Home CĐ Việt Du Học Mỹ Đại Học Mỹ Ðại học mắc tiền: Có đáng không?

Ðại học mắc tiền: Có đáng không? PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Tâm (theo NY Times)   
Chúa Nhật, 26 Tháng 12 Năm 2010 13:57

 Ở thời điểm hàng trăm ngàn học sinh trên khắp nước Mỹ đang vội vã hoàn tất hồ sơ ghi danh đại học cho kịp hạn kỳ cuối năm,

có một câu hỏi cũng cần đặt ra là: Việc chọn lựa nơi bạn dành bốn năm sắp tới của mình có quan trọng thế không?

 Ðại Học Harvard University, nhìn ra Lowell House. Mắc thì mắc thiệt, nổi tiếng thì nổi tiếng thiệt, nhưng có đáng không? (Hình: Kris Snibbe/Harvard Staff Photographer)

Tình hình kinh tế suy thoái và mức gia tăng trong chi phí đại học chỉ thúc đẩy thêm cuộc tranh luận là liệu các trường đại học danh tiếng, đắt tiền có tạo sự khác biệt gì khi người sinh viên tốt nghiệp hay không?

Liệu họ có kiếm được nhiều tiền hơn không? Có được thêm cơ hội vào những chương trình học cao hơn hay chăng? Hay tạo được các mối quan hệ cần thiết về sau?

 Nhưng điều quan trọng hơn nữa là liệu họ sẽ được hài lòng với đời sống, hay ít nhất là trong công việc của họ về sau?

Ðể có câu trả lời cho những câu hỏi như thế này thật không phải là điều dễ dàng. Bạn sẽ không tìm thấy điều mình muốn biết từ những dữ kiện thường được đưa ra như bảng sắp hạng các đại học, số điểm SAT trung bình, mức độ ứng viên bị bác đơn... Và rõ ràng là cũng khó mà đo lường được những điều như mức độ hài lòng với đời sống, ở thời điểm 5 năm, 10 năm sau khi ra trường.

Thêm nữa, làm thế nào người ta có thể tính ra được là ngôi trường đó đóng góp được bao nhiêu phần trăm vào sự thông minh, năng lực và tinh thần cố gắng của người sinh viên tốt nghiệp?

Các nhà kinh tế và xã hội học từng cố gắng tìm cách trả lời các câu hỏi này. Kết quả nghiên cứu của họ cũng cho thấy là các trường “danh giá” có phần nào tạo sự khác biệt trong mức thu nhập và khả năng được nhận vào các chương trình học hậu đại học. Nhưng còn về sự hạnh phúc trong đời sống thì sao? Ðó lại là một vấn đề khác.

Một cuộc khảo sát thường được nhắc đến, do các nhà kinh tế thuộc RAND Corporation cùng đại học Brigham Young và Cornell thực hiện, cho thấy “có chỉ dấu rõ ràng về mức gia tăng trong sự thu hoạch kinh tế do theo học trường tư danh tiếng, và cũng có bằng chứng cho thấy điều này cũng tăng lên theo thời gian.”

Các nhà nghiên cứu này nhận thấy rằng những người tốt nghiệp các trường danh tiếng, có sự chọn lọc cao nhất, trung bình mỗi năm kiếm nhiều tiền hơn đến 40% so với những người tốt nghiệp từ các trường đại học công lập ít chọn lọc nhất, căn cứ theo con số có được 10 năm sau khi những người này tốt nghiệp trung học.

Cũng các nhà nghiên cứu này thấy rằng “theo học một đại học tư danh tiếng gia tăng khả năng được nhận vào chương trình hậu đại học, nhất là các chương trình ở những đại học nghiên cứu lớn.”

Cũng có điều cần phải lưu ý ở đây là các cuộc nghiên cứu này, vốn theo dõi hơn 5,000 sinh viên tốt nghiệp trong cả thập niên, tự nó cũng đã cũ khoảng chục năm rồi. Trong thời gian đó, chi phí theo học các trường đại học tư thục “danh giá” cũng tăng lên, vượt hẳn hơn mức gia tăng của các trường đại học công, ngay ở những tiểu bang phải gia tăng học phí vượt mức vì ngân sách cắt giảm như California.

