Home Đời Sống Danh Nhân Bà Ngô Đình Nhu & Phong trào vì quyền phụ nữ

Bà Ngô Đình Nhu & Phong trào vì quyền phụ nữ PDF Print E-mail
Tác Giả: Việt Hà, phóng viên RFA   
Thứ Hai, 02 Tháng 5 Năm 2011 14:31

Nói đến bà Ngô Đình Nhu, người ta không thể không nói đến phong trào phụ nữ liên đới mà bà sáng lập

Chủ nhật ngày chúa phục sinh 24 tháng 4 vừa qua, cựu đệ nhất phu nhân Ngô Đình Nhu đã từ trần. Bà từng là biểu tượng một thời của người phụ nữ Việt Nam mới, cởi mở, mạnh dạn.

 AFP PHOTO / Phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài truyền thống, ảnh chụp tại Sài Gòn.

Bà cũng là người sáng lập phong trào phụ nữ liên đới, có thể coi là phong trào vì quyền của phụ nữ sớm nhất tại Việt Nam cách nay hơn nửa thế kỷ. Nhân dịp này, tạp chí phụ nữ xin gửi tới quý vị những tìm hiểu về phong trào này trong mối liên hệ với những tiến bộ mà phụ nữ Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.

Khuyến khích nâng cao trí thức

Nói đến bà Ngô Đình Nhu, người ta không thể không nói đến phong trào phụ nữ liên đới mà bà sáng lập. Đây có thể được coi là phong trào đòi bình quyền cho phụ nữ sớm nhất ở Việt Nam vào lúc bấy giờ.

Nói về phong trào này, tiến sĩ Nguyễn Xuân Lan, người đã cùng bà Nhu tổ chức phong trào cho biết:

“Mục tiêu là quen biết nhau, học hỏi nhau, khuyến khích nhau, nâng cao trí thức của nhau, nhất là khuyến khích người con gái đi học thêm.”

Bà Nguyễn Xuân Lan cho biết phong trào được bắt đầu vào khoảng năm 1959 dưới thời của tổng thống Ngô Đình Diệm. Bà Nhu khi tổ chức phong trào này, đã tìm cách liên hệ, gặp gỡ với những phụ nữ Việt Nam trí thức ở trong nước, lúc đó không phải là nhiều để bắt đầu. Bà Nguyễn Xuân Lan nhớ lại:

“Lúc tôi gặp bà Nhu là tôi mới ở ngoại quốc về, tôi tốt nghiệp đại học ở Paris và có học ở Oxford ở Anh. Lúc đó tôi làm ở bộ Ngoại giao. Lẽ dĩ nhiên tôi biết nhiều thứ tiếng. Khi phong trào phụ nữ liên đới của bà Nhu ra đời thì bà có liên lạc với tôi, nói bà có thể giúp hội phụ nữ một tay. Nếu bà chuyên về ngoại ngữ thì có nhiều người sẽ liên lạc với bà và cho biết tin tức về hội phụ nữ Việt nam.”

Phong trào kêu gọi phụ nữ ở khắp các tỉnh thành liên kết với nhau qua các hội phụ nữ. Bà Nhu và những phụ nữ đi đầu phong trào như bà Xuân Lan tích cực vận động cho việc thành lập các hội này, và tổ chức họp hội. Bà Xuân Lan giải thích về các họat động của phong trào lúc đó như sau:

“Lúc đó là lúc kết hợp các tầng lớp phụ nữ trong xã hội, chẳng những phụ nữ ở tỉnh thành mà phụ nữ ở thôn quê, phụ nữ ở xóm làng. Mỗi nơi như vậy đều có một tổ chức phụ nữ, làng cũng có, xóm cũng có, tỉnh cũng có, mà trung ương cũng có.

Họat động cụ thể thì khi có đưa ra đường lối mới về phụ nữ. Ví dụ như ở trong làng thì khuyến khích các bà mẹ cho con em đi học, khi đi học như vậy thì chúng tôi nói với nhà trường cho các em đi học miễn phí. Ở các trường ngoại tỉnh, chúng tôi cũng đến nói chuyện với các trường để khuyến khích các em gái đi học thêm, thi thêm, và nếu có thể thì khi tốt nghiệp ra, đi vào các tổ chức của chính phủ để làm việc y như những người trai trẻ khác.”

Tiên phong tại châu Á

 Bà Ngô Ðình Nhu, tại một cuộc họp báo ở New York, trong chuyến thăm ba tuần tới Mỹ, ảnh chụp ngày 08 tháng 10 năm 1963. AFP PHOTO.

