Home Đời Sống Gia Đình Cách xưng hô trong xã hội Việt

Cách xưng hô trong xã hội Việt PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoàng Đức Phương   
Thứ Hai, 09 Tháng 5 Năm 2011 17:44

 Hôm nay chúng tôi xin hân hạnh được trình bày cùng quý vị cách xưng hô độc đáo trong xã hội Việt mà người ta thường nói là phức-tạp; rườm-rà chứ không đơn giản như các dân tộc khác.

Nhưng, đó lại chính là đóa hoa đáng để chúng ta hãnh diện với đời. Chỉ vì không biết rõ ý nghĩa cùng cội nguồn của cách xưng hô này từ đâu mà ra nên ta tưởng là nhiêu khê. Trong thực tế thì đây lại là sự tế-nhị và tôn kính lẫn nhau trong cách giao-tế của con người Việt mà không một dân tộc nào có cả.

 Bây giờ tôi xin trình bày ý niệm về sự tôn kính lẫn nhau trong cách xưng hô độc đáo này, mà thế giới không dân tộc nào có cả.

 Khi không biết tại sao lại xưng hô như vậy thì thấy ngượng-ngùng, e-dè vì sợ vô lễ; nhưng khi đã biết rồi thì lại thấy hãnh diện về nếp sống tâm linh của dân Việt, sao lại tế nhị như vậy. 

Cách xưng hô trong gia đình, theo vai-vế

  
Xưng
là tự cho mình một chỗ đứng trong đại gia đình (chứ không phải gia tộc ). 

 Còn là cho người đối thoại một chỗ đứng trong cùng đại gia đình đó.

Xưng thì bắt buộc phải xưng cho chính mình, chứ không thể nói thay cho người khác được. Tuy nhiên trong trường hợp khó khăn thì có thể nói thay cho bút hiệu, danh xưng hay tên của tổ chức, của hội đoàn. Tức là ta xưng thay cho người vắng mặt; mà người vắng mặt đó có thể lại là chính ta.

Còn thì có thể nói thay cho người khác được, nhưng bắt buộc phải là người có vai-vế thấp hơn ta, hay ngang vai với ta là cùng. Tức là Hô thay cho con, cho cháu hay cho em, chứ không được quyền Hô thay cho Anh Chị hay cho Cha Mẹ; như vậy là hỗn láo, xấc xược, vô lễ .

Cách Xưng và Hô được phân định theo 3 tiêu-chuẩn sau đây: 

1- Tình cảm,

2- Học thức (hiểu biết về đạo làm người)

3- Tuổi tác

Cái khó là làm sao dung hòa được 3 yếu tố với nhau trong trường hợp xung khắc rõ rệt.

Tỷ dụ một bà 50 tuổi thất học nói chuyện với một cậu Tiến sỹ 20 tuổi trong tình cảm thân thuộc. Đứng về tuổi tác thì bà ta bằng vai mẹ cậu; nhưng đứng về học vấn thì bà ta chưa xứng đáng làm học trò của cậu. Còn về chức vụ ngoài đời thì bà ta thua xa, thuộc loại đi lâm đi ở chẳng hạn. Xưng hô làm sao để thấy mình vẫn trọng cậu Tiến Sỹ, nhưng vẫn giữ được vai-vế tuổi-tác của mình. Nhìn theo con mắt Tây Phương thì tưởng là bất bình đẳng, rườm-rà, lép vế, phân biệt giai cấp, mầt nhân vị....nhưng nhìn dưới lăng kính xã hội Việt thì lại là bình đẳng thân thương tột độ.

Để có cái nhìn tổng quát thì chúng ta hãy tạm nhận danh xưng của các vai-vế trong gia-đình theo biểu đồ đính kèm cho thuần nhất. Sau đó mới nói đến nguyên tắc đặt mình và người đối-thoại với mình vào vị-trí nào cho đúng cách.

Các vai-vế trong gia đình được thiết lập một cách rõ-ràng trong biểu-đồ vai-vế và đừng lẫn bên nội với bên ngoại, vai trên vai dưới, trai với gái, dâu với rể.

 Chữ viết trong khung là vai-vế của người đó đối với hàng con cháu. Viết đậm là người cùng huyết thống, còn gạch đít là người ngoài nhưng do kết duyên mà thành người nhà; gọi chung chung là thông gia (nghĩa là do cưới xin mà 2 bên trở nên thân thiết như người nhà. Chữ thông có nghĩa là nối liền với nhau).

 Chữ viết ngoài khung là vai-vế của người đó đối với hàng Cha Mẹ, cùng máu-mủ thì gọi là ruột thịt; còn do cưới gả mà ra thì gọi là dâu hay rể. Thuộc bên Vợ hay bên Chồng thì thêm chữ Vợ hay Chồng vô.

 Bình thường thì người ta chỉ hô vai-vế chính và bỏ chữ Nội Ngoại, Dâu Rể hay Vợ Chồng đi; chỉ thêm những chữ đó vào khi cần minh định rõ ràng mà thôi.

Khi xưa Vợ Chồng gọi nhau bằng Mình với Tôi, chữ Mình có nghĩa là thân thể. Coi nhau như một phần thân thể của mình vậy. Thiết nghĩ vợ chồng gọi nhau bằng Mình với Ta thì không có gì có thể khăng-khít và thắm thiết hơn.

- Gạch nối để chỉ liện hệ ruột thịt, gạch chấm để chỉ thông gia. Khung đơn để chỉ ruột thịt, còn khung kép để chỉ do hôn nhân mà thành người trong nhà [1].

  

Biểu đồ vai vế trong gia đình Việt Nam

 

 Nguồn gốc của cách xưng hô trong gia đình

Gia đình gồm 3 thế hệ:

*  Thế hệ ông bà, thuộc về hàng trên (vai trên).

*  Thế hệ gốc là Cha Mẹ, thuộc về hàng Cha Mẹ, hàng gốc (bằng vai).

*  Thế hệ Con cái, thuộc về hàng dưới (vai dưới).

Đại gia đình có nghĩa là gia đình nhiều người, chứ không phải là nhiều thế hệ.

