Home Đời Sống Gia Đình Mùa Vu Lan - Nhớ Mẹ

Mùa Vu Lan - Nhớ Mẹ PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Đình Hùng   
Thứ Sáu, 27 Tháng 8 Năm 2010 06:38
«Ta ra đi mười năm, xa vòng tay của mẹ.
Sống tự do như một cánh chim bằng.
Ta làm thơ cho đời, cho biết bao người con gái.
Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?»
(MẸ - Đỗ Trung Quân)
Cali Today News - Cùng suy nghĩ như nhà thơ Đỗ Trung Quân, lời tự vấn đó vẫn day dứt trong lòng tôi nhiều năm qua. Bởi lẽ, cái thằng tôi cũng võ vẽ vài bài thơ đăng ở vài tờ báo của ngành Giáo dục và có một tập thơ nho nhỏ tặng người yêu – nay là người bạn đời của tôi. Thế mà với mẹ –  người mà tôi lưu giữ cả một trời kỉ niệm – đến giờ này, tôi vẫn chưa có một dòng thơ nào dâng tặng. Thật là bất hiếu, phải không mẹ của con?
Tháng bảy, mùa Vu lan lại về. Những tín đồ phật tử cũng như mọi người dân Việt Nam lại thấy trào dâng dào dạt hơn bao giờ hết tình cảm thương yêu, trìu mến đối với đấng sinh thành.
Mẹ tôi đã về cõi Tịnh độ hơn sáu năm rồi. Thế nên hôm nay, để tâm hồn lắng lại, tôi muốn trải lên trên trang giấy này những hồi ức về mẹ, như một nén tâm hương dâng lên mẹ trong mùa Vu lan báo hiếu.
Tôi không thể nào quên những đêm trăng sáng, bọn trẻ chúng tôi thường quây quần bên mẹ trên vuông sân nhỏ trước hiên nhà để nghe mẹ kể chuyện ngày xưa. Đôi mắt mẹ dịu hiền nhìn về nơi xa thẳm như đưa mẹ về với kỉ niệm của những ngày tháng không thể nào quên. Chúng tôi lắng nghe từng lời của mẹ, hiểu thêm cuộc đời của mẹ, người mẹ suốt đời tận tụy lo cho chồng con, lo cho cả đại gia đình, tộc họ.
Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông ở làng quê nghèo Bồ Bản, tỉnh Quảng Trị, nơi mà người ta thường bảo là «vùng đất chó ăn đá, gà ăn muối» vào năm Kỉ Mùi 1919.Thuở nhỏ, ngoài giờ học chữ Nho, mẹ vẫn phải phụ giúp chăn bầy bò của ông bà ngoại. Mẹ kể ngày ấy khổ lắm, phải cắt lá chuối phơi héo để tập viết chữ Hán bằng ngòi bút thép đầu nhọn, đến chừng nào thầy thấy viết chữ đạt rồi mới được viết vào tập giấy bản bằng bút lông chấm mực Tàu. Mẹ cũng theo học hết bộ Tam Tự Kinh và vài bộ khác nữa, hiểu được đạo lí tam cương, ngũ thường của Nho giáo.
Năm mẹ 17 tuổi, gia đình ông bà ngoại lâm vào cảnh cùng quẫn vì ba năm liên tiếp mất mùa do thiên tai. Thế là đàn bò của ông ngoại phải ra đi về nhà người khác.
Để cứu vãn cho mấy sào ruộng khỏi ra đi nốt, mẹ bắt đầu tập tành đi buôn vải. Mẹ tìm đến các làng dệt vải có tiếng thời đó để mua tận gốc một số loại vải như thao, đũi, lãnh, lụa rồi cho vào đãy, mang đi bán rao khắp chợ cùng quê. Ngày ấy, phương tiện giao thông mẹ có là chuyến đò dọc và hai bàn chân trần hoặc mang đôi dép làm bằng mo cau. Tội nghiệp mẹ tôi! Dấu ấn của những ngày tháng đi buôn vải dạo đó là đôi gót chân mòn vẹt và chai cứng như đá của mẹ. Cũng chính nhờ công sức của mẹ mà kinh tế gia đình ông ngoại dần dần hồi phục.
Mẹ tôi bán đắt hàng có lẽ nhờ mẹ có tài ăn nói. Thời đó có lẽ mẹ tôi là hoa khôi của cả vùng quê nghèo đó. Mẹ có thân hình cân đối, khuôn mặt trái xoan, mũi cao và kín, đôi mắt dịu hiền cùng làn da trắng mịn – một vẻ đẹp phúc hậu. Trên bước đường mưu sinh, nhiều chàng trai theo đuổi, tán tỉnh mẹ. Trong số đó, mẹ phải lòng duy nhất một người. Đó là một chàng trai đã tốt nghiệp tú tài chương trình Pháp, làm việc cho Bộ Lễ của triều đình Huế. Gia đình chàng trai đưa sính lễ đến hỏi cưới mẹ nhưng ông bà ngoại nhất định không gả. Bởi vì ông ngoại chơi thân với ông nội tôi từ khi hai người là bạn đồng môn và đã có lời hứa gả con cho nhau để kết chặt tình thân. Ông ngoại luôn nói câu «Gả đứa con gái ở làng bằng cục vàng treo cửa ngõ».
