Home CĐ Việt Du Học Mỹ Đại Học Mỹ Không ở ký túc xá: Lợi và hại

Không ở ký túc xá: Lợi và hại PDF Print E-mail
Tác Giả: Vann Phan(Viết theo collegboard.com)   
Thứ Hai, 23 Tháng 8 Năm 2010 19:50

Những vấn đề của sinh viên năm đầu đại học

  Dọn vào ở một căn phòng hay ngôi nhà bên ngoài khuôn viên đại học là một chọn lựa hấp dẫn đối với nhiều sinh viên đại học.

 Tuy nhiên, ăn ở bên ngoài trường rồi ngày ngày cắp sách đến trường đại học cũng có những cái lợi và những cái hại của nó, y như mình vừa có được tự do nhưng lại phải gánh vác thêm nhiều trách nhiệm.

Ðiều quan trọng là các bạn sinh viên nhận định được hết mọi sự kiện trước khi đặt bút xuống ký hợp đồng thuê nhà đầu tiên trong cuộc đời sinh viên của mình.

Lợi và hại của việc sống bên ngoài khuôn viên đại học

Việc đầu tiên bạn phải làm trước khi quyết định ăn ở bên ngoài trường đại học là cứu xét xem mình sẽ sinh sống và học hành như thế nào trong môi trường đó. Ðể đạt mục tiêu sống trong một gian nhà hoặc một ngôi nhà bên ngoài theo ý mình thì có thể các bạn sẽ phải đánh đổi nhiều thứ mới có được. Tỷ dụ, số tiền bạn coi là để dành được nhờ chung tiền với ai đó mướn một căn phòng bên ngoài trường có thể sẽ lại phải đem dùng vào chi phí đi lại để đến trường và về nhà.

Sau đây là một số những điều lợi và hại để các bạn cân nhắc:

* Cái lợi:

- Sống bên ngoài khuôn viên đại học có thể sẽ rẻ tiền hơn là vào ở trong ký túc xá (hay cư xá sinh viên) đại học.

- Bạn có thể có thêm nhiều quyền tự chủ, tự do, giờ phút riêng tư và chỗ sinh hoạt rộng hơn.

- Thường thì các gian nhà tư nhân yên lặng hơn và ít có những chuyện chia trí của bạn, vì thế đây sẽ là môi trường học hành tốt hơn cho những ai ưa thích được yên tĩnh.

- Nhờ đứng ra mướn nhà ngay lúc còn là sinh viên, khi ra trường bạn đã có sẵn một lý lịch mướn nhà tốt để từ đó dễ dàng mướn nhà ở nơi mình đến làm việc sau này. Ngoài ra, là kẻ từng ở nhà mướn, bạn có được kinh nghiệm thực tế ngoài đời hơn.

- Bạn có thể nấu ăn riêng theo khẩu vị và ý thích của mình -nhất là những bạn thuộc “dân tộc thiểu số” không thể sống thiếu nước mắm hoặc tương chao, cà muối...

- Chấm dứ tình trạng xài chung buồng tắm và phòng vệ sinh, hoặc ít nhất cũng chỉ dùng chung chạ với một số ít người thôi.

* Cái hại:

- Ðôi khi thuê nhà bên ngoài trường đại học lại tốn kém hơn. Bạn phải nộp tiền ký quỹ an toàn (security deposit), tiền thuê nhà tháng đầu và tháng cuối, trả chi phí tiện ích (điện, nước, rác...) tiền sắm bàn ghế, mua đồ trang bị phòng ốc, mua máy móc gia dụng, mua đồ lau dọn nhà cửa, mua đồ ăn thức uống, cùng với chi phí đi lại.

- Bạn phải tự lo liệu lấy dịch vụ Internet và truyền hình dây cáp.

- Bạn phải làm việc lặt vặt trong nhà để tự phục vụ cho mình: dành thì giờ đi mua thức ăn, nấu ăn, lau dọn, rồi di chuyển từ nhà đến trường và ngược lại.

- Trong những lúc cần kíp, bạn có thể bị cô lập khỏi các tiện nghi trong khuôn viên đại học cũng như tách biệt khỏi các bạn đồng lớp.

- Bạn sẽ phải lãnh thêm nhiều nhiệm vụ và trách nhiệm luật pháp cũng như tài chánh.

- Nếu bạn ký hợp đồng mướn nhà theo năm, đôi khi bạn sẽ cảm thấy nhu cầu cần kiếm người thuê lại gian nhà hay ngôi nhà vào những tháng Hè khi bạn về nhà bố mẹ hoặc đi chơi xa.

Hãy suy nghĩ đến những điều nào là quan trọng đối với bạn, và rồi chọn riêng cho bạn những cái lợi lợi hay cái hại lấy từ bản kê nói trên. Có thể bạn còn cần phải so sánh và đối chiếu mọi chi phí liên quan tới việc sống bên trong hoặc bên ngoài khuôn viên đại học, tức là hằng tháng mình sẽ phải tốn bao nhiêu khi vào ở ký túc xá so với khi mình tự do muốn ở đâu thì ở bên ngoài khuôn viên đại học.

Vài lời khuyên dành cho các bạn sinh viên chọn sống bên ngoài khuôn viên đại học

Trong một hay hai năm cuối của đại học, rất nên sống bên ngoài khuôn viên đại học, trong một gian nhà hay một ngôi nhà, nhưng điều cần là bạn vẫn phải đeo bám theo chương trình ăn uống tại trường để đỡ bớt phần nấu nướng, dọn dẹp mất thì giờ (nếu bạn là người không thuộc loại ăn uống cầu kỳ, kiểu cách). Bằng cách này bạn vẫn có thể ăn uống, hú hí, cà-phê cà pháo với bạn bè (và cứ thế mà dành quyền châm thêm (refill) bao nhiêu cà-phê và nước ngọt vào ly mình cũng được).

Khi bạn chọn con đường sống bên ngoài khuôn viên đại học nhưng phải se phòng với ai đó -không nhất thiết phải là người bạn đồng lớp- thì phải bảo đảm rằng đôi bên cùng thỏa thuận về các luật lệ chung liên quan tới chuyện thanh toán các hóa đơn chi phí, việc lau chùi dọn dẹp, giờ phút riêng tư, chuyện giải quyết các nhu cầu linh tinh của con người trần tục... Nếu không tính trước như thế, chỉ cần một chuyện nhỏ xảy ra thôi -tỷ dụ như ai là kẻ xài hết miếng giấy vệ sinh cuối cùng- có thể trở thành những vấn đề đáng ghét. Cứ giả định là mọi việc rồi ra sẽ đâu vào đấy, nhưng bạn cũng vẫn phải đề phòng những trường hợp xấu nhất xảy ra cho mình một khi bạn đã chọn việc se phòng với ai đó bên ngoài trường đại học.