Home Biến Cố CG SJ Sinh Hoạt Vĩnh biệt Ông Hà Văn Sàn

Vĩnh biệt Ông Hà Văn Sàn PDF Print E-mail
Tác Giả: Tiến Sĩ Trần An Bài   
Chúa Nhật, 26 Tháng 9 Năm 2010 21:55

Tâm tình thương nhớ của Tiến Sĩ Trần An Bài đối với ông Đa Minh Hà Văn Sàn.

 

 
              Ông HÀ VĂN SÀN

Được sự đồng ý của Đức Ông Đỗ Văn Đĩnh, Quản nhiệm Cộng Đoàn CGVN Giáo xứ Thánh Maria Goretti, con xin được chia sẻ vài suy tư, để thay lời cho các Hội Đoàn và Đoàn Thể trong Giáo Xứ, đặc biệt là:  
 - Đoàn Liên Minh Thánh Tâm mà cụ ông Đa Minh Hà Văn Sàn là Hội viên,
 - Hội Các Bà Mẹ Công Giáo mà bà Hà Văn Sàn là Hội viên,
 - Hội Đền Thánh Tử Đạo VN, Hội Legio Mariae, Hội Khấn, Hội Cầu Nguyện, Hội Cao Niên, Hội Dòng Ba Đa Minh, Đoàn Thiếu Nhi TT, Ban Giáo Lý Việt Ngữ, Ca đoàn Chứng Nhân, Ca đoàn Mông Triệu, Đoàn Hướng Đạo mà ông bà Hà Văn Sàn và các con, các cháu đã và đang sinh hoạt.

Kính thưa Đức Ông 
Kính thưa quý Cụ, quý Ông Bà và anh chị em,

Hôm nay là ngày mồng 8-8-2008. Đây là những con số rất dễ nhớ và cũng rất quan trọng. Quan trọng vì ngày hôm nay, toàn thể Giáo Hội Công Giáo mừng kính Thánh Đa Minh, Đấng đã lập dòng Thuyết Giáo, quen gọi là Dòng Đa Minh, Đấng đã sáng lập nên Kinh Mân Côi để chúng ta đọc hằng ngày.

Các phần tử trong Dòng Đa Minh, dòng nhất, dòng nhì, dòng ba và những người nhận Thánh Đa Minh làm quan thày - như Đức Ông Đa Minh Đỗ Văn Đĩnh, như cụ ông Đa Minh Hà Văn Sàn - thì đông vô số kể và điểm đặc biệt, rất đặc biệt là tất cả con cái Thánh Đa Minh đã được Đức Mẹ thương yêu và chiều chuộng cách riêng.

Truyện Thánh Đa Minh có kể rằng: Một ngày kia, Thánh nhân được chiêm ngưỡng cảnh thiên đàng. Thánh nhân nhận ra đủ hạng người, già trẻ lớn bé, và thuộc đủ mọi dòng, triều. Nhưng điều kỳ lạ là không hề có một người nào thuộc gia đình Đa Minh cả. Thánh nhân buồn bã vô cùng liền chạy đến Đức Mẹ và hỏi:

- Thưa Mẹ, sao con không thấy một người anh em Đa Minh nào của con ở thiên đàng vậy?"

Đức Mẹ mỉm cười, trả lời:

- Đa Minh ơi, con có biết rằng Mẹ thương yêu con cái Đa Minh chúng con chừng nào ư? Đây, con hãy xem dòng họ Đa Minh của con.

Nói xong, Đức Mẹ liền dang hai tay ra, và Thánh Đa Mình nhìn thấy hằng hà sa số con cái Đa Minh đang tươi cười hớn hở trong tà áo của Đức Mẹ. Tưởng cần nhắc lại là trong số 117 vị Thánh Tử Đạo VN thì có tới 37 vị, tức là gần 1/3, thuộc dòng Đa Minh.

Chính ngày hôm nay, Giáo Hội mừng kính lễ thánh Đa Minh.