Người yêu của mẹ biết thế nên rủ mẹ trốn nhà ra đi rồi sẽ nhờ triều đình Huế đứng ra chủ trì lễ cưới cho hai người. Không muốn để cho ông ngoại mang tiếng là người bội ước, mẹ tôi đành lòng chia tay với mối tình đầu. Tôi nghĩ chắc hẳn mẹ đã đau xót vô cùng bởi vì người yêu của mẹ quả là một mẫu người lí tưởng mà bao cô gái thời đó ước ao. (Sau này, qua báo Kiến Thức Ngày Nay, tôi được biết người yêu của mẹ đã trở thành nhà thơ và nhà nghiên cứu văn hóa có tiếng tăm.)
Mẹ chấp nhận lấy ba tôi, làm dâu một gia đình giàu đạo đức, giàu truyền thống Nho học nhưng nghèo của cải (Ông cố tôi cũng giống Tú Xương, thi đỗ tam khoa tú tài rồi ngồi nhà dạy học mà thôi). Ba tôi là người hiền lành, chất phác, chăm lo làm ăn, yêu thương vợ con. Mẹ ra sức buôn bán tảo tần xây dựng gia đình và gánh vác giang sơn nhà chồng. Chỉ gần hai mươi năm sau ngày cưới, mẹ đã làm cho bà con nội ngoại ngạc nhiên khi dám đứng ra mua lại của người chú họ ngôi nhà rường gỗ mít, ba gian hai chái thật rộng rãi và mảnh đất vườn ở ngay trung tâm thị xã Quảng Trị với giá gần năm mươi lượng vàng. Các cụ cao niên trong họ tộc cứ khen mẹ:
«Không bột mà gột nên hồ
Tay không dựng nổi cơ đồ mới ngoan.»
Mẹ có trí nhớ tốt, mẹ có thể đọc thuộc lòng nhiều đoạn trong các truyện thơ Phạm Công Cúc Hoa, Lâm Sanh Xuân Nương, Truyện Kiều… Mẹ kể có lần mẹ vào bán vải ở nhà một cụ đồ Nho, được cụ đọc cho mẹ nghe bài thơ «Tiếc», nói về tình cảnh người con gái đáng ra đã là dâu của cụ nhưng vì gia đình tham giàu nên đem gả cho một gã trọc phú. Bài thơ như sau:
«Tiếc cho hoa nở thật xuê xoang
Lại chẳng bạn cùng với huệ lan
Tiếc cá thia Tàu vào giếng loạn
Tiếc chim Anh vũ đậu vườn hoang
Tiếc trà Lan tử xa ve ngọc
Tiếc rượu Quỳnh tương cách chén vàng.
Tiếc lui tiếc tới càng thêm tiếc
Tiếc sự đã rồi khó thở than!
Bài thơ này mẹ đọc cho tôi nghe sau gần bốn mươi năm tính từ khi mẹ nghe được. Mẹ có cả kho tàng cổ tích để kể cho con cháu nghe. Mẹ thường vận dụng ca dao, tục ngữ khi bảo ban, răn dạy con cháu. Có lẽ nhờ thừa hưởng trí nhớ và lòng yêu thích văn học của mẹ mà anh chị em chúng tôi ai cũng có năng khiếu ngoại ngữ và đam mê văn chương, nghệ thuật.
Ba mẹ tôi rất coi trọng việc học và nghiêm khắc trong việc dạy con. Nhờ vậy mà tất cả tám người con của ba mẹ đều thành đạt. Mẹ rất tự hào về đàn con của mình.
Mẹ có lòng thương người và rất hiếu khách. Mẹ hết lòng tôn kính và phụng thờ Tam Bảo. Theo mẹ, đức Phật Quan Thế Âm đã nhiều lần cứu mẹ thoát chết trong đường tơ kẻ tóc. Bà con nội ngoại, bằng hữu gần xa, hàng xóm láng giềng đều rất quý trọng và kính phục mẹ, thường tham khảo ý kiến của mẹ cho các vấn đề quan trọng mà họ cần phải giải quyết.
Mẹ gần như biết trước ngày mình ra đi. Mẹ nhẹ nhàng thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng như đi vào một giấc mơ đẹp. Đám tang của mẹ có chư tăng đến hộ niệm cầu xin Đức Phật A Di Đà phóng quang tiếp độ vong linh mẹ. Nhân dịp thất tuần và mãn tang của mẹ, gia đình chúng tôi cũng được vinh dự tiếp đón Hòa thượng Viện chủ chùa Bảo Sơn và chư tăng đến tụng kinh cầu siêu cho hương linh của mẹ.
Ngày nay lăng mộ của ba mẹ chúng tôi nằm trên một triền đồi thấp phía sau ngôi chùa Trúc Lâm uy nghi, hoành tráng đúng như mơ ước của hai cụ lúc sinh thời.
Trên cổng vào, chúng tôi cho khắc đôi câu đối:
Công dưỡng dục ngàn năm vẫn nhớ
Nghĩa sinh thành vạn kiếp không quên.
Mẹ ơi!Những hồi ức này con kính dâng lên mẹ như một nén tâm hương nhân mùa Vu
lan báo hiếu.
Cầu xin Đức Phật A Di Đà phóng quang tiếp độ hương linh mẹ của chúng con.
Bảo Vinh, 24/ 7/ 2010