáo những sự việc đã xảy ra.”

Andy Trần và vợ, bà Ðặng Kim Quyên, trong ngày cưới. (Hình: Gia đình
cung cấp)

“Có vấn đề,” vẫn theo Trung Úy Nightengale, là “theo phán quyết của Thẩm Phán Carter, vụ kiện có đủ chứng cớ để đưa ra trước bồi thẩm đoàn một tòa án dân sự, do đó thành phố Garden Grove quyết định thương lượng với gia đình nạn nhân, thay vì dồn tiền và nỗ lực vào vụ kiện mà sau đó có thể thua.”

Về số tiền bồi thường, Trung Úy Nightengale nói theo tinh thần của thỏa thuận mà hai bên đã ký kết, “không thể bình luận.”

Về phần mình, bà Quyên nói bằng giọng xúc động: “Vấn đề không phải là tiền bạc. Kết quả của vụ kiện đưa ra thông điệp là cộng đồng người Việt không phải là cộng đồng dễ bị ăn hiếp.”

“Ðiểm chính không phải là tiền, mà là đưa sự thật ra ánh sáng và đòi công lý!”

Hành trình bốn năm

Bà Quyên kể, hành trình đi tìm công lý là “không dễ dàng,” và nhấn mạnh, muốn thắng kiện, gia đình nạn nhân phải tìm cho được luật sư có kinh nghiệm kiện tụng với cảnh sát, hiểu thủ tục làm việc của họ.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, sở cảnh sát thành phố Garden Grove gửi một thông cáo báo chí, tóm tắt rằng, vào đầu Tháng Chín, 2008, họ gửi hai nhân viên đến nhà ông Andy Trần, “một người mắc bệnh tâm thần, hung bạo, và có thể có vũ khí,” và “trong khi thi hành nhiệm vụ, đã bắn súng điện vào bắp đùi Andy vì ông ta không làm theo yêu cầu.”

Cảnh sát sau đó gọi xe cứu thương, nhưng “ba phút sau khi xe cứu thương đến, ông Andy đã tắt thở.”

Ðại diện nguyên đơn, Luật Sư Ðỗ Hiếu Liêm cho biết ông và Luật Sư Hennessey nhận lời đại diện cho gia đình bà Quyên một ngày sau khi ông Andy Trần qua đời. Và điều đầu tiên họ làm là mời Bác Sĩ Paul Herrmann, chuyên về pháp y và lâm sàng bệnh lý, lúc đó là trưởng khoa Y Khoa của Stanford Medical School, từ Bắc California về để “bảo vệ chứng cớ.”

“Phải bảo vệ chứng cớ,” vì “trong những vụ kiện như thế này, nguyên nhân cái chết rất quan trọng.”

Luật Sư Hennessey giải thích về lý do phải “bảo vệ chứng cớ:” “Cảnh sát có thể nói dối về nguyên nhân cái chết, họ đã từng làm như thế. Vì vậy chúng tôi gửi ngay bức thư bảo toàn chứng cớ (Preservation of evidence letter), liệt kê những chi tiết cụ thể mà Bác Sĩ Paul Herrmann cần, như yêu cầu văn phòng pháp y xin một số cơ phận của nạn nhân để bảo vệ chứng cớ, đề phòng trường hợp mình cần làm thêm một cuộc giảo nghiệm tử thi nữa.”

Ðơn cử trường hợp của ông Andy Trần, Luật Sư Hennessey cho biết thoạt đầu, vì cảnh sát của thành phố Garden Grove nói với văn phòng pháp y là Andy đã chống cự cảnh sát khi bị bắt, kết quả giảo nghiệm của pháp y kết luận sai, là “nạn nhân chết vì vùng vẫy chống cự với cảnh sát, nên tạo ra sự trụy tim.”

Luật Sư Hennessey giải thích thêm, khi một người có sẵn bệnh tim lớn như ông Andy, thì cả cảnh sát lẫn pháp y đều biết rằng sự vật lộn có thể khiến nạn nhân bị trụy tim, gây ra cái chết.

“Vì cảnh sát nói dối với pháp y là Andy vật lộn với họ, nên thoạt đầu pháp y đã kết luận sai.”

Cũng theo lời Luật Sư Hennessey, khi ông Mark Zimmerman, hàng xóm của bên nguyên, người chứng kiến từ đầu đến cuối diễn tiến sự việc, khai rằng ông nhìn thấy Andy “ngoan ngoãn nghe lời cảnh sát mà không hề có một chút chống cự,” thì pháp y phải sửa lại kết quả giảo nghiệm, và kết luận rằng “việc bị bắn súng điện là nguyên nhân duy nhất gây ra cái chết của Andy.”

Luật Sư Ðỗ Hiếu Liêm giải thích rằng, ngoài việc kết quả giảo nghiệm được sửa lại của văn phòng pháp y, lời khai của cảnh sát viên Gendreau, người bắn súng Taser vào đùi Andy, cũng là một yếu tố quan trọng.

Phán quyết của tòa, viết ngày 2 Tháng Tám, 2011, chép lại lời khai của cảnh sát viên Gendreau: “Gendreau cũng khai rằng, qua chương trình đào tạo, ông hiểu những người hệ thần kinh bị kích thích có nguy cơ chết bất thình lình khi súng Taser bắn vào người rất cao, vì tác dụng tạo ra sự mê sảng của súng này.”

Phán quyết nói trên cũng ghi lời khai của ông Benedict Lux, huấn luyện viên về súng Taser của Sở Cảnh Sát Garden Grove: “Tôi đã cảnh báo tất cả mọi cảnh sát là phải hết sức cẩn trọng khi bắn súng Taser vào người có dấu hiệu thần tinh bị kích thích, vì tim họ sẽ đập nhanh và áp huyết sẽ tăng cao, dễ dẫn tới việc trụy tim.”

Ngoài việc bảo đảm sự trung thực của kết quả giảo nghiệm tử thi, Luật Sư Hennessey cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đi gõ cửa tất cả các nhà hàng xóm hỏi xem có ai nhìn thấy gì không, và phỏng vấn họ ngay, khi sự kiện vừa xảy ra.

Tuy thắng kiện, Luật Sư Hennessey vẫn ngậm ngùi: “Với vụ Khoa Anh Lê, chúng ta vừa bước qua con số 500 người chết vì bị bắn súng Taser. Tổ chức Human Right Watch vừa có bài tường trình về việc này. Tôi mong rằng sau này các sở cảnh sát phải xét lại việc sử dụng Taser hay huấn luyện nhân viên công lực kỹ hơn.”

Trả lời câu hỏi, liệu vụ kiện Andy Trần có giúp Sở Cảnh Sát Garden Grove rút tỉa kinh nghiệm gì hay thay đổi chính sách gì không, Trung Úy Nightengale nói: “Chúng tôi luôn luôn rút tỉa kinh nghiệm, nhưng theo tôi biết thì không có gì thay đổi sau vụ Andy Trần. Nên nhớ vụ kiện này chỉ là vụ kiện dân sự. Cảnh sát của chúng tôi không làm gì sai, vì văn phòng Biện Lý quận Cam không truy tố ai cả, vì không có đủ chứng cớ.”