Ngân hàng Thế giới trống chỗ lãnh đạo, cơ hội cho chính quyền Trump ?
- Thứ Tư, 09 tháng Giêng năm 2019 18:02
- Tác Giả: Anh Vũ
Chủ tịch World Bank, ông Jim Yong Kim phát biểu trong lễ khai mạc Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc (CIIE) lần thứ nhất tại Thượng Hải ngày 05/11/2018.
REUTERS/Aly Song/Pool/File Photo
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim bất ngờ thông báo từ chức hôm 07/01/2019, ba năm trước khi hết nhiệm kỳ.
Nếu như việc tiến cử người kế nhiệm ông Kim gần như mặc định dành cho người Mỹ, giới quan sát cho rằng đây là cơ hội cho chính quyền Trump chiếm lĩnh mặt trận ở định chế quản lý nguồn vốn quốc tế, tạo lợi thế trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Hiện chưa rõ lý do ông Jim Yong Kim quyết định từ chức, song theo một số nguồn thạo tin thì nguyên do có thể phần lớn là bất đồng giữa người đứng đầu World Bank với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, liên quan đến các khoản cho vay dành cho Trung Quốc.
Là nước góp vốn nhiều nhất trong Ngân hàng Thế giới, Mỹ từng tuyên bố chỉ đồng ý tăng vốn cho World Bank nếu ngân hàng này giảm các khoản vay cho Trung Quốc.
Hồi cuối năm 2017, Nhà Trắng đã từng chỉ trích gay gắt World Bank khi ông Kim đấu tranh đòi tăng vốn cho định chế, để có thể đáp ứng nhu cầu phát triển. Đơn giản vì Bộ Tài Chính Mỹ khi đó không muốn nguồn vốn của định chế tài chính này được dùng để hỗ trợ cho kinh tế Trung Quốc.
Giới chức Mỹ đã gây áp lực để WB cho Trung Quốc vay ít hơn. Dư nợ cho Trung Quốc vay đã giảm 30% trong năm 2018 xuống còn 1,8 tỉ USD.
Việc ông Kim từ chức mở ra cơ hội để chính quyền Mỹ tìm một nhân vật đứng đầu có quan điểm « hiếu chiến », mở ra « mặt trận » mới cho cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, theo nhận định của Reuters.
Từ khi phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Nhà Trắng đã tìm nhiều phương sách tạo áp lực tối đa với Bắc Kinh, thông báo nâng mức thuế với hàng trăm tỉ hàng hóa Trung Quốc, liên tục tung ra các cuộc điều tra các vụ việc đánh cắp sở hữu trí tuệ hay gián điệp thương mại liên quan đến người Trung Quốc.
Đã thành thông lệ từ lâu nay, Hoa Kỳ vẫn luôn được quyền ưu tiên chọn một người Mỹ để lãnh đạo Ngân hàng Thế giới, Châu Âu thì được đặc quyền bổ nhiệm một người của họ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Quy tắc bất thành văn « độc quyền » nắm hai định chế tài chính lớn nhất thế giới này vốn bị nhiều chỉ trích từ nhiều nước khác, và các tổ chức phi chính phủ.
Chọn người lãnh đạo World Bank lúc này là một cơ hội nhưng cũng không phải là việc dễ dàng cho Washington, nhất là khi uy tín quốc tế của tổng thống Trump đang rất thấp.
« Nếu đưa ra một ứng cử viến không đủ tiêu chuẩn hoặc có quan điểm thù nghịch với WB thì Mỹ có thể mất đi đặc quyền và có nguy cơ gây ra chống đối từ các đại diện những nước khác », chuyên gia Scott Morris, một cựu quan chức của Bộ Tài Chính Mỹ từng làm việc tại WB nhận định.
Dù Mỹ có quyền chỉ định, nhưng ứng viên đó vẫn phải qua biểu quyết của các thành viên là đại diện của nhiều quốc gia, khu vực.
