Home CĐ Việt Du Học Mỹ Đại Học Mỹ Khung trời đại học: East-West Center ở Hawaii

Khung trời đại học: East-West Center ở Hawaii PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Hà Sơn   
Thứ Bảy, 28 Tháng 3 Năm 2009 07:28

Lịch sử

Trong một văn thư đề ngày 16 Tháng Hai năm 1959 của Giáo Sư Murray Turnbull, khoa trưởng Phân Khoa Nghệ Thuật và Khoa Học thuộc đại học University of Hawaii ở Manoa, Honolulu, gửi cho Giáo Sư Norman Meller, chủ tịch hội đồng giảng huấn của trường này, ông đề nghị thành lập một phân khoa tên là International College of Cultural Affairs (Trường Cao Ðẳng Quốc Tế Văn Hóa Vụ), nhưng Viện Trưởng Laurence Snyder của hệ thống đại học University of Hawaii nói rằng hệ thống này không có đủ ngân sách để thực hiện một sáng kiến nhiều cao vọng nhưng rất tốn kém như vậy.

Hai tháng sau đó, có những bản tin phát thanh ở Hawaii về một bài diễn văn của Nghị Sĩ Dân Chủ Lyndon B. Johnson, chủ tịch Khối Ða Số Thượng Viện, đọc ngày 16 Tháng Tư 1959 ở Washington, D.C., trong đó ông đề nghị thành lập một trường đại học quốc tế ở Hawaii “như là một nơi gặp gỡ cho các nhà trí thức của Ðông và Tây,” Giáo Sư Meller liền thúc giục Viện Trưởng Snyder hãy đáp ứng lập tức với đề nghị của ông Johnson. Khi thấy có thể xin chính phủ liên bang tài trợ, Viện Trưởng Snyder bổ nhiệm một ủy ban do Giáo Sư Turnbull cầm đầu để cấp tốc soạn thảo một đề nghị đầy đủ chi tiết cho dự án thành lập một trường cao đẳng quốc tế ở Hawaii.

Ngày 9 Tháng Sáu năm 1959, Nghị Sĩ Johnson đệ trình một dự luật lên Thượng Viện Hoa Kỳ để thành lập một trung tâm giáo dục ở Hawaii nhằm cung cấp một nơi “trao đổi văn hóa và kỹ thuật giữa Ðông và Tây.” Ðồng thời, cũng có một dự luật tương tự tại Hạ Viện Hoa Kỳ, tên là Mutual Security Act, do Ðại Biểu John A. Burn của lãnh thổ Hawaii đệ trình và được Tổng Thống Dwight D. Eisenhower ký ngày 24 Tháng Bẩy 1959, trong đó có một điều khoản yêu cầu Bộ Ngoại Giao hãy nghiên cứu đề nghị của Nghị Sĩ Johnson và báo cáo cho Quốc Hội trước ngày 3 Tháng Giêng năm 1960.

Ngày 14 Tháng Năm 1960, Tổng Thống Eisenhower ký ban hành đạo luật Mutual Security Act (Ðạo Luật An Ninh Hỗ Tương) trong đó cho phép thành lập trung tâm Center for Cultural and Technical Interchange Between East and West (sau này được gọi vắn tắt là East-West Center, Trung Tâm Ðông-Tây) tại đại học University of Hawaii.

Ngày 25 Tháng Mười 1960, hệ thống đại học University of Hawaii ký kết một thỏa ước tài trợ với Bộ Ngoại Giao để thành lập và điều hành East-West Center, và nhận được những ngân khoản trợ cấp đầu tiên từ ngân quĩ liên bang vào ngày 8 Tháng Mười Một năm 1960.

Giáo Sư Murray Turnbull của University of Hawaii được chỉ định để giữ chức khoa trưởng lâm thời của trung tâm này cho tới cuối năm 1961, trước khi bàn giao chức vụ cho nhà nhân chủng học Alexander Spoehr - người đã giữ chức giám đốc viện bảo tàng Bernice Pauhi Bishop Museum ở Honolulu từ năm 1953 tới năm 1961. Ông Spoehr đảm nhiệm chức vụ khoa trưởng chính thức đầu tiên của East-West Center cho tới khi ông từ chức vào cuối năm 1963. Kế đó, Viện Trưởng Thomas H. Hamilton của University of Hawaii được bổ nhiệm vào chức khoa trưởng lâm thời của East-West Center từ Tháng Giêng năm 1964 tới Tháng Sáu năm 1965, trước khi bàn giao cho ông Howard P. Jones, cựu đại sứ Mỹ ở Indonesia (1958-1965). Ông Jones giữ chức khoa trưởng của trung tâm cho tới Tháng Tám năm 1968, trước khi bàn giao cho ông Everett Kleinjans - người đã giữ chức phó viện trưởng của trường đại học International Christian University ở Tokyo và đã sống ở Á Châu 16 năm.