Nhiều hơn 3 thế hệ liên tục thì gọi là Gia Tộc. Tộc có nghĩa là dòng họ, cùng chung một tổ tông mà ra và còn được gọi là tộc ho [2].

 Chữ Đồng Bào có nghĩa là cùng một bọc trăm trứng mà ra. Đồng là cùng và bào là bọc. Nghĩa là 100 con cùng cha cùng mẹ lại sinh nở cùng một lúc đã nói lên tinh thần bình đẳng tuyệt đối rồi. Mỗi con có một cá tính riêng nên tạo thành 100 giống, mà tất cả đều cùng một gốc Việt mà ra [3].

Trường hợp thông thường

A/- Đối với người trong họ

1)-Tuổi tác cân xứng

Tuổi tác cân xứng thì bắt buộc phải theo cách xưng hô trực ý. Nghĩa là vai-vế ở đâu thi xưng hô ở đó. Còn bé thì gọi nhau bằng anh xưng em hay chị xưng em. Nhưng khi lớn lên, ở tuổi có con cái thì hô thay cho con mình. Nhưng xưng thì xưng theo vai vế của chính mình. Tỷ dụ người anh kêu người em ruột là em xưng anh khi chưa lập gia đình. Đến khi thành gia thất thì gọi nhau thay cho con mình. Lúc đó người anh gọi em mình bằng Chú (tức là chú của con tôi) và xưng là anh hay tôi. Còn người em thì gọi anh mình là Bác xưng em (chứ không phải là tôi), nếu xưng tôi là hỗn, chơi trèo. Còn người chị lúc đó kêu em mình là Cậu và xưng chị hay tôi.

Khi có gia thất thì bố mẹ vẫn có thể gọi con mình bằng con xưng là bố hay mẹ; nhưng thường thường vì trọng con mình nên gọi thay cháu và xưng là tôi. Tức gọi con mình bằng Chú, bằng Cô, bằng Cậu hay bằng Dì; chứ không gọi bằng Bác. Nếu gọi bằng Bác tức là tâng con mình lên và giảm tình thân máu mủ đi. Ngày xưa còn lấy tên của cháu đích tôn để gọi cho bố mẹ. Tỷ dụ người con đầu lòng là Tuấn thì gọi bố mẹ nó là ông Tuấn, Bà Tuấn, trong trường hợp này thì xưng tôi. Đây là trường hợp trọng con mình khi nó đã có địa vị trong xã hội. 

Tỷ dụ con mình làm quan, chức trọng quyền cao, ra ngoài mọi người kiêng nể thì không thể gọi để làm mất thể diện của con mình đi được. Con mình có nên ông nên bà thì mình mới lên chức cụ được. Còn con mình là thằng là con thì mình cũng chẳng vẻ vang gì. Vậy thì gọi đúng tư thế của con mình trong xã hội tức là tự mình trọng mình đó. Còn gọi quá lố là tâng bốc khôi hài, mà dân ta gọi là "bốc thối".

Vợ chồng lúc này không gọi nhau bằng Mình với Ta, hay Anh với Em nữa mà gọi nhau bằng Bố Nó, Mẹ Nó và xưng là Tôi, chứ không phải Ta. Chữ Mình thì đi với chữ Ta là ngang nhau, Còn chữ Bố, Mẹ mà đi với Ta là trịch thượng. Tức là bố của con tôi, hay mẹ của con tôi ơi! Hoặc Bố Tuấn hay Mẹ Tuấn ơi!

2)- Tuổi tác quá chênh lệch

Trường hợp này bắt buộc phải gọi thay cho con. Như vậy vẫn trọng vai trên của người đối thoại, mà vẫn giữ được vai vế tuổi tác của mình.

Tỷ dụ một anh 25 tuổi lại là chú ruột của một bà 50 tuổi, có con lớn hơn mình. Nếu gọi nhau bằng chú cháu thì không hợp với tuổi tác, và bất tiện. Vậy thì gọi thay cho người khác là tiện nhất.

Về phần anh chàng thì bắt buộc anh ta phải gọi bà kia bằng Bác (hay là Bà thì hơi kém thân tình) và xưng là tôi. Bác ở đây là chị của con tôi, còn xưng tôi là giữ nguyên vai chú ở hàng trên. Về phần bà kia thì phải gọi cậu này bằng ông, có nghĩa là ông của con tôi và xưng là Cháu. Vai cháu ở đây có 2 nghĩa: đó là vai-vế thật của bà ta mà cũng có thể là xưng cho con mình. Là vì như trên đã nói là bố mẹ đôi lúc lấy tên con làm tên mình. Đây là một điều tế nhị trong cách xưng hô. Vẫn trọng người đối thoại, mà vẫn giữ được thể diện về tuổi tác của mình. Còn không biết thì thấy là rườm-rà lôi-thôi, rắc-rối khó hiểu.

 B/- Đối với người ngoài 

Đối với người ngoài thì tùy theo tình cảm mình dành cho họ, cộng với tuổi tác và chức vụ hay vị thế của họ trong xã hội (nói chung là sự hiểu biết) mà đặt họ cho đúng chỗ vai-vế trong gia đình. Cách xưng hô này không cố định; tùy theo môi trường mà áp dụng.

 1/- Đối với Thày học:

Thày ở đây là sư phụ, tức ông Thày dạy ta đạo làm người (Việt Học). Còn người dạy nghề thì gọi là sư huynh (tức là đàn anh). Ở đây ta gọi sư phụ hay sư huynh đều là Thày cả. Ngoại trừ Huấn Luyện Viên thì không thể bốc thơm họ lên làm bậc Thày được. Nếu ta bốc thơm thì lập tức họ sẽ phải từ chối chức vị đó, còn im lặng là họ tự kiêu cho mình xứng đáng với ngôi vị đó.

Thày là người giữ chức vụ dạy ta nên người, như vậy phải ngang với bố mình. Đứng về phương diện tinh thần thì đứng trên Bố, vì dân Việt trọng nghĩa.

