Home Đời Sống Dinh Dưỡng Rau sạch: Ước mơ xa vời của người nghèo VN

Rau sạch: Ước mơ xa vời của người nghèo VN PDF Print E-mail
Tác Giả: Vương Tỷ / Người Việt   
Thứ Năm, 18 Tháng 3 Năm 2010 10:12

SAI GÒN - Rau muống là món ăn quen thuộc của người Việt Nam,

 nhất là với người có thu nhập thấp thì món rau này hầu như “hiện diện đều đặn” trong mỗi bữa cơm, bởi lẽ rau muống là loại rau rẻ nhất ở chợ.

Rau muống nước ở Việt Nam là loại rau muống trồng trên kênh rạch hay trong ao, hồ.
(Hình: annan.vietnam)

Rau muống hiện bán ở các chợ bình dân (chợ phường, chợ xóm, chợ vỉa hè, chợ quận) có hai loại: rau muống nước và rau muống trắng (còn gọi là rau muống Tàu).

Rau muống nước là loại rau muống trồng dưới ao, dưới ruộng, kênh rạch, được trồng bằng ngọn, cắm xuống đất là phát triển thành dây bò tạo thành từng đám rộng, đọt rau mọc tượt thẳng hướng lên phía trên, phía dưới gốc rau luôn ngập nước xăm xắp. Rau muống trắng màu sắc nó xanh nhạt hơn rau muống nước, lá rau dài và hẹp bề ngang (kiểu gần giống lá tre), được trồng bằng cách gieo hạt trên những luống đất đã được làm xốp và đánh cao khỏi mặt đất thành từng vồng (gọi là liếp) giống như trồng cải xanh, cải xà lách.

Rau muống nước cọng xốp, nhẹ, mềm và giòn, ăn có vị ngọt mát. Rau muống trắng ăn nhạt và dai, không ngon bằng rau muống nước. Người dân cho rằng rau muống nước mọc ở dưới các ao hồ hoang dã, kênh rạch nên bẩn hơn rau muống trắng, công chăm sóc nhiều hơn nên giá bán rau muống trắng cao hơn rau muống nước.

Thực tế, rau muống trắng ở Sài Gòn có sạch hơn rau muống nước hay không tôi không biết, hồi ở quê tôi đã từng chứng kiến hàng xóm của tôi trồng rau muốn trắng bón bằng phân heo tươi, kinh thật. Quê tôi là vùng đất nông nghiệp chuyên canh cây lúa, nơi mà các loại chất thải công nghiệp chưa mò tới, nên tôi cho rằng rau muống nước ở quê tôi sạch hơn rau muống trắng.

Tuy nhiên, rau muống ở Sài Gòn hiện nay thì được sản xuất theo quy trình cực kỳ kinh khủng, không bẩn không phải rau muống nước Sài Gòn. Hàng trăm hecta đất trồng rau muống nước ở quận Thủ Ðức, quận 12 đang nằm trong vùng ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp từ Bình Dương chảy về các sông, kênh và người trồng múc nước sông, rạch ô nhiễm đó tưới rau. Người trồng còn phun đủ loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích để rau nhìn thấy ngon, không bị sâu và rút ngắn ngày thu hoạch. Thay vì dùng tro bếp, bây giờ người ta dùng tro đốt công nghiệp ở các xưởng thuộc da, xưởng nhuộm... để bón cho rau và lấy nhớt cặn mua từ các tiệm sửa xe máy pha với nước rửa chén để tưới rau cho rau bóng mượt.

Hậu quả của việc ăn lâu ngày các loại rau nhiễm bẩn này thì không cần nói nhiều thì ai cũng biết. Báo chí Việt Nam không ít lần xôn xao khi vào tháng 7 năm 2007, 22 công nhân của công ty sản xuất giày da Free Trend thuộc khu chế xuất Linh Trung 2, Thủ Ðức, Sài Gòn, đã phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cá ngừ và rau muống.

Ngày 11 tháng 5 năm 2009, có 246 công nhân 2 công ty Minh Nghệ, (960/3 Tô Ngọc Vân, phường Tam Bình, quận Thủ Ðức) và Thương Thăng (khu phố 4, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh) phải đưa đi cấp cứu sau khi ăn bữa trưa gồm cá ngừ kho, rau muống và canh bí.

Bình thường, tôi vẫn mua rau muống nước ở các chợ giá 4 ngàn đồng/bó/kg, trên đường đi tiện đâu mua đó. Rau chợ cọng nhỏ, lá mỏng và mượt. Cho thêm chút muối và bột ngọt vào nước, luộc xong vớt rau ra để ráo ăn rất mềm và giòn, ngọt (tất nhiên là nhờ vào vị bột ngọt), một mình tôi một ngày ăn hết cả ký rau.

