Ðại Học MIT Print
Tác Giả: Vann Phan   
Thứ Năm, 24 Tháng 3 Năm 2011 08:38

Ðược xem là một đại học chuyên về kỹ thuật hàng đầu của thế giới

Viện Kỹ Thuật MIT, tức Massachusetts Institute of Technology, là một trường đại học tư tọa lạc tại Cambridge, tiểu bang Massachusetts.

 
Tòa nhà Maclaurin Building trong khuôn viên Viện Kỹ Thuật MIT. (Hình: Joe Raedle/Getty Images)
 
Ðược xem là một đại học chuyên về kỹ thuật hàng đầu của thế giới, MIT có năm schools và một college bao gồm một tổng số là 32 departments (phân khoa) chú trọng cách riêng tới việc nghiên cứu khoa học và kỹ thuật.

 Ðại cương

Ðược thành lập hồi năm 1861 để đáp ứng tiến trình kỹ nghệ hóa gia tăng của Hoa Kỳ, viện kỹ thuật này lấy theo mẫu của các trường đại học bách khoa Âu Châu, và từ những ngày đầu thành lập đã chú trọng tới phương thức giáo dục thực nghiệm.

Sự chú trọng của MIT vào kỹ thuật ứng dụng ở bậc cứ nhân và cao học dẫn đến việc cộng tác chặt chẽ với giới công kỹ nghệ khắp nơi.

Viện Kỹ Thuật MIT gia nhập Asscociation of American Universities (Hiệp Hội Ðại Học Hoa Kỳ) vào năm 1934 và các nhà nghiên cứu tại đây tham dự vào những nỗ lực phát triển ngành điện toán, ra-đa, điều khiển quán tính liên hệ tới các chương trình nghiên cứu quốc phòng trong thời Thế Chiến Hai và Chiến Tranh Lạnh.

Khuôn viên đại học hiện tại rộng 168 mẫu Anh (tức 68 mẫu Tây) được khánh thành vào năm 1916 và trải dài trên 1 dặm dọc theo dải đất bên bờ phía Bắc của sông Charles River.

 Trong vòng 60 năm qua, các môn ngành của MIT đã phát triển vượt ra ngoài khoa học vật lý và kiến tạo để tiến vào cả các lãnh vực khác như sinh học, kinh tế học, ngôn ngữ học, khoa học chính trị và quản trị kinh doanh.

Trong năm học 2009-2010, Viện Kỹ Thuật MIT hiện có 4,232 sinh viên bậc cử nhân và 6,152 sinh viên bậc cao học và tiến sĩ, với ban giảng huấn gồm 1,009 người. Năm 2009, tổng chi phí nghiên cứu của MIT lên tới 718.2 triệu đô-la và MIT có một quỹ hiến tặng lên tới 8 tỉ đô-la.

 Tổ chức và quản trị

 Viện Kỹ Thuật MIT hưởng quy chế một tổ chức bất vụ lợi và do một hội đồng quản trị, gọi là MIT Corporation, sở hữu và điều hành.

Hội đồng hiện nay gồm 43 thành viên giữ nhiệm kỳ 5 năm, 25 thành viên suốt đời có quyền bỏ phiếu cho tới khi 75 tuổi, ba giới chức được tuyển chọn (Chủ Tịch, Thủ Quỹ và Thư Ký) và bốn thành viên có chức phận ngoài đời (ex officio), trong đó có chủ tịch hội cựu sinh viên, Thống Ðốc Massachusetts, Bộ Trưởng Giáo Dục Massachusetts, và Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện Massachusetts.

Hiện tại, chủ tịch hội đồng là John S. Reed, nguyên chủ tịch Thị Trường Chứng Khoán New York và hệ thống tài chánh City Group. Vị viện trưởng thứ 16 và đương nhiệm của Viện Kỹ Thuật MIT là Susan Hockfield, một chuyên gia molecular neurobiologist (thần kinh sinh vật học phân tử) và cũng là vị nữ viện trưởng đầu tiên của MIT.

 Ðời sống sinh viên

 Sinh viên bậc cử nhân được bảo đảm có đủ bốn năm nội trú tại một trong 12 ký túc xá của Viện Kỹ Thuật MIT, mặc dù vẫn có 8 phần trăm sinh viên sống bên ngoài khuôn viên đại học trong các cộng đồng cư dân.

Tại các ký túc xá, sinh viên nội trú được hưởng các dịch vụ dây kèm do các sinh viên cao học phụ trách trong khi các nhân viên quản lý cũng có mặt để giúp đỡ sinh viên mà cũng vừa để theo dõi các vấn đề sức khỏe của sinh viên.