Vì thế nên gọi Thày xưng con. Khi xưa chỉ có đàn ông mới giữ chức vụ làm Thày, vì vậy nên Vợ của Thày thì gọi là Cô; nghĩa là em gái (tinh thần) của bố mình. Ngày nay người đàn bà cũng giữ chức vụ dạy ta nên người nên gọi luôn là Cô, hay là Cô giáo. Chữ Cô khởi thủy là em gái của bố mình chứ không phải là một chức vụ dạy dỗ người khác, vì lúc đó phái nữ không giữ chức vụ này. Nay đáng lý phải gọi là ông Thày và bà Thày mới đúng; nhưng gọi như vậy thì trối tai, khó nghe.

Vì vậy nên hô chức Thày hay Cô thì phải xưng là con, chứ không phải là cháu. Thày và Cô là Bố và Mẹ về tinh thần. Bố và Mẹ chỉ có một, không ai có thể thay thế ngôi vị đó được.

*  Trường hợp học viên ít tuổi, đáng tuổi con cái thì không có vấn đề chi cả. Nay tuổi tác bất tương xứng thì phải gọi khác đi; miễn sao vẫn trọng Thày, trọng Cô mà vẫn giữ được tư thế của mình.

- Trường hợp một cô sinh viên 22 tuổi đi học ông Thày 28 tuổi, thì cô không thể nào xưng con hay xưng em được; mà bắt buộc cô ấy phải gọi là Thày và xưng là Cháu. Thày ở đây vẫn là ngang với Bố mình, nhưng tuổi chỉ đáng làm em bố mình thôi. Nếu không có sự liên hệ học vấn thì cô đó gọi ông kia là Chú xưng cháu hay Anh xưng Tôi. Trong trường hợp này gọi Chú thì xấc, mà gọi Anh thì hỗn. Còn xưng là Em thì có vẻ lẳng-lơ.

Còn nếu là cậu sinh viên thì gọi là Thày và xưng là em. Vì tuổi đời thì ông chỉ đáng làm anh tôi, còn học vấn thì ông làm Thày tôi.

Còn ông Thày thì dễ ăn nói, cứ gọi là anh hay chị và xưng tôi. Anh hay chị ở đây có thể là ngang vai với tôi, mà cũng có thể là ngang vai với con tôi (dù tôi chưa có con).

- Õ Bây giờ trường hợp một anh sinh viên 28 tuổi, quân nhân đi học văn hóa bà Thày 25 tuổi; trường hợp này anh ấy phải gọi bà ta là Cô (Cô ở đây là bà Thày, tức Cô giáo) và xưng Em nếu cấp bậc của anh thấp; còn không thì xưng tôi nếu cấp bậc của anh cao trong xã-hội.

- Trường hợp khó xử: Một anh Trung Úy 22 tuổi đi làm giáo sư huấn luyện Tú Tài cho những cô nữ sinh ở lứa tuổi 18. Đối với anh thì dễ, anh cứ gọi là chị và xưng là tôi. Chị ở đây là chị của em tôi, chứ không phải chị của tôi. Nếu là chị của tôi thì bắt buộc phải xưng là em. Còn đối với các nữ sinh thì tùy sự liên hệ gia đình với giáo sư mà xưng cho đúng cách. Hô thì gọi là Thày rồi, còn xưng thì mỗi cô xưng một cách.

- Nếu không liên hệ chi thì xưng cháu.

- Nếu ông bố là vị chỉ-huy trực tiếp của anh trung Úy thì xưng là tôi.

- Nếu ông anh là bạn đồng ngũ thì xưng là em.

- Nếu ông bố là thuộc cấp của vị Trung Úy thì xưng là con.

Nói tóm lại: Cách hô thì tương đối dễ gọi, vì nghi hoặc thì cứ tâng người ta lên. Nếu quá cao thì người ta sẽ cải chính, còn quá thấp thì người ta bắt bẻ và mình xin lỗi vì sơ ý. Còn cách xưng thì rất tế nhị. Nếu xưng đúng thì người ta trọng mình, còn xưng sai thì người ta coi thường chứ không ai bắt bẻ cả. Vì vậy nên khi đến một nơi không biết người đó là ai thì phải hỏi xem gọi bằng gì? Không thể gọi chồng bằng ông, bằng bác mà gọi vợ người ta bằng chị được. Hoặc gọi con người ta bằng ông, bằng bà mà gọi bố mẹ người ta bằng anh bằng chị thì đâu có được.

 2)-Trường hợp thân tình:

Nghĩa là người ngoài mà mình dành cho họ tình cảm gia đình. Theo mẫu hệ thì đặt họ vào bên Mẹ thì quý hơn là đặt vào bên Cha. Tức cho người ta vị thế là Cậu, là Dì hay là Bác. Nếu để người ta vào vai Cậu hay Dì của con mình thì phải xưng là Tôi hay là Chị là Anh. Vì lúc này mình ở vai Cha Mẹ, cùng hàng với họ nhưng vai trên. Còn để người ta vào vị thế Bác của con mình thì phải xưng là Em hay tôi. Còn gọi cho chính mình thì phải xưng là cháu, thân hơn thì xưng là con.

*  Tỷ dụ Một cậu 25 tuổi đến thăm một cô bạn 22 tuổi tên là Hằng, nếu gặp:

- Em cô ta thì hỏi: Em cho anh hỏi chị Hằng có nhà không? (Chị ở đây là chị của người đối thoại với mình)

- Anh hay Chị cô ta thì hỏi: Thưa Anh (hay Chị) cho em hỏi Hằng có nhà không ạ? Nhớ thêm chữ ạ, và không được dùng chữ chị Hằng hay em Hằng. Vì nếu thêm chữ chị tức là chị của mình, lép vế không được. Còn thêm chữ em thì xấc, vì tự cho mình ngang vai với người đối thoại.

