Ưu và khuyết điểm học đại học lớn Print
Tác Giả: Vann Phan(Viết theo collegeboard.com)   
Thứ Ba, 07 Tháng 9 Năm 2010 17:55

Khi các bạn sinh viên tìm kiếm cho mình một trường đại học vừa ý để theo học,

một trong các quyết định then chốt mà các bạn cần thực hiện là quyết định xem nên chọn một trường đại học lớn hay là một trường đại học nhỏ.

Các trường đại học tại Hoa Kỳ rất đa dạng, từ những trường nhỏ với sĩ số trên dưới 1,000 sinh viên cho tới những trường lớn có số sinh viên theo học tới 35,000 hoặc nhiều hơn thế nữa.

Tùy theo sở thích và mục tiêu học vấn của từng người, các bạn thế nào cũng tìm ra được mái trường lý tưởng của mình trong đời sinh viên đại học.

Bạn có hình dung được cảnh mình là sinh viên của một trong 10 trường đại học lớn nhất Hoa Kỳ chưa? Ðó là loại trường có vô số các chương trình học để lấy văn bằng cũng như có các cuộc thi đấu thể thao được trực tiếp truyền hình.

Nếu bạn là người lúc nào cũng nôn nóng muốn thoát ra khỏi cái cảnh thu mình trong một trường trung học bé nhỏ để được tha hồ tung tăng, bay nhảy trong số hàng chục nghìn sinh viên ngày ngày cùng cắp sách đến trường một lúc thì một trường đại học lớn chính là môi trường thích hợp cho bạn.

Bản liệt kê các ưu và khuyết điểm sau đây của một trường đại học loại lớn có thể giúp bạn quyết định xem có nên theo học một trường đại học có tầm cỡ hay không:

Ưu điểm:

- Vô số các môn học và ngành chuyên môn.

- Thư viện được tổ chức quy mô và muốn tìm cái gì cũng có.

- Nhiều loại cư xá và phòng cho thuê bên trong và bên ngoài khuôn viên đại học.

- Nhiều chương trình thể thao được tài trợ rộng rãi.

- Nhiều cơ hội học vấn và hoạt động xã hội.

- Ban giảng huấn gồm nhiều giáo sư danh tiếng và uyên bác.

Khuyết điểm:

- Lớp học nào cũng đông đúc.

- Nhiều môn học chỉ được các vị phụ giảng (teaching assistant) chỉ dẫn chứ không do các giáo sư đích thân đứng dạy.

- Các giáo sư đại học chú trọng nhiều hơn tới công trình nghiên cứu của riêng họ cũng như lo theo dõi các luận án và tiểu luận của sinh viên cao học. Ít có dịp đối thoại và phản hồi giữa giáo sư và sinh viên.

- Sinh viên bị áp lực phải đưa ra sáng kiến và tự mình tìm ra giải đáp.

- Nặng về giấy tờ cồng kềnh và thư lại (bureaucracy, red tape) trong thủ tục ghi danh nhập học và quy trình thi cử.

- Sinh viên có khả năng bị chìm ngập vào tập thể sĩ tử đông đúc.

Sinh viên Beth Finkelstein của Ðại Học University of Michigan, lớp 1991, viện dẫn nhiều lý do khiến cô thích theo học một trường đại học lớn. “Sau bốn năm tại một trường trung học nhỏ không có đội football, tôi vô cùng hứng khởi khi được đặt chân vào một trường đại học lớn cung ứng vô số cơ may về xã hội và học vấn. Tinh thần thể thao cao độ với những tiếng reo hò, cổ võ đặc thù của một trường đại học lớn chính là điều tôi vẫn dõi tìm,” người nữ sinh viên tâm sự như thế.

Các tiện nghi khảo cứu

Một điều hấp dẫn lớn nữa cho nữ sinh viên Beth là các tiện nghi khảo cứu mà một trường lớn như University of Michigan cung ứng. Cô nói: “Tôi biết rằng mình yêu thích môn khoa học xã hội, nhưng không biết chắc là ở lãnh vực nào.

 Tại Ðại Học Michigan, tôi có cơ hội làm việc và học hỏi cùng với các sinh viên cao học, giúp đỡ họ trong công trình khảo cứu, và vì thế được tiếp cận với nhiều lãnh vực xã hội học khác nhau. Chính trong thời gian làm việc cho một dự án nghiên cứu chung như thế mà tôi khám phá ra niềm say mê của mình trong lãnh vực giáo dục và dạy học.”

Ai đứng lớp giảng dạy: Giáo sư hay phụ giảng?

Rõ ràng là các trường đại học lớn có nhiều điểm lợi như được trình bày ở trên, nhưng dẫu sao cũng còn có một số điều bất lợi. Tỷ dụ, trong khi bạn ghi danh vào một lớp của một vị giáo sư danh tiếng trong lãnh vực chuyên môn đó, điều vẫn hay xảy ra là lớp học này lại do vị phụ giảng hướng dẫn.

Các giáo sư khét tiếng tại tường thường hay chú tâm nhiều hơn vào công trình khảo cứu của họ, chuyện xuất bản công trình của họ và việc duyệt xét các luận án hoặc tiểu luận của các sinh viên cao học. Nếu bạn tính chuyện theo học một trường đại học lớn thì chắc là bạn phải tìm cho ra có bao nhiêu phần trăm lớp học chỉ do các vị phụ giảng dạy dỗ và bao nhiêu phần trăm lớp học được chính các giáo sư thực thụ giảng dạy.

Tình trạng thư lại

Một điều nữa cần phải cứu xét tới khi bạn muốn chọn một trường đại học lớn là tình trạng thư lại luôn đi theo lề lối quản lý hành chánh tại các trường đại học lớn. Mặc dù các trường đại học lớn cung ứng vô số lớp học và môn ngành, không phải dễ dàng khi bạn muốn chọn thứ gì mình muốn. Tỷ dụ, nếu môn chính của bạn là tâm lý học, thì khi bạn chọn học một lớp học về kinh doanh, nhà trường thường đòi hỏi bạn phải có hằng chục chữ ký giới thiệu mới được.

Vậy thì, khi đến quan sát và tìm hiểu tại một trường đại học lớn, bạn cần phải hỏi cho rõ nếu bạn chọn học một ngành bên ngoài môn chính của bạn thì bạn cần phải hội đủ những điều kiện nào.

Kích cỡ lớp học

Sau cùng, trong khi những lớp học đông dầy sinh viên có thể khiến cho một số người cảm thấy hào hứng thì nó lại có vẻ tràn ngập quá so với một số bạn sinh viên khác. Các lớp nhập môn tại các trường đại học lớn thường có tới mấy trăm sinh viên đến tham dự cùng một lúc, khiến cho bạn cảm thấy mình bị khớp khi phải lên tiếng hỏi câu gì, và rồi cái bối cảnh vĩ đại này lại dễ khiến cho bạn buồn ngủ nữa, vì hầu như bạn chẳng bị ai ngó thấy cả, nhất là khi bạn đã chọn cho mình một chỗ ngồi mút ở phía sau hàng ghế áp chót!

Ðể có thể học hành thành công tại một trường đại học lớn thì trước hết bạn phải chắc chắn mình là kẻ dám nghĩ dám làm (go-getter), không sợ sệt khi phải lên tiếng về bất cứ vấn đề gì, và lúc nào cũng nhanh nhẩu giành lấy các cơ hội học hỏi mà một trường đại học lớn trao vào tay bạn.