Những cơ sở của East-West Center

Ngày 9 Tháng Năm 1961, Phó Tổng Thống Lyndon Johnson tới tham dự nghi lễ vỡ đất cho sáu tòa nhà đầu tiên trong khuôn viên rộng 21 mẫu Anh (85,000 mét vuông) của East-West Center.

Bốn trong sáu tòa nhà đã hoàn tất và khai trương trong Tháng Chín 1962:

- Edmondson Hall (một tòa nhà bốn tầng, gồm những giảng đường và phòng thí nghiệm).
- Kennedy Theatre (một rạp hát có 800 chỗ ngồi).
- Hale Kuahine (ký túc xá bốn tầng dành cho 120 nữ sinh viên).
- Lincoln Hall (một tòa nhà bốn tầng dùng làm gia cư cho ban giảng huấn và các nghiên cứu sinh).

Hai tòa nhà còn lại được khánh thành trong Tháng Chín năm 1963, gồm:

- Jefferson Hall (một tòa nhà bốn tầng dùng làm hội trường, phòng ăn, và văn phòng hành chánh).
- Hale Manoa (ký túc xá 13 tầng dành cho nam sinh viên).

Trong năm 1963, một tổ chức thương gia Nhật Bản hiến tặng một vườn hoa kiểu Nhật - được thiết lập phía sau Jefferson Hall. Trong năm 1972, tổ chức trà-đạo Nhật Urasenke Foundation hiến tặng trà-quán Chashitsu Jakuan (Thanh Bình Trà Quán), được thiết lập trong vườn hoa này.

Trong năm 1967, quốc vương và hoàng hậu Thái Lan hiến tặng và đến đây tham dự lễ khánh thành một kiến trúc truyền thống Thái Lan tên là “Thai Pavilion.”

Trong năm 1969, tòa nhà bốn tầng Moore Hall, do kiến trúc sư Hideo Murakami thiết kế, được xây cất bằng tiền tài trợ của liên bang.

Trong năm 1977 tòa nhà John A. Burns Hall, do kiến trúc sư John Hara thiết kế, được khánh thành. Tòa nhà bốn tầng này, gồm những văn phòng hành chánh, được xây bằng tiền tài trợ của tiểu bang Hawaii.

Những chương trình của EWC

Chương trình nghiên cứu

Chương trình này thi hành những cuộc nghiên cứu về phát triển kinh tế, mậu dịch, năng lượng, chính trị, an ninh, giảm xung đột, dân số, y tế và môi sinh. Trong số những chương trình nghiên cứu của EWC có Pacific Islands Development Program (Chương Trình Phát Triển Những Ðảo Thái Bình Dương), là chương trình nghiên cứu và huấn luyện của tổ chức Pacific Islands Conference of Leaders (Hội Nghị Lãnh Tụ Ðảo Thái Bình Dương) bao gồm 20 đảo quốc trong vùng Thái Bình Dương.

Chương trình giáo dục

Chương trình này cung cấp những cơ hội giáo dục cho sinh viên, những khóa hội thảo và huấn luyện bổ túc cho các nhà giáo dục từ Hoa Kỳ và các quốc gia trong vùng Á Châu Thái Bình Dương. Chương trình này được thi hành với sự hợp tác của hệ thống đại học University of Hawaii và những trường đại học khác trong tiểu bang Hawaii.

Những khóa hội thảo Ðông-Tây

Những khóa hội thảo Ðông-Tây qui tụ các chuyên gia thuộc các cơ quan chính phủ, các tổ chức dân sự, kinh doanh và truyền thông, đến đây để tham dự những chương trình hội luận nhằm trao đổi và chia sẻ những kiến thức, đồng thời thảo luận về những vấn đề liên quan tới vùng Á Châu Thái Bình Dương và thế giới. Trong số những chương trình hội thảo có:

- Chương Trình Truyền Thông (Media Program), cung cấp cho giới ký giả những cơ hội để khảo sát trực tiếp những vấn đề liên quan tới vùng Á Châu Thái Bình Dương và Hoa Kỳ.

- Senior Policy Seminar (Hội Thảo Chính Sách Cao Cấp), qui tụ các giới chức ngoại giao và an ninh cao cấp, các kinh tế gia và doanh gia, để thảo luận về những vấn đề trong vùng Á Châu Thái Bình Dương.

