Trầm cảm, nghiện ngập : Bệnh của những người làm nghệ thuật ?
- Thứ Tư, 13 tháng Tám năm 2014 20:23
- Tác Giả: Anh Vũ
Michael Jackson
Reuters
Cái chết của diễn viên Robin Williams không chỉ gây xúc động trong công chúng yêu nghệ thuật mà còn để lại những điều đáng suy nghĩ, khi mà đã có không ít các tài năng xuất chúng từng thành công rực rỡ trong nghệ thuật, dư thừa tiền bạc, nhưng lại bế tắc trong cuộc sống, để rồi rơi vào kết cục bị cuốn vào vòng nghiện ngập sa đọa hay kết thúc nhanh chóng cuộc sống bằng tự tử, hay bằng một cơn sốc ma tuý.
Bên cạnh những lời tiếc thương, ca tụng tài năng của Robin Williams như một tượng đài nghệ thuật, các chuyên gia tâm lý học nhìn thấy trong cái chết của Robin một hiện tượng khá phổ biến hiện nay trong giới những người nổi tiếng và giàu có, đó là bệnh trầm cảm và nghiện ngập.
Nhiều nhà tâm lý học đều có chung nhận xét là, cũng giống nghệ sĩ Mỹ vừa ra đi vì tự tử, nhiều các nghệ sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ hay nhà văn, nói chung họ là những người làm công việc sáng tạo nghệ thuật, rất hay bị mắc bệnh trầm cảm hay nghiện ngập.
Nhiều nghệ sĩ có tên tuổi lớn như Jim Carray, Catherine Zeta-Jones, Mel Gibson.... cũng đã từng công khai thừa nhận bị chứng trầm cảm hoặc ít nhiều nghiện rượu hay ma tuý.
Theo tổ chức Y tế thế giới, có hơn 350 triệu người ở mọi lứa tuổi khác nhau trên hành tinh bị mắc chứng trầm cảm và hàng năm có khoảng một triệu người bị chết.
Mara Buxbaum, trợ lý báo chí của Robin Williams, cho biết thời gian gần đây, diễn viên chính của những tác phẩm điện ảnh để đời như « Good morning Việt Nam », « Bà Doubtfire », « Will hungting » đã bị rơi vào tình trạng trầm cảm nặng.
Cảnh sát cũng đã có kết luận đầu tiên là Robin Williams chết do treo cổ tự tử.
Theo giáo sư Michel Raynaud, trưởng khoa tâm thần và trị nghiện tại Paris, thì có sự liên hệ giữa tài năng sáng tạo với trầm cảm và nghiện ngập.
Ông giải thích : « Các nghệ sĩ thường là những người nhạy cảm nhất, có cảm nhận xúc cảm mạnh hơn. Nhìn chung ở các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ các diễn viên có tài năng lớn thì đằng sau họ thường là những con người âu sầu, trầm cảm, có tình cảm tâm lý giằng xé ».
Trong khi đó, các sản phẩm kích thích như rượu, ma tuý, thường được coi như chất men, để giúp cho thăng hoa sáng tạo, lại rất sẵn trong môi trường của giới nổi tiếng, nghệ sĩ giàu có.
Chuyên gia tâm lý này cũng nói thêm là các nghệ sĩ thường bị sức ép rất lớn của sự thành công, họ luôn sống trong trạng thái có thể gọi là "tự huyễn mình".
Còn giáo sư Vikram Patel, giám đốc Trung tâm sức khoẻ tâm thần thế giới tại Anh (Global Mental Health), khẳng định đã có nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa tài năng sáng tạo và vấn đề sức khoẻ tâm thần, cho dù cơ chế của mối liên quan này vẫn chưa được sáng tỏ hoàn toàn.
Theo ông, các chu trình hoạt động não bộ khởi nguồn các sáng tạo giống như chu trình của bệnh tâm thần.