Và cũng hôm nay, chúng ta họp nhau tại đây, để tưởng nhớ một người Anh Cả Đa Minh của Cộng Đồng CGVN San Jose vừa tạ thế và cũng để tiễn biệt một linh hồn Đa Minh lành thánh đang trên đường về Thiên Đàng. Đó là cụ ông Đa Minh Hà Văn Sàn.

Nói tới cụ ông Đa Minh Hà Văn Sàn, mọi người đều nhận ra ngay đến tính nết và vẻ mặt của ông lúc nào cũng đầy lo lắng. Cái gì ông cũng lo. Lo đủ thứ: Lo gia đình, lo Đoàn LMTT, lo Đền Thánh, lo Giáo Xứ VN …

Quý vị thấy chiếc cà vạt màu đỏ chót mà tôi đang đeo đây và ngày mai, trong Thánh Lễ An Táng, những chiếc cà vạt này còn nhiều hơn nữa. Màu đỏ này tượng trưng cho Tình Yêu nồng cháy của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Cụ ông Đa Minh Hà Văn Sàn sợ rằng những chiếc cà vạt màu đỏ chúng tôi tự ý mua không được đỏ hoặc không đồng đều, nên trong một chuyến về thăm VN, ông đã mua rất nhiều cà vạt và phát tặng cho anh em chúng tôi. Đấy, cụ ông Đa Minh Hà Văn Sàn dễ thương và dễ mến là như thế đó.

Nhưng điểm đặc biệt của cuộc hành trình của cụ ông Đa Minh - mà mọi người cho là may mắn - đó là ông biết trước được ngày đi, ông tỉnh táo cho đến giờ phút cuối cùng và dĩ nhiên ông biết được nơi phải tới, và vì thế, ông đã chuẩn bị rất chu đáo. Ông đã được chết lành.

Dù vậy, sự ra đi của cụ ông Đa Minh Hà Văn Sàn chắc chắn đã để lại một khoảng trống đầy thương nhớ, hoang mang cho gia đình, cho Cộng Đồng và riêng cho Đoàn LMTT chúng tôi.

Ngày xưa, khi Cha Thánh Đa Minh sắp sửa ra đi, con cái vây quanh giường bệnh, khóc lóc, hoang mang lo lắng, vì từ nay không còn người săn sóc nữa. Nhưng Thánh Đa Minh đã an ủi họ và hứa rằng sau khi chết, ngài sẽ lo lắng cho họ nhiều hơn nữa. Đúng như bài kinh Thánh Đa Minh chúng ta thường đọc:

"Ở sự trông cậy lạ lùng Cha đã ban cho những kẻ thương khóc Cha đang lúc mong sinh thì, vì bấy giờ Cha đã hứa sau khi qua đời, Cha sẽ làm ích cho các anh em. Lạy Cha, xin hãy giữ lời đã hứa, mà cầu giúp chúng con."

Hôm nay, gia đình và Cộng Đồng chúng ta cũng thương tiếc người Anh Cả Hay Lo Lắng của chúng ta vừa ra đi. Nhưng chúng ta hãy tin tưởng rằng Anh ra đi thì sẽ làm ích hơn cho gia đình và Cộng Đồng.

Tôi quen biết ông bà Hà Văn Sàn vào năm 1986, tức khoảng 22 năm qua, nhưng vào năm 1988, trong dịp đi hành hương La Mã chung với ông bà để dự lễ phong thánh 117 Anh Hùng Tử Đạo VN, tôi mới khám phá ra nhiều điều rất hay về hai ông bà. Trước kia, nhìn bà Hà Văn Sàn, tôi cứ tưởng bà là một bà mẹ quê, như bao nhiêu bà mẹ quê khác, sinh trưởng ở miền đồng chua, nước mặn Thái Bình. Nhưng tôi đã lầm. Bề ngoài bà có vẻ nhà quê, nhưng từng lời ăn tiếng nói, từng cách cư xử đã chứng tỏ bà là một người rất tế nhị, dịu dàng, thương chồng một cách tuyệt vời. Có lúc tôi nghĩ rằng: "Ý Chúa thật nhiệm mầu! Chúa đã dựng nên ông Sàn thì Chúa lại rút xương sườn ông, dựng nên bà Sàn. Hai người bổ túc cho nhau thật là tuyệt vời!" Rất ít người trong Cộng Đồng chúng ta biết được điều này: Ông Hà Văn Sàn tính tình bộc trực, không thích thơ văn thì bà Hà Văn Sàn tuy không phải là thi sĩ, nhưng lại có biệt tài xuất khẩu thành thơ:

 Hơi thở của bà là thơ,
 Lời nói của bà là thơ,
 Tâm tình của bà là thơ, và
 Tiếng cười của bà cũng là thơ.