- Bố hay Mẹ cô ta thì hỏi: Thưa bác cho cháu hỏi em (hay chị) Hằng có nhà không ạ? Hay cô Hằng có nhà không ạ? Dùng chữ cô thì có vẻ xa cách. Cô ở đây có nghĩa là em gái mà gọi thay cho con mình. Còn dùng chữ Em là gọi ngay cho chính mình thì thân thiết hơn; dùng chữ Chị thì chỉ mới là sơ giao thôi. Còn bỏ chữ Em hay chữ Chị đi, tức là gọi cộc lốc thì thất lễ với Bố Mẹ cô ta. Tức là ăn nói xếch-mé coi con người ta không ra cái gì cả, vậy thì làm sao hỏi được vợ?.

3)- Trường hợp gia nhân

Người giúp việc trong nhà gọi con của ông bà chủ.

Đứng về tuổi tác thì bà ta ngang hàng với Bố Mẹ cô hay cậu chủ. Nhưng về học vấn thì bà ta chỉ đáng làm học trò thôi; mặc dù cô cậu này lại không phải là Thày dạy người ta.

Về cách Hô thì gọi là Cô, là Chú (tức em của bố mình, hay ngang với bố mẹ của con mình) hay là Cậu là Dì, nhưng phải xưng là Cháu hay Con. Tức gọi theo giá trị tâm linh (sự hiểu biết).

 Trường hợp Biến dạng

Đây là trường hợp đặc biệt, bắt buộc phải dùng đến chức vụ trong xã hội, hay giao tế trong cộng đồng để nói một cách chung chung hợp với tất cả mọi người. 

  A/- Phép xướng danh:

(tức là xưng thay cho tập thể hay dùng chính tên mình để xưng)

 Trường hợp một giáo sư về âm-nhạc lên trình diễn trên sân khấu. Ở dưới cử tọa đủ mọi thành phần, Già có, Trẻ có, Nam có, Nữ có, người đáng bậc Thày có mà học trò của giáo sư cũng có. Về cách hô cho một cộng đồng đa dạng thì dễ. Có thể dùng chữ quý vị, hay toàn thể khán thính giả hay đồng bào thân mến. Đó là gọi theo vị-thế. Còn xưng thì không có vai-vế nào hợp cả. Tức là xưng Tôi, Em, Chị, Con, Cháu đều không tiện cả. Vậy thì bắt buộc phải xưng tên, nghĩa là nói thay cho người vắng mặt.

Tỷ dụ giáo sư có danh hiệu là Xuân Sắc, thành lập ban nhạc là Trâu Đen trong hội Bông Lan chẳng hạn, thì lúc đó bà ta có thể nói: Kính thưa quý vị, Xuân Sắc xin cống hiến nhạc phẩm .. ... hay là ban nhạc Trâu Đen xin hiến quý vị... hay là hội Bông Lan xin giới thiệu với quý vị nhạc phẩm...... do ban nhạc Trâu Đen trình diễn.

B/-Xưng hô theo chức vụ

 Vì nhu cầu của tổ-chức, kỷ-luật gây sức mạnh, nên những người trong quân đội vẫn gọi nhau theo cấp bực. Đây là xưng hô theo đẳng trật Quân Giai trong gia đình binh đội, sống chết có nhau. Có trên có dưới hẳn hoi, nhưng trên dưới theo chức vụ chứ không theo tuổi tác.

C/- Xưng hô theo lý tưởng

 Vì nhu cầu sinh hoạt và đã thề nguyền sống chết có nhau nên những người trong gia đình tinh-thần sau đây gọi nhau bằng danh xưng của ý chí:

 Những người trong cùng một tổ chức chính trị, hay đấu tranh vẫn gọi nhau theo lý tưởng chung của tổ chức như là đồng chí, chiến hữu,....... như vậy là gạt bỏ tuổi tác và vai-vế ra ngoài. Đây là tinh thần bình đẳng, ai cũng giống nhau theo giá trị tinh thần. Tất cả đoàn viên đều thuộc cùng một gia đình; đó là gia đình dấn thân cho hạnh phúc của dân tộc, và họ đã thề nguyện sống chết có nhau.

 Trường hợp đặc Thù của dân Việt


 Vai vế của Bố và Mẹ thì không ai có thể thay thế được. Do đó nếu không phải là bố mẹ ruột (đẻ) thì phải gọi khác đi như là Thày và U, Chú và Thím hay Dượng và Dì, nay gọi là PAPA và MAMAN, tức là giảm thân tình máu mủ đi một bậc.

 Vì thế cho nên khi Mẹ chết, Cha đi lấy vợ khác (gọi là tục huyền. Tục huyền là tiếng Hán, có nghĩa là nối lại giây đàn đã đứt), thì các con gọi người vợ kế của bố bằng Dì và xưng là Con. Có nghĩa là bà chỉ bằng vai em của mẹ tôi thôi. Thay vì xưng bằng Cháu thì xưng bằng Con cho gần hơn. Nếu bà vợ kế cay-nghiệt thì lúc đó gọi là Dì Ghẻ. Chữ ghẻ có nghĩa là lạnh lùng (ghẻ lạnh). Nếu người vợ sau không cưới, tức là sống chung bồ bịch hay vợ hai.... thì các con gọi người này bằng Chị và xưng là Tôi. Có nghĩa là bà chỉ ngang vai với chị cả của chúng tôi thôi. Nhưng đối với các con cùng cha khác mẹ thì vẫn gọi là các em, như em ruột của mình vậy. Không có danh từ EM NỬA Với (demi frère) như Tây Phương, sở dĩ khác là vì những đứa nhỏ này ăn theo dòng Bố nên được thăng chức.

 Còn nếu Cha chết, Mẹ đi lấy chồng thì gọi là tái giá. Tái là trở lại, giá là lấy chồng (tiếng Hán). Thì các con gọi ông chồng mới này bằng Dượng và xưng Con, nếu không thân thì xưng là Tôi. Vai-vế Dượng của ông ta thì không thể bỏ đi được. Sở dĩ gọi bằng Dượng là vì lúc đó mẹ mình bị hạ xuống một bậc thành Dì, tức là em gái của mẹ. Chồng của Dì thì gọi bằng Dượng. Con cái cùng Mẹ khác Cha, nếu thân thiết thì gọi nhau bằng anh (hay chị) và em, còn không thì gọi nhau là Anh (hay Chị) với Tôi. Cách xưng hô này là quyền của con cái, bà mẹ không có quyền bắt chúng phải gọi thế này hay thế khác. Ngược lại khi bố tục huyền thì con vợ trước không có quyền coi con bà kế là người ngoài được. Nhưng nếu là con bà hai hay vợ theo thì người con có quyền khước từ mà người Bố không có quyền ngăn cản.  