Bà Xuân Lan cho rằng phong trào này có thể coi là đi tiên phong trước nhiều các quốc gia khác tại châu Á. Tuy nhiên phong trào cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu sự ủng hộ của ngay chính người dân, trong đó có cả phụ nữ. Bà Xuân Lan giải thích:

  “Có một số không nhỏ rất dè dặt. Họ thấy phong trào như vậy thì họ dè dặt vì phụ nữ là ở nhà lo cơm nước, lo cho chồng, cho con, họ không quen đi ra ngoài hội họp để biết được những phát triển trên thế giới, thành ra phần nào họ học hỏi được thêm nhưng các ông chồng cũng rất dè dặt, vì người vợ đang ở nhà chỉ biết gia đình, cơm nước, chồng con thôi, bây giờ đi ra ngoài học hỏi thêm thì lẽ dĩ nhiên họ dè dặt ghê lắm chứ.

Học hỏi thêm để về làm gì? Để bắt chồng theo ý kiến của mình, bắt chồng thực hiện những ý kiến mới, lẽ dĩ nhiên họ không thích. Cái gì mới cũng vậy, cái gì mới cũng phải có những người theo cũ, nhất là trong gia đình Việt Nam người vợ chỉ ở gia đình mà thôi.”

Phong trào phụ nữ liên đới được bắt đầu một thời gian chưa được bao lâu thì vào năm 1963, tổng thống Ngô Đình Diệm bị đảo chính.

Bà Ngô Đình Nhu phải sống lưu vong. Bà Nguyễn Xuân Lan bị dọa bắt vì nghi nắm trong tay 20 triệu bạc tiền quỹ của hội mà theo bà hoàn toàn vô căn cứ.

Bà đã phải rời nước và sang Mỹ theo sự bảo lãnh của tổng thống Mỹ Johnson. Phong trào tan rã. Bà Nguyễn Xuân Lan nói bà rất tiếc cho phong trào mới chỉ ở bước đầu thành hình, các mối liên hệ mới được nhen nhúm đã tan vỡ, kết quả chưa được bao. Theo bà Xuân Lan thì sau đó tại miền Nam Việt nam không còn một phong trào phụ nữ nào tương tự như vậy nữa.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ phong trào phụ nữ liên đới đầu tiên do bà Ngô Đình Nhu khởi xướng. Đã có nhiều thay đổi trong các phong trào về quyền ở phụ nữ diễn ra ở khắp nơi trên thế giới. Năm 1979, Liên Hiệp Quốc thông qua công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ, gọi tắt là CEDAW.

Công ước kêu gọi bình đẳng cho phụ nữ với các quyền con người cơ bản trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và dân sự. Năm 1980, Việt nam tham gia công ước này.

Bà Anurandha Rajiva thuộc chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc cho biết đến nay Việt nam đã đạt được khá nhiều những đòi hỏi trong công ước này của Liên Hiệp Quốc. Bà Anurandha Rajiva cho biết:

“Liên quan đến công ước Cedaw, Việt Nam cũng gần đạt được những đòi hỏi được đưa ra trong công ước, Việt Nam đã đạt được 83 trong số 113 chỉ số, và đây là một con số khá cao so với các nước tại châu Á.”

Việc tham gia công ước Cedaw góp phần tạo điều kiện cho các chiến lược và chương trình đảm bảo quyền của phụ nữ ở Việt Nam được phát triển. Tiến sĩ Vương Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ ở Hà nội cho biết:

“Hiện ở Việt nam về vấn đề phụ nữ thì cũng có chiến lược, luật bình đẳng giới thì quốc hội đã thông qua cuối năm 2006, cũng đang triển khai thực hiện ở các tỉnh.

 Năm 2010, cũng có chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, trong đó có mấy vấn đề quan tâm, một là tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ, thứ hai là tăng cường tiếp cận giáo dục cho phụ nữ, kể cả trẻ em gái, từ tiểu học cho đến đại học, vấn đề thứ ba là chăm sóc sức khỏe sinh sản, và một chiến lược lớn là tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các cơ quan quyền lực thí dụ như trong hội đồng nhân dân, trong quốc hội, hoặc trong các cơ quan chính quyền.”

  Những phụ nữ trẻ tại Hà Nội, ảnh chụp tháng 8 năm 2010. AFP PHOTO.

