Muốn vào đại học? Hãy biết nhờ cậy ‘counselor’ trong trường Print
Tác Giả: Lê Tâm (theo US News and World Report)   
Thứ Năm, 07 Tháng 4 Năm 2011 14:27

Giải pháp ít tốn kém nhất là qua Bộ Giáo Dục, với chương trình Education's College Navigator

 Trong tiến trình chuẩn bị nộp đơn vào xin vào đại học của các học sinh trung học, có một nơi rất quan trọng mà thực ra nhiều học sinh -và ngay cả các bậc cha mẹ- không biết đến để nhờ cậy, hay ‘sử dụng’ tối đa, đó là văn phòng giáo sư cố vấn/hướng dẫn học sinh trong trường.

Nhưng với hàng trăm học sinh phải hướng dẫn, cắt giảm nhân sự vì thiếu hụt ngân sách, và thường thì cũng phải lo việc giảng dạy bên cạnh nhiệm vụ cố vấn, các vị cố vấn này không thể dành quá nhiều thời giờ để chỉ dẫn cho học sinh về các vấn đề liên quan đến đại học.

Theo một cuộc nghiên cứu do tổ chức cố vấn National Association for College Admission Counseling (NACAC) thực hiện năm 2005, thì trung bình mỗi giáo sư cố vấn chỉ có thể dành 38 phút cho mỗi học sinh để hướng dẫn mỗi năm, và theo một thống kê khác của National Center for Education Statistics thì trung bình mỗi trường công lập có khoảng 457 học sinh cho mỗi giáo sư cố vấn.

Dĩ nhiên những con số này cũng như hiệu quả có thể thay đổi tùy theo từng trường, nơi tầm vóc quan trọng của giáo sư cố vấn được đặt vào mức nào. Dù sao đi nữa, để có sự hiệu quả tối đa, người học sinh phải chuẩn bị cẩn thận để thời gian tham khảo được dùng một cách hợp lý.

Ðiểm đầu tiên, là thay vì chỉ nghĩ đến việc xin vào một số trường nào đó, người học sinh hãy viết xuống loại trường nào mình muốn được vào học và loại trường nào mình -không-muốn vào học. Nghĩa là, thay vì đi gặp giáo sư hướng dẫn với một danh sách trường, hãy có một danh sách về tiêu chuẩn của trường bạn muốn vào học.

Ông Jim Miller, chủ tịch tổ chức NACAC và là điều hợp viên nghiên cứu thu nhận sinh viên tại đại học University of Wisconsin-Superior, nói rằng người học sinh “phải nghĩ là tại sao mình muốn vào đại học-nghĩ về những gì họ muốn học, xem xét lại khả năng và lòng ham muốn học hỏi của mình (nghĩa là liệu có chịu vùi đầu vào sách vở hay không?).

Một điều nữa cũng quan trọng là họ có muốn đi học xa (điều nhiều học sinh mơ tưởng để có cơ hội ‘thoát’ khỏi gia đình), hay đi học gần? Ðối với những học sinh có năng khiếu thể thao, liệu họ có nhắm đến một trường nào đó có chương trình phù hợp để có cơ hội kiếm được học bổng hay không?

Nói tóm lại, thay vì tìm cách chọn sẵn một số trường nào đó theo ý tưởng của mình (đôi khi không dựa trên một căn bản rõ ràng nào), người học sinh hãy để cho giáo sư hướng dẫn giúp mình xem hết các chọn lựa để rồi đi đến danh sách những trường phù hợp nhất.

Người học sinh (hoặc các bậc cha mẹ) cũng không nên quá lo lắng về chương trình học, trừ phi là có ý tưởng theo đuổi một ngành thật đặc biệt nào đó.

Và dù rằng các giáo sư cố vấn thường rất bận rộn, đa số các trường trung học đều có chương trình giúp đỡ hướng dẫn học sinh theo nhóm hoặc cá nhân, thường khi cũng hân hoan đón nhận sự góp sức của phụ huynh trong việc chuẩn bị cho học sinh vào đại học. Có trường chuẩn bị điều này ngay từ khi ở lớp 10 chứ không đợi đến lớp 11 hay 12.

Nếu người học sinh cần sự giúp đỡ đặc biệt hay nhà trường vì lý do nào đó không có giáo sư hướng dẫn, cũng có các giải pháp khác.

Giải pháp ít tốn kém nhất là qua Bộ Giáo Dục, với chương trình Education's College Navigator (http://nces.ed.gov/collegenavigator/) sẽ giúp học sinh chọn trường dựa trên những tiêu chuẩn đưa ra.

Và cho những người cần có sự giúp đỡ kỹ càng hơn, các cố vấn riêng (có trả tiền) cũng là nơi nên tìm đến. Các cố vấn này có thể tìm thấy qua sự giới thiệu của chính văn phòng trường hay trên mạng.

Các công ty chuyên môn này sẽ hướng dẫn người học sinh với lệ phí khoảng từ $150 đến $500 một giờ hay trả giá cho nguyên chương trình (khởi sự ở mức căn bản nhất là vào khoảng $3,000) để có người làm việc với học sinh cho đến khi được nhận vào trường.