Tài trợ quốc tế giảm, phòng chống SIDA ở Việt Nam khó khăn hơn
- Thứ Hai, 31 tháng Bảy năm 2017 17:00
- Tác Giả: Thanh Phương
Một loại thuốc điều trị HIVReuters
Hội nghị quốc tế về SIDA ( IAS 2017 ) diễn ra tại Paris từ ngày 23/07 đến 26/07/2017 đã là dịp để hơn 6000 bác sĩ và nhà nghiên cứu tổng kết những thành quả mới nhất về phòng chống SIDA, cũng như những trở ngại vẫn tồn tại trên con đường đi đến diệt trừ hoàn toàn dịch bệnh này.
Một trong những trở ngại đó chính là vấn đề tài chính, vì nhiều nước giàu như Mỹ và Pháp dự trù cắt giảm nguồn tài trợ cho nghiên cứu và phòng chống SIDA.
Điểm đáng ghi nhận đầu tiên đó là trong những năm gần đây, thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống SIDA : từ năm 2005 đến năm 2016, số người chết vì SIDA đã giảm phân nửa, chỉ còn 1 triệu người.
Đó chính là nhờ việc điều trị bằng thuốc kháng HIV ( ARV ) ngày càng phổ biến, giúp ngăn chận sự phát triển của virus HIV, cũng như ngăn chận sự lây nhiễm.
Nhưng trong năm ngoái, vẫn có thêm 1,8 triệu người bị lây nhiễm.
Con số lây nhiễm mới này đúng là có giảm đều đặn, nhưng còn quá chậm để đạt đến mục tiêu 500 ngàn ca lây nhiễm mới vào năm 2020, đủ để kềm chế dịch bệnh.
Tại những khu vực như Đông Âu, Trung Á, châu Phi cận Sahara và một số nước như Venezuela, dịch SIDA thậm chí lại có chiều hướng tăng rất đáng ngại.
Hiện giờ các nhà khoa học vẫn nỗ lực tìm ra một loại vaccin ngăn chận lây nhiễm virus HIV và đã đạt được một số kết quả khả quan.
Về điều trị thì các nhà khoa học cũng đang thử nghiệm chích thuốc cho bệnh nhân mỗi tháng một lần thay vì cho uống thuốc mỗi ngày suốt đời.
Việc phòng ngừa lây nhiễm cũng đạt được nhiều tiến bộ, với việc dùng thuốc kháng HIV ( ARV ) cho những người đồng tính có nguy cơ lây nhiễm cao.
Vấn đề gay go nhất thật ra chính là về mặt tài chính, vì không có tiền thì các nhà khoa học không thể tiếp tục nghiên cứu về SIDA được, thế mà nguồn tài trợ cho việc nghiên cứu này lại đang bị nhiều nước giàu cắt giảm, nhất là Hoa Kỳ, quốc gia đóng góp tài chính nhiều nhất.
Điều này sẽ gây tác hại cho cho công cuộc phòng chống SIDA tại những nước nghèo như Việt Nam.
Đó là điều mà bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ sau hội nghị quốc tế về SIDA, mà bản thân bà đã tham dự.