Hàn Quốc : « Kết nối Á – Âu trọn vẹn khi bán đảo Triều Tiên có hòa bình »
- Chúa Nhật, 21 tháng Mười năm 2018 23:09
- Tác Giả: Minh Anh
Họp báo về cuộc đối thoại cấp cao ASEM tại Bruxelles ngày 19/10/2018.
Minh ANh/RFI
Ngày 19/10/2018, tại đối thoại cấp cao ASEM 2018, Hàn Quốc kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu và thế giới ủng hộ tiến trình hòa bình cho bán đảo Triều Tiên vì một sự kết nối Á – Âu bền vững.
Lời kêu gọi này đã được ngoại trưởng Hàn Quốc Kang KyungWha đưa ra trong buổi họp báo chung với thủ tướng Áo, Sebastian Kurz hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, với bà Federica Mogherini – lãnh đạo ngoại giao Liên Âu và ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin.
Ngoại trưởng Hàn Quốc cho rằng trong năm nay tình hình bán đảo Triều Tiên đã có những tiến triển tích cực.
Việc nối lại đối thoại giữa hai miền và việc tổ chức ba cuộc gặp thượng đỉnh (hai cuộc họp Liên Triều và một Mỹ - Triều) đang mở ra nhiều hy vọng mang lại hòa bình cho bán đảo.
Hàn Quốc nhìn nhận những nỗ lực đáng kể của Liên Hiệp Châu Âu trong việc thúc đẩy nối lại các đối thoại, cũng như là vai trò tích cực của diễn đàn ASEM, cho phép Seoul có thể trình bày và giải thích chuyện gì đang diễn ra trong khu vực.
Do đó, ngoại trưởng Hàn Quốc cho rằng « nếu thế giới tiếp tục theo đuổi hướng đi này, chúng ta sẽ đạt đến việc giải trừ hạt nhân, có được một nền hòa bình và như vậy, chúng ta mới có thể có được một sự kết nối bền vững giữa châu Á và châu Âu. »
Lãnh đạo ngoại giao Hàn Quốc cho rằng một khi kinh tế Bắc Triều Tiên ổn định, bán đảo Triều Tiên có thể đóng vai trò cầu nối giữa nam và bắc. « Và đó sẽ là một tin vui cho sự kết nối giữa châu Á và châu Âu ».
Bà Kang Kyung Wha khẳng định « không có vũ khí hạt nhân, hòa bình sẽ bền vững. Điều này chỉ có lợi cho sự thịnh vượng chung của cả khu vực, vùng Bắc Á và phần còn lại của thế giới ».
Lời kêu gọi của ngoại trưởng Hàn Quốc được đưa ra trong bối cảnh châu Âu khẳng định thiện chí xích lại gần hơn với châu Á khi đề ra sách lược « kết nối mới » giữa châu Á và châu Âu một cách « bền vững, toàn diện và dựa theo các quy tắc », sao cho đôi bên cùng có lợi.
Cách tiếp cận kết nối này đã được các nước châu Á tán đồng.
Ngoại trưởng Philippines phát biểu tại buổi họp báo chung cho rằng việc ASEM tạo cơ hội cho các cuộc gặp song phương bên lề hội nghị đã thúc đẩy được nhiều vấn đề kể cả những hồ sơ gai góc.
Nhất là, tại châu Á, tiến triển tình hình bán đảo Triều Tiên vào thời điểm này được cho là quan trọng nhất.
Dù vậy, trong cuộc họp báo chung kết thúc thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu và Hàn Quốc được tổ chức ngay sau phiên họp ASEM, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk tuyên bố Liên Hiệp Châu Âu luôn ủng hộ sáng kiến đối thoại của Hàn Quốc với Bắc Triều Tiên, nhưng ông vẫn nhắc lại quan điểm của Liên Âu :
« Mục tiêu chung của chúng ta là giải trừ hạt nhân toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược » trên bán đảo Triều Tiên để có thể đi đến việc gỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Tin mới
- TT Trump: Sẽ giảm viện trợ 3 nước Trung Mỹ vì đoàn người di dân - 23/10/2018 00:27
- Mỹ rút khỏi hiệp ước INF để đối phó với Trung Quốc? - 22/10/2018 20:27
- Hợp tác tư pháp: Việt Nam học nhiều kinh nghiệm từ Pháp. - 22/10/2018 20:18
- Cái chết của Khashoggi : tổng thống Mỹ tỏ vẻ cứng rắn với Ả Rập Xê Út - 22/10/2018 17:03
- Bắc Kinh tố cáo ngoại trưởng Mỹ vì đã cảnh báo về bẫy nợ Trung Quốc - 22/10/2018 16:53
- Hai miền Triều Tiên và Liên Hiệp Quốc họp phiên thứ 2 về giải trừ quân bị - 22/10/2018 16:10
- Thủ tướng Nhật sẽ dẫn 500 lãnh đạo doanh nghiệp đến Trung Quốc - 22/10/2018 15:56
- California cho bán thức ăn tại nhà, dân Little Saigon thêm ‘job’ - 22/10/2018 05:29
- Một chùa ở Việt Nam chi $612,500 để mua cục thiên thạch từ Mỹ - 22/10/2018 02:55
- Biển Đông: Mỹ-Trung-ASEAN đồng ý quy tắc tránh va chạm trên không - 21/10/2018 23:17