Sinh viên được quyền lựa chọn ký tú xá và tầng lầu để ở khi mới đến trường, vì thế các nhóm sinh viên ở với nhau hay tạo thanh những cộng đồng sinh viên nhỏ. MIT cũng còn có năm ký túc xá dành cho sinh viên cao học ở một mình, và hai tòa nhà cư xá trong khuôn viên đại học dành cho các gia đình.

Chương trình bậc cử nhân

 Chương trình bốn năm, toàn thời gian của bậc cử nhân với mục tiêu là sự cân bằng giữa nghệ thuật và khoa học tại MIT cung ứng 44 loại văn bằng cử nhân qua năm schools của viện.

Trong năm 2009, Viện MIT cấp phát 1,146 bằng bachelor of science (SB). Trường School of Engineering (Ðại Học Kiến Tạo) là khoa phổ thông nhất chiếm 44.5 phần trăm tổng số sinh viên của MIT trong 19 chương trình học. Kế đó là trường School of Humanities, Arts, và Social Sciences (Ðại Học Nhân Văn, Nghệ Thuật & Xã Hội) chiếm 3.5 phần trăm tổng số sinh viên của MIT, trường Sloan School of Management (Ðại Học Quản Trị Sloan), và trường School of Architecture and Planning (Ðại Học Kiến Trúc và Hoạch Ðịnh).

  Tòa nhà MIT Media Lab, nơi nghiên cứu và phát triển kỹ thuật điện toán tân tiến. (Hình: Madcoverboy/wikipedia)
 
Các chương trình lớn nhất của bậc cử nhân là Electrical Engineering and Computer Science (Ðại Học Kiến Tạo Ðiện và Ðiện Toán), trường Mechanical Engineering (Ðại Học Kiến Tạo Cơ Khí), trường Computer Science and Engineering (Ðại Học Ðiện Toán và Kiến Tạo), trường Biology (Ðại Học Sinh Học), và trường Mathematics (Ðại Học Toán).

 Chương trình học bậc cao học và tiến sĩ

 Các chương chính học bậc cao học và tiến sĩ tại Viện Kỹ Thuật MIT với mục tiêu dẫn đến học vị tiến sĩ có liên hệ mật thiết với các chương trình bậc cử nhân thuộc các lãnh vực nhân văn, khoa học xã hội, và các lãnh vực STEM (khoa học, kỹ thuật, kiến tạo và toán).

Các văn bằng do MIT cấp phát bao gồm Master of Science, Doctor of Philosophy, và Doctor of Science; các văn bằng chuyên nghiệp như Master of Business Administration, Master of Finance, Master of Architecture, Master of Engineering, và Engineer's Degree; cùng các chương trình cao học liên ngành như MD/PhD chung với Harvard Medical School.

 Số sinh viên theo học

 Trong niên khóa 2009-2010, Viện Kỹ Thuật MIT có số sinh viên ghi danh học theo từng chủng tộc như sau:

Mỹ da trắng: 42.5% (bậc cử nhân); 40.8% (bậc cao học & tiến sĩ)

Mỹ gốc Á: 25.6% (bậc cử nhân); 9.4% (bậc cao học & tiến sĩ)

Mỹ gốc Hispanic: 13.2% (bậc cử nhân); 3.3% (bậc cao học & tiến sĩ)

Mỹ gốc Phi Châu: 8.5% (bậc cử nhân); 2.1% (bậc cao học & tiến sĩ)

Mỹ gốc Da Ðỏ: 1.0% (bậc cử nhân) ; 04% (bậc cao học & tiến sĩ)

Quốc tế: 9.2% (bậc cử nhân); 44% (bậc cao học & tiến sĩ)

 Cựu sinh viên MIT

 MIT có trên 120,000 cựu nam, nữ sinh viên từng gặt hái nhiều thành công lừng lẫy trên các lãnh vực nghiên cứu khoa học, công quyền, giáo dục, và kinh doanh. Một tổng số là 76 cựu sinh viên MIT đoạt Giải Nobel, 44 người là học giả Rhodes Scholars, và 55 người là học giả Marshall Scholars.

Cưu sinh viên MIT trên chính trường và công quyền gồm có Chủ Tịch Quỹ Dự Trữ Liên Bang Ben Bernanke, Dân Biểu John Olver của Massachusetts, Dân Biểu Pete Stark của California, Chủ Tịch Hội Ðồng Kinh Tế Quốc Gia Lawrence H. Summers, và cựu nữ Chủ Tịch Hội Ðồng Cố Vấn Kinh Tế Christina Romer.

Các cựu sinh viên ngoại quốc tại MIT gồm có Ngoại Trưởng Anh David Miliband, Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu, cựu Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, và cựu Phó Thủ Tướng Iraq Ahmed Chalabi.

(Viết theo Wikipedia và colleges.usnews.rankingsandreviews.com)