Người Phụ nữ và Gia đình ngày nay |
Tác Giả: Nguyễn thị Cỏ May | |||
Thứ Tư, 26 Tháng 1 Năm 2011 07:56 | |||
Trong luật pháp và đời sống gia đình, người phụ nữ Việt Nam đều gìữ được địa vị ưu đãi. Trước đà tiến của khoa học kỹ thuật và xuất hiện những trào lưu tư tưởng mới đã không tránh khỏi ảnh hưởng sâu đậm làm thay đổi cơ cấu xã hội khắp nơi trên thế giới, thử hỏi làm thế nào có thể giữ vững nền móng gia đình và thăng tiến hài hòa theo những biến chuyển thời đại? Đó là câu hỏi đặt ra không chỉ riêng cho người Việt Nam chúng ta, mà chung cho nhiều dân tộc khác trên thế giới. Từ xưa, gia đình Việt Nam được bền vững, xây dựng hạnh phúc cho mọi người trong gia đình và từ đó đem lại sự ổn định và thạnh vượng cho xã hội, một phần quan trọng chính là nhờ ở vai trò người phụ nữ. Ngày nay, sau những đợt giải phóng, bình quyền, người phụ nữ quan niệm gia đình như thế nào? Giải phóng và bình quyền có góp thêm phần gìn giử gia đình và vai trò người Phụ nữ có còn là nền tảng của Gia đình không? Người phụ nữ Việt Nam truyền thống: Cũng như các nước trong vùng và cả phương Tây, trước khi chuyển sang chế độ phụ hệ, Việt Nam đã trải qua một thời kỳ mẫu hệ. Ảnh hưởng văn hóa Tàu do sự đô hộ của Tàu kéo dài hàng ngàn năm, các định chế và triết lý phụ quyền của Tàu lẽ dĩ nhiên đã được đem thiết lập ở Việt Nam.Tuy nhiên, khác với khuôn mẫu Tàu, ở Việt Nam vào thế kỷ thứ 13, thời Tống nho cực thịnh, một thứ "chế độ quan chức" dành cho phụ nữ được thực tế "thừa nhận". Các phụ nữ như nhà giáo Ngô Chi Lan, Đoàn thị Điểm, đã lập ra trường học, và môn sinh của các Bà đã thi đậu, trở thành quan chức cao cấp trong triều đình. Trở ngược thời gian xa hơn nữa, dưới thời nhà Lý, các công chúa nắm giữ tài chánh triều đình. Mà nắm tài chánh là nắm được một phần quyền lực thật sự. Điều quan trọng và nổi bật vì không giống phụ nữ Tàu, người phụ nữ Việt Nam hoạt động trên cả lãnh vực sản xuất ngoài vai trò nội trợ trong gia đình: cấy gặt, trồng hoa màu, quay tơ, dệt vải, và buôn bán nhỏ. Một học giả Hoa kỳ đã nhận xét: "Vai trò của phụ nữ trong xã hội Việt Nam truyền thống được xác định bởi một sự pha trộn phức tạp mà hấp dẫn giữa đạo đức Nho giáo, các đặc thù văn hóa dân tộc mang theo dấu vết của chế độ mẫu hệ, và các đạo luật chánh thống đầy mâu thuẫn"...(William S. Turley, Phụ nữ trong cuộc cách mạng cộng sản ở Việt Nam, nghiên cứu Á Châu số 12, 1972, Hoa kỳ). Thật thế, trong luật pháp và đời sống gia đình, người phụ nữ Việt Nam đều gìữ được địa vị ưu đãi. Người con gái trong gia đình được quyền thừa kế bình đẳng với con trai. Trái lại người chồng không có quyền thừa kế nếu vợ chết đi không để lại con trai nối dõi. Địa vị người phụ nữ Việt Nam càng nổi bật nếu đưa cái nhìn quan sát so sánh gia đình Tàu với gia đình Việt Nam: " Nếu như gia đình Trung hoa mang nét đặc trưng bởi quyền lực