Trong bản báo cáo về sự cách biệt giới năm 2010 của diễn đàn kinh tế thế giới, trong 134 nước được xem xét, Việt nam xếp hạng thứ 72, thậm chí còn cao hơn so với Nhật bản là một nước phát triển bị xếp ở hạng 94. BÀ Saadia Zahidi, phụ trách chương trình diễn đàn các nhà lãnh đạo nữ và chương trình bình đẳng giới, đồng tác giả của bản báo cáo giải thích:

“Vấn đề với Nhật Bản là mặc dù cách biệt về y tế và giáo dục đã khép lại từ nhiều năm về trước nhưng việc tham gia vào các ngành kinh tế của phụ nữ vẫn còn rất thấp. Còn ở Việt nam thì hầu như là ngược lại. các biệt về giáo dục tại Việt nam vẫn chưa thực sự được đóng lại.

Nói ví dụ giáo dục tiểu học, tỷ lê các em nữ đi học là 90% còn nam là 95%. Tỷ lệ này so với thế giới là khá lớn. Trong khi đó việc tham gia vào các ngành kinh tế của phụ nữ Việt nam là khá tốt. Tỷ lệ này ở nữ là 74% và nam là 81%.”

Chỉ số bình đẳng giới cao

Bà Anurandha Rajiva, chuyên gia chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc thì cho rằng Việt Nam là một câu chuyện thành công trong việc khép lại bình đẳng giới. Bà nói

“Việt Nam có thể coi là một câu chuyện thành công mặc dù tôi không thể nói là chương trình đã được thự hiện đầy đủ. Việt Nam đã vượt qua một số các nước khác bao gồm cả các nước Đông Á về một số mặt. Chỉ số về bình đẳng giới của Việt nam khá gần với Malaysia, tốt hơn so với  Thái lan, Philippine, Trung Quốc và Indonesia. Có 65% phụ nữ tham gia vào thị trường lao động, trong khi tỷ lệ này trên thế giới là 53%.”

Tuy nhiên bà Rajiva cũng cho biết những hạn chế nhất định trong việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt nam như còn tỷ lệ khá cao phụ nữ tham gia lao động mà không được trả lương bình đẳng như đàn ông.

Xét về mặt chính trị, Việt Nam cũng được đánh giá là có tiến bộ hơn so với một số nước trong khu vực khi có khoảng 25% nữ trong quốc hội dù rằng con số này vẫn chưa phải là cao tương xứng với khả năng đóng góp của phụ nữ.

Người đại diện của Liên Hiệp Quốc chỉ ra một số mặt hạn chế trong vấn đề bình đẳng giới tại Việt Nam như sau:

“Vẫn còn những cách biệt, ví dụ như việc thực hiện luật, vẫn còn những phân biệt đối xử trong công việc đói với phụ nữ. Phụ nữ bị cấm làm một số việc mà những nhà làm chính sách cho rằng để bảo vệ phụ nữ nhưng xét về một khía cạnh nào đó thì lại phân biệt đối xử.

 Không có luật liên quan đến quấy rối tình dục tại chỗ làm, nạn bào lực gia đình ở Việt nam còn khá phổ biến. Nhìn chung là về mặt chính sách Việt Nam đã có những tiến bộ nhưng về mặt thực tế thì vẫn còn cách biệt và đó là điều họ phải cải thiện.”

Một con số thống kê gần đây cho thấy cứ 3 người phụ nữ Việt Nam đã từng có chồng thì có 1 người là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Đói nghèo cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều phụ nữ Việt nam bị buôn bán qua biên giới dưới dạng đi lao động bất hợp pháp hay kết hôn vì lý do kinh tế hoặc để phục vụ cho công nghiệp tình dục ở các nước khác.

 Con số thống kê của chương trình hành động phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004 đến 2010 cho thấy số nạn nhân bị mua bán đã lên đến gần 5,000 người. Và đây chỉ là con số thống kê mang tính tương đối.

Hơn 50 năm kể từ ngày phong trào phụ nữ liên đới do bà Ngô Đình Nhu khởi xướng đã trôi qua.

Phong trào chỉ tồn tại trong một thời gian quá ngắn để có thể tạo ra những kết quả như mong muốn của bà Ngô Đình Nhu.

 Nhưng những thay đổi trên thế giới trong phong trào đòi bình quyền cho phụ nữ từ đó đến nay đã tạo điều kiện cho những mong muốn của bà được thực hiện dù ít hay nhiều, đó là khuyến khích nâng cao trí thức, tinh thần của người phụ nữ Việt Nam.