Tại sao lễ giáo dân Việt lại như vậy? Theo Mẫu Hệ thì đáng lý phải trọng bên Mẹ hơn bên Cha mới đúng. Cách xưng hô định sẵn như trên được giải-thích như sau:

*  Vì dân ta theo mẫu hệ nên một đôi vợ chồng chỉ có 2 người thôi. Người thứ 3 là người không chính thức. Ngang vai với Bồ Bịch nên không thuộc gia đình, do đó cách xưng hô có khác. Cái khác biệt này là tùy các con thuộc 2 phe tự quyết định lấy, Bố hay Mẹ không có quyền bắt chúng nó phải gọi nhau như thế này hay thế kia được. Chính Bố hay Mẹ đã đi trái phong tục lễ giáo của dân Việt nên không còn quyền gì đối với các con trong vấn đề giao-tế với nhau nữa. Chúng thương nhau thì tốt, còn không thì cũng đành chịu.

(Theo lễ giáo của dân Việt thì trước khi chính thức cưới vợ, người con trai phải đến ở nhà vợ tương lai (gọi là ở rể) 3 năm để Bố Mẹ người con gái xem xét tâm tình trước khi đồng ý gả hay không. Ta gọi là bổ củi 3 năm mới cưới được vợ, coi chuyện Trọng Thủy và Mỵ Châu thì rõ. Tại sao khi Trọng Thủy về thăm Cha ở bên nước Ngô thì Mỵ Châu lại không theo về Ngô mà ở lại nước Việt? Chỉ vì chưa cưới nên chưa có chuyện thuyền theo lái, gái theo chồng. Điểm này chứng tỏ dân Việt quan niệm thành lập gia đình để xây dựng hạnh-phúc lứa đôi trong hạnh phúc chung của gia tộc. Vì thế nên người ta nhìn thẳng vào 2 nhân vật chính, với sự cố vấn của người ngoài cuộc là cha mẹ hai bên. Không có vấn đề sính lễ, thách cưới bán con như người Hán (Tàu) để rồi hành con dâu.

(Người Hán theo Phụ Hệ, nên mọi quyền hành nằm trong tay người chồng. Khi lấy vợ thì phải dẫn cưới do bên đàng gái thách cưới, chữ thách đã có nghĩa là mua bán đổi chác rồi. Do đó khi về nhà chồng thì cô dâu trở nên lép vế: Mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng (tục ngữ của mẹ chồng với nàng dâu). Vì quan niệm này nên người vợ là nhân viên thừa hành của người chồng chứ không phải là cộng sự viên như dân Việt. 

Do đó người Hán chúc cô dâu chú rể là Long Phụng giao duyên, sắt cầm hòa hợp. Đó là hạnh phúc lứa đôi một cách ích kỷ, không nghĩ đến người khác. 

Còn dân Việt thì chúc cô dâu chú rể là Rồng Tiên song hiệp. Có nghĩa là vợ chồng hợp lực âm dương (bổ xung cho nhau) để xây dựng hạnh phúc cho mình và cho người xung quanh (hai họ). Muốn có hạnh phúc trọn vẹn thì hạnh phúc của lứa đôi phải nằm trong hạnh phúc của 2 bên thông gia. 

Giao lưu văn hóa Việt Hán

Khi bị người Hán thống trị thì nẩy sinh ra tư tưởng lấy vợ hai cho chồng để chứng minh sự giàu có của mình. Khôi hài ở chỗ là chính bà vợ Cả đi chọn và cưới bà vợ Hai cho chồng, chứ ông chồng không được quyền tự chọn lấy vợ bé như ở bên Tàu.

Tại sao? Người Hán quan niệm rằng lấy vợ là một gánh nặng phải nuôi, nên càng nhiều vợ thì chứng tỏ người đàn ông càng lắm tài. Do đó chính người chồng tự ý đi chọn vợ bé cho mình, sau đó thông báo để bà Cả biết. Lẽ dĩ nhiên là mỗi bà một dinh cơ do ông chồng cấp phát.

 Còn ở Việt Nam, vì bắt chước kẻo sợ người đời (sống trong nô lệ Tàu) chê là ghen, là nghèo nên bà vợ Cả phải đi mua bà vợ Hai về cho Chồng ; đôi khi bà bé chả sơ múi chi cả. Đó là cái tinh khôn của bà vợ Cả.

 Chém cha cái kiếp lấy chồng chung,
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh-lùng.
Năm thì mười họa chăng hay chớ,
Một tháng đôi lần, có cũng không. 

 (Hồ Xuân Hương)

Phần lớn những bà bé mua về đều thuộc loại gia đình nghèo đói, thấp hèn phải cắn răng bán con để cứu gia đình. Vì thế nên con bà Cả gọi bà hai là Chị.

Còn một điểm đáng lưu ý nữa là phong tục Tàu không có chuyện tái giá của người đàn bà góa, vì khi cưới cha mẹ đã thách rồi nên bà thuộc sở hữu của nhà chồng. Do đó phải ở vậy thờ chồng và nuôi con. Còn phong tục Việt thì khác hẳn. Hết ba năm tang chế: Lạy anh, em đi lấy chồng. Nghĩa là sau 3 năm mãn tang (hết tang) chồng thì người đàn bà góa được quyền bước thêm bước nữa mà xã hội hoàn toàn đồng ý và cho đó là quyền sống của con người phải được tôn trọng. Luật Hồng Đức có bảo vệ quyền này của người đàn bà góa.