- Asia Pacific Executive Forum (Diễn Ðàn Quản Trị Á Châu Thái Bình Dương), qui tụ các quản trị viên cao cấp, các nhà tạo chính sách của các chính phủ, và những chuyên gia của EWC, để thảo luận về những vấn đề ảnh hưởng tới các lãnh vực kinh tế và kinh doanh trong vùng Á Châu Thái Bình Dương.

Phòng Ngoại Vụ

Phòng Ngoại Vụ (Office of External Affairs) đảm nhiệm những công tác phối trí giữa các chương trình của East-West Center với các cộng đồng địa phương, với toàn quốc Hoa Kỳ và thế giới qua những chương trình giáo dục, xã hội, và truyền thông. Trong Phòng Ngoại Vụ có Phòng Thông Tin (News and Information Office), cung cấp cho giới ký giả và công chúng những kết quả nghiên cứu của EWC, những ý kiến, và những cuộc phân tích về các vấn đề trong vùng.

Chương Trình Nghệ Thuật (Arts Program) của Phòng Ngoại Vụ, đảm nhiệm việc tổ chức những cuộc trình diễn văn nghệ và những cuộc triển lãm để trình bầy những giá trị văn hóa và nghệ thuật thuộc các truyền thống dân tộc và sắc tộc trong vùng Á Châu Thái Bình Dương.

Phòng Cựu Sinh Viên (Alumni Office) cộng tác với hiệp hội East-West Center Association, một mạng lưới quốc tế gồm những chuyên gia thuộc hơn 50 nước đã từng có liên hệ với East-West Center trong quá khứ.

Tài trợ

Khoảng một nửa ngân quĩ của EWC phát xuất từ chính phủ liên bang, phần còn lại do những đóng góp từ các chính phủ trong vùng, các tổ chức tư nhân, và các cơ sở kinh doanh. Trong năm 2005 EWC được trợ cấp tổng cộng 37 triệu đô-la, trong số đó có 19.2 triệu từ chính phủ Hoa Kỳ.

Những ảnh hưởng của East-West Center

Những ảnh hưởng của EWC có tầm mức khá sâu rộng. Hơn 55,000 người từ nhiều quốc gia đã tham dự những chương trình của EWC kể từ năm 1960, trong số đó có nhiều người hiện đang giữ những chức vụ lãnh đạo ở Hoa Kỳ và các quốc gia trong vùng Á Châu Thái Bình Dương. Trong số các cựu sinh viên có những thủ tướng, bộ trưởng, viện trưởng đại học, tổng quản trị xí nghiệp, các ký giả, nghệ sĩ nổi tiếng, và các nhà giáo dục.

Phòng trưng bầy East-West Center Gallery

East-West Center Gallery đảm nhiệm những cuộc triển lãm để trình bầy những tác phẩm văn hóa và nghệ thuật truyền thống và hiện đại của các nước trong vùng Á Châu Thái Bình Dương. Phòng trưng bầy này tọa lạc trong khuôn viên của University of Hawaii ở Honolulu và mở cửa hàng ngày, trừ ngày Thứ Bẩy hàng tuần. Những cuộc trình diễn văn nghệ cũng thường được tổ chức ở đây.

Hội Friends of the East-West Center

Hội Friends of the East-West Center (Hội Ái Hữu East-West Center) là một tổ chức thiện nguyện bất vụ lợi được thành lập ngày 12 Tháng Mười Hai năm 1962. Các văn phòng của tổ chức này đặt tại tòa nhà John A. Burns Hall của East-West Center ở Honolulu.

Mục tiêu chính yếu của Hội Ái Hữu East-West Center là quảng bá những thông tin về EWC, đồng thời chia sẻ những tài nguyên của EWC với các cộng đồng địa phương. Tổ chức này chú trọng vào việc phổ biến cho công chúng biết về sứ mạng và những hoạt động của EWC bằng cách bắc một nhịp cầu giữa trung tâm này và cộng đồng.

Trong số những chương trình do Hội Ái Hữu East-West Center bảo trợ có những cuộc diễn thuyết của các diễn giả quốc tế về các vấn đề hiện đại, để giúp gia tăng hiểu biết về vùng Á Châu Thái Bình Dương, đồng thời củng cố những liên hệ giữa Hoa Kỳ và vùng này. Những đề tài diễn thuyết bao gồm các địa hạt chính trị, kinh tế, xã hội, và văn hóa. Trong số các diễn giả có những đại sứ, những học giả, ký giả và nhà văn nổi tiếng.