Ông Jim Yong Kim, 59 tuổi, là người Mỹ gốc Hàn Quốc được tổng thống Barack Obama chỉ định làm lãnh đạo WB năm 2012, sẽ chính thức rời định chế từ ngày mùng 1 tháng Hai tới.
Quyền lãnh đạo Ngân hàng Thế giới tạm thời sẽ do bà tổng giám đốc Kistalina Georgieva, người Bulgari đảm nhiệm, theo thông báo của World Bank.
Phát ngôn viên bộ Tài Chính Mỹ đã nhanh chóng lên tiếng đánh giá cao sự phục vụ của ông Jim Yong Kim, và cho biết bộ trưởng Steven Mnuchin đang khẩn trương làm việc để chỉ định một lãnh đạo mới.
Song có một thực tế rõ ràng là chính quyền Trump không ưa gì Ngân hàng Thế giới, và nhất là viện trợ phát triển không còn là vấn đề ưu tiên của vị tổng thống tỉ phú được bầu lên cùng khẩu hiệu « Nước Mỹ trước tiên ».
Hiện tại, Hoa Kỳ không có cả đại diện trong hội đồng quản trị của Ngân hàng Thế giới và cũng chưa đưa ra dấu hiệu nào về người kế nhiệm ông Kim.
Chuyên gia Scott Morris nhận định vị trí này hiện không quan trọng đối với Nhà Trắng bằng việc lấp vào những chiếc ghế trống của một loạt quan chức chính quyền vừa bỏ đi.
Nhưng ông Morris nhấn mạnh, ông Trump sẽ có thể thấy trong việc bổ nhiệm lãnh đạo WB cơ hội chứng tỏ quyền lực, và cách làm của ông sẽ còn gây bất ngờ.
Tin mới
- Chiến lược mới của Mỹ tại Trung Đông : Cô lập Iran - 11/01/2019 20:17
- Shutdown tại Mỹ tác hại đến Liên Hiệp Quốc - 11/01/2019 19:59
- Thủ tướng Canada cũng nhức đầu vì « Áo Vàng » - 11/01/2019 17:13
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-01-2019 - 11/01/2019 17:05
- Pháp- Nhật tăng cường hợp tác quân sự tại Thái Bình Dương - 11/01/2019 16:32
- Đài Loan không tạo cơ hội cho Trung Quốc "giải phóng" - 10/01/2019 23:35
- Mỹ biến chính sách “đối kháng” Trung Quốc thành luật ARIA - 10/01/2019 23:13
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-01-2019 - 10/01/2019 21:55
- Bắc Kinh tung tin "đã triển khai tên lửa diệt mẫu hạm" để dọa Mỹ? - 10/01/2019 21:28
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-01-2019 - 09/01/2019 18:59
Các tin khác
- Trí thông minh nhân tạo: Châu Âu tranh đua không cân sức với Mỹ-Trung - 09/01/2019 17:35
- Việt Nam tố cáo Facebook vi phạm luật an ninh mạng - 09/01/2019 17:22
- Đánh bắt cá ở Biển Đông : Trò chơi hai mặt của Bắc Kinh - 09/01/2019 03:30
- Tàu dầu Việt Nam cháy ngoài khơi Hồng Kông - 09/01/2019 03:16
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-01-2019 - 09/01/2019 02:31
- Năm 2019 : Brexit, điểm nóng đe dọa tăng trưởng châu Âu - 08/01/2019 20:09
- Kim Jong Un thăm Trung Quốc trước thượng đỉnh với Trump - 08/01/2019 16:55
- Chiến hạm Mỹ đi qua Hoàng Sa lúc đàm phán thương mại Mỹ-Trung bắt đầu - 08/01/2019 01:09
- Cam Bốt kỷ niệm 40 năm Khmer Đỏ bị đánh đuổi - 07/01/2019 23:34
- Golden Globe 2019 : "Roma" thắng lớn, "Bohemian Rhapsody" gây bất ngờ - 07/01/2019 18:06