 Tại sao lại 3 năm tang chế mà không phải là 3 tháng như Tây Phương hay 4, 5 năm chi đó? Tại sao các cụ thời thượng cổ lại có lý do rất chánh đáng này, mà bây giờ vẫn còn thấy hợp lý? Chỉ vì tổ tiên chúng ta không những coi trọng gia đình và gia tộc mà còn tôn trọng quyền sống tự do của con người nữa.

Hai cái tương khắc với nhau (cộng đồng và cá nhân, tình và lý) ấy thế mà người xưa đã dung hòa được thì không phải là chuyện dễ. Âu đây cũng là một niềm hãnh diện về nền văn minh tinh thần của dân ta vậy.

Thật vậy, khi người chồng nằm xuống, có thể lúc đó bà vợ vừa mới mang thai. Cái thai đó là thai của gia đình nhà chồng chứ không phải của riêng bà vợ. Vì thế phải đợi 9 tháng 10 ngày sinh nở xong xuôi thì mới tính chuyện bước đi bước nữa được. Khi sinh nở xong, vì nhu cầu bú mớm của đứa bé nên bà phải hy-sinh tình cảm riêng tư để nuôi con cho đến khi thôi bú, tức là đứa con đầy 2 tuổi thì mới dọng-dẽo ai nuôi cũng được. Lúc này thì bà có thể trao con cho nhà chồng nuôi và bước đi bước nữa (nếu bà muốn). Hơn nữa, nếu quả thực bà yêu chồng thì 3 năm mới chỉ là thời gian tối thiểu để bà dứt tình chăn gối.

Cách giải quyết này không phải là trường hợp bắt con như Tây Phương nghĩ. Thực vậy, đây không những là vì quyền lợi của đứa bé mà còn là quyền lợi của ngay chính người mẹ nữa. Khi bà bước đi bước nữa thì bà không phải là người trong gia tộc nhà chồng nữa. Bà vẫn có quyền về thăm con cái với tình mẹ con trọn vẹn, nhưng bà không được quyền nuôi nấng và dạy dỗ nó nữa. Phần nuôi nấng và dạy dỗ chúng thuộc nhiệm vụ của nhà chồng. Chết Cha còn Chú, vắng Mẹ bú Dì. Còn về phần bà vợ góa thì lúc đó bà được tự do như con gái, không bị ràng buộc về tinh thần cũng như vật chất với các con đời chồng trước. Tuy nhiên cũng có cái thiệt là mẹ con không được chung sống hàng ngày với nhau. Nhưng làm sao làm hài lòng được tất cả các đòi hỏi tương khắc với nhau?

 Lý luận Tây Phương là lý luận theo tình cảm thiển cận. Bây giờ tỷ dụ con đầu lòng là con gái kém mẹ 18 tuổi. Nếu Mẹ nuôi thì cô con bắt buộc phải ở với ông Dượng. Đến tuổi dạy thì lại nhập-nhằng với ông Dượng, lúc đó thì thật là khó xử cho bà. Ở bên Pháp trường hợp này đã từng xẩy ra và đưa đến hậu quả là bà mẹ tự tử. Đây là sự tự do quá trớn của ngưới Tây Phương, quá thiên về nhu cầu vật chất.

Kết luận

Tóm lại, chúng ta chỉ có một cách xưng hô chính là vai vế trong gia đình. Hoặc theo liên hệ gia đình, hoặc theo tình cảm riêng tư, hoặc theo tuổi tác, hoặc theo kiến thức, hoặc theo đẳng trật, hoặc theo lý tưởng. 

 Vấn đề khó là tự mình phải định vai-vế của người và của mình cho đúng chỗ. Và nên nhớ rằng vai-vế xưng hô thay đổi tùy theo môi trường sinh hoatï [4]

_____________________

Chú thích

[1] - Trong biểu đồ ghi theo tư-tưởng của người xưa quan-niệm là Trời thì tròn, Đất thì vuông (theo kinh dịch nói về sự biến hóa của vạn vật trong vũ-trụ). Cha thì tượng trưng cho Trời, còn Mẹ thì tượng trưng cho Đất. Trời che Đất chở. Công Cha như núi Thái Sơn, nghĩa Mẹ như nước trong Nguồn chảy ra. 

 Người Hán (Tàu) theo Phụ-hệ, tức lấy Cha làm chính. Bên Nội gần hơn bên Ngoại. Nội có nghĩa là bên trong, còn Ngoại có nghĩa là bên Ngoài hàng rào. Do đó họ nói tình nghĩa Phu Thê, Phu là Chồng; Thê là Vợ. Phu Thê là tiếng Hán.

Còn người Việt theo Mẫu-hệ, tức là lấy bên Mẹ làm chính. Bên Ngoại lại gần hơn bên Nội. Do đó dân Việt vẫn nói: Vợ Chồng như đũa có đôi, hay thuận vợ thuận Chồng thì tát bể Đông cũng cạn. Rõ-ràng bà Vợ đi trước, ông Chồng đi sau, chứ không có chuyện Chồng Chúa Vợ Tôi như người Hán. Người Hán thì Phu xướng Phụ tùng, tức Chồng nói thì Vợ phải nghe; như vậy thì làm gì có chuyện thuận vợ thuận chồng. Rõ ràng nếp sống của dân Việt trái ngược với nếp sống của dân Hán (dân Tàu). 

 [2] - Thoạt đầu thì nước Văn Lang được thành lập bởi 15 vùng an lạc mà ra. Mười lăm vùng đó được gọi là 15 Bộ Lạc. Do đó chỉ có 15 danh xưng cho 15 dòng họ mà thôi. Do đó, danh xưng tộc họ của dân Việt chỉ có khoảng trên dưới 20 là cùng. Trong khi đó thì, các nước khác có hàng trăm tộc họ; vì họ lập quốc trễ nên lúc đó dân số đã quá đông rồi.