Tại các siêu thị lớn, các cửa tiệm chuyên bán hoa củ quả cao cấp khu vực quận 1, quận 3 Sài Gòn mới có bán loại rau muống nước sạch đóng mỗi gói nửa ký lô, giá 10 ngàn đồng/gói. Cầm gói rau sạch trên tay, tôi thấy thân rau, lá rau không láng mướt như rau bán ngoài chợ, cọng rau to và nặng hơn nên nửa ký rau sạch nhìn thấy ít hơn rau chợ. Tôi mua hai gói rau muống sạch ở một cửa tiệm hoa quả Hà Nội ở quận 3, hết 20 ngàn đồng, định bụng ăn thử cho biết thế nào là rau muống sạch đóng gói. Cậu nhân viên bán hàng liếng thoắng lấy cho tôi xem giấy chứng nhận rau sạch được cấp, quy trình sản xuất rau thế nào thế nào (nghe xong cảm thấy chóng mặt vì quá phức tạp, quá dài) và bảo đảm với tôi rằng rau này đưa đi kiểm nghiệm không sạch tôi cứ việc bắt đền hắn, chỉ cần cho chút muối vào nước luộc, không cần cho thêm bột ngọt rau vẫn có vị rất ngọt tự nhiên.

Khi nhặt rau, tôi thấy cọng rau sạch cứng và dày hơn rau chợ, nên lúc luộc tôi cũng để thời gian nước sôi lâu hơn cho rau mềm bớt đi, vớt rau lên ăn thử quả nhiên không cần thêm chút bột ngọt rau sạch vẫn có vị ngọt hơn rau chợ, nhưng hơi cứng, nhai đến mỏi cả hàm.

Làm một bài tính đơn giản, một gia đình bốn người một ngày phải mua ít nhất 2 ký rau mới đủ ăn, như vậy riêng tiền rau sạch đã ngốn hết 40 chục ngàn đồng, tiền mua cá, thịt hoặc thức ăn mặn khác ít nhất cũng 40 ngàn đồng, gạo loại thường 2 ký hết 24 ngàn, gia vị lặt vặt 5 ngàn, chất đốt (rẻ nhất hiện nay là dầu hỏa) 1 lít 15 ngàn đồng. Như vậy, tiền ăn nếu dùng rau sạch sẽ mất 124 ngàn đồng/ngày, mua rau chợ sẽ mất 92 ngàn, tiết kiệm được 32 ngàn/ngày x một tháng (30 ngày) bằng 960 ngàn.

Một thanh niên mua nửa ký rau muống nước ở chợ Hoàng Hoa Thám (Tân Bình) giá 2 ngàn đồng. Tôi hỏi: “Sao em không mua rau muống trắng (rau muống Tàu) cho sạch hơn? Rau nước này nghe nói trồng dơ lắm, tưới chất thải công nghiệp không hà”. Cậu thanh niên cười: “Biết vậy, nhưng mua rau muống trắng giá đến 10 ngàn đồng một ký, lương công nhân làm sao đủ ăn”.

Mặt bằng lương bình quân của giới lao động phổ thông ở Sài Gòn hiện nay dao động trong khung từ 1.2 triệu/tháng đến 2 triệu/tháng, người lao động chẳng thể nào “chơi sang” đến mức chi ra 960 ngàn/tháng (chiếm bình quân 1/2 thu nhập) chỉ để... ăn rau sạch.

Mà đâu chỉ rau muống nước mới nhiễm độc, bây giờ, tất cả các thứ rau quả đều bị nhiễm đủ thứ chất độc từ thuốc bảo vệ thực vật đến thuốc kích thích tăng trưởng không rõ nguồn gốc hay thuốc bán trôi nổi nhập lậu từ Trung Quốc. Dưa hấu ngày xưa to tròn cỡ trái banh da, màu xanh đen bóng lưỡng, chưng trên bàn thờ từ trước Tết Nguyên Ðán đến sau Tết đem xuống bổ ra ruột vẫn đỏ au, đầy “cát” lóng lánh, ăn ngọt lịm. Dưa hấu bây giờ chẳng biết họ bơm vào quả dưa cái chất gì mà dưa bự ơi là bự, để dưa chưng trên bàn thờ mới hai ngày đã chảy nước, người ta biết vậy nhưng kiêng bổ dưa ngày Tết, phải để qua Tết mới hạ xuống bổ “cho nó tròn”, đến chừng bổ ra bên trong ruột dưa thúi hoắc. Có người mua nhiều cặp dưa, cặp nào chưng bàn thờ theo phong tục thì chưng, cặp nào ăn liền tại chỗ thì bổ ra, vị dưa lạt nhách, ăn thấy nó vô duyên làm sao ấy. Mà đâu chỉ có dưa hấu, riết rồi rau của quả nhập lậu từ Trung Quốc vào chất lượng dở òm bạn hàng cũng “hô biến” bằng cách chở tuốt lên Ðà Lạt trộn đất Ðà Lạt vào rồi chở xuống bán ra các chợ đồng bằng với giá hàng Ðà Lạt (cao hơn hàng Trung Quốc).

Ðau thật, biết là độc hại nhưng người nghèo vẫn phải mỗi ngày đưa thứ thức ăn độc ấy vào người. Nếu mua rau sạch thì tiền lương chỉ đủ ăn được vài ngày đầu tháng rồi cả tháng phải nhịn rau thì cũng chết, thôi thì người nghèo đành bấm bụng mua bó rau muống nước chợ, tặc lưỡi nhủ thầm: “Trời kêu ai nấy dạ”. Chết từ từ vì ăn rau nhiễm bẩn vẫn còn hơn lăn đùng ra chết đói liền lập tức.

Xem ra, giấc mơ được dùng rau sạch mỗi ngày của người nghèo vẫn còn xa xôi lắm.