của người cha trùm lên tất cả các thành viên gia đình thì gia đình Việt Nam lại khác, người vợ hầu như bình đẳng với chồng và các thành viên khác cũng khẳng định tư cách của mình". (Yu Insum, luật pháp và gia đình ở Việt Nam thế kỷ 17 và 18, Hoa kỳ, 1987). Địa vị của người phụ nữ Việt Nam được qui định rõ qua bộ luật cổ của Việt Nam đời nhà Lê "Quốc triều Hình luật" (thế kỷ 17-18) và sửa đổi qua bộ Hoàng Việt luật lệ dưới thời nhà Nguyễn (thế kỷ 19-20- Xem Codes de LE của Nguyễn Ngọc Huy dịch và chú giải, Thư viện Cujas, Paris V). Trên thực tế, một số điều khoản của 2 bộ luật trên đây không phù hợp với tập quán Việt Nam đã không được áp dụng, nên mới có câu "luật vua thua lệ làng". Phụ nữ và Gia đình ở Việt nam sau Chiến tranh Dân số Việt Nam hơn 80 triệu, phụ nữ chiếm một tỷ lệ cao hơn nam giới, (90 - 94 nam trên 100 nữ). Trong số hơn 15 triệu phụ nữ lập gia đình, có 18, 24 % ly hôn và phải sống độc thân vì khó tái lập gia đình trở lại. Trong tổng số tuổi trẻ từ 15 tuổi trở lên chưa lập gia đình, nữ giới chiếm 31,30%, còn nam giới chiếm 37, 4%, số nữ giới có gia đình thấp hơn nam giới (56% nữ, 59, 7% nam). Gia đình Việt Nam không giống gia đình ở Tây phương chỉ gồm vợ chồng và con chó. Gia đình Việt Nam bao gồm chững người có liên hệ huyết thống như ông bà, cha mẹ, con cháu và cả những người được nuôi dưỡng mà không có liên hệ huyết thống. Ở Việt Nam Cộng sản, gia đình bị biến thành Hộ, như Hộ tập thể... để chỉ một đơn vị gia cư trong mối quan hệ với chánh quyền (công an hộ khẩu, khu vực), không cần thiết phải dựa trên liên hệ huyết thống. Theo cuộc kiểm tra dân số do Hà nội thực hiện năm 1989, số gia đình tăng lên 3, 04% sau 10 năm. Gia đình gồm 4 người năm 1979 chiếm 15%, 10 năm sau tăng lên 18, 9%. Những "hộ tập thể" đã biến mất nhường chỗ cho những gia đình theo liên hệ huyết thống. Con cái tách ra ở riêng nhưng vẫn giữ quan hệ thân thiết với ông bà, cha mẹ, họ hàng và vẫn duy trì sự giúp đỡ, tương trợ trong gia đình. Chánh sách xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa, trong đó những hộ tập thể thay thế gia đình truyền thống vì cá nhân bị bốc rời khỏi mối liên hệ họ hàng để được chế độ quản lý, ngày nay đã hoàn toàn sụp đổ theo chế độ công sản liên-xô và đông âu. Bộ mặt của Gia đình ở Âu Mỹ ngày nay Sự quan hệ Nam / Nữ ngày nay tới đâu rồi? Sau 40 năm tranh đấu không ngừng nghỉ, Phong trào Nữ Quyền đã thua trận? Vùng lên tranh đấu sanh tử nữa? Từ ít lâu nay, người ta vẫn tưởng Phong Trào Giải phóng Phụ nữ đã bị chôn vùi. Không đâu. Trái lại, theo Bà Caroline de Haas, Phát ngôn viên của tổ chức Phụ nữ « Osez le Féminisme » ở Pháp, Phong trào ấy lại sinh động hơn bao giờ hết. Nó không chỉ đang là thời thượng vì trên thực tế, sự bình đẳng Nam / Nữ chưa có, mà giới trẻ ngày càng dấn thân tham gia tranh đấu đông đảo. Người phụ nữ đã đạt được