Trong cuốn sách nghi thức An Táng cụ ông Đa Minh Hà Văn Sàn mà mỗi người đang cầm trong tay, chúng ta thấy có hai câu thơ nhắc nhở các con cháu:

 Lưu lạc quê người thương cha mất,
 Ngậm ngùi thương tiếc nhớ cha đi.

Đấy, thơ của bà là như vậy. Không kiêu sa cầu kỳ, nhưng rất nhẹ nhàng, bình dị và thân quen.

Sau khi cụ ông mất, tôi có nói chuyện riêng với cụ bà.

- Bà Sàn ơi, ông mất rồi, bà có làm bài thơ nào tiễn chân ông không?
- Tôi mà thơ với thẩn cái gì? Nói ra người ta cười chết!
- Vậy thì khi ông ra đi, bà không có lời gì thương nhớ ông à?
- Thì có chứ, làm sao mà không có, nhưng mà mình phải dấu kín chứ! Ông Sàn vậy mà dễ thương lắm cơ!
- Thế bà nói nhỏ cho tôi nghe được không?
- Ừ, chỗ ông thì tôi nói, nhưng nhớ đừng nhắc lại cho ai biết nghe!

Trước giờ đọc kinh tối nay, tôi có đem chuyện này hỏi ý một người con của bà xem có nên tiết lộ mấy vần thơ của bà thủ thỉ với ông trước khi ông về Thiên Đàng không, thì anh nói với tôi thế này:

- Mẹ cháu nói vậy mà không phải vậy đâu. Bác cứ cho mọi người nghe thơ của mẹ cháu đi. Chính cháu cũng muốn nghe mà! Vậy thì thưa bà, chắc bà cũng chẳng hẹp hòi gì để tôi được nhắc lại mấy vần thơ tâm tình của bà. Bài thơ có tựa đề là "Thương Anh"

Kính thưa quý vị,

Năm nay cụ ông được 83 tuổi, thế mà cụ bà đã thương cụ ông từ thuở còn thơ, tức có nghĩa là lúc hầu hết chúng ta chưa sinh ra thì cụ bà đã thương cụ ông rồi và còn thương mãi cho tới bây giờ.

Thương anh từ thuở còn thơ,
Giờ đây xa cách bơ vơ cõi trần.
Xin anh nguyện Chúa Thánh Thần,
Thương ban em được muôn phần bình yên.

Bà còn giải thích cho tôi thế này: "Chữ "bình yên" nghe nó êm dịu và tình tứ hơn là chữ "bình an". Phải không ông?" Tôi trả lời: "Quá phải!"

Kính thưa tang quyến,

Tối nay, chúng tôi đến đây đọc kinh, nguyện Chúa Thánh Thần - qua lời cầu bầu của Đức Mẹ và Thánh phụ Đa Minh - soi đường dẫn lối cho cụ ông Đa Minh Hà Văn Sàn đi tới nơi về tới chốn.
 
Chúng tôi cũng xin được chia xẻ sự mất mát lớn lao với tang quyến. Xin bà tiếp tục tâm sự với ông bằng những câu thơ chân tình mộc mạc cho đỡ nhớ.      Xin các con các cháu luôn nhớ rằng từ nay không còn trông thấy cha, không còn trông thấy ông nội, ông ngoại nữa, nhưng các anh chị và các cháu vẫn còn mẹ, còn bà. Hãy nhớ rằng bà Sàn là người mẹ tuyệt vời. Tất cả chúng ta hãy yêu thương bà, đặc biệt là trong lúc này.