Sân chơi văn học nghệ thuật cho người trẻ gốc Việt và Á Print
Tác Giả: Tiffany Lê/Người Việt /Triệu Phong chuyển ngữ   
Thứ Hai, 16 Tháng 8 Năm 2010 18:08

  Sinh hoạt “open mic” - một hình thức diễn cho nhau nghe - của nhóm Common Ground diễn ra tại trụ sở VAALA Center ở Santa Ana thu hút hơn 100 bạn trẻ gốc Á

 từ Quận Cam, Long Beach và Los Angeles tham dự, với (từ trên xuống dưới): Jumakae, người gốc Thái; Anna Nguyễn, giáo viên đến từ San Jose; Mai Ðoàn; Ðan Lê. (Hình: Tiffany Lê/Người Việt; và Common Ground)
 

SANTA ANA, California - Nếu có một nơi an toàn tránh được mọi phê phán có lẽ không nào hơn đến dự buổi “open-mic.” Open-mic một hình thức giống như diễn cho nhau nghe, một buổi diễn nơi mà ai đến tham dự cũng đều có thể bước lên sân khấu để ca, ngâm thơ hoặc kể chuyện.

Nhằm ngày Thứ Năm đầu tiên mỗi tháng, nhóm “Common Ground” tổ chức một buổi open-mic ở trung tâm VAALA Center tại Santa Ana. Ðám đông người trẻ gốc Việt tề tựu về đây để ca hát, ngâm thơ và kể chuyện tiếu lâm. “Diễn viên” bày tỏ cảm xúc hỉ nộ ái ố của mình, có khi họ tuôn lệ nữa.

Trong buổi open-mic đầu tiên của nhóm Common Ground vào hôm 5 tháng 8, người ta chỉ mong có được 50 người đến tham dự nhưng hóa ra số người đến lại hơn 100. Duyen Tran, một trong các nhà tổ chức của Common Ground buộc miệng: “Ðây mới chỉ là buổi khai trương thôi mà!” Theo Facebook của nhóm, Common Ground là một “tập hợp của nhiều thành viên, nghệ sĩ và các nhà hoạt động trong cộng đồng.” Nhóm tổ chức những buổi diễn như open-mic để tạo sức mạnh cho cộng đồng và có dịp giúp cho người nghệ sĩ phát triển năng khiếu.

Trần Kỳ Phong, một nhà văn từng đoạt nhiều giải thưởng, diễn đọc một bài thơ của mình. (Hình: Common Ground)

Cô Jumakae, nhà tổ chức người Thái của nhóm One Imagination, nói: “Ðẹp đẽ biết bao khi được kết hợp với cộng đồng sắc dân Ðông Nam Á ở đây. Tôi thấy phước đức được thấy các cộng đồng ngồi lại với nhau.” Nhiều thành viên của nhóm One Imagination đến tham dự buổi diễn open-mic.

Buổi open-mic đầu tiên của nhóm Common Ground phải mất 5 tháng để hoạch định. Chương trình này được vận động rầm rộ trước trên các trang của Facebook lẫn Twitter. Diana Bui, một trong các nhà tổ chức của Common Ground nói: “Ðây quả là điều mà chúng ta hằng ao ước từ lâu.” Diana sau đó trình bày một màn “spoken word” nói về cảm nghĩ một phụ nữ gốc Á. Spoken Word là lối kể chuyện nhưng theo vần điệu của thi phú.

Một trong số các diễn viên buổi open-mic có Anna Nguyễn, 22 tuổi. Anna là một giáo viên ở khu vực dân nghèo ở San Jose. Cô ngâm một bài thơ nói lên nỗi lòng vì sao mình đi làm nghề giáo, và niềm hy vọng gây được tinh thần hiếu học nơi các em học sinh, để tương lai mới có thể thoát ra được vùng đất nghèo khổ này.

Kế đó, Anna lại ngâm một bài thơ vui nói về bộ ngực nhỏ của mình. “They are bigger than mosquito bites, but bigger to break Asian stereotypes.” (Chúng lớn hơn vết muỗi cắn, nhưng lớn hơn đủ để phá vỡ thành kiến của người gốc Á.) Mặc dù bài thơ nói về bộ ngực nghe khó chịu làm sao nhưng lời thơ của Anna lại quá tức cười khiến người nghe phải gạt ra ngoài mọi khó chịu.

Ðược hỏi vì sau lại lấy thân thể mình ra để làm thơ thì Anna đáp: “Tôi lớn lên mang mối hận có bộ ngực nhỏ. Thông điệp của tôi gửi đến giới phụ nữ là phải biết yêu thương chính mình, mặc cho báo chí nói gì thì nói.” Anna nói rằng phụ nữ gốc Á bị phê bình có bộ ngực quá nhỏ nhưng thật ra phụ nữ họ có đủ hình dáng và kích thước đẹp đẽ khác nhau.

Diana Bui ngâm bài thơ do mình viết về nhân quyền cho tất cả người dân vùng Ðông Nam Á. (Hình: Common Ground)

Có lẽ một trong những màn trình diễn cảm động nhất đến từ một anh chàng đẹp trai rụt rè không dám bước lên sân khấu. Anh nhìn thính giả mỉm cười và tự thú rằng người ta xúi anh lên cầm micro, anh đùa: “Có người hứa cho tôi một dollar nếu tôi chịu lên đứng đây.”

Chàng trai lấy can đảm bắt đầu màn trình diễn và nói: “Tôi là người đồng tính. Bố tôi biết thế nhưng mẹ thì không.” Thính giả vỗ tay rào rào như thể muốn nhắn nhủ rằng anh không việc gì phải lo và được mọi người yêu thương.

Người trai trẻ giải thích: “Tôi được nuôi dưỡng trong một gia đình Việt Nam truyền thống và có cảm tưởng như mình mang hai lối sống.” Rồi anh ta bắt đầu đọc bài viết của mình, nội dung muốn nói lên nỗi ước muốn “được sống thật, kể hết cho mẹ nghe những gì mình giấu diếm bấy lâu nay.” Bài đọc kể tiếp là anh cảm thấy chưa phải lúc để thú thật với mẹ nhưng đồng thời lại cảm thấy đau khổ vì sống trong sự dối trá. Lúc diễn phần mình gần xong anh nhìn xuống thính giả và nói: “Tôi thương mẹ tôi dù cho bà ấy có biết tôi là đồng tính hay không.”

Tiếng hoan nghênh rộ lên tràn ngập căn phòng. Chàng trai bước ra khỏi ánh đèn sân khấu, đôi mắt đỏ và hoen vì lệ. Bạn bè ôm chầm lấy anh.

Buổi diễn open-mic của nhóm Common Ground chào đón tất cả mọi người. Ðề nghị hiến tặng $5 khi vào cửa nhưng ai không có tiền vẫn cứ vào được.