Hoạt động xã hội và chính trị của sinh viên đại học Mỹ |
Tác Giả: Vann Phan | |||
Chúa Nhật, 07 Tháng 2 Năm 2010 21:55 | |||
Phong Trào Sinh Viên Ðấu Tranh Cho Xã Hội Dân Chủ (Students for a Democratic Society) và Phong Trào Tự Do Ngôn Luận (Free Speech Movement) Sinh viên UC Berkeley xuống đường trong phong trào Free Speech Movement. (Hình: Lưu trữ tại Moffitt Library, UC Berkeley) Phong Trào Sinh Viên Ðấu Tranh Cho Xã Hội Dân Chủ là một phần của khuynh hướng chính trị Tân Tả Phái (New Left) của sinh viên tại các trường đại học ở Hoa Kỳ, với chủ trương phản đối cuộc Chiến Tranh Việt Nam (1960-1975). Phong Trào Tự Do Ngôn Luận (Free Speech Movement) ra đời để phản ứng chống những nỗ lực độc đoán của các giới chức quản trị Ðại Học UC Berkeley tại California muốn ngăn chặn sinh viên khỏi đi quyên góp và tuyển mộ các sinh viên làm việc cho phong trào đấu tranh vì dân quyền tại các tiểu bang còn phân bệt chủng tộc trong học đường tại miền Nam Hoa Kỳ. Phong Trào Sinh Viên Ðấu Tranh Cho Xã Hội Dân Chủ mở phiên họp đầu tiên vào năm 1960 tại trường đại học University of Michigan ở Ann Arbor, Michigan, và đề cử Alan Harber làm chủ tịch. Bản tuyên ngôn chính trị của Phong Trào Sinh Viên Ðấu Tranh Cho Xã Hội Dân Chủ, gọi là Tuyên Ngôn Port Huron (Port Huron Statement), phần lớn được Tom Hayden, một sinh viên 22 tuổi từng là chủ bút tờ báo sinh viên tại Ðại Học Michigan, viết ra. Bản tuyên ngôn của Phong Trào Sinh Viên Ðấu Tranh Cho Xã Hội Dân Chủ, được 60 thành viên sáng lập chấp thuận vào năm 1962, đả kích hệ thống chính trị Mỹ đương thời vì đã không thực hiện được hòa bình quốc tế hoặc đối phó hữu hiệu với các vấn đề xã hội như kỳ thị chủng tộc, chủ nghĩa vật chất (materilism), chủ nghĩa quân phiệt, nạn nghèo đói và nạn bóc lột trong kinh doanh và kỹ nghệ. Bản tuyên ngôn của Phong Trào Sinh Viên Ðấu Tranh Cho Xã Hội Dân Chủ kêu gọi phải thực hiện nền dân chủ có dân chúng tham dự, là hệ thống đem lại quyền lực cho mọi công dân để họ có thể chia sẻ các quyết định xã hội ảnh hưởng đến đời sống và phúc lợi của người công dân. Ðây là niềm tin sôi nổi, nếu không phải là ngây thơ, của những sinh viên sáng lập Phong Trào Sinh Viên Ðấu Tranh Cho Xã Hội Dân Chủ rằng phong trào đấu tranh bất bạo động này của giới thanh niên và sinh viên có khả năng biến cải xã hội Hoa Kỳ thành một hệ thống chính trị khuôn mẫu, trong đó toàn thể dân chúng, thay vì chỉ có tầng lớp tinh hoa của đất nước, nắm quyền trong các chính sách xã hội. Lúc đầu, Phong Trào Sinh Viên Ðấu Tranh Cho Xã Hội Dân Chủ dồn hết nỗ lực vào nhiệm vụ giúp thăng tiến phong trào đấu tranh cho dân quyền và các nỗ lực cải thiện tình trạng sống tại các khu cộng đồng biệt lập bên trong các thành phố. Vào Tháng Tư năm 1965, Phong Trào Sinh Viên Ðấu Tranh Cho Xã Hội Dân Chủ đã tổ chức một cuộc tuần hành toàn quốc tiến về thủ đô Washington, và