những nữ quyền. Năm 1946, Hiến pháp Pháp nhìn nhận quyền bình đẳng Nam / Nữ. Năm 1949, Bà Simone de Beauvoir cho ấn hành « Le Deuxième Sexe » Trật tự ái tình và gia đình cũng từ đây thay đổi. Người Phụ nữ đã không còn bị coi là một thứ "người ngốc kiều diễm" nữa, mà trái lại, đã thủ đắc được quyền tự do suy nghĩ và ưa thích. Quan hệ luyến ái đồng phái công khai xuất hiện. Năm 1980, sự phát minh kỷ thuật sinh học đã làm đảo lộn qui luật gia đình, vai trò Cha và Mẹ. Lý lịch của đứa con bị mờ nhạt hay không thể xác định theo một tiêu chuẩn cố định. Một đứa trẻ có thể có cùng một lúc 3 người Mẹ: mẹ huyết thống, mẹ mang bầu và mẹ nuôi. Điều này không tránh khỏi dẩn tới xung đột gia tăng mạnh giữa khoa học và văn hóa xã hội mà hệ quả bắt đầu chi phối cấu trúc gia đình ngày nay. Trong gia đình đoàn tụ vào dịp lễ cuối năm, cứ 3 người con, có 1 không sống với cha hoặc với mẹ, vì cha mẹ ly dị hoặc cha mẹ không phải là vợ chồng chánh thức vì không thành hôn. Ngày càng có thêm nhiều người sống chung với nhau mà không cưới nhau. Họ hỏi tại sao phải cưới nhau mới là gia đình chớ? Theo kết quả điều tra của Trung tâm Pew Research ở Huê kỳ kết hợp với tuần báo Time vừa công bố hồi tháng 11/2010 thì ý niệm về Gia đình nay đã có nhiều thay đổi từ nền tảng. Cơ quan Kiểm tra Dân số Huê kỳ đang tìm cách đưa ra định nghĩa mới về Gia đình một cách rộng rải hơn, mới hơn, cho phù hợp với sự diển biến của thực tế xã hội. Theo kết quả điều tra của Cơ quan trên đây, 29 % thanh niên 18 tuổi hiện sống với cha hoặc mẹ không kết hôn hoặc ly dị. Số này gia tăng 5 lần từ năm 1960. Nói rỏ hơn, có 15 % thanh niên sống với cha hoặc mẹ, 14 % là con của cha mẹ không cưới nhau. Nay có 39 % dân chúng Mỹ cho rằng hôn nhơn là lỗi thời nên Thị xã và nhà thờ vắng hẳn đám cưới, chỉ còn 52 % còn tổ chức cưới hỏi. Năm 1978, có 28 % người phản đối kết hôn khi cần phải sống chung. Khi được hỏi thế nào là Gia đình, thì phần đông trả lời « Cưới hỏi nhau, có con hay không, đó không phải là yếu tố thiết yếu để định nghĩa Gia đình ». Trong 5 người được thăm dò, có 4 người thừa nhận một cặp có con không cưới nhau hoặc cha mẹ độc thân nuôi con là « bình thường » như một gia đình truyền thống. Cũng trong 5 người trả lời điều tra, có 3 người nhìn nhận những cặp "homo" nuôi con chung với nhau là "gia đình". Giáo sư Xã hội học Andrew Cherlin ở Đại Học Johns Hopking, Huê kỳ, nhận xét hiện tượng xã hội này như sau: "Hôn nhơn còn rất quan trọng trên đất nước này nhưng nó không chi phối gia đình như trước đây nữa. Giờ đây, có nhiều cách khác nhau để có một đời sống gia đình hạnh phúc. Nên có nhiều người vui vẻ chấp nhận thực tế đó". Thanh niên chọn sống chung không qua hôn nhơn khi có nhu cầu, một phần vì đời sống khó khăn. Họ sợ mọi cam kết lâu dài. Năm 2010, những cặp sống chung không cưới hỏi gia tăng 13 %, vị chi 7, 5 