Home CĐ Việt Du Học Mỹ Đại Học Mỹ Hoạt động của sinh viên đại học Princeton và Yale

Hoạt động của sinh viên đại học Princeton và Yale PDF Print E-mail
Tác Giả: Vann Phan   
Chúa Nhật, 07 Tháng 2 Năm 2010 22:08

Khi sinh viên Haley White trở về Ðại Học Princeton University từ một chuyến đi thực tế quan sát hoạt động của một công-ty sản xuất cà chua

và được biết rằng tại các xí nghiệp đang có nạn bóc lột sức lao động, cô muốn phải có hành động để chận đứng tệ nạn này. Cô sinh viên nói: “Tôi cảm thấy mình là một con người không xứng đáng nếu nhìn thấy sự thể như thế mà quay lưng đi và chẳng làm gì cả.”

Một buổi sinh hoạt chính trị trước tòa nhà First Center của sinh viên Ðại Học Princeton ở New Jersey vào năm 2005. (Hình: Getty Images) 

Với tư cách của một người tiêu thụ ghi nhận được tình trạng xí nghiệp lạm dụng công sức của người lao động, người nữ sinh viên cảm thấy mình có khả năng giúp điều chỉnh lề thói làm ăn của các tổ hợp kỹ nghệ loại này. Bước đầu tiên của cô là đệ trình một bản trưng cầu ý kiến cho hội đồng quản trị sinh viên đề nghị toàn thể khuôn viên đại học chú trọng tới đề tài Mậu Dịch Công Bằng (Fair Trade) trong kỹ nghệ sản xuất cà chua, khiến cho cộng đồng Ðại Học Princeton phải chuyên tâm hơn tới vấn đề các xí nghiệp cứ muốn bán sản phẩm theo giá thị trường mà lại trả lương dưới mức tiêu chuẩn cho công nhân. Bản trưng cầu ý kiến của cô được thông qua bằng đại đa số phiếu, và sinh viên White cho biết thêm rằng cô dự trù mở một cuộc thăm dò sâu rộng hơn về Mậu Dịch Công Bằng trong cộng đồng đại học của mình vào Tháng Giêng.

Sinh viên White chọn việc không đưa chiến dịch của mình xuống đường, mà thay vào đó tung ra một cuộc vận động êm ả hơn để đưa ra các sáng kiến như là việc trưng cầu ý kiến hội đồng quản trị sinh viên vừa kể. Cô White cùng với các sinh viên ưa dấn thân hoạt động khác từng mô tả khuôn viên Ðại Học Princeton là nơi sinh viên ưa mở ra các buổi thuyết giảng và quay phim hơn là lên tiếng phản đối và tụ tập biểu tình. Một số sinh viên, như David Pederson, thuộc hội Anscombe Society, mô tả văn hóa khuôn viên đại học này là “vô cảm,” mặc dù vị Phụ Tá Viện Trưởng Về Ðời Sống Khuôn Viên Ðại Học Janet Dickeson thường nói rằng bà coi sinh viên Princeton là những người “có tầm nhìn chiến lược và tinh tế trong các hoạt động xã hội và chính trị.”

Sinh viên cao học Anne Twitty GS, chủ tịch Hội Princeton Pro-Choice Vox, nhận xét rằng cộng đồng sinh viên Ðại Học Princeton là thụ động.
“Tôi nghĩ rằng vì văn hóa Ðại Học Princeton có xu hướng thanh lịch cho nên nó cũng làm cho sinh viên thiếu nhiệt tình trong các hoạt động dấn thân vào chính trị... Không còn nghi ngờ gì nữa là sinh viên Princeton ai cũng có tham vọng cả, nhưng họ cứ muốn tiến thân mà không cần phải dùng công sức nhiều. Nhưng xu hướng hoạt động xã hội và chính trị của sinh viên, nhất là việc tổ chức quần chúng và bảo vệ quyền lợi của họ, không phải là chiếc dù che chở cho giới sinh viên đó.”

Một số sinh viên thuộc các nhóm hoạt động trong khuôn viên đại học mô tả hội đồng quản trị sinh viên luôn can dự vào các biến cố chính trị và bênh vực cho các chính nghĩa, nhưng không sẵn lòng cam kết mở các chiến dịch đại quy mô.
Raffi Grinberg, phó chủ tịch Hội Tigers for Israel, nhận định: “Bạn phải dành nhiều thì giờ vào các vấn đề thời sự như thế này, và đó chính là thách thức, nhất là trong trường hợp vấn đề không trực tiếp liên quan tới bạn.”

Trong khi các cuộc biểu tình phản đối hăng say có thể là không được ưa chuộng cho lắm tại Princeton, nhiều sinh viên cho rằng điều này không làm cho nỗ lực tranh đấu vì lẽ phải của họ kém hiệu quả. Tỉ dụ, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế, hiện có các chi nhánh hoạt động tại nhiều khuôn viên đại học, trông cậy phần lớn vào hoạt động viết thư cho các giới chức chính phủ để giúp cứu vớt những tù nhân chính trị.

“Hành động như thế có vẻ như là sẽ không đưa tới kết quả nào. Nhưng sự thể nhiều người đã dành thì giờ viết thư tay cho các chính phủ, với mục đích làm cho họ cảm thấy mắc cỡ mà phải trả tự do cho tù nhân chính trị hoặc phải thôi không tra tấn tù nhân, có lúc lại rất hữu hiệu,” sinh viên Marian Messing, chủ tịch chi nhánh Amnesty International tại Ðại Học Princeton, nhận xét như vậy. “Kể từ năm 1961 tới nay, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế đã thành công trong các cuộc vận động giúp cho 44,000 tù nhân chính trị được phóng thích và bảo vệ họ khỏi bị tra tấn hoặc bị dọa giết.”

Mặc dù sinh viên không thường xuyên tổ chức các cuộc tập họp phản đối ầm ĩ, các sinh viên trong cộng đồng đại học nói rằng họ tin là sinh viên Ðại Học Princeton vẫn tiếp tục dấn thân vào những vấn đề thời sự quan trọng bằng nhiều phương thế khác nhau.
“Tôi tin rằng sinh viên Ðại Học Princeton hoàn toàn dấn thân vào lý tưởng phục vụ đất nước và phụng sự cộng đồng các quốc gia trên thế giới,” giáo sư chính trị học Harris-Lacewell tại Princeton phát biểu như vậy.

Stav Atir, sinh viên năm cuối tại cuối của Ðại Học Yale, một trong các điều hợp viên của chi nhánh Amnesty International tại Yale, nói rằng anh tin là Ðại Học Yale có một số lượng khá lớn các hoạt động xã hội và chính trị của sinh viên. “Nếu bạn ở trong khuôn viên đại học và đang tìm cách tham dự vào các hoạt động này, bạn khỏi cần phải tìm kiếm vất vả,” anh cho biết như thế qua một email.

Atir nói rằng chi nhánh Amnesty International tại Ðại Học Yale không phải chỉ làm có mỗi một công việc là viết thư vận động nhưng cũng còn tổ chức những sinh hoạt chính trị nữa. “Tỉ dụ, khi hôn nhân giữa những người đồng tính luyến ái được hợp pháp hóa tại Connecticut, chúng tôi đã cho tổ chức một liên hoan có chủ đề ‘hôn nhân đồng tính giết chết khủng long’ trong đó khách đến dự ăn mặc như cô dâu và chú rể và làm đám cưới giả với nhau. Và dĩ nhiên là ban tổ chức cũng cho cả những con khủng long xuất hiện nữa.”