từ đó phong trào này ngày càng trở nên táo bạo, nhất là trong chuyện chống đối cuộc Chiến Tranh Việt Nam, sử dụng các chiến thuật như mở các cuộc biểu tình náo động (dù không gây bạo động) và chiếm đóng những cơ sở hành chánh tại các khuôn viên đại học. Sau năm 1965, Phong Trào Sinh Viên Ðấu Tranh Cho Xã Hội Dân Chủ được quần chúng biết tới chủ yếu là vai trò lãnh đạo của phong trào thanh niên chống Chiến Tranh Việt Nam. Phong Trào Tự Do Ngôn Luận ra đời để phản ứng chống nỗ lực độc đoán của các giới chức quản trị Ðại Học UC Berkeley tại California muốn ngăn chặn sinh viên khỏi đi quyên góp và tuyển mộ các sinh viên làm việc cho phong trào đấu tranh vì dân quyền tại các tiểu bang còn phân bệt chủng tộc trong học đường tại miền Nam Hoa Kỳ. Những phản ứng thái quá của các giới chức viện đại học trước sức đối kháng chừng mực của sinh viên dẫn tới những cuộc bãi khóa ngồi lì và chiếm đóng tòa nhà quản trị hành chánh tại viện đại học. Việc bắt giữ trên 500 sinh viên biểu tình phản đối đưa tới nhiều cuộc biểu tình đông đảo kéo dài sáu, bảy tuần lễ của hơn 70% thành viên thuộc khối sinh viên tại Ðại Học Berkeley. Trào lưu thanh niên đối kháng chính trị mà Phong Trào Sinh Viên Ðấu Tranh Cho Xã Hội Dân Chủ và Phong Trào Tự Do Ngôn Luận dẫn khởi trở nên yếu tố nổi bật trong các hoạt động xã hội và chính trị của sinh viên đại học Mỹ được các sinh viên có khuynh hướng cấp tiến theo học ngành khoa học nhân văn cũng như các sinh viên cao học tại một số các trường đại học ưu hạng thúc đẩy. Trào lưu thức tỉnh của giới sinh viên đại học, mệnh danh là phong trào Tân Tả Phái, được khai triển quanh nhóm sinh viên hậu duệ của các phong trào cấp tiến hồi thập niên 1930 ở Hoa Kỳ -gọi là “red-diaper babies”, chính là cánh thanh niên trong một phong trào xã hội đã hòa nhập vào Phong Trào Sinh Viên Ðấu Tranh Cho Xã Hội Dân Chủ, bởi vì hầu hết các thành viên được tuyển mộ ban đầu của phong trào này đều là các sinh viên thuộc thế hệ “red-diaper babies.” Những nguyên tắc mang tính cách lý tưởng và vị tha một cách mơ hồ của Phong trào Sinh Viên Ðấu Tranh Cho Xã Hội Dân Chủ lúc ban đầu đều được thể hiện qua những ngôn từ vang dội của Tuyên Ngôn Port Huron: “Chúng ta sẽ thay thế quyền lực bám rễ trong giới tài phiệt và các nhóm đặc quyền đặc lợi bằng quyền lực đặt căn bản trên tình thương, tư duy, lý trí và khả năng sáng tạo.” Bản Tuyên Ngôn Huron cũng tố cáo tình trạng khốn cùng của con người mà nay đã “xâm nhập sâu xa vào xã hội, với hậu quả là làm nảy sinh cuộc đấu tranh của miền Nam chống lại tình trạng phân biệt chủng tộc tại học đường, cũng như đã gây ra cuộc Chiến Tranh Lạnh, mà tiêu biểu là trái “Bom Nguyên Tử.” Chính bản tuyên ngôn này đã thúc đẩy thế hệ trẻ đứng lên “gánh vác trách nhiệm đương đầu và giải quyết các vấn đề của thế hệ mình với tư cách là những cá nhân trong xã hội.”
|