triệu cặp. Trước thực tế xã hội như vậy, Cơ quan Kiểm tra Dân số Huê kỳ đã phải thay đổi định nghĩa về Gia đình. Ngày nay, Gia đình bao gồm những cặp sống chung không cưới hỏi, những cặp « homo » nuôi con không có liên hệ máu mủ. Giáo sư Andrew Cherlin nhận xét “ Người ta suy nghĩ lại Gia đình là gì cho đúng? Trước tình hình thực tế, chúng ta phải chấp nhận như là Gia đình mối quan hệ giửa hai người cùng chung sống ngoại hôn, coi đó là căn bản để từ đó họ có thể được hưởng những quyền lợi xã hội giống như những gia đình theo đúng qui định luật pháp trước đây. Nhưng người ta nghĩ nền tảng gia đình ở Mỹ sẽ không vì vậy mà sớm biến mất ». Ông Andrew Cherlin tin tưởng như vậy vì theo ông có tới 67 % dân chúng tỏ ra lạc quan về tương lai của hôn nhơn và gia đình. Họ lạc quan hơn đối với hệ thống giáo dục quốc gia (50 %), với nền kinh tế hiện tại (46 %), hoặc với đạo đức xã hội(41 %). Gia đình và vai trò người Phụ nữ Người ta có thể định nghĩa Gia đình một cách mới mẻ hơn, rộng rải hơn nhưng chỉ về mặt kinh tế xã hội. Chớ thật khó tìm được một định nghĩa Gia đình cho trọn vẹn về mặt nhân xã để có thể chấp nhận hình thái gia đình thay đổi theo thực tế ngày nay. Phong trào tranh đấu cho Nữ Quyền, sau thời gian dài, đã đem lại cho người phụ nữ những quyền tự do cá nhơn. Nhưng về mặt bình quyền và tôn trọng nhân phẩm, người phụ nữ vẫn còn phải tranh đấu hơn nữa, khó khăn không ít. Chưa thấy có một nghiên cứu nào xác nhận cụ thể « những gia đình mới » thành hình từ những diển biến xã hội trong gần đây thật sự hạnh phúc hơn những gia đình truyền thống với vai trò cột trụ của người phụ nữ. Khi nói tới gia đình, người ta khó bỏ qua sư hiện diện tích cực của người phụ nữ. Gia đình Việt Nam từ ngàn xưa giữ vị trí quan trọng trong đời sống của mỗi cá nhân cũng như trong sự phát triển xã hội. Gia đình luôn luôn là nơi tạo ra hạnh phúc cho mỗi người bởi con ngưởi tìm thấy trong gia đình sự đùm bọc về vật chất và tinh thần, thụ hưởng sự giáo dục, những niềm vui của cuộc sống, sự an ủi khi khó khăn, sự phụng dưỡng lúc tuổi già yếu. Gia đình đảm nhiệm vai trò cân bằng về tâm lý và tình cảm, hạnh phúc cho mỗi cá nhân. Khi đặt vấn đề « quyền » như nữ quyền theo quan niệm "phụ nữ giải phóng" thì sự quân bình trong đời sống gia đình bắt đầu chao đảo. Người phụ nữ Việt Nam có chấp nhận trách nhiệm nặng nề trong gia đình hơn chồng, nhưng được hiểu đó là thiên chức cao quí làm vợ, làm mẹ. Về mặt thể chế, thiên chức phụ nữ ở Việt Nam đã sớm được luật pháp bảo vệ tốt hơn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Theo Giáo sư Andrew Cherlin, có 69 % dân Mỹ tin tưởng một cách lạc quan về tương lai gia đình ở Mỹ sẽ không bị mất vi giới trẻ không lập gia đình. Nhưng trong lúc đó, chỉ có 41 % dân chúng tỏ ra tin tưởng ở đạo đức xã hội thì gia đình sẽ căn cứ trên cơ sở nào để tồn tại?
|