Một thí dụ điển hình là tiền học và các chi phí ở trường Princeton năm nay hơn $50,000 trong khi giá đại học Rutgers, đại học công lập tiểu bang New Jersey, ở gần đó, chỉ bằng gần một nửa.

Tuy vậy, một số chuyên gia tham dự cuộc nghiên cứu năm 1998 cho hay họ không thấy có chỉ dấu gì quan trọng để phải thay đổi kết luận đưa ra khi trước.

Giáo Sư Eric R. Eide, khoa trưởng khoa Kinh tế Ðại Học Brigham Young, nói rằng “Giáo dục là sự đầu tư lâu dài. Có thể là tình hình kinh tế khiến người ta ngần ngại khi trả tiền học. Người ta có thể không muốn mượn nợ trong lúc này. Theo ý kiến của tôi, người ta nên nhìn về tương lai lâu dài của đứa trẻ.”

Giáo Sư Eide cho biết thêm, “Tôi không nghĩ là chi phí đại học gia tăng cao hơn là những lợi lộc tài chánh thu lại được do tốt nghiệp từ một đại học tư danh tiếng.”

Thế nhưng vẫn còn một câu hỏi khác về ảnh hưởng của trường so với khả năng và cá tính của người sinh viên tốt nghiệp. Nói cách khác, nếu một người được nhận vào một đại học danh tiếng nhưng lại quyết định theo học một đại học ít nổi tiếng hơn, liệu trên đường dài mức thu nhập của người này có khác hơn của một sinh viên tốt nghiệp đại học nổi tiếng kia không?

Năm 1999, một nhóm kinh tế gia thuộc Ðại Học Princeton và cơ quan Andrew W. Mellon Foundation nghiên cứu vấn đề này và thấy rằng mức thu nhập của hai nhóm có vẻ như ngang bằng nhau-và có khi còn nghiêng về những người chọn con đường ít tốt kém, vào trường ít danh tiếng hơn.

Nhưng mức thu nhập, và ngay cả việc được nhận vào những chương trình hậu đại học, cũng chỉ là hai trong nhiều yếu tố đo lường sự thành công của người sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Hồi đầu năm nay, hai giáo sư chuyên về lao động và giáo dục tại trường đại học Pennsylvania State University và một nhà xã hội học tại đại học Claremont Graduate University ở California, tìm cách trả lời câu hỏi là liệu những người tốt nghiệp đại học danh tiếng nói chung có cảm thấy hài lòng với công việc của họ hơn là những người theo học các trường ít nổi tiếng hay không.

Dựa trên dữ kiện thu thập từ gần 5,000 sinh viên tốt nghiệp cử nhân năm 1992 và 1993, rồi sau đó được theo dõi trong suốt gần một thập niên, nhóm nghiên cứu này thấy rằng “sự hài lòng trong công việc làm có giảm chút ít, tương ứng với mức độ gia tăng về sự chọn lọc của trường.”

Các tác giả cuộc nghiên cứu này cho rằng đây có thể vì sự trông đợi của những người tốt nghiệp các trường danh tiếng, nhất là trong lãnh vực thu nhập tài chánh, có thể cao hơn do đó dễ bị thất vọng hơn là những người tốt nghiệp từ những trường ít có tiếng hơn.

Vậy thì liệu đi học trường danh tiếng, mắc tiền, có đáng không?

Câu trả lời, theo nhà xã hội học Scott L. Thomas ở trường Claremont Graduate College University, là: Còn tùy.

Thí dụ, một người biết rằng mình cần phải có công việc làm hưởng mức lương chắc chắn ngay sau khi tốt nghiệp, và quyết định học những ngành thực dụng như kỹ sư, thương mại... có thể thấy rằng theo học một trường đại học công lập có thể có lợi cho họ hơn.

Và có lẽ điều này cũng giống với nhận định của nhiều nhà tư vấn giáo dục là khả năng thu nhận và sử dụng kiến thức do nhà trường cung cấp quan trọng trên đường dài hơn là tên tuổi của ngôi trường.