Nước Văn Lang được thành lập để bảo vệ an ninh chung của 15 bộ chống lại nước Ngô ở phương Bắc. Lúc đó nước Hán chưa có, nước Chiêm và nước Miên cũng chưa. Biên giới nước Văn Lang bắt đầu từ vùng Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam (phía Nam sông Tây Giang chảy ra Hồng Kông, tức Hương cảng) xuống tận đèo Hải Vân, phía Tây thì chiếm trọn nước Ai Lao bây giờ. Lúc đó nước Ai Lao (Lào) có danh xưng là Lão Qua, có nghĩa là người ở Vân Nam di dân đến lập quốc từ lâu đời rồi. Quảng Đông thì do bộ lạc Lạc việt làm chủ, Quảng Tây thì do bộ lạc ÂU Việt làm chủ....Đồng bằng sông Hồng thì do Giao Chỉ Việt làm chủ.

Giao Chỉ là hỗn danh của Tàu dùng để chỉ sắc dân có 2 ngón chân cái tõe ra 45 độ nên giao vào nhau. Hiện nay ở vùng Ninh Bình, Hoa Lư vẫn còn người có 2 ngón chân cái tõe ra; với điều kiện là họ chưa bao giờ đi giầy cả. Đây là trung tâm hành chánh của nước Văn Lang, nơi có đền Hùng (Lâm Thao, Phú Thọ) và được gọi là vùng Văn Lang hay bộ lạc Văn Lang Từ Thanh Hóa cho tới đèo HẢI VÂN thì do bộ lạc Việt Thường làm chủ. Chiến khu Lâm Ấp là đất của Việt Thường, tức vùng từ Nghệ An cho tới đèo Hải Vân.

Lúc đó nước Văn Lang theo chế độ DÂN CHỦ PHÂN QUYỀN, làng xóm tự trị. Mười lăm vùng đó kết hợp với nhau bằng Tâm và cư-xử với nhau bằng Đức. Đức có nghĩa là chỉ đem những cái tốt cho người để xây dựng cộng đồng, đất nước. Còn cái gì xấu thì giữ lại cho mình. Đẹp đẽ đem ra, xấu-xa giữ lại. Chữ Văn có nghĩa là bặt thiệp, lịch sự. Chữ Lang có nghĩa là người hào hoa, phong nhã biết cách cư-xử .(1)

 Người điều hành một bộ lạc thì gọi là Lãnh Vương, người chỉ huy Binh đội (quân đội) của một vùng thì gọi là Quân Vương. Mười lăm ông Lãnh Vương hợp lại bầu lên ông Hùng VƯƠNG. Do đó dân ta mới nói Lệnh Vua còn thua Lệ Làng để chỉ thể chế dân chủ phân quyền lúc đó. Nước Văn Lang được thành lập, tính đến năm 2001, đã được 4.880 năm. Tức là đã được 4.879 năm tròn, nay bước sang năm thứ 4.880 (4880 ième année hay 4880th year)

Vùng Lạc Việt (Quảng Đông) nằm sát nước Ngô nên chịu mũi xung kích thường xuyên của kẻ thù Phương Bắc (đây là người Ngô không phải là người Hán đâu). Do đó ta mới có những câu: Mối thù tuyền kiếp Ngô Việt, hay giặc bên Ngô không bằng bà Cô bên chồng. Hoặc thằng Ngô con Đĩ để chỉ gái Việt đi lấy chồng Ngô, chỉ có đĩ mới lấy chồng Ngô; giống như chữ Me Tây trong thời Pháp thuộc vậy.. Đó là sự kiện lịch sử đã qua, nói ra để rõ lòng người lúc đó. Nay thời thế đã khác nên suy tư cũng phải hợp với bối cảnh lịch sử ngày hôm nay thì mới gọi là có tinh thần cầu tiến.

Vào khoảng 600 năm trước Thiên Chúa giáng sinh, Lãnh Vương Lạc Việt lúc đó là Câu Tiễn bị vua Ngô hành-hạ nên mới quyết tâm trả thù. Bầy mưu lập kế trong suốt 20 thì san bằng được nước Ngô để rửa hận. Sau đó sai người viết thành văn bản câu chuyện Rồng Tiên khai quốc, 100 trứng 100 con để truyền đạt cho hậu thế kinh nghiệm xương máu trong 20 năm cá nằm chốc thớt, và gian truân đó. Đây làm học thuyết căn bản của khoa Nhân Văn Việt Tộc (tức Việt Học). Sau khi đánh chiếm được nước Ngô rồi thì trả lại một phần đất cho nước Sở và nước Tề đã bị vua ông là Hạp Lư chiếm; chỗ còn lại (tức nước Ngô lúc nguyên thủy) thì chặt làm 3 vùng với 3 danh xưng khác nhau. Đó là: Ngô Việt, Mân Việt và Bách Việt. Bách Việt là vùng đất Hồ Nam (phía Nam hồ Động Đình), chứ không phải là 100 giống Việt đâu. Danh từ Động Đình (nơi họp của các siêu nhân, thần thánh) bắt nguồn từ thời điểm này.(2)

Từ đây mới đẻ ra danh từ Đồng Bào, lấy màu vàng của tơ tầm làm sắc thái của dân Văn Lang. Ngày xưa quan niệm trời tròn đất vuông, trời che đất chở nên lá cờ tượng trưng cho lảnh thổ phải mang hình vuông, có nghĩa là chân phương vuông vức. Nay theo quy ước quốc tế là hình chừ nhật, bề dài bằng 3/2 bề rộng. Cờ là biểu tượng của đất nước; còn Xí là hiệu lệnh của uy quyền Vua Chúa, Tướng Soái hay chức tước vua ban. Xí thì bé hơn Cờ.

 Người Việt mình chọn cờ màu Vàng để nói lên thể chế Dân Chủ Phân Quyền: Nước Việt của toàn dân Việt, toàn dân giữ nước chứ không phải Triều Đình giữ nước. Do đó cờ nước Ta bắt buộc phải mang nền Vàng, với ý nghĩa là nước của toàn dân chứ không phải của nhóm lãnh đạo.

Còn người Hán thì lấy màu Đỏ của mặt trời làm nền cờ của họ để nói lên uy quyền của nhà Vua (Thiên Tử), con trời sai xuống để trị muôn loài, trăm họ (đối kháng với 100 trứng). Tức là chế độ Quân Chủ chuyên chế, đất của chúa, lúa của trời. 