Như vậy khả năng sáng tạo càng lớn thì nguy cơ mắc bệnh tâm thần càng cao.
Mối liên quan giữa trầm cảm, bệnh tâm lý giằng xé với nghiện ngập cũng rất rõ ràng.
Theo giáo sư Raynaud, « khoảng từ 30 đến 50% người nghiện là những người bị trầm cảm và một nửa số người có tâm lý giằng xé cũng là những người nghiện ».
Ông giải thích : « bản thân nghiện ngập đã kéo theo các triệu chứng trầm cảm nghiêm trọng, trong những tình cảnh như vậy thường dẫn đến việc tự tử ».
Một nghiên cứu của tạp chí khoa học Journal of Phenomenological Psychology công bố năm 2009 khẳng định nếu như nổi tiếng mang lại sự giàu có, biệt đãi nào đó thì cái giá phải trả cho nó không phải nhỏ. Đó là vì trong vị thế như vậy những người nổi tiếng giàu có người ta thường cảm thấy cô đơn, dè chừng người khác.
Người ta vẫn thường cho rằng trầm cảm chỉ xuất hiện vào thời điểm khó khăn của cuộc sống và không thể hiểu tại sao bệnh này lại đến với những người dường như đã đạt được mọi thứ trong cuộc sống. Tuy nhiên các chuyên gia thì cho rằng tình trạng trầm cảm đến không có lý do nào rõ ràng.
Cách đây vài tháng, một ngôi sao của Hollywood là tài tử và đạo diễn điện ảnh tài năng Philip Seymour Hoffman cũng đã phải từ giã cõi đời khi còn trẻ, vì dùng ma tuý quá liều.
Robin Williams đã gây nguồn cảm hứng cho cả một thế hệ những nhà điện ảnh, những nghệ sĩ từ khi họ còn là trẻ thơ. Bởi vậy kết cục bi thương của cuộc đời ông có thể gây được coi là tín hiệu cảnh bảo về một cái bẫy trong sự nổi tiếng.
Tyler Hoskins, 23 tuổi một sinh viên đang theo học đạo diễn điện ảnh ở Mỹ nói giờ anh đã hiều ra được một điều : « dù nổi tiếng và giàu có thế nào thì điều đó sẽ không bao giờ giải quyết được các vấn đề cuộc sống của bạn ».
Chuyên gia tâm thần học Raynaud nhận định : « không chỉ có giới nghệ sĩ mới liên quan đến hiện tượng trầm cảm nghiện ngập mà có nhiều giới khác còn dễ mắc hơn khi mà cách sống của họ bị lêch lạc, bị sức ép công việc hay thành công một cách dễ dàng ».
Tin mới
- Dân Okinawa biểu tình phản đối việc xây căn cứ quân sự Mỹ - 14/08/2014 21:03
- Giảm thâm thủng ngân sách: Pháp xin Châu Âu nương tay - 14/08/2014 20:19
- Đối lập biểu tình đòi Thủ tướng Pakistan từ chức - 14/08/2014 20:11
- Giáo hoàng kêu gọi hòa giải và đối thoại liên Triều - 14/08/2014 20:04
- Ngoại trưởng Mỹ nhắc nhở Châu Á về sự thoái lùi của dân chủ và nhân quyền - 14/08/2014 19:56
- Người Khmer Krom vẫn biểu tình trước sứ quán Việt Nam ở Cam Bốt - 14/08/2014 19:50
- Mỹ sẽ giám sát 'các đảo đá, đảo san hô, và bãi cạn' ở Biển Đông - 14/08/2014 04:23
- Missouri: Bạo loạn tiếp tục sang ngày thứ nhì - 13/08/2014 20:47
- Giá nhà cửa Orange County cao thứ ba toàn quốc - 13/08/2014 20:38
- Nước Mỹ khóc thương thần tượng điện ảnh Robin Williams - 13/08/2014 20:29