 [3] - Gốc Việt là đặc tính của ông Lạc Long Quân và bà Âu Cơ, tức Rồng và Tiên.

Chữ con Rồng cháu Tiên là chỉ ông Lạc Long Quân đã hấp thụ được tinh hoa của Mẹ và của Bà, tức huyết thống theo Mẫu Hệ. Mẹ ông Lạc Long quân là Long Nữ ở vùng hồ Động Đình, còn bà Nội ông Lạc Long Quân là Tiên Nữ ở phía nam dãy núi Ngũ Lĩnh (tức vùng Hồ Nam bây giờ, phía Nam hồ Động Đình). Một điểm đáng chú ý: Rồng là con đực chứ không thấy nói Rồng cái bao giơ cả. Vợ con Rồng Tàu là Phụng (con gà), còn vợ con Rồng Việt là Tiên (người). Vì nhu cầu pha giống để lấy tinh anh nên trong chuyện mới cho thêm con Rồng cái (Long nữ) duy nhất vào. Còn chúng ta là con nhà nòi Âu Cơ và Lạc Long, tức thuộc dòng dõi Rồng Tiên. Ông Thần Kim Quy (Rùa Vàng) là chỉ ông Lạc Long Quân.

Trăm con có trăm cá tính khác nhau nên tạo ra 100 giống, nhưng tất cả đều cùng chung một đặc tính Việt, do đó giống nào cũng móc thêm chữ Việt là thế. Tỷ dụ Ngô Việt, có nghĩa là người Ngô nay biến thành người Việt; tức người Việt gốc Ngô. Mân Việt là người Việt ở vùng sông Mân.  

Vì danh từ Đồng Bào phải được thực thi để cho trọn vẹn tình nghĩa anh em ruột thịt nên những quy luật giao tế đã được Triều-đình ban hành. Và từ đó đã có rất nhiều nghi thức tập tục, cho đến nay đã trở thành truyền thống dân tộc mà chúng ta không để ý, và không ai đặt thành vấn đề nữa.

 Tỷ dụ trước khi ăn thì phải mời nhau cùng ăn; hay cách xưng hô trong gia-đình đều bắt nguồn từ truyền thuyết này mà ra. Hiện nay vẫn còn mà không ai đặt vấn đề cả.

Tại sao trước khi ăn lại phải mời; mặc dù đó là phần ăn của mình? Tại sao mình đang ăn có người đi qua thì bổn phận người đang ăn phải mời người đi qua cùng ăn với mình? Trong khi đó, theo Tây Phương thì người đi qua có bổn phận phải chúc người đang ăn cho được ngon miệng (bon appétit). Dân Việt mà nói như vậy là chửi xéo nhau: Tham ăn tục uống. Còn dân Hán (Tàu) thì họ không có tục lệ mời nhau nên mạnh ai nấy ăn, và cũng chẳng chúc nhau ăn cho ngon miệng.

Lý do: Đó là do nhân sinh quan của từng dân tộc một mà sinh ra cung cách giao tế mỗi nước một khác. Đôi khi còn tương phản là khác.

 - Người Việt vì coi nhau như anh em nên chứng tỏ tinh thần nhường cơm xẻ áo. Tỷ dụ ta có người em ruột đến thăm, không lý ta ăn một mình để cậu em chầu rìa hay sao? Do đó chính ta phải mời trước. Còn cậu em đòi tức là hành động xin ăn coi không được.

*  - Người Tây Phương coi nhau như người xa lạ (cá nhân chủ nghĩa), đói thì đã có cháo thí của xã-hội, nên phần ai nấy ăn. Người ta ăn phần của người ta để bồi dưỡng sức khỏe. Do đó vì lịch sự nên người đi qua phải chúc người đang ăn được ngon miệng, và người đang ăn phải cám ơn lời chúc đó. Vì ăn có ngon miệng thì sức khỏe mới được bồi dưỡng. Đó là thực tế, có thực mới vực được đạo.

*  - Còn người Hán với thuyết Thiên Tử thì mạnh ai nấy ăn. Thực phẩm đã có Thiên Tử (Vua) lo, việc chi phải mời nhau? Tất cả đều là con dân của Thiên Tử cả. Vua bảo chết thì sẵn sàng chết, vua bảo sống thì phải cố mà sống không được cưỡng lời. Coi đạo Khổng thì rõ. 

Tới đây thì chúng ta đã thấy rõ là tại sao dân Việt lại gọi nhau trong vai-vế gia đình, mà nay đã thành truyền thống rồi. Đó há chẳng là một niềm tự hào cho chúng ta hay sao? 

 [4] - . Cũng người đó lúc thì gọi là Anh xưng Tôi hay Em, khi thì gọi là Bác xưng Cháu, lúc thì lại gọi là Ông xưng Tôi.

Tỷ dụ: Hai người Nam Nữ ở 2 lứa tuổi chênh nhau tới 20 năm tuổi đời. Nhưng ở trong quân ngũ (hay cùng một tổ-chức chính trị) cùng đẳng cấp nên gọi nhau là Anh (hay Chị) với Tôi hay là Em.

Nhưng khi ra ngoài, Vợ người ta lại là Bác mình, không lý gọi vợ người ta là Bác xưng Cháu mà gọi người ta là Anh xưng Tôi (hay Em) thì không được.

 Đến khi em mình lại là học trò của người ta, cậu em thì gọi là Thày xưng Con thì lúc đó bắt buộc mình phải gọi là Ông xưng Tôi thì mới tiện.

__________________________________________________ 

 Tài liệu tham khảo 

(1) Một ngàn nô lệ Tàu?...Ai đã đầu độc tư tưởng của Ta? : Ấn phẩm Nối Chí TÂY SƠN số 6; do Ban Tế Tự Paris ấn hành ngày 01/11/1997.

(2) Rồng Tiên khai quốc: Học thuyết căn bản của khoa Nhân văn Việt Tộc. Ấn phẩm đầu tay của Ban Tế Tự Paris phát hành nhân ngày kỷ niệm 200 năm chiến thắng Đống Đa (1989).